Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

4929 - Cải cách thế nào khi thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước?

TS Phạm Quý Thọ

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vừa kết thúc. Sự kiện “rất thành công” này được ca ngợi bởi khát vọng thịnh vượng khuyếch trương “tính ưu việt” của chế độ mang nặng tính chất tuyên truyền thay vì thẳng thắn nhìn nhận và sẵn sàng đối diện với những khó khăn và thách thức để tiếp tục “đổi mới” để hiện thực hoá những ước mơ.
Bài viết, khai bút đầu Xuân Tân Sửu, trình bày khái quát đặc trưng chủ yếu của quá trình hơn một phần ba thế kỷ thực hiện chủ trương Đổi mới, từ đó gợi ý cách tiếp cận cho việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản về ý thức hệ cơ bản giữa phát triển kinh tế theo kiểu tư bản chủ nghĩa và sự kiểm soát toàn diện của đảng đối với xã hội và người dân. Đó là giải pháp chính sách cho mối quan hệ tăng trưởng kinh tế gắn với cải cách thể chế chính trị trên quan điểm công nhận quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường cũng chính là quá trình chuyển đổi dân chủ
Mở cửa và Cải cách
Đường lối Đổi mới, khởi động từ Đại hội 6 năm 1986, được khẳng định tiếp tục tại Đại hội 13 với hai trụ cột là “cải cách” và “mở cửa”. Quá trình ba mươi nhăm năm với những thay đổi thăng trầm, như Đảng vẫn khẳng định duy trì chế độ đảng toàn trị đồng thời với cải cách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Đặc thù này được diễn giải bằng khái niệm “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ năm 1989, Việt Nam nhanh chóng thay đổi sang chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ với các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị. Nỗ lực “thay đổi chính mình” của Đảng được thể hiện qua chính sách thực dụng trong đối ngoại với mục tiêu chủ yếu là hội nhập kinh tế khu vực và thế giới để duy trì tính chính danh qua tăng trưởng kinh tế. Chính sách này đã giúp chế độ hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa trên thế giới nói chung và đặc biệt sôi động tại Đông Á, Đông Nam Á nói riêng, bằng việc “trải thảm” cho các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất và buôn bán.
Đến nay, chính sách đối ngoại như vậy vẫn được khẳng định là đúng đắn và được phát triển theo chiều sâu bởi hàng chục các hiệp định đối tác đầu tư và thương mại với nhiều nước trên thế giới. Ngoài những tác động lan toả sang nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài, hiện chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và hơn 70% thặng dư xuất khẩu của quốc gia, ngày càng có vai trò quan trọng với nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, việc bỏ lỡ nhiều cơ hội khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng dẫn đến tình trạng “tụt hậu” so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là cải cách chậm chạp, thể chế hoá đường lối của Đảng mang nặng tính pháp trị và không phù hợp với chuyển đổi sang kinh tế thị trường do bị “níu kéo” bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều. Tránh sụp đổ như các nước XHCN ở Đông Âu, Việt Nam đã chọn cách khác, cải tổ “từ dưới lên”. Mỗi khi động lực thị trường được khuyến khích thì tiềm năng được khai thác để tăng trưởng kinh tế và, ngược lại, mỗi khi ý thức hệ trỗi dậy giáo điều thì kinh tế trầm lắng, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Tình trạng “bất ổn thể chế và kinh tế vĩ mô” trong thập kỷ trước do chính sách điều hành kinh tế dựa vào việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước đã để lại hậu quả nặng nề và kéo dài.
Trong nhiệm kỳ Đại hội đảng khoá 12 sự thay đổi được cho là “đột phá” khi chính sách kinh tế thực dụng, tạo điều kiện thúc đẩy tự do kinh doanh và tháo gỡ rào cản về pháp luật và thủ tục hành chính, được triển khai bởi “Chính phủ kiến tạo”, mặc dù “muộn mằn” nhưng thực sự đã có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách này phần nào “né” được thức hệ chủ nghĩa tập thể mà không bị quy là “suy thoái” về tư tưởng. Ngoài ra, nó dường như không làm giảm đi “ưu thế” của chế độ toàn trị trong những tình huống cấp bách như chống dịch COVID-19 và đối phó với các thảm hoạ thiên tai trong điều kiện nguồn lực kinh tế còn nghèo nàn.
Thách thức lớn nhất
Chủ trương “tiếp tục đổi mới” vẫn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội 13 là điều đáng chú ý với các mục tiêu tăng trưởng GDP cao trong kế hoạch 5 năm (2021-2026) và trong các chiến lược trung và dài hạn. Tăng trưởng kinh tế cao là sự cần thiết đảm bảo tính chính danh của đảng, đồng thời cũng tạo sức ép lớn đối với chính quyền. Tuy nhiên, tham vọng này cần xem xét thận trọng về cơ sở khoa học thay vì mục đích tuyên truyền.
Trước hết, bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh và phức tạp tạo ra các yếu tố bên ngoài tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư và thương mại, vốn là “trụ cột” quan trọng cho tăng trưởng như phân tích ở trên, theo hướng không bền vững và ngày càng chứa đựng tính chất cạnh tranh thể chế. Đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra khủng khoảng kinh tế, toàn cầu hoá ngừng trệ khi chuỗi cung ứng, giao thương bị gián đoạn, quá trình dân chủ suy giảm, nguy cơ “chiến tranh lạnh” mới khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, chuyên chế, vấn đề địa chính trị… những quan ngại và nỗi lo sợ thay đổi đã tạo cơ hội cho các loại chủ nghĩa như dân tuý, dân tộc… đang nổi lên.
Thứ đến, dần cạn kiệt “dư địa” tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ đã từng được các chuyên gia cảnh báo trong khi việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững vẫn tiếp tục là những yêu cầu từ các nhà hoạch định chính sách. Một thực tế đáng chú ý, một nhận định quan trọng được rút ra từ công tác điều hành kinh tế của “Chính phủ kiến tạo” là cải cách thể chế là dư địa lớn để tăng trưởng.
Tuy nhiên, khi triển khai các chính sách cụ thể, thách thức lớn nhất đối với chính quyền là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ cơ bản giữa phát triển kinh tế theo kiểu tư bản chủ nghĩa và sự kiểm soát toàn diện của đảng đối với xã hội và người dân.
Tuyên truyền về “thành công” của Đại hội 13 phản ánh sự khuyếch trương chủ nghĩa tập thể cũng như “tính ưu việt” của chế độ, thường phát huy trong tình huống cấp bách, là những biểu hiện của căn bệnh chủ quan duy ý chí. Thực tế cho thấy rằng, việc duy trì bộ máy đặc quyền đặc lợi mà thiếu cơ chế giải trình minh bạch và chịu trách nhiệm hiệu quả và không được kiểm soát bằng đối trọng cần thiết khiến tình trạng tham nhũng, trục lợi sẽ vẫn tiếp tục nghiêm trọng; quyền lực đảng tập trung cao độ sẽ khuyến khích cách tiếp cận “từ trên xuống” mang tính chất can thiệp chủ nghĩa, nhà nước có thể thắng thế trong mối quan hệ với thị trường; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương điều hành kinh tế tại chỗ và quản lý nguồn lực công trong điều kiện thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả sẽ làm rối loạn chức năng độc đoán, gây nên tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”….
Những yếu tố nêu trên cần được tính đến trong cải cách để tăng trưởng. Một khi đã xoá bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thì chỉ có một nền kinh tế thị trường linh hoạt, hội nhập và cạnh tranh mới có thể thúc đẩy điều chỉnh mang tính cấu trúc để tăng trưởng kinh tế bền vững… Hệ thống quy tắc của nền kinh tế thị trường – các quyền tư hữu, tự do kinh doanh, động lực khích lệ, cạnh tranh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng – cần được nhanh chóng xác lập và củng cố. Và hơn thế, cần được lồng ghép vào các lĩnh vực khác như khoa học kỹ thuật, văn hóa và tư tưởng, nơi chủ nghĩa tập thể vẫn chi phối độc quyền.
Một trong những giải pháp chính sách hướng tới giải quyết mâu thuẫn cơ bản nêu trên là gắn tăng trưởng kinh tế với cải cách thể chế chính trị trên quan điểm công nhận quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường cũng chính là quá trình chuyển đổi dân chủ. Những kinh nghiệm vận hành cơ chế kế hoạch hoá tập trung và sự logic của chủ nghĩa tập thể chỉ ra rằng việc kiến thiết kinh tế vĩ mô sẽ thất bại nếu các động lực vi mô và những quy tắc thiết lập nên các động lực đó bị coi nhẹ. Bởi vậy việc nghiên cứu toàn diện và sâu sắc mối quan hệ qua lại giữa kinh tế và thể chế sẽ cung cấp một tầm nhìn thấu đáo về cách xây dựng các quy tắc, các trật tự trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế nói riêng và quốc gia nói chung.


https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-continue-doi-moi-and-biggest-challenges-to-come-02142021093036.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét