Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

5024 - Báo Xuân ngày xưa

Trang Nguyen

Trong làng báo chí thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có một phụ bản cuối năm gọi là báo Xuân. Đây quả là một việc làm rất độc đáo, đáng trân trọng. Bài viết này hy vọng sẽ giúp cho những người muốn biết báo Xuân xuất hiện từ khi nào và trở thành món quà quan trọng bên cạnh nhành mai, cành đào, bánh mứt vào những ngày Tết ở những gia đình yêu thích chữ nghĩa.

Bìa Báo Xuân Sài Gòn mới này của Thái Văn Ngôn, họa sĩ chuyên vẽ bìa báo Xuân và tạo mẫu sơn mài hãng Thành Lễ nổi tiếng trước đây (sưu tập Phạm Công Luận)

Tôi nói báo Xuân không thể thiếu ở những gia đình yêu thích chữ nghĩa là bởi không phải ai cũng có điều kiện mua một, hai tờ báo Xuân cho những ngày Tết. Hơn nữa, loại báo Tết này giá bán không phải rẻ. Hồi còn nhỏ tôi hiếm khi thấy bà con chòm xóm, bạn bè, họ hàng của ba má tôi bài trí những tờ báo Xuân trên bàn, chỉ thấy toàn bánh mứt, hạt dưa và bộ ấm trà bằng sứ để tiếp khách viếng thăm. Sau này khi đi làm, đến nhà những người bạn đồng nghiệp, thỉnh thoảng tôi mới thấy vài ba tờ báo Xuân trang trọng đặt trên kệ bên hông chiếc bàn tiếp khách.

Báo Xuân trở thành món quà trang trí trong nhà, và ít có vị khách nào tới thăm chúc Tết, ngồi nhâm nhi tách trà, hàn huyên trò chuyện với gia chủ mà dành thì giờ mở tờ báo Xuân ra xem tường tận. Chỉ vài câu khen lấy lệ: “Báo A, báo B hình bìa in đẹp, có nhiều bài hay…”. Ngoại trừ những người làm nghề viết lách, hẳn nhiên những giai phẩm Xuân trở thành đề tài sôi nổi.

Tôi làm công việc viết lách nhiều năm và bạn bè tôi cũng vậy. Cứ mỗi năm Tết đến là chuẩn bị một hai bài đóng góp cho tờ báo nhà, báo bạn. Nội dung là những câu chuyện từ trong ký ức của những ngày Xuân cũ, nhắc lại gợi nhớ cho mùa Xuân mới. Và cứ thế nhiều người bạn tôi có thói quen lưu giữ những tờ báo Xuân như những kỷ niệm đẹp trong nghề và thậm chí còn săn tìm mua lại những tờ báo Xuân của những ngày xưa xa lắc xa lơ.

Tôi được người bạn là tác giả gửi tặng hai cuốn sách mang tính sưu tầm và biên soạn lại từ hàng trăm tờ báo Xuân có từ ngày xưa. Những tuỳ bút, hồi ký, giai thoại được gạn lọc qua từng giai phẩm Xuân tạo nên phong vị báo Xuân xưa của Sài Gòn. Với tôi, đây là những tác phẩm sưu khảo có giá trị để người đời nay xem được văn phong của tác giả, văn nhân hồi trước ra sao, những câu chuyện xưa giờ mình chưa biết. Tất nhiên để biên soạn được hai cuốn sách đó anh phải bỏ ra một thời gian dài thu thập tìm kiếm nguồn tài liệu phong phú mà anh cho biết trong lời giới thiệu trong cuốn Sài Gòn Phong vị báo Xuân xưa. Và đầu năm nay anh đã cho ra đời thêm tập II của cuốn Tuỳ bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa.

“Cách nay không lâu, nhờ may mắn, tôi mua được một xấp báo Xuân mà phần lớn là của một giáo sư đại học ở Sài Gòn trước 1975 đã ra nước ngoài sinh sống. Hai phần ba số đó còn nguyên bìa. Số ít mất bìa rơi vào giai phẩm Xuân của báo Sài Gòn Mới và báo Tiếng Chuông, vốn nổi tiếng về bìa in màu có hình thiếu nữ đẹp. Hơn phân nửa số đó có vết xé ngang tờ báo, đã được người bán dán lại. Bộ báo phải được mua toàn bộ, không được lựa từng tờ, giá không rẻ. Không dám kén chọn, tôi lấy hết. Ðó là quyết định đúng, vì không bao giờ có dịp mua được một lần 70 tờ báo Xuân mà xưa nhất là từ năm 1935”.

Bạn tôi thật may mắn có được những số báo Xuân từ giữa thập niên 1930. Vì từ mùa Xuân 1930, sáng kiến xuất bản số báo Xuân bắt đầu trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn do bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận làm chủ nhiệm và ông Quán Chi Ðào Trinh Nhất làm chủ bút. Giai phẩm Xuân của tờ Phụ Nữ Tân Văn được đông đảo độc giả hoan nghênh và ủng hộ. Nhiều tờ báo khác từ Bắc đến Nam theo đó mỗi năm đều ra báo Xuân. Báo Xuân bán rất chạy, nhiều độc giả ngóng chờ ở các sạp báo để mua tờ báo xuân mới ra lò.

Số Xuân của báo Tiếng Dội 1951 (Nguồn: Internet)

Nhớ thời gian học báo chí, giáo sư Huỳnh Bá Tòng có giới thiệu sơ lược về dạng giai phẩm Xuân trong làng báo chí Việt Nam. Theo ông, ở miền Bắc, tạp chí Nam Phong ra đời 1/7/1917 do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút có ra một số báo Tết 1918 nhưng sau đó không còn thấy tăm hơi báo Xuân của những năm sau, mặc dù Nam Phong tồn tại cho đến năm 1934. Số Tết 1918 của tờ Nam Phong là số báo Xuân duy nhất của tờ báo này. Báo in dày 126 trang, trong đó có 70 trang in chữ quốc ngữ, không có quảng cáo và không có ghi giá bán. Bài “Số Tết của báo Nam Phong” ký tên Phạm Quỳnh: “Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình… bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường… sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”.

Trong khi đó, báo Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn ra đời 15/1/1907 do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút lại có số báo Xuân năm Ðinh Tỵ (1908). Ðây là số báo Xuân đầu tiên của báo chí Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Cả hai tờ báo nổi tiếng ở miền Bắc và miền Nam không hiểu vì sao lại không ra tiếp những số Xuân sau khi cho ra được giai phẩm Xuân đầu tiên? Mãi đến năm 1930, tờ Phụ Nữ Tân Văn mới ra số báo Xuân đầu tiên và khởi đầu phong trào làm giai phẩm Xuân ở những tờ báo khác.

Từ thập niên 50 đến 70 những tờ báo của gia đình bà Bút Trà như Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ, Phụ Nữ Diễn Ðàn luôn là hiện tượng dẫn đầu số báo in, cùng với các tờ báo khác như Tiếng Chuông, Thần Chung, Tiếng Dội cũng được độc giả ủng hộ báo Xuân nhiệt thành. Nhiều tờ báo Xuân có in hình nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, dân chúng rất khoái mua, xem báo xong, cắt hình nghệ sĩ dán lên tường nhà.

Số Xuân của báo Thần Chung năm 1954 (Nguồn: Internet)

Báo Xuân xưa như món đồ cổ, nhiều nhà sưu tập săn lùng tìm kiếm mua cho bằng được những giai phẩm Xuân của các tờ báo nổi tiếng, nhất là những số báo trong thập niên 1950. Bạn tôi viết: “Lần khác, tôi mua được từ Cần Thơ gần 30 tờ báo Xuân khoảng từ 1954 cho đến 1958. Trong số đó có những tờ báo lạ, có thể chỉ phát hành trong một thời gian ngắn rồi đình bản nhưng kịp ra giai phẩm Xuân. Thật may mắn vì đó là những tờ báo hiếm. Không chỉ vì khan hiếm mà các giai phẩm Xuân xưa có sức hút như vậy. Dạng báo này được mê chuộng vì thường có nhiều bài viết hay, bìa báo và tranh ảnh minh hoạ được chăm chút kỹ lưỡng, lưu giữ khá nhiều phong vị Tết ngày xưa và hơi thở cuộc sống một thời, cùng những bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo và hoạ sĩ đã khuất bóng từ lâu”.

Ðúng vậy, Trong cuốn Tuỳ bút – Hồi ký – Giai Thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa (quyển I) của Phạm Công Luận biên soạn, tôi thích bài viết 25 năm về trước đồng bào Sài Gòn ăn Tết bằng dầu cù là và guốc (Ký ức của Trần Văn – Tiếng Chuông Xuân Bính Thân 1956). Bài viết đưa ta về quãng thời gian xa xăm khi ông Nguyễn An Ninh dựng gian hàng bán Tết ở chợ Bến Thành. Dựng gian hàng xong là hết vốn, không có tiền mua hàng để bán, ông bèn nhờ Nguyễn Bá Tường đem gởi 500 chai dầu cù là Thoại Dư Ðường, ông Nguyễn An Ninh đứng rao một hồi, mệt hơi thì có ông Hùm (PhanVăn Hùm) tiếp sức. Rao một buổi bán sạch 500 chai dầu cù là. Thấy thế nhiều người quen mang đồ đến gởi bán. Nào là bánh in Bổn Lạp, trà Nghi Bồi Nhâm, xà bông con cọp, xi rô Hiệp Hoà, guốc của sư Thiện Chiếu. Người ta chen nhau mua, tới sáng 30 tháng Chạp không còn một món gì.

Ở góc độ bán buôn, bài viết rút ra kết luận: “Ông Ninh đã khai sáng kỷ nguyên mới cho kẻ bán ngoài chợ là rao to. Từ đó người ta thấy nhiều người bắt chước ông, đầu này đầu kia đứng lên rao làm quảng cáo món hàng, nhưng họ lại làm quá hơn ông, họ ca vọng cổ, hát bài chòi hay kêu lô tô…”.

https://baotreonline.com/van-hoc/viet-nam-ngay-cu/bao-xuan-ngay-xua.baotre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét