Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

5115 - Tại sao Mỹ nên theo đuổi hợp tác với Trung Quốc


Tác giả: Jeffrey D. Sachs - Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

Lời người dịch: Bằng các hình thức gian manh hiện đại, Trung Quốc ngang nhiên vi phạm luật mậu dịch quốc tế, thực hiện các hoạt động gián điệp và thao túng các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện nay, cộng đồng thế giới đã nhận ra hung đồ của Trung Quốc trong các sách lược gây hại cho toàn cầu, nhưng Mỹ và các nước phương Tây liên kết không đủ mạnh để chống Trung Quốc. Do đó, một chiến lược bài Hoa cho một nền mậu dịch thế giới được công bình hơn và cùng chung hưởng thịnh vượng là một đối sách chung quan trọng hơn bao giờ hết.

Tình thế đổi thay từ ngày Donald Trump ra đi, Joe Biden muốn nắm trở lại vai trò lãnh đạo trong các hợp tác quốc tế và tôn trọng tinh thần tự do mậu dịch trong khuôn khổ các luật lệ của WTO.

Nhìn chung, phong trào bài Hoa lan tràn khắp nơi và chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ của Trung Quốc đang suy yếu. Các cường quốc phương Tây có lý do để không còn tin Mỹ quyết tâm lãnh đạo một sách lược bài Hoa mà thực tâm là trên hết bảo vệ cho nền kinh tế Mỹ. Dù tình hình còn nhiều bất trắc, nhưng khả năng hồi phục của Trung Quốc nhanh hơn Hoa Kỳ và châu Âu. Do đó, các quốc gia, dù có nguy cơ khác nhau, tùy tình hình cụ thể, không nhất thiết phải hợp tác với Mỹ. Châu Âu là một thí dụ điển hình, khi hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng tìm cách độc lập và không ràng buộc với Mỹ.

Khác với quan điểm của tác giả, dịch giả cho rằng, bài diễn văn của Tập Cận Bình tại Davos là một sự sỉ nhục nặng nề cho giới chức các nước phuơng Tây tham dự, vì không ai can đảm lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật thương mại quốc tế và các tham vọng lãnh thổ. Tập Cận Bình cũng không có tư cách để thuyết giảng các kinh nghiệm về giá trị cao đẹp của nền kinh tế thị trường, tinh thần trọng pháp và hợp tác quốc tế. Trung Quốc không bao giờ theo đuổi việc xây dựng và cổ xuý cho hệ thống đa phương, mà chỉ mơ bình thiên hạ khi các con đường đều dẫn tới Bắc Kinh. Tác giả ca ngợi thiện chí của Joe Biden là quá sớm vì các quyết định bài Hoa của Donald Trump cho đến nay vẫn còn được khắp nơi coi là đúng đắn.
Cuối cùng, theo dịch giả, Joe Biden không nên tin vào thiện chí của Trung Quốc trong sự hợp tác, mà nên xét xem sự hợp tác nào Trung Quốc hoan nghênh có thể gây hại cho Mỹ, khu vực và thế giới hay không. Mỹ nên tiếp tục đưa chính sách bài Hoa vào trong khuôn khổ điạ chính trị quy mô hơn để tạo niềm tin trong cộng đồng quốc tế. Sau đây là bài dịch:

***

Hợp tác không phải là hèn nhát, như những người Mỹ bảo thủ nhiều lần tuyên bố. Cả Mỹ và Trung Quốc đều thu nhiều lợi từ sự hợp tác: hòa bình, các thị trường mở rộng, tiến bộ công nghệ tăng tốc, tránh chạy đua vũ trang mới, tiến bộ để chống lại COVID-19, phục hồi việc làm trong toàn cầu một cách mạnh mẽ và nỗ lực chung chống lại biến đổi khí hậu.

Chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Thế chiến II dựa trên một ý tưởng đơn giản, có lẽ được Tổng thống George W. Bush thể hiện rõ nhất sau vụ khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001: Hoặc là làm bạn, hoặc là chống chúng tôi. Mỹ phải lãnh đạo, các đồng minh nên đi theo, và bất hạnh thay cho các quốc gia nào phản đối ưu quyền của Mỹ.

Ý tưởng này là vừa dễ dàng vừa đơn giản. Và hiện nay, điều đó đã trở thành lỗi thời: Hoa Kỳ không phải đối mặt với những kẻ thù không thể thay thế, không còn lãnh đạo một liên minh có quyền áp đảo và thu lợi hơn từ sự hợp tác với Trung Quốc và các nước hơn là đối đầu.

Cựu Tổng thống Donald Trump là một bức tranh biếm họa lố bịch về giới lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trump đã tung ra những lời lăng mạ, đe dọa, các thuế quan đơn phương và các biện pháp trừng phạt tài chính để cố gắng buộc các quốc gia khác phục tùng theo chính sách của mình. Trump xé tan các bộ sách về quy cách đa phương. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Trump ít gặp phải sự phản kháng từ bên trong Hoa Kỳ. Các chính sách của Trump chống Trung Quốc có nhiều sự đồng thuận hơn là phản đối. Các lệnh trừng phạt của Trump đối với Iran và Venezuela có ít sự phản đối, bất chấp những hậu quả thảm khốc về nhân đạo.

So sánh chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden là chuyện may mắn trời ban. Hiện tại, Mỹ đã tham gia lại Thỏa thuận Paris về Khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới, đang tìm cách quay lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và hứa sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Đây là những biện pháp vô cùng tích cực và đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, những tuyên bố về chính sách đối ngoại ban đầu của Biden đối với sự lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ là có vấn đề.

Bài phát biểu gần đây của Biden tại Hội nghị An ninh Munich là một cơ hội tốt cho suy nghĩ của chính quyền Biden trong những ngày đầu này. Có ba nguyên nhân cần quan tâm.
Đầu tiên, có một ý kiến khá ngây thơ cho rằng “Mỹ đã hồi phục” như là một nhà lãnh đạo thế giới. Hiện nay, Hoa Kỳ đang quay lại với chủ nghĩa đa phương, đã hoàn toàn sai lầm trong đại dịch COVID-19, và cho đến ngày 20 tháng 1 đang tích cực hoạt động chống lại việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mỹ vẫn phải chữa lành nhiều vết thương sâu đậm do Trump để lại, đặc biệt là cuộc nổi dậy vào ngày 6 tháng 1 và giải quyết lý do tại sao 75 triệu (*) người Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 năm ngoái. Điều đó có nghĩa là phải tính đến liều lượng khổng lồ của một tinh thần cực đoan thượng tôn người da trắng làm sống động phần lớn Đảng Cộng hòa ngày nay.

Thứ hai, Biden tuyên bố: “Quan hệ đối tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ vẫn phải là nền tảng của tất cả những gì chúng tôi hy vọng đạt được trong thế kỷ XXI, giống như đã làm trong thế kỷ XX”. Có thật không? Tôi là một người dành thiện cảm cho châu Âu và ủng hộ mạnh mẽ Liên minh châu Âu, nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ chiếm 10% trong nhân loại (các thành viên NATO chiếm 12%).

Liên minh Xuyên Đại Tây Dương không thể và không nên là nền tảng “cho tất cả những gì chúng ta hy vọng đạt được” trong thế kỷ này; nó chỉ là một khối xây dựng quan trọng và tích cực. Chúng ta cần tinh thần trách nhiệm xây dựng chung trong quản lý toàn cầu của tất cả các nơi trên thế giới, không phải riêng Bắc Đại Tây Dương hay bất kỳ khu vực nào khác. Đối với phần lớn thế giới, Bắc Đại Tây Dương có mối liên hệ lâu dài với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đế quốc, một sự nối kết do Trump khuấy động.

Thứ ba, Biden tuyên bố rằng thế giới đang tham gia vào một cuộc đấu tranh to lớn về mặt ý thức hệ giữa chế độ dân chủ và chuyên quyền. “Chúng ta đang ở điểm chuyển biến giữa hai lập luận, những người cho rằng, trước tất cả những thách thức mà chúng ta phải đối mặt – từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến đại dịch toàn cầu – chế độ chuyên quyền là lối thoát tốt nhất để tiến tới… và những người hiểu rằng dân chủ là điều chính yếu… để đáp ứng những thách thức đó”.

Đứng trước cuộc chiến được cho là ý thức hệ giữa dân chủ và chuyên quyền, Biden tuyên bố rằng “chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc”, ông cũng nói thêm rằng cuộc cạnh tranh này là “đáng hoan nghênh, bởi vì tôi tin vào hệ thống toàn cầu của châu Âu và Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh của chúng ta ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đã làm việc cật lực để xây dựng trong 70 năm qua”.

Mỹ có thể tự coi mình đang ở trong một cuộc đấu tranh ý thức hệ lâu dài với Trung Quốc, nhưng cảm giác đó không phải là hỗ tương. Giới bảo thủ Mỹ kiên quyết rằng Trung Quốc muốn thống trị thế giới, nó tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington. Nhưng mục tiêu của Trung Quốc không phải là chứng minh rằng chế độ chuyên quyền thành đạt vượt trội hơn dân chủ, cũng không phải là “làm xói mòn sự an ninh và thịnh vượng của Mỹ” như trong Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Mỹ khẳng định.

Hãy xem bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1/2021. Ông Tập không nói về những ưu điểm của chế độ chuyên quyền, hay những thất bại của nền dân chủ, hay cuộc đấu tranh lớn giữa các hệ thống chính trị. Thay vào đó, ông Tập đã gởi một thông điệp dựa trên chủ nghĩa đa phương để giải quyết những thách thức toàn cầu được chia sẻ, xác định “bốn nhiệm vụ chính”.

Ông Tập đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới “tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện của nền kinh tế thế giới”. Ông cũng kêu gọi họ “từ bỏ định kiến ý thức hệ và cùng nhau đi theo con đường chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi”. Thứ ba, họ phải “thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển và cùng nhau mang lại tăng trưởng và thịnh vượng cho tất cả mọi người.” Cuối cùng, họ nên “cùng nhau chống lại những thách thức toàn cầu và cùng nhau tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.”

Ông Tập tuyên bố rằng con đường dẫn đến hợp tác toàn cầu đòi hỏi phải duy trì “cam kết về sự cởi mở và toàn diện”, cũng như “tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc quốc tế” và “tham vấn và hợp tác”. Ông tuyên bố tầm quan trọng của việc “theo kịp thời đại thay vì từ chối sự thay đổi”.

Chính sách đối ngoại của Biden với Trung Quốc nên bắt đầu bằng việc tìm kiếm hợp tác hơn là giả định xung đột. Ông Tập đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ “tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế về COVID-19,” tiếp tục mở cửa với thế giới, và thúc đẩy phát triển bền vững và “một kiểu quan hệ quốc tế mới”. Ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ là khôn ngoan nếu hướng tới sự can dự với Trung Quốc trong những lĩnh vực này. Những luận điệu thù địch ngày nay có nguy cơ tạo ra một lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Hợp tác không phải là hèn nhát, như giới Mỹ bảo thủ nhiều lần tuyên bố. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có được nhiều lợi ích từ sự hợp tác: hòa bình, các thị trường mở rộng, tiến bộ công nghệ tăng tốc, tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới, tiến bộ chống lại COVID-19, khôi phục việc làm toàn cầu một cách mạnh mẽ và nỗ lực chung chống lại biến đổi khí hậu. Với việc giảm các căng thẳng toàn cầu, Biden có thể hướng các nỗ lực của chính quyền nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc và sự ngờ vực khiến Trump nắm quyền vào năm 2016 và vẫn gây chia rẽ xã hội Mỹ một cách nguy hiểm.

***

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư Khoa Phát triển Bền vững, Quản lý và Chính sách Y tế, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững, Đại học Columbia, Giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ông là cố vấn cho ba Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, Building the New American Economy. Tác phẩm mới nhất là A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism.

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Thật ra chỉ có 74,2 triệu cử tri bầu cho Trump, không phải 75 triệu: https://www.foxnews.com/elections/2020/general-results

https://baotiengdan.com/2021/02/28/tai-sao-my-nen-theo-duoi-hop-tac-voi-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét