Lý Thái Hùng
Tháng Ba năm nay (2021) đánh dấu đúng 10 năm trận động đất và sóng thần xảy ra tại miền Đông Bắc (Tohoku) của nước Nhật xảy ra vào lúc 2 giờ 46 phút chiều ngày 11 tháng Ba, 2011. Đây là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới từ khi các thiết bị ghi nhận được sử dụng từ năm 1900.
Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia liên hệ. Sóng thần cao đến 38,9 mét đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 cây số.
Trận động đất đã làm cho 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hay phá hủy hoàn toàn. Đặc biệt là trận động đất đã làm cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại với hiện tượng nóng chảy hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ, đặt toàn thể nước Nhật rơi vào tình cảnh nguy khốn.
Trong bối cảnh như vậy, dân chúng hốt hoảng, xã hội hỗn loạn, nạn hôi của xảy ra là chuyện bình thường.
Phóng viên NBC của Mỹ đã tường trình về trận động đất với một nhận xét đáng chú ý: “Đạo đức xã hội Nhật Bản thật đáng kinh ngạc! Không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến cướp bóc hay bạo lực. Tất cả mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cửa hàng. Nhân viên cửa hàng rất lịch sự và tử tế.”
Nói chung qua trận động đất này, thế giới thán phục tư cách của người dân Nhật, đặc biệt là thái độ tuân thủ mang tính lương thiện để giúp cho mọi diễn biến xảy ra trong sự trật tự chung.
Tư cách của người Nhật nói trên, chắc chắc bắt nguồn từ những giá trị truyền thống mà ta hay quen gọi là tinh thần Samurai.
Thật ra, tinh thần Samurai mà thế giới ca ngợi đến từ nền giáo dục đặc thù của người Nhật Bản mà ít ai để ý.
Để giáo dục một đứa trẻ từ lúc bắt đầu đưa đến nhà trẻ cho đến khi xong ngưỡng cửa học đường, chính sách giáo dục của mọi quốc gia đều tựa trên ba chân vạc rất quan trọng. Đó là hướng dẫn về:
Trong ba chân vạc nói trên, tùy theo quan điểm của mỗi quốc gia mà người ta sắp vị trí ưu tiên cũng như dành bao nhiêu công sức để hướng dẫn học sinh và sinh viên trên ba diện: Đức, Trí và Thể Dục.
Trong chương trình giáo dục, đa số các quốc gia trên thế giới sắp thứ tự ưu tiên: Trí Dục, Đức Dục, Thể Dục.
Tức là ưu tiên tập trung dạy cho học sinh, sinh viên về kiến thức, thậm chí còn mở thêm những lớp dạy kèm để các em học thêm hầu cạnh tranh trong các kỳ thi vào trường này, trường kia. Còn chuyện các em học thêm Thể Dục hay hướng dẫn về Đức Dục, tức tinh thần phục vụ xã hội, thương người, sống có trách nhiệm thì rất là giới hạn.
Chính hệ quả của lối giáo dục chú trọng nhiều vào kiến thức, chú trọng vào bằng cấp theo lối từ chương khoa cử đã làm nghèo đi xã hội vì ít ai muốn xã thân phục vụ, chỉ lo học để ra làm quan, làm giàu.
Nền giáo dục của Việt Nam từ nhiều thập niên qua đi theo ưu tiên Trí, Đức, Thể Dục này.
Trong khi đó người Nhật lại quan niệm khác. Nền giáo dục từ xa xưa họ lại đặt trên nền tảng Đức, Thể, Trí. Tức là sắp phần giáo dục kiến thức sau cùng.
Người Nhật quan niệm rằng một đứa trẻ mà không hiểu được nghĩa lý của con người , sống không có trách nhiệm đối với xã hội, quốc gia và dân tộc thì dù có giỏi bao nhiêu cũng không thể hữu ích gì cho người Nhật và nước Nhật.
Người Nhật còn quan niệm rằng, tư cách và đạo đức của một con người chỉ có thể phát triển trong một thân thể tráng kiện và khoẻ mạnh nên nhu cầu Thể Dục phải đi liền sau nỗ lực Đức Dục.
Khi con người đã có tư cách, có trách nhiệm trong một thân thể khoẻ mạnh thì tự chính họ sẽ tích cực học tập để gia tăng trí tuệ, kiến thức và chọn lựa những bộ môn mà họ thấy có thể đóng góp hiệu quả nhất.
Có lẽ do những suy nghĩ về nền tảng giáo dục: Đức, Thể và Trí Dục như vậy nên Nhật Bản đã không chỉ trở thành một dân tộc giàu mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà còn được đánh giá là dân tộc trọng tư cách, lễ nghĩa và có trách nhiệm, với biểu tượng Samurai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét