Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

5005 - Tướng quân đội làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có ý nghĩa gì?

Diễm Thi RFA




Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa vừa được Bộ Chính trị trao quyết định giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào sáng 19 tháng hai năm 2021. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đồng thời là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. 

Trong ĐCSVN, ông là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Ông Nghĩa có trình độ cử nhân Khoa học Xã hội - Nhân văn. 

Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương. Ban này cũng trực tiếp và thường xuyên giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên tuyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng. 

Việc một tướng quân đội được chuyển qua giữ chức Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, thay chiếc ghế trống của ông Võ Văn Thưởng khi ông Thưởng được cất nhắc làm thường trực Ban Bí Thư, ít nhiều khiến giới quan sát đưa ra một số nhận định.

Việc siết chặt báo chí và mạng xã hội thì lâu nay công an đã làm rồi. Bây giờ ông Nghĩa lên thì báo chí không được viết về Trung Quốc rộng rãi như trước đây nữa. -Nhà báo tự do Nguyễn An Dân

Theo Nhà báo tự do Nguyễn An Dân từ Sài Gòn, lâu nay người ta lo ngại các phe phái trong Đảng dùng báo chí của Đảng để đánh nhau. Bây giờ ông Nghĩa sẽ chấn chỉnh xu hướng đó. Ông nói thêm: 

“Tôi nghĩ sắp tới ngành tuyên giáo sẽ bảo thủ hơn vì ông Nguyễn Trọng Nghĩa làm công tác tuyên truyền lâu rồi. Ông Võ Văn Thưởng thì xuất thân từ dân sự. Ông Nghĩa là dân quân sự và là chính ủy của quân đội. Ổng là chỉ huy của lực lượng tuyên truyền AK47 của Đảng lâu nay. Do đó, sắp tới ngành tuyên giáo sẽ trở nên lý thuyết và giáo điều hơn trước đây.    

Báo chí cũng sẽ khó khăn hơn. Tôi nhận định ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũ là ông Võ Văn Thưởng cởi mở hơn do từ dân sự lên và thuộc loại trẻ. Ổng được cọ sát, giao lưu nước ngoài nhiều nên ổng có tinh thần đổi mới. Việc siết chặt báo chí và mạng xã hội thì lâu nay công an đã làm rồi. Bây giờ ông Nghĩa lên thì báo chí không được viết về Trung Quốc rộng rãi như trước đây nữa.” 

Từ những ngày cuối của năm 2017 cho đến hai tuần lễ đầu tiên của tháng Giêng năm 2018, chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị chuyên đối phó với không gian mạng. Đó là Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ tư lệnh 86) hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng thành lập.

Cuối tháng 1 năm 2021, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, thời gian qua, quân đội còn phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược về an ninh mạng dẫn chứng về Bộ tư lệnh 86. Bộ tư lệnh 86 đóng vai trò nòng cốt trong cái gọi là "đấu tranh phòng chống tội phạm cao và diễn biến hòa bình trên không gian mạng". 

00e8ea7e-ba36-4194-af36-e610660fa67b.jpeg
Ảnh minh họa Lực lượng 47 của Việt Nam do RSF đăng tải trong danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, nhân ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet.

Chính ông Nguyễn Trọng Nghĩa với vai trò Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã xác nhận thông tin quân đội có Lực lượng 47 với hơn 10.000 người là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.” 

Tháng 3 năm 2020, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới - RSF đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo RSF, Lực lượng 47 đã sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo, những tiếng nói dân chủ và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet. 

Trong khi đó, Nhà báo Thái Văn Đường lại không quan tâm nhiều đến việc tự do báo chí hay tự do ngôn luận bị ảnh hưởng dưới thời ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Nhà báo này giải thích rằng, những quyền tự do này xưa nay vốn đã bị siết chặt theo Luật An ninh mạng, và chưa bao giờ được nới lỏng. Do đó có siết thêm nữa cũng vậy thôi. 

Theo Nhà báo Thái Văn Đường, mục đích đưa ông Nghĩa vào vị trí Trưởng ban tuyên giáo là chiêu bài mị dân, ra điều không phân biệt vùng miền, không phe cánh… Ông giải thích: 

“Đây là thông tin khá bất ngờ. Từ chiều đến giờ tôi trao đổi với khá nhiều người trong giới thạo tin thì mọi người đều cho rằng, vừa qua không khí trong đại hội 13 phe cánh nhiều và bị dân chửi nhiều quá.

Bởi vì từ trước đến nay, theo truyền thống của ĐCSVN, về công tác nhân sự thì khi nào họ cũng phân chia cơ cấu vùng miền, độ tuổi, giới, dân tộc thiểu số… sao cho cân bằng. Thế nhưng lần này cái cơ cấu vùng miền bị chệch. Theo thống kê của em, có 16/63 tỉnh, thành bị trắng, không có Ủy viên Trung ương Đảng.  

Còn về Bộ chính trị thì phe cánh ở Nghệ An đang chiếm áp đảo. Có 18 Ủy viên Bộ chính trị ở Thanh-Nghệ-Tĩnh, tức chiếm tới 50% quân số.

Đặc biệt ở tứ trụ không có một người miền Nam nào. Người ngồi ghế Thường trực ban bí thư, một chức vô thưởng vô phạt, là ông Võ Văn Thưởng. Ông này quê Vĩnh Long nhưng lại sinh ra ở Hải Dương. Không phải là người miền Nam thuần túy. Bây giờ đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa này vô làm Trưởng ban tuyên giáo là hình thức mị dân.”  

Theo truyền thống của ĐCSVN, về công tác nhân sự thì khi nào họ cũng phân chia cơ cấu vùng miền, độ tuổi, giới, dân tộc thiểu số… sao cho cân bằng. Thế nhưng lần này cái cơ cấu vùng miền bị chệch. Bây giờ đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa này vô làm Trưởng ban tuyên giáo là hình thức mị dân. - Nhà báo Thái Văn Đường

Cơ quan ngôn luận của ĐCSVN là Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông. Hiện nay, người đứng đầu của hai cơ quan này đều xuất thân từ bên Quân đội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa. Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. 

Còn một số vị lãnh đạo hiện nay xuất thân từ quân đội và công an. Có thể nêu một vài trường hợp như: ông Phạm Minh Chính, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương ĐCSVN, từng là tướng công an; ông Nguyễn Hoà Bình, hiện là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam, từng là tướng công an; Lương Cường là tướng quân đội; Tô Lâm là tướng công an; Nguyễn Văn Nên từng là công an… 

Theo những nguồn tin riêng từ Hà Nội được Giáo sư Carl Thayer dẫn lại cho thấy, Hội nghị Trung ương 15 nhóm họp hôm 16 tháng một đã bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử cho ông Nguyễn Phú Trọng chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc chức Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính chức Thủ tướng và ông Vương Đình Huệ chức Chủ tịch Quốc hội. 

Một Trung tá Quân đội nhận xét về cấu trúc thể chế chính trị Việt Nam hiện nay: Chủ thuyết của cộng sản là chính quyền trên đầu ngọn súng. Súng đẻ ra chính quyền. Có súng sẽ có quyền. 


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-is-the-significance-of-the-army-general-as-head-of-the-central-propaganda-department-dt-02192021122623.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét