Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

5081 - Rằm tháng giêng


Hôm nay đã 14 tháng giêng. Cả nhà ạ, khi nói hoặc viết “tháng giêng” đừng có chua thêm vào thành “tháng giêng âm lịch” bởi như thế là thừa. Chỉ âm lịch mới có tháng giêng, cho nên mấy ông trẻ bên đoàn thanh niên đặt ra cái giải thưởng “Sao tháng giêng” để kỷ niệm ngày tính theo dương lịch quả thực rất nhí nhố. Tôi mà làm bí thư thứ nhất trung ương đoàn, tôi dẹp ngay.

Năm nay, Tết Tân Sửu, nhìn chung không khí tết tẻ nhạt, trầm lắng, hơi buồn. Cuộc sống khó khăn, nhiều nỗi lo, lại thêm dịch bệnh cô vít đe dọa khiến thiên hạ không còn say tết nữa. Ngó xung quanh thì rõ ngay, chứ chả như ông cụ kia mắc bệnh say sưa mạn tính bảo rằng năm qua nhìn chung là một năm thành công thắng lợi. Ổng quen mồm rồi, còn dân bây giờ cũng không dễ bị lừa như hồi trước.

Tháng giêng này, ơn đảng ơn chính phủ ơn dịch, người lớn “được” mất việc, tụi con nít đi học tiếp tục nghỉ dài dài. Năm ngoái chúng nghỉ hè triền miên, năm nay nghỉ tết bất tận. Biết đâu cứ kiểu “bình thường mới” thế ni rồi người ta không cần đi học nữa vẫn có thể thăng quan tiến chức, làm ông to bà nhớn. Thì hiện thực đã chứng minh đấy thây, nhiều quan to có học hành gì đâu, ăn không nên đọi, viết không thành chữ, tinh đè đầu cưỡi cổ người khác.

Hơi tết đang còn thoang thoảng, đã lại rằm tháng giêng. Xứ mình thuộc diện ăn chơi đàn đúm có hạng, thế giới theo được còn mệt. Nói phỉ phui cái miệng, nhờ có dịch mà dẹp bớt được mấy thứ hội hè, cúng bái, lễ lạt, đóng bớt được cửa chùa cửa đền. Đóng thì mất tiền, hụt khoản thu, nên có sư ông đề xuất cúng dường qua tài khoản, nộp tiền dầu đèn nuôi sư mà chả cần đến chùa, rất chi 4.0. Trước kia, người ta bảo rằng những thứ lễ hội đó là phong tục, truyền thống, di sản, phải bảo tồn, duy trì, gìn giữ, không thể bỏ được.

Nay dịch cô vít ra tay, bỏ cái một, ông bà nào muốn giữ muốn bảo tồn, ra mà cãi với nó. Không lấy được ấn đền Trần lúc nửa đêm cũng chả chết ai, chứ lấy mà lôi vi rút cô vít về, cả nhà lại chẳng ho khù khụ. Không xuôi thuyền suối Yến vào chùa Hương còn giữ được thân, chứ xuôi xong mà về, biết đâu tự nộp mạng cho thần vi rút, hoặc hội nhập vào đám “hơn một trăm ăn mày” chốn cửa thiền.

Theo quan niệm dân gian, tháng giêng là tháng ăn chơi nên những nhà giàu có, nhất là dân phố, cúng rằm xong lại đi chơi tiếp. Đủ thứ hội hè lễ lạt, hết miền ngược lại miền xuôi. Người ta chê trách dân xứ bắc ăn chơi nhiều cũng một phần bởi vậy. Nhưng thực ra với nông dân Bắc, nhất là thời những năm chiến tranh và bao cấp, nào có chơi bời mấy. Nói đâu xa, người quê tôi, vùng duyên hải Hải Phòng, vừa hết mùng 3 tết vội rảo cẳng ra đồng. Chưa kịp cấy phải cấy ngay kẻo mạ già, cấy rồi thì mau tát nước, bỏ phân cho lúa đang kỳ sinh trưởng. Nhiều vị chụp được những tấm ảnh lúa xuân xanh mướt, đồng quê dập dờn, nào có biết đằng sau nó là cả sự vất vả cần lao của người nông dân suốt tháng giêng. Tôi khi còn bé, không hiếm tết, sáng mùng 2 đã theo thày bu ra ruộng tát nước lúa, dỡ khoai tây, hái cà chua, chặt su hào về đem đi chợ, bởi để lâu ngoài ruộng sẽ hỏng, sẽ già, chả bán được cho ai. Nông dân thời ấy không có thói ăn chơi tháng giêng, còn bây giờ, cuộc sống khá lên rồi, phú quý sinh lễ nghĩa, thành thị cũng như nông thôn lại kéo đàn kéo lũ tận hưởng hậu tết, bày vẽ du xuân rằm, đi cho hết tháng giêng. Cũng chả trách được, thời thế nó vậy.

Những năm rồi, cứ rằm tháng giêng, giới văn nghệ, nhất là thi nhân, lại túm tụm về Văn Miếu ở thủ đô để thả thơ thả thính. Có nhẽ do tháng giêng là tháng của văn nghệ nên việc tổ chức hội thơ cũng có lý, cũng là cách cúng rằm. Cường quốc về thơ nên cách cúng cũng rất thơ. Nhiều năm vui lắm, cả nước kéo về, còn đông hơn sĩ tử tới sờ đầu rùa cầu may mùa thi tháng 7 tây. Già trẻ lớn bé, tóc bạc đầu xanh, nam thanh nữ tú chen nhau đọc thơ thả thơ cúng rằm Nguyên tiêu. Hay nhiều, dở cũng chẳng ít. Nhất là thơ trên mấy tấm phướn đỏ thả lên giời. Tất nhiên có những bài rất hay, chẳng hạn bài thơ “Nguyên tiêu” của cụ Hồ, hoặc thơ của ông vua-thi sĩ Trần Nhân Tông…, nhưng nhà tuyển chọn cũng thả lên không ít câu dở, cực dở.

Thỉnh thoảng bên bàn trà hoặc tụm ba tụm năm cà phê, người ta lại đọc và cười phe phé với nhau về một câu thơ được thả năm ấy “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”. Thơ thế mà đem cúng rằm Nguyên tiêu, mà thả lên giời, giời nào dám nhận. Ông bạn tôi, một nhà thơ đích thực, thi sĩ tiếng tăm, bảo thực ra câu ấy nằm trong bài thơ viết về biển của thi sĩ Trần Anh Trang từ thập niên 1960 cơ, cả bài hay lắm, nhưng chúng nó trích thế thì bằng giết người ta. Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau là vậy. Tôi cười, may mà mới lấy thơ ôm vợ ra thả, chứ, chứ… thơ… thơ… ấy ấy, đánh chũm chọe, lại chả vỡ Văn Miếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét