Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

5059 - Quân đội Việt Nam chưa bao giờ nắm quyền, mà chỉ làm bảo kê cho đảng CSVN

Jackhammer Nguyễn

Nỗi tự ti Miến Điện của đảng Cộng sản Việt Nam

Thái độ của chính quyền CSVN đối với Miến Điện cho ta thấy sự lúng túng rất thú vị của Hà Nội. Năm 2010, khi Miến Điện đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tự do, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của VN từng qua bên đó, khuyên các lãnh đạo Miến Điện, “tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước…”, trong khi đảng của ông Dũng không chịu tranh cử với ai, cứ một mình một chợ chia ghế lãnh đạo mấy chục năm nay.

Sau cuộc đảo chánh của quân đội Miến Điện vào ngày 1/2/2021 vừa qua, ngày 20/2/2021, báo Công an Nhân dân có một bài thú vị và ngộ nghĩnh hơn nữa, có tựa đề là: “Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, vấn đề nhìn từ Myanmar”, của tác giả Nguyễn Sơn. Trong bài viết này, tác giả lẫn lộn lung tung giữa các khái niệm như đảng phái, chính trị và cầm quyền với nhau.

Bài này cũng có ý giống như ý của thủ tướng Dũng trước kia, tác giả tỏ vẻ tiếc nuối cho nền dân chủ Miến Điện còn non trẻ khi quân đội độc quyền lãnh đạo đất nước, nhưng tác giả lại bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN, phản đối “Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”.

Ý của tác giả trong bài này rất rõ ràng, là đả phá quan niệm phi chính trị hóa quân đội, được một số người chỉ trích Hà Nội, cũng như những người vận động dân chủ cho Việt Nam đề xuất. Tác giả viết: “Vấn đề tác giả muốn đề cập trong bài viết này, đó chính là mối liên hệ giữa sự kiện vừa xảy ra ở Myanmar với vấn đề ‘phi chính trị hóa’ lực lượng vũ trang đang được các thế lực thù địch, phản động rêu rao ở Việt Nam”.

Một mặt, tác giả lên án chuyện quân đội Miến nắm quyền lãnh đạo đất nước, “có thể đẩy nền dân chủ non trẻ ở Myanmar rơi vào khủng hoảng”, tức là quân đội Miến là một lực lượng chính trị, đâu có bị phi chính trị hóa. Mặt khác, tác giả lại nói không được phi chính trị hóa quân đội!

Quân đội Miến làm chính trị, đúng ý tác giả rồi, thế tại sao tác giả lại nuối tiếc cho nền dân chủ Miến khi quân đội nước này cầm quyền?

Quân đội Việt Nam không cầm quyền

Có thể khẳng định rằng, quân đội của đảng CSVN chưa bao giờ cầm quyền, mà họ chỉ là một bộ phận của lực lượng cầm quyền, bảo vệ đảng cầm quyền.

Ngay trong nội bộ Đảng, các tướng lãnh cũng chưa bao giờ có quyền lực mạnh mẽ như các nhân vật không phải quân đội. Vị tướng lừng lẫy một thời là ông Võ Nguyên Giáp, đã bị các nhân vật không phải quân đội như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, kiểm soát, cho ra rìa rất dễ dàng.

Một viên tướng từng leo lên tới chức tổng bí thư là ông Lê Khả Phiêu, cũng chỉ nắm quyền không bao lâu, không kiểm soát được sự cầm quyền của mình.

Cho nên, ý kiến của ông Vũ Hồng Lâm (Alexander Vuving), một nhà quan sát từ Mỹ, được báo Diplomat trích dẫn, là đúng hơn: Nhiệm vụ trọng tâm của quân đội (đảng CSVN) là bảo vệ đảng và chế độ. Diplomat trích lời ông Lâm khi viết về việc một viên tướng là ông Nguyễn Trọng Nghĩa, vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của đảng.

Và với trọng trách như vậy, quân đội của đảng CSVN được đảng ưu ái nhiều quyền lợi, như mở các công ty kinh doanh với nhiều đặc quyền (như Viettel chẳng hạn), kiểm soát nhiều đất đai có giá trị,… Đôi khi quân đội của đảng cũng lộng hành như vụ án Út trọc trong mấy năm qua, nhưng đó là một kiểu đòi tiền bảo kê, chứ không phải nắm quyền.

Đúng là có khá nhiều sĩ quan quân đội trong bộ máy trung ương đảng, một kiểu quốc hội De Facto, nhưng do họ là một bộ phận của chế độ, họ chia sẻ quyền hành (và quyền lợi) như thế, chứ không phải họ cầm quyền như các tướng lĩnh trong đội quân Miến Điện hay Thái Lan.

Nếu có thể so sánh quân đội của đảng CSVN với các đội quân, thường là ở các quốc gia thiếu dân chủ, có thể thấy, quân đội Việt Nam, cũng như Thái Lan và Miến Điện, đều là những đội quân tham gia chính trị, nhưng quân đội Việt Nam chỉ tham gia một phần, với nhiệm vụ bảo vệ (bảo kê) đảng và được thưởng công hậu hỉ.

Tại các quốc gia phương Tây có nhiều đảng phái cạnh tranh, quân đội không trực thuộc đảng phái nào, không bảo vệ lãnh đạo đảng nào, mà chỉ bảo vệ dân, đó mới thật sự là không tham gia chính trị.

Ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy là, trong toan tính phản dân chủ của Donald Trump vừa qua, định lật ngược kết quả bầu cử, quân đội Mỹ đã ra tuyên bố ngay là họ chỉ bảo vệ hiến pháp, không tham gia vào việc giúp ông Trump hay đảng của ông đảo chính.

Trở lại với bài viết trong mục “chống diễn biến hòa bình” của tác giả Nguyễn Sơn trên báo Công an nhân dân đã đề cập ở trên, thiết nghĩ Nguyễn Sơn nên sửa lại cái tựa như thế này cho đúng ý ông muốn viết: Bài học từ Myanmar là nên dẹp nền dân chủ!

https://baotiengdan.com/2021/02/23/quan-doi-viet-nam-chua-bao-gio-nam-quyen-ma-chi-lam-bao-ke-cho-dang-csvn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét