Phan Nhật Nam
Lần đầu tiên bi ký Tù Binh và Hòa Bình của Phan Nhật Nam dịch sang tiếng Anh, dưới tựa PEACE AND PRISONERS OF WAR, do đích thân Thượng nghị sĩ James Webb giới thiệu và US Naval Institute xuất bản.
Hiệp định đình chiến Paris ký ngày 27 tháng 1-1973 chưa ráo mực, Phan Nhật Nam là nhà văn quân đội đầu tiên đặt câu hỏi về thân phận tù binh. Tù Cộng sản… Tù Cộng hòa là tựa của chương thứ 7 trong tập bi ký dữ dội nhất văn nghiệp Phan Nhật Nam. Nửa thế kỷ sau đọc lại, vẫn là những dòng chữ viết một mạch với bi phẫn và giận dữ.
Phan Nhật Nam là thần tượng tuổi thơ của tôi những năm 12 tuổi. Tôi khám phá Trung tá Nguyễn Đình Bảo chết trên đồi Charlie qua anh. Tôi khám phá Trung tá Lê Văn Ngôn tử thủ Tống Lệ Chân qua anh. Tôi cực xúc động khi đọc Tù Binh và Hòa Bình vào lúc Phước Long thất thủ tháng 1-1975. Phan Nhật Nam giúp tôi biết, là quốc gia đang vào đường cùng. Những linh mục viết cáo trạng hàng ngày khi ấy, những thượng tọa xuống đường mỗi ngày trong lúc Ban Mê Thuột hấp hối… Ai nhớ đến tù binh?
Tôi biết đến lồng ngực nở nang của tù binh Bắc Việt giam ở Phú Quốc và nỗi sợ hãi tột cùng của người tù miền Nam khi trao trả ở Minh Thạnh, quốc lộ 13, trong những ngày này. Người lính miền Nam tiểu ra quần vì sợ bị giữ lại. “Có chắc trả không Đại úy, tụi em có được trả không Đại úy… Em sợ tụi nó lắm, tụi nó tàn ác không phải như người đối với nhau… Em sợ xin nó đi tiểu rồi nó giữ lại không trả thì chết mất… “ Tôi lên 13, đối thoại 2 câu ngắn in trong tâm trí cho đến giờ. Sau 75 tôi lên 14, vượt biên bị bắt giam ở Phan Thiết, chung với sĩ quan cấp úy cải tạo, tôi đã chứng kiến tận mắt các nữ quân nhân VNCH bị đánh đập trong trại Tuy Phong.
Lần đầu tiên Tù Binh và Hòa Bình dịch sang tiếng Anh, là cơ hội cho các bậc phụ huynh mua sách cho các con không thạo Việt ngữ. Để thế hệ thứ nhì hiểu những gì đã xảy ra. Vì sao cha mẹ phải lìa quê.
Cùng với Tù Binh và Hòa Bình, Mùa Hè Đỏ Lửa cũng được dịch sang Pháp văn dưới tựa UN ÉTÉ EMBRASÉ, bản dịch của Liễu Trương, Nxb L’Harmattan, 2019. Bạn đọc có thể mua sách qua link: Học viện Hải quân Hoa Kỳ hoặc Amazon. [Trần Vũ]
Phan Nhật Nam
Phi đạo nằm theo hướng Nam – Bắc vạch một đường đỏ thẫm giữa lòng rừng cao su xanh lá. Trực thăng hạ xuống theo lối xoắn trôn ốc, mặt phi đạo hiện rõ dần… Bước xuống sân bay Minh Thạnh, cách quốc lộ 13 không đầy mười lăm cây số đường chim bay. Tôi vào đất địch.
Dưới tàn cây xanh im bóng, trong khu rừng tịch mịch, từ tốn hít từng hơi thuốc ấm, nghe tiếng gió vi vu thổi qua hàng lá dày… Tôi tận hưởng hết tất cả bình yên trước một ngày căng thẳng. Ðám cán bộ Cộng sản đến từ Sài Gòn đang “hội ý” với những cán bộ địa phương. Chỉ còn khoảng thời gian “trong sáng” này để sống cho riêng mình. Nửa giờ nữa, một con người thật lạ phải thế chỗ trong tôi.
Hôm nay, tôi dự kiến cuộc trao trả về phía Cộng sản bốn trăm người và nhận lại hai trăm. Ðịa điểm này tôi đã xuống một lần, đã biết được thế nào là chiến pháp cư xử của cán bộ Cộng sản miền Nam có cán bộ Cộng sản miền Bắc chỉ huy kiểm soát. Biết, nên giương sẵn mọi cẩn thận đề phòng. Minh Thạnh – Tây Ninh.
Mật khu Ba Thu nằm bên kia biên giới Miên – Việt chỉ cần một ngày một đêm di chuyển. Nhân viên của cục R đã ra mặt hoạt động. Khu rừng cao su mông mênh, những người Mỹ ngồi bên cạnh nhỏ to thì thào, tôi lọt hẳn giữa những bủa vây im lặng mở đầy phong ba.
“…Ðể tránh gây khích động tâm lý nơi những người sắp được trao trả, để biểu lộ lòng yêu chuộng hòa bình đích thực trong tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc… Chúng tôi yêu cầu Ðại úy Nam chỉ thị cho quân cảnh không được mang vũ khí vào khu vực trao trả, tất cả phải để lại trên máy bay…” — Anh cán bộ Mặt Trận Giải Phóng mở đầu.
Tôi cúi đầu nhìn xuống đất cỏ, phân chia lời nói theo các thứ tự để trả lời… Không được mang vũ khí, lại một khó khăn mới. Việt cộng quả hơn người ở điểm sáng tạo, mỗi ngày phải gây thêm một khó khăn. Những đòi hỏi kế tiếp: Trực thăng không được lượn vòng trên phi đạo (?!); Quân cảnh phải gọi “anh” trước tên mỗi tù binh. Quân cảnh không được điểm danh tù khi trao trả (Dù phía MTGP chưa ký nhận chữ ký cuối cùng ở mỗi danh sách). Những anh Ủy Ban Quốc Tế gật đầu, những anh Bắc Việt gật đầu, những anh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong tổ Liên Hợp cũng gật đầu… Trung tá Tuệ, gã cán bộ tuổi quá ngũ tuần, da xanh bụng ỏng ồ ề giọng nói đầy những âm thanh đặc thù của vùng quê Bắc Việt. Trung tá Tuệ, chỉ huy trưởng phi trường Minh Thạnh, người có kiến thức quân sự phi trường ở câu nói: “Cứ bảo máy bay C-130 đáp xuống đi, cán bộ phi trường của chúng tôi bảo đáp được…!! Cán bộ “kỹ sư phi trường” Minh Thạnh, một anh mắt toét, răng hô hấp him đôi mắt nhìn ra phi đạo ửng nắng gật gật chiếc đầu xác nhận sự đồng tình góp ý với đồng chí chỉ huy phi trường. Ai bảo Chủ nghĩa Xã hội vô giai cấp? Chú Mạ Què quả tình là nhân vật chống Cộng hữu hiệu và đúng cỡ nhất đối với Cộng sản Á Châu.
Máy bay sắp đến, tôi phải chấm dứt màn kịch để bắt đầu công việc. Trung tá “tư lệnh” phi trường Minh Thạnh bệ vệ lên chiếc xe Jeep mang huy hiệu Nhảy Dù… A! Người Cộng sản vẫn biết xỏ xiên láu cá như ai (vì họ thấy tôi mặc đồ rằn ri nên lấy chiếc Jeep bắt được của Nhảy dù ra lái).
Cuộc trao trả bắt đầu với những phiền toái bực mình cố hữu. Những bộ áo quần gượng gạo vứt bỏ khỏi thân thể, những hộp trái cây, hộp thịt e dè ném đi, những cánh tay đưa lên hô khẩu hiệu hững hờ, những ánh mắt lơ láo, những cái siết tay nồng nàn nhạt thếch… Cả một lớp hài kịch bi thảm dằng dặc cũ kỹ được diễn lại trong gượng gạo thảm thương pha lẫn vị khôi hài. Bộ quần áo nâu mới và bọc quần áo (của VNCH cấp phát) được ném đi để nhận lại một tấm khăn rằn mỏng như vải mùng cùng một bộ áo quần xanh mới nhuộm lem luốc đậm nhạt từng khoảng màu loang lổ. Hài kịch “cách mạng” ném áo quần này không hiểu do rỉ tai nào đã xúi giục vì những cuộc trao trả trong những ngày đầu tiên (12, 13 tháng Hai 1973) tại các địa điểm Lộc Ninh, Thạch Hãn không thấy thực hiện, và chắc chắn không phải do tự ý tù binh; vì hơn ai hết, những người này sau khi được trao trả, họ sẽ không còn dịp nào để có những bộ áo lành lặn, tốt đẹp, chắc chắn như thế này. Bộ quần áo nâu có chữ T.B. (tù binh) bắt buộc phải cởi đi nhưng những chiếc quần lót, mùng chăn là những vật dụng không thể nào có được nữa. Chẳng phải là lý luận suông nhưng cứ nhìn y phục của đoàn quân “cách mạng” mới biết thế nào là sự thiếu thốn, tàn tệ của quân đội Cộng sản, Cộng sản Nam cũng như Bắc. Những bộ áo quần sờn mòn (đây là dịp trọng đại mới đem ra mặc) những chiếc dép vẹt đế. Tất cả y phục tội nghiệp nghèo khó đó thật khó hòa hợp với những khuôn mặt kiêu căng đầy vẻ tự mãn trẻ con đến độ buồn cười. Nét kiêu căng của “Nhân dân Cách mạng giác ngộ” hiến thân cho Ðộc Lập, Dân Tộc và Chủ Nghĩa!!! Có một điều gì bất ổn trong cảnh sống của người Cộng sản. Loại người đặt căn bản hành động trên hệ thống luận lý biện chứng duy vật nhưng lại hướng đến những tiêu chuẩn tâm linh nhiều hơn ai hết… “Tự do, Cộng sản, Xã Hội, Cách Mạng” rốt cuộc chỉ là những danh từ trống được bơm vào đó chút say sưa kích thích để xô đẩy cả bao thế hệ vào dòng vận động cuồng tín… Năm 1973, năm của những tiến bộ khoa học tưởng chừng như trong chuyện cổ tích, nhưng người Cộng sản Việt Nam vẫn phải khó khăn đấu tranh với từng mẫu sắn, từng lon gạo, một hai điếu thuốc khô, dăm ba chiếc kẹo ngọt trên bước đường đấu tranh thần thánh thực hiện Chủ nghĩa Xã hội thì quả tình quá tội nghiệp. Cả một đội vận tải trên đường dây “Chủ Nghĩa Xã Hội” (đường mòn Hồ Chí Minh) phải “hội ý” (hội họp) từ năm giờ chiều đến chín giờ tối để đạt “tiêu chuẩn”.. cho “tiếp thu” năm điếu thuốc. Ðội vận tải gồm những kỹ sư, bác sĩ, những cán bộ mang quân hàm trung, thiếu tá phải bình nghị, hội họp suốt bốn tiếng đồng hồ để đạt “tiêu chuẩn” phân chia năm điếu thuốc Ðiện Biên. Thế nên cuộc cách mạng vô sản giải phóng miền Nam phải cần nhìn lại mục đích và phương tiện. Phải chăng cách mạng đã là một việc vô ích và quá phí phạm phương tiện. Nhưng phương tiện “người” trong chế độ Cộng sản phải chăng là yếu tố không hao mòn, yếu tố không cần phải lý hội.
Tôi không nhìn sự “nghèo” của người Cộng sản để dè bỉu, nhưng quan niệm tính chất “nghèo” đó là một ưu điểm cần phải đấu tranh để thực hiện thì không thể nào chấp nhận được với đầu óc bình thường.
Người Cộng sản Việt Nam đã thực hiện được gì trong ba mươi năm đấu tranh trên đại dương mênh mông xác chết, chiếc xe đạp của một cán bộ cao cấp ở Hà Nội, bộ áo quần thô kệch của viên “tư Lệnh phi trường Minh Thạnh”, bữa cơm không có thịt trong suốt mười tám năm của người dân Tuyên Quang miền Bắc, hai điếu thuốc lá được viên kỹ sư máy nổ “tiếp thu” trên đường dây Chủ nghĩa Xã hội như mặt trái của tấm gương phản chiếu những chữ nghĩa rực rỡ, nghe xa xăm như một giấc mộng mơ hồ không bao giờ có thật.
Tàn tệ như thế, thê thảm như thế, nhưng người tù Cộng sản trước giờ trao trả khi bước ra khỏi lòng máy bay, chân bước xuống mặt đất “giải phóng” phải hành động như một lũ người mê man… Tay vỗ vào nhau, mồm cất giọng khàn đặc… “Ðoàn kết chúng ta là sức mạnh… Thề chết không hề lui. Giết cho hết loài bán nước…” Giết cho hết loài bán nước thì quá sai với “Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc” mà những người lính Cộng sản “Nam Việt Nam” xuất phát từ trại Xuân Mai, Hà Ðông, nói giọng Sơn Tây, Thái Bình đang nhắc đi nhắc lại hoài xem như là phương châm chỉ đạo mới! Bài hát phải được xì xào chỉ thị đình chỉ, để bậm tay nâng cao hoan hô: “Hồ Chủ Tịch muôn năm… Tinh thần chống Mỹ cứu nước bất diệt…” Hồ chủ tịch không hề là chủ tịch của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và “tinh thần chống Mỹ” thì quả tình đã được xóa tan từ lâu. Tôi muốn nhắc họ yếu tố nầy. Nhưng như một lũ đồng bóng đã bị cốt nhập, đám tù bắt đầu cởi áo quần, ném tay nải… Chiếc quần lót, vật xa xỉ trong chế độ Cộng sản được ném đi với hối tiếc không giấu được trong ánh mắt để bặm môi, quắc mắt, vung tay hô to khẩu hiệu. Sự hận thù dù cần thiết trong cuộc chiến bi thảm cũng đã là một điều tàn nhẫn, huống gì bây giờ (khi tiếng súng tạm ngừng nổ trên văn bản Hiệp Ðịnh Paris), nên những khích động căm hờn, những xúi giục phẫn nộ này mang một nét bạo ngược tàn ác lỗi thời… Anh cảm hóa ai? Thù hận người nào? Ai là lũ bán nước? Ôi nước rách tan không do sự góp tay tích cực của người Cộng sản sao? Căm thù lũ bán nước, giết lũ tham tàn, mùa thu 1945, mùa đông 1946, cuối thập niên 50, đầu những năm 60, đã được hát bao nhiêu lần, đã được vỗ tay bao nhiêu lần…
Người Pháp, Ông Diệm, chống Mỹ… Bao nhiêu đối tượng đã thay đổi mà nội dung cứ mãi cũ kỹ nhạt nhòa. Thật lạ, có những quy luật sơ đẳng tưởng chỉ như là chuyện đầu môi hóa thành động lực căn bản. Căm thù, thứ gia vị thô thiển độc địa mà người Cộng sản thêm vào bữa tiệc máu người Việt Nam không chán ngấy. Cộng sản sẽ là gì khi không còn kích thích tố mê man đó? Con chó Pavlov không thể nhỏ giọt nước bọt nếu thiếu tiếng chuông khêu gợi. A! Chỉ mỗi tiếng chuông lạnh đó, chỉ mỗi hai chữ ngắn nhức nhối kia mà cả một khối người bị chi phối, những người có đủ trí thức, giác quan nhưng đã mất phần nhân bản, người còn xác nhưng lạc hồn, người không phải sống cho người nhưng cho Cách Mạng, cho Tổ Quốc, Hòa Bình, Tiến Bộ, Xã Hội Chủ Nghĩa… Câu hỏi không phải là phản ứng cực đoan của một tinh thần “chống Cộng” quá độ. Tôi chỉ muốn tự hỏi sao có những con người quá quy tắc, bị kìm kẹp, huấn luyện đến độ cuồng tín như thế này. Vì được trả tự do, phải có nghĩa là nhảy lên khỏi mặt đất chật hẹp, phải vung tay thật cao để hít cho hết lượng gió mát mênh mông của trời cao; nhưng những người tù Cộng sản không được quyền biểu lộ niềm sung sướng đó, họ phải chứng tỏ “kiên gan, duy trì tinh thần quyết chiến, quyết thắng…”; họ phải biểu lộ “lòng căm thù không suy giảm, trí căm hờn không phôi phai…” Họ phải quên những giờ khắc của năm trước, năm kia khi phải đưa tay đầu hàng trước mũi súng của người lính Nam Việt, phải quên những đối xử nhân đạo sau khi đã trao cây súng, phải quên điếu thuốc chân thành được mời hút dù trong vị thế tù binh… Họ phải quên luôn thực tại. Một thân thể chắc cứng khỏe mạnh với lồng ngực nở nang, những bắp thịt ở vai ở lưng cuồn cuộn… Thân thể căng phồng chiếc áo tù binh, hừng hực mùi muối bể và không khí tốt lành của trại giam Phú Quốc, thân thể cường tráng vạm vỡ nổi bật lên dưới ánh nắng, tương phản cực độ với thứ nước da xanh tái, hình vóc còm cõi thiếu hụt của những đồng chí tiếp đón. Người tù cộng sản phải quên hẳn sự thật trên thân thể họ để đứng lên tố cáo: “Chế độ giam giữ hà khắc tàn nhẫn của trại giam Phú Quốc…” Viên trung úy Bắc Việt lóng cóng chiếc máy ghi âm để thâu lời tố cáo… Nhìn thân thể gầy gò của anh ta dưới chiếc áo đại cán lụng thụng bên cạnh lồng ngực trần cường tráng của gã tù binh khi nghe câu tố cáo “Trại giam đã bỏ đói, hành hạ chúng tôi…” Cùng với sự chăm chú ghi nhận của các sĩ quan Ba Lan, Hung Gia Lợi, tôi nghe trong lòng nỗi phẫn nộ bão bùng dấy lên như giông tố… Sự thật được che đậy và lật ngược trong tráo trở tỉnh táo, ngang ngược vô liêm sỉ đến tận cùng!!
Vì sự thật không phải chỉ trên thân thể gã tù Cộng sản, sự thật còn ở cuối phi đạo cách nơi trả tù Cộng sản năm trăm thước, góc rừng hai trăm người lính Nam Việt ngồi im lặng với cặp mắt đứng tròng…
“Có chắc trả không Ðại úy, tụi em có được trả không Ðại úy…”
“Chắc mà, chiếc trực thăng bay đi thì có chiếc kia lại liền… Tôi đến đây để lãnh các anh em…”
“Ðại úy, em… có được trả về mình không…”
Cả trăm con người ngồi thì thào to nhỏ, lo sợ từng tiếng nói, lo sợ từng đầu ngón tay lóng cóng đón điếu thuốc do tôi mời, lo sợ ở đôi mắt lạc thần cứ coi chừng mãi “anh cán bộ”… Tôi muốn nói một câu gì thật đủ, tôi muốn làm một việc gì thật mạnh mẽ, muốn ôm lấy hết hai trăm người lính đưa họ ra thẳng trực thăng, bay lên thật nhanh, để tránh khỏi vùng rừng cao su thẫm đặc, những gã cán bộ canh gác lầm lì soi mói, nét độc ác ngấm ngầm tràn đầy trên những sợi gân mắt đỏ rực… Tôi muốn đẩy đám sĩ quan Ba Lan, Hung Gia Lợi, Gia Nã Ðại… đến tận từng người tù để họ thấy lớp da người lở loét ăn sâu xuống phần xương tay, để họ thấy những đôi mắt hủng, chiếc má vàng bủng tưởng như đọng cứng cả một khối vi trùng độc hại dưới lớp da mỏng tanh vàng bệch… Tôi muốn hét to cho cả khu rừng, cho cả thế giới biết đâu là cường bạo, đâu là sự thật, gã tù nhân trại Phú Quốc cách xa đây năm trăm thước với lồng ngực vạm vỡ cùng những lời tố cáo như một cái xiên nung đỏ chọc hẳn vào mắt tôi khi nhìn người tù Việt Nam Cộng Hòa không kêu nổi được tiếng “có mặt” loạng choạng run rẩy từng bước một, đi qua chiếc bàn của nhân viên trao trả… Sự thật ở hai thân thể đối cực này nhưng tại sao cả thế giới, cả hằng triệu người trên thế giới vẫn dành riêng những ý niệm tốt đẹp cho người Cộng sản, cả những người chân tu, những nhà hiền triết hình như đều nghĩ một chiều, hướng một phía, phía Cộng sản. Tôi muốn gọi họ đến đây chỉ vào từng đôi mắt người tù để cả nhân loại ngộ nhận tìm được sự thật… Người tù binh đứng dậy, một đáy quần sũng nước. Trong cơn chờ đợi thảng thốt người lính đã đái ra quần!!!… Không phải vậy, phải nghe lời anh nói: “Em sợ tụi nó lắm, tụi nó tàn ác không phải như người đối với nhau…”, “Em sợ xin nó đi tiểu rồi nó giữ lại không trả thì chết mất…” Tôi muốn chảy nước mắt, tôi muốn khóc giòng phẫn nộ… Gã Ba Lan đâu rồi? Tôi muốn hắn ta nghe lời nói, tiếng kêu của người đã ở trại giam Cộng sản.
Hình như mọi người giấu mặt, hình như mọi người đã đánh mất lương tri, chẳng có ai chụp hình vũng nước tiểu đọng trên nền đất phủ đầy lá, chẳng ai chụp hình hai trăm con người ngồi dật dờ như một đám xác chết chưa tẩm liệm, sao không có tên Hung Gia Lợi nào chụp hình người tù Nam Việt ngã quỵ trên phi đạo mồm sủi nước dãi vì thiếu ăn!!
Hung Gia Lợi, Chúng ta đã dành cho dân tộc này biết bao cảm tình trong những ngày Budapest đổ máu cho tự do. Nhưng hình như những người Hung yêu tự do, sống cho sự thật đã không đến nơi này, chỉ có đến đây những cán bộ Cộng sản mang quốc tịch Hung Gia Lợi. Hóa ra người sống cùng người không phải do tương quan của hai chủ thể nhân bản nhưng do chính trị của quốc gia, đảng phái xác định. Người Hung Gia Lợi phải ủng hộ Cộng sản Việt Nam và gây bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ thị đã được học tập, phổ biến thế, nên gã tù Bắc Việt với thân hình lực sĩ lớn tiếng tố cáo chế độ giam giữ hà khắc của Việt Nam Cộng Hòa vẫn hữu lý hơn hình ảnh người tù Nam Việt ngồi lạc thần, không dám tin vào sự thật sắp được trao trả, kiệt sức để không nói lên được hai chữ “có mặt”…Chỉ thị đã ban bố, gã sĩ quan Hung phải xóa bỏ lương tri, phải tự che mắt để không thấy sự kiện, gã chỉ được chụp hình người tù Bắc Việt đưa tay lên hô đả đảo, bỏ qua bàn tay ghẻ lở thấu xương của người tù Nam Việt Nam. Cách vong thân đi đến mức tuyệt hảo khi quan niệm hành xử như thế là đúng với công lý và chân thật!!! Không phải chỉ mỗi Trung tá Martin thuộc nước Cộng Hòa Nhân Dân Hung Gia Lợi này tin vậy, nhưng hình như toàn thể nhân loại. Những dân tộc tiến bộ và yêu chuộng hòa bình của toàn thể thế giới. Ðều mắc phải chứng bạo ngược tâm lý với dân tộc Việt Nam. Phải có một ngày sự thật nầy hẳn được nhận ra.
PNN, tháng 3-1973
Trích bi ký Tù Binh và Hòa Bình, Nxb Hiện Đại, Sàigòn 1974
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét