“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này - bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp - không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian...” - đó là kết luận của Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long 2020 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện vừa được công bố tháng 12.2020.
Báo cáo khuyến nghị rằng ĐBSCL cần xây dựng cho mình, không chỉ là mô hình tăng trưởng kinh tế mới, mà quan trọng hơn là một mô hình phát triển mới. Hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng... Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều địa phương ở ĐBSCL thường xuyên phải đối diện với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Là vùng trũng trong cả nước về giáo dục và đào tạo, mô hình phát triển mới của ĐBSCL phải tìm cách tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ cấp THCS và PTTH. Suy đến cùng, động cơ này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tạo lập cơ hội việc làm để người dân thấy rõ lợi ích của kiến thức và kỹ năng, từ đó có động cơ mạnh mẽ để theo đuổi việc học tập, phát triển kỹ năng, nhờ đó tạo sức ép từ phía cầu để kích thích hệ thống giáo dục - đào tạo phát triển theo hướng liên kết với các doanh nghiệp và gắn kết với thị trường lao động.
Đọc báo cáo, không thể kiềm chế được nỗi buồn dâng. Buồn cho một vùng đất từng giàu có về tài nguyên thiên nhiên và vốn con người mà sau mấy chục năm, chẳng những không cất cánh, không phát triển vượt bậc được mà còn tụt hậu về nhiều mặt so với nhiều vùng miền khác, dù ĐBSCL đang phải gánh nhiệm vụ đảm bảo chén cơm (an ninh lương thực) và mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, thủy sản) của cả nước. Cùng với nỗi buồn là sự tiếc nuối cho nguồn lực con người, vốn con người với hiểu biết sâu sắc về vùng đất này cộng với tri thức tiên tiến tiếp thu từ các nước phát triển lẽ ra đã có thể góp phần đưa vùng đất này đi lên nhưng tài năng đã bị lãng phí, bị vùi dập trong biến động của lịch sử.
Cố GS. Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ từ 1970 - 1975 là một trường hợp như vậy. Nếu còn sống và tài năng, tri thức tiên tiến, tầm nhìn xa được trân trọng, sử dụng sau ngày thống nhất đất nước, có thể ông đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của ĐBSCL, và cũng có thể không chỉ dừng ở đó. Tất nhiên, tiếc nuối chỉ để tiếc nuối. Lịch sử không có chữ nếu.
***
TS. Phạm Đức Thuận, giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ viết trên website của khoa:
Viện Đại học Cần Thơ là một trong năm viện đại học đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Trường được thành lập vào ngày 31.3.1966 với sự vận động kiên trì của GS. Phạm Hoàng Hộ và các bạn hữu của ông. Từ sau năm 1970, GS. Nguyễn Duy Xuân trở thành viện trưởng và có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển nhà trường. Việc thành lập Viện Đại học Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của giáo dục vùng ĐBSCL, những thành tựu đáng tự hào của giáo dục miền Tây ghi nhận công lao to lớn của hai vị giáo sư đáng kính người Cần Thơ và để đến hôm nay Trường Đại học Cần Thơ dần từng bước trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục Việt Nam.
Đầu năm 1970, GS. Nguyễn Duy Xuân về làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Trong thời gian làm Viện trưởng, GS. Nguyễn Duy Xuân đã tiến hành thực hiện giáo dục đại học theo hình thức tín chỉ tiên tiến mà các nước phương Tây đang áp dụng, với hoạt động này thì Viện Đại học Cần Thơ trở thành đại học đầu tiên ở Việt Nam thực hiện giảng dạy theo hình thức tín chỉ. Một điều mà ngày nay các trường đại học ở Việt Nam vẫn đang tìm tòi thực hiện.
Từ khi về làm viện trưởng, GS. Nguyễn Duy Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đào tạo những giáo chức trung cấp, để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp, để gia tăng tiềm năng sản xuất của ĐBSCL.
GS-TS. Nguyễn Duy Xuân (1925 - 1986). Ảnh: TL |
Để thực hiện kế hoạch trên, ông đã cải cách và nâng cấp trường Cao đẳng Nông nghiệp thành Phân khoa Nông nghiệp thuộc Viện Đại học Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một trường chuyên nghiệp đào tạo kỹ sư nông nghiệp và trở thành một phân khoa nông nghiệp của đại học. Sự cải tổ này tạo nên mối hợp tác chặt chẽ giữa các phân khoa, gia tăng hiệu năng giảng dạy và Viện Đại học Cần Thơ phát huy được chương trình giáo dục cao cấp toàn diện, chú trọng đặc biệt đến sự phát triển tài nguyên và văn hóa miền Tây.
Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Duy Xuân rất quan tâm đến đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn ông là viện trưởng, nhiều trí thức được ông ủng hộ như Võ Tòng Xuân, Trần Phước Đường… đã trở về cống hiến cho đất nước… Với những cống hiến đó, GS. Nguyễn Duy Xuân đã đặt nền tảng quan trọng cho việc phát triển Viện Đại học Cần Thơ, góp phần quan trọng đưa Viện Đại học Cần Thơ trở thành một trung tâm khoa học - đào tạo của miền Nam trước năm 1975.
GS-TS. Võ Tòng Xuân nhớ lại: “Ngày đó từng có tám cán bộ nông nghiệp thuộc Nha Khuyến nông (Bộ Canh nông) sang IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế , Philippines) học chuyên sâu về giống lúa cao sản. Thầy Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ biết tới tôi là nhờ những cán bộ này. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, thầy đã trực tiếp viết thư cho tôi, giản dị, hàm súc thế này: “ĐBSCL hiện chưa có ai chuyên về lúa. Nếu anh về làm việc ở Viện Đại học chắc chắn sẽ giúp ích cho quê hương nhiều hơn. Chiến tranh mãi rồi sẽ tới ngày hòa bình, cái ăn sẽ được ưu tiên hàng đầu, Việt Nam đang rất cần những người như anh”.
Bảng đề tên các hiệu trưởng Đại học Cần Thơ trước nay, GS-TS. Nguyễn Duy Xuân ở vị trí thứ hai từ trái. Ảnh: TL
Tháng 4.2015, gần 30 năm sau ngày mất, di cốt của GS. Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa - mới được người con gái đầu của ông là Nguyễn Thị Nguyệt Nga, vốn định cư ở Pháp từ trước 1975, đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong chùa Thiên Hưng, một ngôi chùa nhỏ trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Nói với phóng viên Thanh Niên nhân dịp này, bà Nguyệt Nga cho biết bà không thể lý giải và không ai lý giải cho biết là tại sao trước và ngay sau ngày 30.4.1975, ba của bà có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam. “Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này”, bà nói.
Theo bài báo Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Vị tổng trưởng quyết không rời quê hương (Thanh Niên 28.4.2015), GS. Võ Tòng Xuân cho biết, trước ngày 30.4.1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, GS. Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
Bà Nga kể nỗi giận hờn đối với ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Khi đó bà mới lý giải được là khi đó ba mình muốn ở lại quê hương: vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác, lại xuất phát từ giáo dục nên GS. Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh. Bà Nga còn cho biết: “Tôi sẽ để tro cốt ba ở lại Việt Nam. Bởi cả cuộc đời ba luôn muốn ở lại quê hương mình. Ba sẽ không chịu nếu tôi đưa ổng sang Pháp đâu”.
Con người trí thức luôn muốn ở lại quê hương để “góp một tay xây dựng quê hương” ấy, vị tổng trưởng trong ba ngày của Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cuối cùng ấy đã phải đi cải tạo hơn 10 năm và chết trong trại cải tạo, được chôn trong ngôi mộ đánh số 93 mà không ai hay. Cho đến gần 30 năm sau, với sự giúp đỡ của GS. Võ Tòng Xuân, người nhà ông mới có thể cải táng, đưa tro cốt về gửi trong chùa ở TP.HCM.
Ngẫm về trường hợp của ông, một con người có tài năng, có tri thức, có tầm nhìn và tấm lòng với quê hương đất nước, người ta không thể không ngậm ngùi tiếc nuối. Lịch sử thì không có chữ nếu, nhưng lịch sử luôn buộc người ta phải suy nghĩ để rút ra những bài học. Nếu những người như GS. Nguyễn Duy Xuân không bị đối xử quá ư nghiệt ngã, nếu tài năng, tri thức của họ được dùng đúng chỗ, đúng tầm (có thể đề ra quyết sách) sau 1975, liệu ĐBSCL ngày nay có phải đứng trước những thách thức sống còn như Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2020 nói ở trên nhắc tới?
***
Ngày 10.12.2020, nhân 34 năm ngày mất của GS. Nguyễn Duy Xuân, cùng vài người bạn, tôi tìm tới chùa Thiên Hưng thắp cho ông nén hương. Theo cái cầu thang hẹp bên trái chính điện, leo lên lầu một, lầu hai rồi lách mình qua nhiều dãy kệ đặt các hũ cốt san sát nhau, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra chỗ đặt hũ tro cốt của ông, nằm giữa nhiều hũ tro cốt khác.
Hũ tro cốt GS-TS. Nguyễn Duy Xuân ở chùa Thiên Hưng. Ảnh tác giả chụp 10.12.2020.
Anh Nguyễn Thiện, một doanh nhân, người từng đề xướng chương trình “Dân ta phải biết sử ta”, nói sau khi thắp hương: “Thương GS-TS. Nguyễn Duy Xuân, nghĩ là làm sao không bao giờ lặp lại bi kịch Nguyễn Duy Xuân nào nữa trên đất nước ta”.
Vâng, tất nhiên, tôi không thể nào không đồng ý với anh.
(Theo Người Đô Thị Tết 2021)
***
GS-TS. Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1926 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Là học sinh trường Collège de Cần Thơ, sau khi đậu bằng diploma (bằng Thành chung), ông sang Pháp du học, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, sau đó tiếp tục theo học chương trình hậu đại học ở Anh quốc, tốt nghiệp bằng master về kinh tế học; tiếp đến sang Hoa kỳ theo học ở Đại học Vanderbilt, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học và trở về Việt Nam năm 1963.
Sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Tổng ủy trưởng Tổng ủy Nông nghiệp, Tổng trưởng Kinh tế và Cố vấn Kinh tế của Tổng thống, bên cạnh đó ông còn giảng dạy tại các trường Đại học Luật khoa và Quốc gia Hành chánh.
Hai ngày trước thời điểm 30.4.1975, GS. Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh thành lập.
Ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, GS. Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Ngày 10.12.1986 do lâm bệnh nặng nên ông qua đời tại trại Ba Sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét