Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

5027 - Báo Công an Việt Nam nói về "bài học" đảo chính Myanmar và Liên Xô cũ

BBC Tiếng Việt

Getty Images

Nhân đảo chính Myanmar báo công an ở VN cảnh báo không để lực lượng vũ trang 'phản bội Đảng', bảo vệ quyền lợi của 'giai cấp tư sản'. Trong một bài viết nói khá rõ về quá trình xảy ra đảo chính tại Myanmar, báo của ngành công an tại Việt Nam lên án chuyện 'phi chính trị hóa lực lượng vũ trang'.

Giai cấp tư sản Việt Nam?

Bài viết “Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”- vấn đề nhìn từ Myanmar” (20/02/2021) không đi vào lý do vì sao quân đội Myanmar lại tiến hành đảo chính mà muốn chuyển sang vấn đề “chống lại luận điểm” của các thế lực “thù địch, phản động”, điều tờ báo nói là vẫn nêu ra lâu nay tại Việt Nam.

“... nhiều cá nhân, tổ chức, đối tượng thù địch trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu đòi đa nguyên, đa đảng, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013; đòi tam quyền phân lập; đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang nhân dân...”

Bài báo cho rằng đây là một “âm mưu thâm độc”, nhằm tách Công an và Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an, Quân đội.

Điều đáng chú ý là tác giả bài báo lần đầu tiên công khai nhận định về nguy cơ của một “giai cấp tư sản” có thể muốn tiếm quyền ở Việt Nam.

“Với thủ đoạn này, các thế lực thù địch, phản động không có gì khác là muốn làm cho lực lượng vũ trang nhân dân ta dần dần biến chất, từ lực lượng vũ trang của nhân dân, mang bản chất của giai cấp công nhân, trở thành một đội quân phản bội lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, bảo vệ cho lợi ích của các tầng lớp, giai cấp tư sản.”

Theo định nghĩa chính thức, Việt Nam hiện có thể chế xã hội chủ nghĩa và không hề có “giai cấp tư sản”.

Cùng lúc, báo chí chính thống thường cảnh báo về các “nhóm lợi ích” hoặc phê phán cách làm ăn của một số “đại gia” thường bị cho là “thân hữu” với quan chức chính quyền.

Các vụ xử “đại án” thường được nêu ra cùng lời phê phán nghiêm khắc của lãnh đạo cao nhất, yêu cầu trong sạch bộ máy, chống “tham vọng quyền lực”.

Nhắc lại bài học Liên Xô và Đông Âu

Bài báo cũng nhắc lại sự kiện Liên Xô tan rã 30 năm trước (1991) để cảnh báo về việc xóa điều 6 Hiến pháp Liên Xô về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tác giả cho rằng chính vì một phần là do “làm cho quân đội bị 'phi chính trị hóa' và bị vô hiệu hóa” nên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối năm 1991 bị tan rã.

Lập luận này khác nhiều các bình luận của sử gia châu Âu cho rằng không phải vì mất quyền lãnh đạo quân đội mà hệ thống XHCN cũ sụp đổ.

Tại Liên Xô, chính các nhóm tướng lĩnh bảo thủ của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã thực hiện đảo chính bất thành tháng 8/1991 nhưng bị chính quyền Nga của Boris Yeltsin đánh bại, theo Archie Brown trong cuốn “The Rise and Fall of Communism” (2009).

Trước đó, ông trùm KGB, Đại tướng Yuri Andropov từng cố gắng cải cách kinh tế và bộ máy quan liêu khổng lồ của Liên Xô khi ông lên làm Tổng Bí thư Đảng, nhưng không thành.

Ở CHND Ba Lan, trước khủng hoảng toàn diện và sau khi biện pháp mạnh (Thiết quân luật gần hai năm) không giải quyết được gì, ban lãnh đạo do hai đại tướng Wojciech Jaruzelski (kiêm tổng bí thư Đảng), và Czeslaw Kiszczak (bộ trưởng công an) đã dẫn dắt hệ thống chính trị đàm phán với giai cấp công nhân và trí thức, đưa tới Hội nghị Bàn tròn chuyển đổi thể chế năm 1989.

Tại CHDC Đức, quân đội không đóng vai trò gì trong những ngày cuối của hệ thống XHCN còn Bộ trưởng Công an Erich Mielke (đại tướng, ủy viên Bộ Chính trị) đã bị Quốc hội giải nhiệm vì các nhóm an ninh Stasi của ông ta không kiểm soát nổi tình hình, theo John Koehler khi viết về quá trình giải tán cơ quan an ninh Stasi.

Tổng kết lại 30 năm Liên Xô tan rã, đa số các sử gia châu Âu tin rằng nguyên nhân chính của quá trình thối rữa đến từ bên trong và trước hết là vì lý do kinh tế.

Những động tác mạnh, bạo lực của các tướng lĩnh công an, quân đội tại Liên Xô và Đông Âu nhằm cứu vãn tình thế lại thường là tác nhân đẩy nhanh mâu thuẫn tiềm tàng trong xã hội, khiến mô hình Leninist sụp đổ nhanh hơn.

Báo Nhân Dân của Đảng CSVN từng nhắc đến “bài học Liên Xô và Đông Âu” nhưng không nói về nguy cơ quân đội đảo chính mà cho rằng muốn giữ chế độ, "bộ máy chính quyền phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được lòng dân".

Còn tại Myanmar hiện nay, cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn ra sau khi quân đội đảo chính, và hứa sẽ “trao trả quyền lực” khi có bầu cử mới.

Các tướng Myanmar gồm cả bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ đều đã bị Hoa Kỳ, Anh trừng phạt, cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản nếu có ở nước ngoài.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56154925

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét