Hiếu Chân/Người Việt
Những ngày Tết Tân Sửu 2021 rồi cũng trôi qua, không tưng bừng như các năm trước nhưng cũng tràn ngập những lời cầu chúc tốt lành, mong một năm mới hanh thông hơn năm cũ Canh Tý nhiều tai họa. Bao giờ cũng vậy, mùa Xuân thay đổi đất trời cũng làm thay đổi tâm hồn con người, khơi dậy niềm hy vọng mới.
Có một sự thay đổi thầm lặng về quan điểm chính trị, ít người chú ý, nhưng báo hiệu một xu hướng tốt mà hôm nay chúng tôi mạn phép trình bày hầu quý vị độc giả để cùng suy nghĩ bên chén rượu đầu Xuân.
Số là trong những ngày cuối năm Tý đầu năm Sửu, Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á (ASEAN Studies Centre at ISEAS-Yusof Ishak Institute) – một “think-tank” hàng đầu của Singapore và khu vực có làm một cuộc khảo sát ý kiến cư dân 10 quốc gia Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) về nhiều vấn đề địa chính trị liên quan tới sự phát triển của khu vực này trong những năm tháng sắp tới. Dưới tiêu đề “Tình Trạng Đông Nam Á 2021” (The State of South East Asia 2021), cuộc khảo sát ghi nhận quan điểm của người dân theo 57 câu hỏi từ đánh giá cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của các chính phủ, nguy cơ xung đột quân sự trên Biển Đông, vấn đề sông Mekong tới việc chọn quốc gia cho con cái du học trong tương lai; trong đó tập trung vào quan điểm đối với cuộc cạnh tranh thế lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Đông Nam Á và lựa chọn mà các nước ASEAN nên theo nếu phải chọn một mô hình chính trị để phát triển.
Kết quả cuộc khảo sát đã được Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN công bố ngày 10 Tháng Hai và đưa lên mạng Internet tại địa chỉ www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/01/The-State-of-SEA-2021-v2.pdf để mọi người tiện theo dõi.
Đây là năm thứ ba trung tâm này thực hiện khảo sát ý kiến quy mô lớn, và kết quả năm 2021 được so sánh đối chiếu với kết quả những năm 2019, 2020 để xác định xu hướng thay đổi theo thời gian trong quan niệm của công chúng. Thành phần được hỏi ý kiến chủ yếu là giới nghiên cứu học thuật, chiếm 45.4% tổng số người được hỏi, và quan chức chính quyền (30.7%); lớp người thanh niên và trung niên chiếm đa số, lứa tuổi 21-35 chiếm 34.9% số người được hỏi, tuổi 36-45 là 30.6%, tuổi 46-60 là 23%; trẻ em dưới 21 tuổi và người cao niên trên 60 tuổi chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Nghiên cứu có bảy phần, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là quan điểm và sự lựa chọn của người dân ASEAN về vai trò và tác động của hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực: Mỹ và Trung Quốc.
Niềm tin vào Trung Quốc giảm, Mỹ tăng
Theo khảo sát, 76.3% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc vẫn là cường quốc có ảnh hưởng kinh tế không phải bàn cãi đối với khu vực ASEAN; 49.1% nói Trung Quốc tiếp tục là cường quốc có ảnh hưởng nhất về chính trị và chiến lược. Các tỷ lệ này giảm so với con số 79.2% và 52.2% của năm 2020 nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Số người đánh giá Hoa Kỳ là nước có ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á chỉ lần lượt chiếm tỷ lệ 7.4% (kinh tế) và 30.4% (chính trị, chiến lược).
Tuy nhiên trong số những người đánh giá cao ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc có tới 72.3% bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng đó, và đại đa số (88.6%) lo ngại ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh ngày càng tăng đối với khu vực Đông Nam Á.
Số người lo ngại ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ 25% và lo ngại ảnh hưởng chính trị của Washington là 36.9%.
Mặc dù Mỹ đang trải qua nhiều thách thức trong việc xử lý đại dịch COVID-19 với số người tử vong và nhiễm bệnh cao hàng đầu thế giới, nền kinh tế bị đình đốn do đại dịch, xung đột sắc tộc và bạo loạn tấn công nền dân chủ, các nước ASEAN vẫn hoan nghênh ảnh hưởng chiến lược của Washington. Khảo sát cho thấy có 75% số người được hỏi hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế, 63.1% tán thành ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ tại khu vực, tăng so với 52.7% của cuộc khảo sát năm ngoái.
Tương tự, tỷ lệ số người đặt niềm tin vào Mỹ như là một đối tác chiến lược, một nguồn cung cấp an ninh cho khu vực đã tăng từ 34.9% năm ngoái lên 55.4% năm nay. Tỷ lệ người không tin tưởng vào Mỹ đã giảm từ 47% năm ngoái xuống còn 23.7% năm nay. “Quan điểm tích cực về Hoa Kỳ có thể do người Châu Á dự đoán rằng chính phủ Biden sẽ gia tăng sự gắn bó với khu vực,” các tác giả của nghiên cứu nhận định. Có tới 68.6% số người được hỏi cho rằng chính phủ Biden sẽ gia tăng tương tác với khu vực Đông Nam Á.
Trong những lĩnh vực cụ thể như tranh chấp Biển Đông, mối lo ngại của người dân Đông Nam Á đối với Trung Quốc càng bộc lộ rõ. Có tới 62.4% số người được hỏi lo ngại về tình trạng Trung Quốc quân sự hóa các hải đảo ở Biển Đông và có hành động hung hăng; 59.1% lo ngại việc Trung Quốc xâm chiếm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển; 45.2% lo ngại xung đột Trung Quốc-Hoa Kỳ ở Biển Đông có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị và đại đa số (84.6% muốn khối ASEAN giữ vững lập trường nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông là mọi giải pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế).
Đặc biệt, có tới 77.8% số người được hỏi cho biết họ đánh giá Trung Quốc là nước theo chủ nghĩa xét lại, có tham vọng lôi kéo Đông Nam Á vào khu vực ảnh hưởng của Bắc Kinh và đang dần dần thay thế vai trò của Hoa Kỳ như là cường quốc thống trị khu vực.
Lựa chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Tính chung, tại khu vực ASEAN sức thu hút và uy tín của Hoa Kỳ đang tăng lên trong khi của Trung Quốc đang giảm mạnh. Trả lời câu hỏi số 31: “Nếu ASEAN bị buộc phải đứng về một trong hai đối thủ chiến lược thì nên đứng về phía nào?” thì sự lựa chọn Trung Quốc đã giảm từ 46.4% năm ngoái xuống 38.5% năm nay còn lựa chọn Hoa Kỳ tăng 53.6% năm ngoái lên 61.5% năm nay. Xu thế đứng về phía Hoa Kỳ vẫn được đa số người dân ASEAN ủng hộ không phải vì tình cảm mà vì lựa chọn đó phù hợp với quyền lợi quốc gia của họ, dù trong thực tế chính trị không một nước nào công khai đi theo cường quốc này để chống lại cường quốc kia. Câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần” dường như đã không còn thích hợp với trường hợp ASEAN khi người láng giềng to xác càng ngày càng bộc lộ tham vọng thôn tính và chèn ép.
ASEAN đã vậy, Việt Nam thì sao? Các tác giả nghiên cứu dành khá nhiều quan tâm tới ý kiến của người dân Việt Nam và những câu trả lời cho thấy người Việt về căn bản có cùng quan điểm với người dân các nước lân cận, nhưng cũng có đôi chỗ khác biệt.
Người Việt Nam rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc; 90.4% lo ngại về ảnh hưởng kinh tế (ASEAN = 72.3%) và càng lo ngại về ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Bắc Kinh (97.7%) (ASEAN = 88.6%); Trong khi đó số người Việt có thiện cảm và chào đón Hoa Kỳ tăng từ 76.7% năm ngoái lên 91.7% năm nay. Trong những vấn đề cụ thể như Biển Đông, thái độ chống Trung Quốc thân Hoa Kỳ của người Việt Nam càng thể hiện rõ: 76% người Việt lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và hung hăng trên Biển Đông (ASEAN = 62.4%); 84.6% người Việt phản đối Trung Quốc xâm lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ở Biển Đông (ASEAN = 59.1%).
Ngay trong một vấn đề nhỏ như cho con cái đi du học, có tới 33.7% số người Việt được hỏi chọn Hoa Kỳ, tiếp theo sau là Úc (20%), Anh (15.4%), Liên Minh Châu Âu (14.3%), chỉ có 1.1% chọn du học Trung Quốc.
Tuy nhiên khi buộc phải chọn đứng về một bên trong cuộc xung đột địa chính trị Trung Quốc-Hoa Kỳ, ý kiến của người Việt lại trái ngược hẳn: trong khi ASEAN ngày càng tách xa Bắc Kinh, lựa chọn Trung Quốc đã giảm từ 46.4% năm ngoái xuống 38.5% năm nay thì người Việt lại nhích gần hơn với người láng giềng tham lam, từ 14.5% năm ngoái lên 16% năm nay. Lựa chọn Hoa Kỳ của khối ASEAN tăng từ 53.6% năm ngoái lên 61.5% năm nay nhưng ở Việt Nam chỉ số này lại giảm từ 85.5% năm ngoái xuống 84% năm nay.
Nhà cầm quyền CSVN thụt lùi
Trình bày các số liệu nghiên cứu rối rắm như vậy chẳng qua chỉ để thông tin tới bạn đọc rằng quan điểm của các nước ASEAN đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trải qua một cuộc thay đổi, niềm tin vào Hoa Kỳ như là quốc gia lãnh đạo toàn cầu đang tăng lên trong khi thiện cảm với Trung Quốc đang giảm xuống.
Xu hướng này là kết quả của nhiều sự kiện chính trị lớn làm rung chuyển thế giới trong thời gian qua; đó là tham vọng bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình; kết quả bầu cử tổng thống Mỹ mà đường lối tự cô lập “Nước Mỹ trước hết” của cựu Tổng Thống Donald Trump bị vứt bỏ, Hoa Kỳ trở lại chính trường quốc tế với chủ trương đoàn kết các quốc gia dân chủ chống độc tài, lập lại một trật tự quốc tế dựa trên pháp luật. Vì quyền lợi thực tế của mình, người dân các quốc gia Đông Nam Á đã xác định đâu là con đường mà đất nước mình cần đi theo trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng rất quyết liệt ở khu vực.
Người Việt Nam, quan tâm tới quyền lợi của đất nước cũng có sự xác định như vậy. Cuộc khảo sát dẫn trên cho thấy số người Việt chọn đứng về phía Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung, dù giảm so với năm ngoái do ảnh hưởng của thông tin giả về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, vẫn là đại đa số (84%), cao hơn hẳn tỷ lệ (61.5%) của các nước lân cận.
Nhưng ở một quốc gia độc tài độc đảng như Việt Nam, lựa chọn của người dân không bao giờ trùng khớp với quan điểm của đảng cầm quyền. Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 vừa kết thúc hồi đầu tháng này cho thấy Hà Nội quyết tâm đi vào con đường phụ thuộc Trung Quốc, mưu toan làm một “chư hầu” giữ phên giậu phía Nam của đất nước Trung Hoa ngăn chặn ảnh hưởng đang gia tăng của Hoa Kỳ.
Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng già nua lú lẫn vẫn bám chặt lấy chiếc ghế đảng trưởng, đưa ông Phạm Minh Chính – một viên tướng tình báo khét tiếng cúc cung tận tụy với “thiên triều Bắc Kinh” – vào ghế thủ tướng điều hành công việc hằng ngày của chính phủ bù nhìn, cùng với việc vô hiệu hóa các nhân vật có vẻ uy tín như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh báo hiệu một bước lùi trong xu thế của Việt Nam những năm tới.
Các nhà quan sát chính trị cho biết, sở dĩ ông Phúc, Minh bị gạt khỏi các chức vụ có thực quyền về đối nội đối ngoại là vì ông Trọng lo ngại các nhân vật này đã “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” khỏi đường lối độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản, và việc giữ ông Trọng ở lại vị trí lãnh đạo tối cao và đưa ông Chính lên nắm chính phủ là do sự sắp xếp của Bắc Kinh trong hậu trường, tiếp tục kiềm chế Việt Nam trong vòng cương tỏa của Trung Quốc không thoát ra được, thủ tiêu mọi ý định cải cách chính trị, đi về hướng tự do dân chủ nhân quyền do Hoa Kỳ dẫn dắt.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh nhảu chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng “tái đắc cử” đảng trưởng, thúc giục ông Trọng “chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài,” và vài hôm sau lại dùng lợi đường mật phủ dụ ông Trọng nhân dịp Tết Tân Sửu. Đáp lại, ông Trọng ra sức thổ lộ lòng trung thành với Bắc Kinh, khẳng định phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là “ưu tiên hàng đầu” của đảng CSVN, và của đất nước!
Đưa những nhân vật chủ trương giáo điều và công an trị nắm những vị trí chủ chốt của guồng máy, đảng Cộng Sản đồng thời cũng thay đổi đường lối quản trị đất nước: coi trọng việc kiểm soát tư tưởng và hành động của người dân hơn là cải cách kinh tế chính trị để phát triển. Những người đấu tranh dân chủ ở trong nước sắp phải đối mặt với tình trạng đàn áp của nhà cầm quyền Cộng Sản, dự báo sẽ còn khốc liệt hơn những cuộc thanh trừng trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN – một nghiên cứu được coi là “phong vũ biểu” (barometer) của chính trị Đông Nam Á – cho thấy gió đang xoay chiều, xu hướng thân Mỹ chống Trung Quốc mạnh dần lên trong khối ASEAN.
Năm con Trâu đã bắt đầu. “Trâu chậm thì uống nước đục,” đằng này Hà Nội chẳng những chậm mà còn đi ngược với con đường chung của cả khu vực thì sớm muộn cũng sẽ nhận hậu quả bi đát.
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dong-nam-a-chon-my-hay-trung-quoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét