Trần Hữu Thục
“Bầu cử tự do, công bằng là máu thịt của nền dân chủ chúng ta. Cáo buộc bất công là điều hệ trọng. Nhưng gọi một cuộc bầu cử là bất công không khiến cho nó thành bất công. Cáo buộc đòi hỏi những luận cứ rõ ràng kèm theo bằng chứng. [Ấy thế mà]Chúng tôi lại chẳng có cái nào ở đây cả.”Stephanos Bibas (Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ)
Nước Mỹ thường hay có những sự kiện đánh dấu cho những thay đổi có tính cách toàn cầu.
Vào ngày 11/9/2001, đầu thiên niên kỷ 2000: biến cố khủng bố New York là dấu mốc cắt lịch sử thế giới thành hai: tiền-9/11 và hậu-9/11. Những tưởng là lịch sử đã an bài và các sử gia chỉ việc theo đó mà …viết sử. Ấy thế mà, gần 20 năm sau, một biến cố khác dữ dội gấp bội về tất cả các mặt, từ số người chết, tấm mức rộng lớn, ảnh hưởng lâu dài…trên toàn nhân loại: Coronavirus.
Đi vào các nước khác, đại dịch vẫn chỉ là đại dịch. Ấy thế mà khi đến Mỹ, nó lập tức bị Mỹ-hóa và lập kỷ lục thế giới về số người bị nhiễm và bị chết. Chưa hết. Đi kèm theo đại dịch đó là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳđầy tranh cãi. Cả hai kết hợp nhau biến thành một “sự-kiện-đôi”, kéo dài suốt năm 2020 chuyển qua năm 2021, để lại di chứng lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Cũng là một kỷ lục!
Chữ của năm 2020: Pandemic
Khác với nhiều năm trước, “Chữ Của Năm” 2020 (Words Of The Year = WOTY 2020) không chỉ định nghĩa một năm, mà hơn thế, đánh dấu cả một thời kỳ. Một thời kỳ tệ hại mang đặc tính toàn cầu: khủng hoảng y tế, suy sụp kinh tế, bất công chủng tộc, thảm họa môi trường, chia rẽ chính trị và tin giả lên ngôi. Mỗi một sự kiện đều có nguyên nhân riêng của nó, nhưng rõ ràng tất cả đều gánh chịu ảnh hưởng của một biến cố vô tiền khoáng hậu do một con siêu vi nhỏ bé gây ra. Căn cứ trên số lượng vô cùng cao truy cập trên mạng, hai nhà xuất bản tự điển tiếng Anh hàng đầu trên thế giới, Merriam-Webster và Dictionary.com, đã chọn cùng một chữ dành cho năm 2020: “Pandemic”, Đại Dịch. Từ ngữ này mô tả một hiện thực đời sống bị nhiễu loạn đến cùng cực, tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ.
Merriam-Webster cho biết số lượng tra cứu chữ Pandemic bắt đầu gia tăng kể từ 20/1/20, ngày bệnh nhân đầu tiên được phát hiện bị nhiễm Coronavirus ở Mỹ và lên cao nhất vào 3/2/20, ngày một bệnh nhân bị nhiễm siêu vi được xuất viện lần đầu tiên ở Seattle, tiểu bang Washington. Vào ngày 11/3/20, khi con siêu vi lấy đi sinh mạng của gần 4300 người và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chính thức đặt tên là Covid-19 thì con số tra cứu chữ Pandemic tăng gần 116 ngàn lần ở tự điển Merriam-Webster và tăng hơn 13 ngàn 500 lần ở tự điển Dictionary.com, so với cùng thời điểm này vào năm 2019. Mức tra cứu liên tục tăng suốt năm 2020, trung bình mỗi tháng 1000%, không chỉ ở những nhà nghiên cứu, mà còn từ nhiều thành phần khác nhau. Theo Peter Sokolowski, tổng biên tập của nhà xuất bản Merriam-Webster, thì “Pandemic” được sử dụng không chỉ như một thuật ngữ mà đã trở nên một từ ngữ phổ thông.” Cũng theo ông, có lẽ trong tương lai, nó sẽ được dùng như một danh từ riêng để chỉ giai đoạn đặc biệt này trong lịch sử nhân loại.
Pandemic có gốc Hy lạp, xuất từ chữ pandemos: pan có nghĩa là “tất cả” (all) hay “mỗi/mọi” (every); và demos có nghĩa là “dân chúng” (people). Nó được dùng một cách rộng rãi tử giữa thế kỷ 17 (1600), với nghĩa là “phổ quát”, “phổ biến” (universal). Một chữ khác liên hệ là “epidemic”, dịch bệnh, dùng để chỉ một cơn dịch diễn ra trong một khu vực giới hạn với số lượng người bị nhiễm giới hạn. Như thế, “Pandemic” là một “epidemic” diễn ra trong một khu vực rộng lớn hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Merriam-Webster định nghĩa: “Đại dịch là một sự kiện trong đó một dịch bệnh lây lan nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn người trong một khu vực rộng lớn hoặc trên toàn thế giới.” Không khác xa mấy, Dictionary.com định nghĩa: “Đại dịch là một cơn dịch lan tràn khắp một nước, một lục địa hay trên toàn thế giới.”
Riêng Collins Dictionary, một công ty tự điển khác của Anh quốc, chọn chữ “Lockdown” (phong tỏa). Phong tỏa là “một biện pháp y tế công cộng” (a public health measure), qua đó, “mọi sinh hoạt công cộng bình thường bị đình chỉ” (normal public life is suspended), mọi người bị hạn chế di chuyển và gặp gỡ người khác. Và tự điển Cambridge thì chọn chữ “Quarantine” (cách ly để kiểm dịch). “Quarantine” là “một khoảng thời gian quy định chung trong đó, người ta không được phép rời nơi mình ở hoặc đi lại tự do, để tránh cho họ khỏi bị nhiễm bệnh hay truyền bệnh cho người khác.” “Lockdown” và “Quarantine” là hai biện pháp (trong nhiều biện pháp khác) được đề ra để đối phó với đại dịch, rõ ràng cũng bao gồm trong Pandemic.
Đại dịch chuyển đổi ngôn ngữ
Đối với những cơn dịch quan trọng trước đây, hậu quả lâu dài để lại trong ngôn ngữ chỉ là những “cái tên” được sử dụng phổ biến trong quần chúng như bệnh HIV (Human Immunodeficiency Virus), bệnh Aids (Acquired Immune Deficiency Syndrome), bệnh cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu 1918-1920), bệnh SARS (2002-2004), bệnh Cúm Lợn (Swine Flu- 2009). Pandemic hoàn toàn khác. Vào đầu năm 2020, đó là một “tử ngữ” để chỉ một biến cố đã thuộc hẳn về quá khứ, loài khủng long chẳng hạn. Thế mà, chỉ trong vòng vài ba tháng, Pandemic đảo lộn mọi hình thái cuộc sống, lại uốn nắn và tái tạo ngôn ngữ, dẫn tới một sự bùng nổ từ ngữ ở tiếng Anh cũng như ở các ngôn ngữ khác. Các từ vựng mới này giúp chúng ta nắm bắt được những thay đổi đã gắn chặt vào đời sống hàng ngày. Chúng giúp chất liệu để mô tả một “Bình Thường Mới” (New Normal), theo John Kelly của Dictionary.com. “Bình Thường Mới” là thuật ngữ chỉ tình trạng trong đó một nền kinh tế hay một xã hội ổn định trở lại tiếp theo sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2012, nhưng với khuôn mặt khác. Bình thường mà bất thường, một bất thường đã trở thành quen thuộc. Đeo khẩu trang, chẳng hạn. Tránh gặp mặt nhau, chẳng hạn. Lỡ gặp thì chào nhau bằng cùi chỏ, chẳng hạn. Vân vân và vân vân.
Các từ ngữ mới được mở rộng từ dịch tễ học cho đến các lề thói xã hội hay các cách cư xử trong sinh hoạt hàng ngày mà về sau, có lẽ cần phải có một “bản chú giải thuật ngữ” (glossary) để giúp cho những ai chưa quen có thể tra cứu. Xin liệt kê một số:
- asymptomatic: không triệu chứng
- contact tracing: theo dõi liên hệ, truy vết, dò tìm các tiếp xúc
- flatten the curve: làm phẳng đường cong (trên đồ thị) = giảm bớt số ca nhiễm bệnh hay tử vong
- fomites (fomes): bề mặt (của những vật dụng như áo quần, dụng cụ, nắm/chốt cửa…có thể giữ lại mầm bệnh do người bị nhiễm bệnh sờ vào và truyền bệnh cho người đến sau nếu vô tình sờ vào cùng chỗ đó).
- frontliner: người ở tuyến đầu (các bác sĩ, y tá và nhân viên làm việc tại các bệnh viện và cơ sở y tế)
- furlough: tạm cho nghỉ việc/phép tạm thời
- herd immunity, community immunity: miễn nhiễm cộng đồng
- infodemic: dịch thông tin
- national lockdown: phong tỏa đất nước;
- school lockdown: cấm cổng trường học
- long-hauler: bệnh nhân covid 19 dài ngày.
- PPE (Personal Protective Equipment): trang thiết bị bảo vệ cá nhân
- quarantine: cách ly phòng dịch
- shelter-in-place: trú ẩn tại chỗ
- stay-at-home: ở yên trong nhà
- social distancing: giãn cách xã hội, giữ khoảng cách an toàn
- superspreader: bệnh nhân siêu lây (người dễ truyền bệnh cho người khác)
- superspreader/superspreading event: một cuộc tụ họp đông người khiến bệnh lây lan nhanh chóng
- twindemic: lưỡng dịch (chỉ sự kiện người ta có thể trải qua hai cơn dịch, cúm mùa (flu) và đại dịch (pandemic), cùng một lúc diễn ra vào mùa thu và mùa đông năm 2020).
- sanitizer (dung dịch sát khuẩn)
- CDC (Centers for Disease Control and Prevention): Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (tên riêng chỉ cơ quan phòng chống dịch ở Mỹ hiện đã được nhiều nước sử dụng, cũng như nhóm chữ tắt CEO để chỉ giám đốc một công ty)
Ngoài ra, cung cách con người xoay sở để thích nghi với hiện thực mới cũng tạo ra những chữ mới liên quan đến bệnh dịch, được những nhà biên soạn tự điển theo dấu để đưa vào từ điển, gọi là coronacoinages (từ mới phát sinh do siêu vi Corona). Mọi sự, từ những tin tức hàng đầu cho đến những quảng cáo kinh doanh, từ cách ăn nói hàng ngày cho đến lối suy nghĩ, đều ít nhiều ghi đậm dấu ấn của Pandemic bằng cách kết khung tất cả các biển cố theo một cái mốc mới bằng cách sử dụng các giới từ: trước đại dịch (before pandemic), trong đại dịch (during pandemic), ở giữa đại dịch (amid pandemic) hay kể từ đại dịch (since pandemic).
Pandemic còn được sử dụng như một bổ nghĩa (modifier) để diễn tả nhiều hình thức sinh hoạt đời thường: “dạy dỗ (kiểu) đại dịch” (pandemic teaching), “thời trang đại dịch” (pandemic fashion), “nấu nướng đại dịch” (pandemic baking/cooking), “trầm cảm đại dịch” (pandemic depression), hay “bầu cử kiểu đại dịch” (pandemic election), vân vân và vân vân.
Sau đây là một số từ ngữ mới mô tả các sinh hoạt xã hội vào thời đại dịch:
- contactless: phi tiếp xúc, tránh tiếp xúc
- curbside pickup: nhận hàng ở bãi đậu xe (curbside: lề đường)
- maskless: không mang khẩu trang.
- no mask no service: không đeo khẩu trang không phục vụ
- no mask no entry: không khẩu trang không được vào
- face coverings: dụng cụ che mặt (hoặc là face mask = mặt nạ hay face shield = tấm nhựa che mặt)
- anti-masker: người chống đeo khẩu trang (thường là người ủng hộ tổng thống Trump)
- drive-by: tham dự một lễ hội đông người nào đó bằng cách ngồi trong xe đậu ở bãi đậu xe. Chẳng hạn: drive-by campaign rallies (mít tinh vận động tranh cử); drive-by graduations (dự lễ tốt nghiệp), drive-by weddings (dự đám cưới), drive-by birthdays (dự sinh nhật)
- drive-in: một dịch vụ công cộng được thiết lập để người tới giao dịch có thể đậu xe tại đó, ngồi trong xe làm việc, tránh tiếp xúc (contactless). Chẳng hạn: drive-in confession (ngồi xưng tội trên xe), drive-in coronavirus test (ngồi thử nghiệm siêu vi trong xe)
- virtual meeting, conference, event: hội họp, hội nghị, sinh hoạt qua mạng
- remote/virtual/online learning class: lớp học từ xa/ảo/trực tuyến, lớp trên mạng
- in-person class: lớp học trong phòng, lớp học tại chỗ, lớp học trực tiếp
- hybrid class/learning (traditional class + remote classes/activities): lớp học hay cách học kết hợp (kết hợp hai hình thức: một số ngày học trong lớp và một số ngày học qua mạng)
- fist bump: chạm nắm tay; elbow bump: chạm cùi chỏ (thay thế cho bắt tay (handshake) hay vỗ vào lòng bàn tay (high-fives)
Ngoài ra, cũng có một số chữ ghép:
- covidiot (covid + idiot): người coi thường lời khuyên của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội)
- covideo party (covid + video): bữa tiệc/họp mặt trực tuyến thời covid
- covexit (covid + exit): chiến lược thoát ra khỏi chế độ phong tỏa vì covid
- quaranteams (quarantine + team): họp nhóm trực tuyến trong thời kỳ cách ly
Từ đại dịch đến “bầu cử gian lận”
Đại dịch 2020, ngoài việc giết người hàng loạt trên khắp địa cầu, còn gây ra những đổ vỡ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm lý sâu xa, làm xoay chuyển hẳn đường đi của lịch sử. Trong lúc một số các nước Á Châu như Nhật Bản, Đài Loan hay Nam Hàn, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, đã làm khá tốt trong việc chận đứng sự lây lan của đại dịch, thì cho đến nay, các nước dân chủ phương Tây lại để lộ nhiều mặt yếu kém, lúng ta lúng túng chưa hay không tìm ra lối thoát.
Nặng nề nhất là Mỹ. Đến Mỹ đúng vào năm bầu cử giữa những xung đột tả, hữu cực đoan, con siêu vi nhỏ bé lập tức biến toàn nước Mỹ thành trung tâm điểm của những hoạt cảnh kỳ lạ và kỳ quặc. Ngay từ đầu, cách đối phó hoàn toàn thiếu hiệu quả của Hoa Kỳ đối với đại dịch khiến George Packer, trong một bài báo, đã chua chát tự nhận là “Chúng ta đang sống trong một quốc gia thất bại.” Lồng trong cuộc chiến chống đại dịch thất bại ấy, là một cuộc chiến khác: tranh cử tổng thống. Con siêu vi đột nhiên trở thành trung tâm điểm của cuộc tranh cử đa dạng, đa sắc và đầy hệ lụy đưa đến một màn kịch hậu-bầu-cử không giống ai. Bên thua tố cáo gay gắt bên thắng và liên tục kiện tụng để kết thúc bằng một màn bạo loạn, suýt đưa đến sự sụp đổ của một cơ chế dân chủ lâu đời và bền vững nhất thế giới.
Nếu cần chọn thêm một chữ của năm 2020 cho riêng nước Mỹ, theo tôi, thì đó sẽ là “Rigged Election,” Bầu Cử Gian Lận.
Trong vòng hai tháng kể từ ngày bầu cử 3/11, những chữ và nhóm chữ đi liền với gian lận và kiện cáo gian lận chiếm lĩnh thị trường truyền thông Mỹ, làm lu mờ phần nào chữ nghĩa về cơn đại dịch. Xin liệt kê một số:
- gian lận: widespread voter fraud (gian lận cử tri tràn lan), fraudulent (lừa đảo), rigged election (bầu cử gian lận), massive fraud (gian lận quy mô), massive irregularities (bất hợp lệ quy mô), voter suppression (ngăn chặn cử tri), election is stolen (cuộc bầu cử bị đánh cắp), stop the steal (chận đứng trò ăn cắp), allegations of massive fraud (cáo buộc gian lận quy mô)
- kiện cáo: election lawsuit (kiện cáo bầu cử), legal challenge (thách đố pháp lý), legal team (tổ/đội ngũ pháp lý), legal fight (đấu tranh pháp lý), baseless claim (yêu sách vô căn cứ), falsehoods (sai lầm), nullify (vô hiệu hóa, hủy bỏ), pursue legal claims (theo đuổi yêu sách pháp lý), U.S. Court of Appeals for the Third Circuit (Tòa Kháng Án Liên Bang), US Supreme Court (Tối Cao Pháp Viện liên bang Hoa Kỳ), State Suprem Court (Tối Cao Pháp Viện tiểu bang), judge (thẩm phán), federal judge hay justice (thẩm phán liên bang).
- cách bầu cử: mail-in voting (bầu bằng thư), in-person voting (bầu trực tiếp), mail-in ballots (phiếu bầu bằng thư), in-person ballots (phiếu bầu trực tiếp).
- những từ ngữ và nhóm từ ngữ liên hệ: elector (đại cử tri), electoral college (đại cử tri đoàn), overturn the results (đảo ngược kết quả), concede defeat (thừa nhận thất cử), reverse his loss (đảo ngược thất bại), appeal (kháng cáo), hearing (điều trần), nullify the votes (vô hiệu hóa phiếu bầu), dismiss, reject a lawsuit (bác bỏ một vụ kiện cáo), throw out ballots (vứt bỏ phiếu bầu), certify (xác nhận), de-certify (hủy xác nhận), re-certify (tái xác nhận), ascertainment of electors (xác nhận đại cử tri), de-politicize (phi chính trị hóa), invalidate Biden’s win (vô hiệu hóa thắng lợi của Biden), president-elect, vice-president-elect (tổng thống, phó tổng thống tân cử), protest, challenge, object the electoral college results (phản đối, thách thức, bác bỏ kết quả đại cử tri đoàn), objection to the election results (phản đối kết quả bầu cử), accept, confirm, affirm the results (thừa nhận, xác định kết quả), endorse objections (tán thành sự phản đối), reverse objections (đảo ngược sự phản đối), vân vân và vân vân.
“Bầu cử gian lận”, một sự kiện chính trị thường hay xảy ra ở các nước thế giới thứ ba, là một “thuật ngữ” (cũng là luận cứ) mà cựu tổng thống Donald Trump sử dụng nhằm áp đặt một cái nhìn tiêu cực về đất nước Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của những chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa trước đó, như là một tiền đề để chuẩn bị cho khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) khi ra tranh cử. Chả là, ngay từ trước khi nhảy vào chính trường, ông Donald Trump đã khẳng định nước Mỹ là một nước thuộc thế giới thứ ba (third world country) so với Dubai hay Trung Quốc. Gian lận bầu cử có lẽ là luận cứ khá “nhất quán” hiếm thấy ở con người không mấy khi xem trọng quan điểm “nhất dĩ quán chi”. Với Trump, “gian lận” cũng như “fake news”: bất cứ tin tức gì gây bất lợi cho ông hay bất cứ cái gì ông không thích.
Trump không thích Obama da đen. Khi Obama mới đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu, ông liền lên tiếng phê phán bầu cử Mỹ là một trò “bôi bác” (travesty), chẳng có gì đáng gọi là dân chủ cả. Đến khi Obama thắng cử lần thứ hai, Trump gọi đó là hậu quả của một hình thức bầu cử “bất công lớn lao và ghê tởm” (great and disgusting injustice). Ông kêu gọi những người không-bỏ-phiếu-cho-Obama phải chống đến cùng kiểu bầu cử mà đã làm cho (một người như) Obama thắng cử.
Trump không ưa Ted Cruz, (bị ông đặt tục danh là Lyin’Ted= Ted nói láo), vì ông Thượng nghị sĩ này là đối thủ của ông trong cuộc chạy đua giành chức ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 2016. Khi bị thua Ted Cruz trong vòng bầu cử sơ bộ (primary) ở tiểu bang Iowa, ông tố cáo cơ sở đảng Cộng Hòa địa phương cấu kết với Ted Cruz để gian lận.
Trung ghét cay ghét đắng Hillary Clinton (bị đặt tục danh là Crooked Hillary = Hillary lươn lẹo). Năm 2016, vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, Trump lên tiếng cảnh báo về bầu cử gian lận vì nó hoàn toàn bị ngành truyền thông ủng hộ Hillary lừa bịp và bóp méo thông tin. Khi ông thắng cử và Hillary tuyên bố thua cuộc, Trump vẫn tiếp tục tố cáo bầu cử gian lận, vì nhờ đó mà Hillary hơn ông đến ba (3) triệu phiếu phổ thông.
Trump không thích Joseph Biden (bị đặt tục danh là Sleepy Joe = Joe ngái ngủ). Trong suốt cuộc vận động tái tranh cử năm 2020 chống lại Biden, ông sử dụng nhóm chữ “bầu cử gian lận” hàng chục lần để lên án một cuộc bầu cử chưa diễn ra. Tại Oshkosh, Wisconsin, ngày 17/8/2020, ông khẳng định, “Cách duy nhất mà tôi thất cử trong cuộc bầu cử này là nếu nó gian lận.”
Rủi thay, “cách duy nhất” đó xảy ra: Biden thắng. Vậy thì, bầu cử tổng thống năm 2020 nhất định là gian lận rồi. Giữ chặt tiền đề đó, trong suốt hơn hai tháng ròng sau ngày bầu cử 3/11/2020, Trump và những người ủng hộ ông tiến hành một cuộc “thập tự chinh” dai dẳng, quy mô, ồn ào, đầy kịch tính với một kế sách đồng bộ nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một nước “đại dân chủ” như Mỹ lại xảy ra chuyện cáo buộc bầu cử gian lận quy mô. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử thế giới, tổng thống và đảng cầm quyền tố cáo đảng đối lập gian lận bầu cử.
Thật đáng gọi là lạ lùng và nghịch lý! Một nghịch lý mang tính cách rất (chi) là Trump!
(Còn tiếp một kỳ)
https://www.diendantheky.net/2021/02/tran-huu-thuc-canh-ty-2020-tu-ai-dich.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét