Trường Sơn – (VNTB)
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sinh năm 1957, quê Nghệ An, ngay sau khi vừa trúng cử Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng khóa XIII, đã được Bộ Chính trị ‘phân công’ sang Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng thời điểm đó, ông Võ Văn Thưởng được ‘điều’ làm Thường trực Ban Bí thư.
Ai cũng nghĩ ông Thắng sẽ thay ông Thưởng làm ông trùm mật vụ về tư tưởng…
Bất ngờ, trưa ngày 19-2, ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí thư đã trao quyết định phân công công tác của Bộ Chính trị đối với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962, tên gọi thân mật theo phong cách Nam Bộ là Sáu Nghĩa, quê quán Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 1979. Ông có một con gái là Nguyễn Lê Huỳnh Trúc, thạc sĩ, du học tại Mỹ, hiện đang là giảng viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Mở TP.HCM. Vợ của ông làm việc tại Đài Truyền hình TP.HCM.
“Tôi luôn giữ lời thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, tiếp tục rèn luyện đạo đức, tác phong công tác để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, nhân dân giao phó…”, tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Phát biểu trên có điểm đáng chú ý là ông không đưa “Đảng” vào lời thề trung thành. (https://tuoitre.vn/thuong-tuong-nguyen-trong-nghia-giu-chuc-truong-ban-tuyen-giao-trung-uong-2021021910542859.htm)
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa từng là phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 (năm 2008), chính ủy Quân đoàn 4 (2010). Từ năm 2012 đến 19-2-2021, ông là phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với bề dày sắc lính như vậy, liệu sắp tới đây cơ quan Tuyên giáo Trung ương có trở thành Hồng Vệ Binh phiên bản Việt Nam thời cách mạng công nghệ 4.0?
“Hồng Vệ Binh” – danh xưng đầy đủ “Hồng vệ binh của chủ tịch Mao”, đó là hàng trăm triệu thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục đến mức cuồng nhiệt, tôn sùng chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao tới mức có thể xúc phạm, chửi bới, hành hạ, đày đọa, thậm chí giết chóc, bất cứ ai dám tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với những nội dung chính trị được Đảng Cộng sản Trung quốc giảng dạy.
Trả lời cho thắc mắc trên, xin đọc lại một bản tin trên Reuters ngày 26-12-2017 (https://www.reuters.com/article/us-vietnam-security-cyber/vietnam-unveils-10000-strong-cyber-unit-to-combat-wrong-views-idUSKBN1EK0XN).
“Nhà nước Cộng sản Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát Internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung có vẻ mang tính công kích, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này khiến sự chỉ trích lắng xuống trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội là công ty toàn cầu”, bài báo của Reuters viết.
Reuters ghi nhận Lực lượng 47, gồm 10.000 người, sẽ ‘là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng’, ‘vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao’ – truyền thông Việt Nam dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Tổng cục Chính trị hôm 25-12-2017.
Số nhân lực 10.000 người của Lực lượng 47 được so sánh với con số 6.000 nhân viên của Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý rằng lực lượng này tập trung chủ yếu vào người sử dụng internet trong nước, trong khi Bắc Hàn tập trung vào trên phạm vi quốc tế, vì internet không được phổ biến cho người dân nước này, vẫn theo Reuters.
Như vậy, với một tướng quân đội từng nắm giữ quyền bính ở đội quân 10.000 người ấy, nay chuyển sang ‘dân sự’, cho thấy không nhiều khả năng báo chí Việt Nam sẽ mấy dễ thở hơn; và không loại trừ sẽ có một phiên bản Hồng Vệ Binh của Nguyễn Phú Trọng – theo đó những ai thiếu tin tưởng, bất đồng chính kiến với Tổng Bí thư Đảng đều có thể bị trừng trị.
https://chantroimoimedia.com/2021/02/21/tuyen-giao-dang-se-mang-sac-mau-hong-ve-binh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét