Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

5038 - Chiến tranh kim chi giữa Hàn và Trung




Các trang mạng xã hội ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang bùng nổ các cuộc tranh cãi, với đề tài là xuất xứ của kim chi, món bắp cải lên men là sản phẩm truyền thống của nước nào. Lời lẽ tấn công nhau, đang ngày càng dữ dội, không khác gì Trung Quốc và Đài Loan, Indonesia, Philippines và Việt Nam về đường chín đoạn trên biển Đông.
Ở Trung Quốc, truyền thông dân túy cực đoan của nước này đã gây phản ứng sau khi hò reo chuyện món rau muối ngâm của họ được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế [ISO - International Organization for Standardization] . Đại diện cho luồng ngôn luận đó, tờ Global Times đưa tin, nói đó là “chuẩn quốc tế của ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”. Chính việc đề cập đến từ kimchi đã gây ra những cáo buộc giận dữ ở người Hàn Quốc rằng Trung Quốc đang cố gắng sở hữu kim chi là của riêng họ, trong khi thực tế giải thưởng, với tên gọi đúng - chỉ là pao cai - một loại rau muối thường thấy trong ẩm thực Tứ Xuyên.
Khắp nơi, người Hàn Quốc nổi giận, nói Trung Quốc đang cố gắng đòi cướp món kim chi là của riêng họ. “Hoàn toàn vô nghĩa, thật là một tên trộm ăn cắp văn hóa của chúng ta!” Một cư dân mạng Hàn Quốc đã viết trên Naver, một cổng thông tin điện tử phổ biến rộng rãi ở Hàn.
Kim Seol-ha, cư dân Seoul cho biết: “Tôi đọc một câu chuyện trên phương tiện truyền thông rằng Trung Quốc nói rằng kimchi là của họ, và họ đang làm tiêu chuẩn quốc tế cho nó. Thật là vô lý”.
Một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết sự thèm muốn trắng trợn của Trung Quốc đối với kim chi cũng giống như một “sự ra đời để thống trị thế giới”.
Ngay cả bộ nông nghiệp của Hàn Quốc cũng xúc động bình luận về cuộc xung đột văn hóa mới nhất, đưa ra một tuyên bố nói rằng tiêu chuẩn đã được ISO phê duyệt “không liên quan gì đến kim chi”.
Bộ cho biết thêm: “Việc pao cai nhận chuẩn ISO mà không phân biệt giữa kim chi với pao cai từ Tứ Xuyên là không phù hợp".
Trong khi đó, dân Trung Quốc cực hữu thì cười cợt, có người viết trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc rằng: “Ngay cả cách phát âm của kimchi cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, còn gì để nói nữa”.
Cuộc chiến tranh này khiến ISO bối rối. Sandrine Tranchard, phát ngôn viên của I.S.O., cho biết trong một email rằng tổ chức này thường phát triển các tiêu chuẩn thuần túy kỹ thuật dựa trên yêu cầu từ “ngành hoặc các bên liên quan khác” và các ủy ban kỹ thuật của tổ chức bao gồm các chuyên gia từ ngành, nhóm người tiêu dùng, học viện, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận. ISO cũng cho biết Trung Quốc nói họ có mọi quyền yêu cầu món ăn này là của riêng mình, vì rất nhiều kim chi được tiêu thụ ở Hàn Quốc - nơi mọi người ăn ước tính khoảng 2 triệu tấn mỗi năm - đến từ Trung Quốc.
Nỗi đau thực tế của người Hàn là hiện nay, có gần 40% lượng kim chi được nhập khẩu từ Trung Quốc – do giá nhân công rẻ, cũng như nhiều nhà thầu ở Hàn muốn công nghiệp hóa món ăn truyền thống này, trong khi nhiều gia đình trẻ ở Hàn Quốc chọn nhiều món ăn ngoại nhập hơn. Bạn đừng ngạc nhiên với điều này, khi văn hóa điện ảnh, văn học, manhwa… của Hàn luôn cố ý đưa hình ảnh kimchi, như sự khuyến khích bảo tồn văn hóa ẩm thực.
Tờ New York Times nhận định rằng Global Times đã chạm đến dây thần kinh ở Hàn Quốc, nơi nhiều người cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. “Nội dung văn hóa của Hàn Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, nên có vẻ như Trung Quốc đang nỗ lực để tuyên bố rằng những nội dung đó có nguồn gốc từ họ”, Seo Kyoung-duk, giáo sư tại Đại học nữ Sungshin ở Seoul, nói với Yonhap news.
Do một loạt các vấn đề về sức khỏe của kim chi Trung Quốc trong quá khứ — bao gồm cả kim chi chứa trứng ký sinh từ chất thải của con người và quá nhiều chất chì — nên nhiều người Hàn Quốc sẽ không mua kim chi Trung Quốc tích trữ trong siêu thị, mặc dù nó rẻ hơn so với các nhãn hiệu tự trồng. Nhưng cũng như Việt Nam - ngành công nghiệp nhà hàng vẫn lấy nguồn hàng từ Trung Quốc và cung cấp cho những khách hàng Hàn Quốc vì lợi hơn.
“Chúng ta cần nâng cao nhận thức về giá trị thực sự của món kim chi quốc gia Hàn Quốc” Lee Yong-jik, phó giám đốc tại bộ phận kim chi của Bộ Nông nghiệp, nói với BBC. Chính phủ hiện đang xem xét việc bắt các nhà hàng phải niêm yết công khai nguồn gốc nguyên liệu của họ.
Bài học trong câu chuyện kimchi này? Từ một quốc gia được giao công thức để gia công chế biến, nhập khẩu vào Hàn Quốc, giờ thì Trung Quốc đã vui mừng thông báo đó là thực phẩm thành tựu của họ. Áo dài và nhiều nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc ứng xử như vậy trên thế giới. Hãy nhân rộng đến nhiều thứ khác, bạn đoán xem Trung Quốc sẽ còn làm gì nữa trong thế kỷ này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét