Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

5108 - Mùa Hè Đỏ Lửa: Quân Lực VNCH chiến thắng vang dội tại Mặt Trận Quảng Trị

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Các trận đánh tại Mặt Trận Quảng Trị tuy không phải là những trận đánh cuối cùng trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 nhưng lại là những trận đánh dữ dội nhất và được nói đến nhiều nhất vì lực lượng tham chiến hết sức đông đảo của cả bạn lẫn thù.

Binh sĩ VNCH tại nhà thờ La Vang thuộc quận Hải Lăng trong trận chiến mùa Hè năm 1972. (Hình: flickr manhhai)

Mặt Trận Quảng Trị tại vùng địa đầu giới tuyến kéo dài suốt sáu tháng trời và trải dài trên một địa bàn có chiều ngang từ bờ Biển Đông sang phía Đông Trường Sơn gần biên giới Việt-Lào và chiều dọc từ Bắc Quảng Trị xuống tới Nam Thừa Thiên. Hai bên quần thảo nhau kịch liệt từ giai đoạn 1, khi Cộng Quân phà vỡ các phòng tuyến phía Bắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và tràn ngập tỉnh lỵ Quảng Trị, cho đến giai đoạn 2 khi Quân Lực VNCH phản công đẩy lùi Cộng Quân khỏi những khu vực họ đã chiếm được, trong đó có Cổ Thành Đinh Công Tráng tại Quảng Trị, nơi Cộng Quân tử thủ gần ba tháng trời, để giành lấy chiến thắng sau cùng.

Mặt Trận Quảng Trị: Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 của Mặt Trận Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa kéo dài từ ngày 30 Tháng Ba đến ngày 2 Tháng Năm, 1972. Trưa ngày 30 Tháng Ba, 1972, hai Sư Đoàn 304 và 308 Cộng Sản Bắc Việt, với quân số khoảng 30,000 người và được sự yểm trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh từ phía Bắc Đông Hà, phối hợp cùng các lực lượng du kích địa phương, đã vượt qua Vùng Phi Quân Sự (DMZ) để khởi sự trận chiến đánh vào Quảng Trị và Thừa Thiên, là hai tỉnh địa đầu giới tuyến tại Vùng I Chiến Thuật của VNCH trong nỗ lực quyết chiếm đất và giành dân để mở rộng lãnh thổ và làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước khi Hiệp Định Paris 1973 về lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết.

Cùng lúc đó, từ những mật khu ở phía Tây Quảng Trị, Sư Đoàn 324B của Cộng Sản Bắc Việt, có các xe tăng T-54 và PT-76 yểm trợ, đã dùng Đường Số 9 từ bên Lào tiến vào thung lũng Sông Thạch Hãn. Cuộc tấn công bất ngờ của các sư đoàn Cộng Quân hùng hậu đã làm cho các tiền đồn và căn cứ do Sư Đoàn 3 Bộ Binh và Biệt Động Quân VNCH trấn thủ lần lượt bị tràn ngập. Những trận địa pháo ác liệt của lực lượng Cộng Sản Bắc Việt Cộng, bao gồm pháo tầm xa 122 ly và 130 ly cùng súng phòng không 37 ly và 57 ly, nhất là hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 và hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 chống máy bay, đã khiến cho hàng chục căn cứ hỏa lực và tiền đồn của Quân Lực VNCH, như Bá Hô, Holcomb, Sarge, Fuller, 2, Khe Gió, Carroll, Mai Lộc, Ái Tử… phải thất thủ trong những ngày đầu chiến cuộc.

Trước áp lực quá mạnh của các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại vùng Quảng Trị-Thừa Thiên, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, thay vì chấp nhận tử thủ, lại quyết định rút lui toàn bộ lực lượng phòng thủ vùng giới tuyến xuống phía Nam. Cuộc lui binh mang tính tháo chạy của các lực lượng VNCH đã dẫn tới một cuộc di tản vô tổ chức của các binh sĩ rời bỏ đơn vị cùng với thường dân – mà đa số là thân nhân của họ – trên đoạn quốc lộ 1 từ Quảng Trị chạy xuống phía Huế. Cộng Quân đã không bỏ lỡ cơ hội “thà giết lầm hơn bỏ sót” mà nỗ lực truy sát và pháo kích bừa bãi vào đoàn người đang chạy trốn họ, khiến cho có tới 2,000 thường dân và binh lính trong đoàn người di tản bị sát hại và hàng ngàn người khác bị thương, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn và đẫm máu trên một đoạn đường được các ký giả chiến trường lúc đó gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” (“Highway of Horror”).

Ngày 2 Tháng Năm, Tướng Giai cùng bộ tư lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh được trực thăng vận từ Cổ Thành Đinh Công Tráng về Đà Nẵng, khiến các lực lượng Cộng Quân tiến chiếm dễ dàng tỉnh lỵ và thành phố Quảng Trị chỉ sau ba ngày tấn công, để rồi sau đó là toàn bộ tỉnh Quảng Trị và phần lãnh thổ phía Bắc Thừa Thiên-Huế cũng rơi vào tay Cộng Quân.

Mặt Trận Quảng Trị: Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 của Mặt Trận Quảng Trị kéo dài từ ngày 28 Tháng Sáu đến ngày 16 Tháng Chín, 1972. Các kế hoạch phản công mau lẹ của Quân Lực VNCH đã tái chiếm được một số căn cứ cũ, như Bastogne, Checkmate… và chợ Quảng Trị, Ty Y tế, Ngân Khố, Tòa Án… để sau cùng là đánh bật Cộng Quân ra khỏi Cổ Thành Đinh Công Tráng, giành lấy chiến thắng quyết định tại các mặt trận vùng giới tuyến.

Sau khi để mất Quảng Trị vào tay Cộng Quân, các lực lượng VNCH tái tổ chức tuyến phòng thủ mới do các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, và Sư Đoàn 1 Bộ Binh phụ trách ở mạn Nam Sông Mỹ Chánh tại phía Bắc Huế, khiến sức tiến quân của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt phải khựng lại kể từ những ngày đầu Tháng Năm, 1972.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tân tư lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật, thay cho Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, đã lập kế hoạch chiếm lại các phần lãnh thổ đã mất vào tay Cộng Quân qua Chiến Dịch Lam Sơn 72, phần lớn dựa vào nỗ lực của hai đại đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.

Lúc đầu, Tướng Trưởng dành vinh dự tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng cho các lực lượng Nhảy Dù trong khi Thủy Quân Lục Chiến trở thành nỗ lực yểm trợ chính cho quân bạn trên một mặt trận mà cả phía VNCH và các cố vấn Mỹ đều nhìn nhận là hết sức cam go vì Cộng Quân đang ở thế thượng phong. Nhưng sau các cuộc giao tranh đẫm máu và quần thảo với bộ đội Cộng Sản Bắc Việt, những kẻ nhận được lệnh từ Hà Nội là phải tử thủ cho đến chiến binh cuối cùng tại Quảng Trị, lực lượng Dù phải chịu nhiều thiệt hại nên vinh dự này được trao lại cho Thủy Quân Lục Chiến.

Điều đáng tiếc nhất cho phía Nhảy Dù là, vào rạng sáng ngày 25 Tháng Bảy, sau vụ các cảm tử quân Dù đã cắm được lá quốc kỳ VNCH lần đầu tiên trong đêm hôm 18 Tháng Bảy nhưng bị hỏa lực của Cộng Quân ngay bên trong Cổ Thành triệt hạ, hai đại đội 51 và 52 thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đang bám sát bờ tường Cổ Thành và chuẩn bị tiến vào bên trong để dựng cờ VNCH lần thứ hai thì bị hai phản lực cơ Phantom của Hải Quân Hoa Kỳ thình lình bay đến thả bom lầm làm hai đơn vị này bị thiệt hại rất nặng, khiến Nhảy Dù, vì biến cố này, đành từ bỏ quyết tâm cắm cờ và tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Về trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, tác giả Trọng Đạt trong bài viết nhan đề “Mặt Trận Quảng Trị 1972” trên trang mạng quocgiahanhchanh.com viết như sau:

“Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu ngày 28 Tháng Sáu, các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến tiến hành chậm hơn dự định. Tại Thạch Hãn, Việt Cộng phản ứng dữ dội, ngày 7 Tháng Bảy các đơn vị Dù đã tiến gần Quảng Trị. Bắc Việt cố thủ, được pháo binh yểm trợ mạnh, một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận về Ðông Bắc thành phố để cắt đường tiếp vận của địch. Bắc Việt định tử thủ Quảng Trị đến người cuối cùng, các mũi tấn công của ta bị khựng lại. Tướng Trưởng quyết tâm tái chiếm Quảng Trị và giao cho Thủy Quân Lục Chiến vì Dù đã bị thiệt hại nặng.

“Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến được giao trách nhiệm tiêu diệt Việt Cộng trong thành phố, vì địch tử thủ nên tác chiến gặp nhiều khó khăn cho tới Tháng Chín. Bắc Việt tăng cường một đại đơn vị rất to lớn: sáu sư đoàn 304, 308, 324B, 325, 320B, 312 để áp đảo hai sư đoàn tổng trừ bị của VNCH, hai bên đụng độ dữ dội, địch pháo dữ dội hàng ngàn quả mỗi ngày, trong khi ấy Quân Đoàn 1 vẫn tấn công đều đặn…

“Chiến dịch phản công đến tuần thứ 10 vào Tháng Chín không được kết quả cụ thể nào. Ngày 8 Tháng Chín, Quân Đoàn 1 đưa ra ba cuộc hành quân riêng rẽ hỗ trợ cho mục đích chính, Dù chiếm ba căn cứ La Vang phía Nam cổ thành. Ngày 9 Tháng Chín, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khởi sự tấn công vào Cổ Thành. VNCH và Hoa Kỳ tấn công nghi binh vào bãi Bắc sông Cửa Việt. Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến từ Ðông Bắc đánh xuống, Lữ Đoàn 258 từ Ðông Nam đánh lên. Khuya 14 Tháng Chín, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đột nhập một vách tường Ðông Nam Cổ Thành rồi tràn vào bên trong, ngày 15 Tháng Chín hai Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến dàn quân càn quét về hướng Tây thanh toán các ổ kháng cự. Sáng 16 Tháng Chín, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đã dựng cờ chiến thắng trên Cổ Thành và nới rộng quyền kiểm soát thành phố nay chỉ còn là đống gạch vụn.”

Các chiến sĩ công binh VNCH di chuyển một cây cầu phao vào vị trí bắc qua sông Mỹ Chánh, tuyến phòng thủ cực Bắc của chính quyền VNCH kể từ khi Quảng Trị thất thủ vào tay Bắc Việt, ngày 19 Tháng Sáu, 1972. (Hình: flickr manhhai)

Chiến thắng Quảng Trị vừa nêu cao uy danh Quân Lực VNCH vừa đào sâu mối hờn vong quốc

Khi nói về trận chiến tại Quảng Trị năm 1972 người ta thường nhắc đến hai biến cố lớn lao: Một là chiến thắng cam go và đắt giá của Thủy Quân Lục Chiến VNCH trong nỗ lực chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị từ tay Cộng Quân, và hai là số phận bi đát của biết bao thường dân vô tội bị Cộng Quân bắn giết không nương tay tại “Đại Lộ Kinh Hoàng” khi hàng ngàn binh lính VNCH thất tán đơn vị cùng với thường dân hối hả theo quốc lộ 1 tháo chạy xuống phía Nam trước sức tiến quân rầm rộ của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt từ Đông Hà xuống Bắc Thừa Thiên trong những ngày đầu chiến cuộc.

Với thành tích lấy lại được các vùng lãnh thổ tại Quảng Trị và Thừa Thiên đã bị Cộng Quân chiếm đóng trong những ngày đầu của Mùa Hè Đỏ Lửa, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã khen tặng quân và dân hai tỉnh địa đầu giới tuyến này bốn chữ “Trị Thiên vùng dậy.” Chiến thắng của Quân Lực VNCH qua việc đánh bại năm sư đoàn của Cộng Sản Bắc Việt và chiếm lại Cổ Thành Đinh Công Tráng từ tay Cộng Quân đã thật sự nêu cao uy danh của Quân Lực VNCH vào những năm tháng cuối của cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Sự trưởng thành vượt bực của Quân Lực VNCH vào giai đoạn sau cùng của cuộc chiến hồi thế kỷ trước càng khiến cho việc miền Nam Việt Nam thất thủ trước đoàn quân xâm lược Cộng Sản mang đầy tính mỉa mai, chua xót, chỉ vì giữa lúc Cộng Sản Quốc Tế vẫn dồn hết nỗ lực trợ giúp Hà Nội đánh chiếm Miền Nam Tự Do thì phía Mỹ và Đồng Minh lại tháo chạy nửa chừng để cho Sài Gòn sụp đổ.

Điều đáng tiếc và đau xót hơn nữa là miền Nam Việt Nam chính là vùng đất có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất và tươi đẹp nhất mà vì chiến tranh triền miên nên không có cơ hội hưởng dụng. Đã thế, vào thời điểm 1973-1975, VNCH vừa khám phá ra những mỏ dầu và khí đốt có trữ lượng lớn ngoài khơi nhưng chưa kịp khai thác thương mại để có thể tự túc, tự cường và tiếp tục cuộc chiến tranh chống Cộng thì lại sụp đổ vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi không chút do dự, để cho những mỏ dầu khí này lần lượt rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt và Cộng Sản Trung Hoa, luôn cả những hòn đảo và bãi đá tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông do tiền nhân để lại, như những diễn biến chính trị và quân sự hiện nay cho thấy. (Vann Phan) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét