Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

5075 - Đại hội 13: Đảng nâng số nhân sự cao cấp gốc miền Nam bằng Nghệ Tĩnh

Việt Nam
WEBSITE ĐẢNG CSVN

Chụp lại hình ảnh,

Thượng tướng quân đội VN Nguyễn Trọng Nghĩa (trái) được Bộ Chính trị ĐCSVN cử giữ chức vụ mới, thay thế ông Võ Văn Thưởng (phải) làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng

Hai trong ba điều chỉnh nhân sự cấp cao đầu tiên sau Đại hội 13 của ĐCSVN là các quan chức đến từ miền Nam. Đây là chuyện tình cờ hay là một động thái mang tính chất 'xoa dịu' dư luận?

Đó là chuyện ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, sẽ làm Trưởng Ban Kinh tế TW đảng, là người đến từ miền Nam Trung Bộ của Việt Nam.

Hai vị trí còn lại là người quê Nam Bộ: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (gốc Tiền Giang) lên làm tân Trưởng Ban tuyên giáo TW.

Cựu Trưởng ban Võ Văn Thưởng, quê Vĩnh Long, trước đó được giao giữ chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho ông Trần Quốc Vượng, người không có tên trong Ban chấp hành Trung ương khóa 13.

Khuynh hướng 'tình cờ' từ Đại hội 8?

Việt Nam
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bà Trương Thị Mai (giữa) đã từng là một phương án nhân sự cho Tứ Trụ của ĐCSVN tại Đại hội 13, theo nhà quan sát chính trị

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nha nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với BBC:

"Trước hết, tôi muốn nói trong nhân sự cấp cao Trung ương khóa 13 chưa thấy có ai ở trong cơ cấu Tứ trụ này là người miền Nam, kể cả những thông tin, đồn đoán cũng không có thành phần ở Nam Bộ.

"Trước đó có đồn đoán về thành phần miền Nam và phụ nữ ở trong Tứ trụ, nhưng người ta cho rằng nhân vật nữ đó, mà là Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã xin rút. Tức là có tin nói bà Trương Thị Mai đã rút để nhường ghế Chủ tịch Quốc hội tới đây cho ông Vương Đình Huệ.

"Về uy tín, nhiều ý kiến nói, để làm vị trí đó tại Quốc hội Việt Nam, thì uy tín của bà Mai là cao hơn ông Huệ, tôi muốn nói thêm là bà Trương Thị Mai quê ở Quảng Bình, nhưng trên thực hành chính trị, bà được xếp là ở trong miền Nam, vì gia đình của bà vào miền Nam đã lâu rồi và bà ấy lớn lên ở miền Nam.

"Bà học ở miền Nam, trưởng thành ở miền Nam và bà được coi là hoạt động ở miền Nam, ứng cử Ban chấp hành Trung ương đảng và Bộ Chính trị theo địa bàn hoạt động là ở Nam Bộ.

"Vừa rồi tin nói bà đã rút như trên để nhường vị trí trong Tứ trụ đó cho ông Huệ, nên mới có chuyện trong Tứ trụ không có phụ nữ và không có miền Nam, Nam Bộ.

"Tôi cũng xin nhấn mạnh là trong quy định nội bộ ĐCSVN, thì chưa bao giờ có quy định là phải có sự phân chia Trung, Nam, Bắc hay là Bắc - Nam, hay là gì cả. Tất cả quá trình dài, thí dụ từ Đại hội 8 đến giờ, đã có một hiện tượng số đông cán bộ từ miền Nam làm Thủ tướng.

"Có thể kể đến như là ông Phạm Hùng, sau đó đến ông Võ Văn Kiệt, rồi đến ông Phan Văn Khải, quê và tiếp theo là ông Nguyễn Tấn Dũng, có một giai đoạn khi giữa chừng đang làm việc thì ông Phạm Hùng qua đời đột ngột, và ông Đỗ Mười được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương Thủ tướng Chính phủ, nhưng chỉ làm trong ba năm (6/1988-8/1991), sau đó ông được bầu lên làm Tổng Bí thư và chức vụ lãnh đạo Chính phủ đó sau được kế nhiệm, giao lại cho ông Võ Văn Kiệt.

"Vì lúc ông Phạm Hùng, quê Vĩnh Long, qua đời thì ông Võ Văn Kiệt, cũng quê Vĩnh Long, đã là quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và gần như ngẫu nhiên là người miền Nam làm Thủ tướng.

"Miền Trung, khi đó có ông Võ Chí Công, quê Quảng Nam, làm Chủ tịch nước, nhưng có hai khóa miền Trung không có ai ở trong Tứ Trụ cả, nhưng hồi đó không thấy ai lấy gì làm lạ cả."

Không nên quá nặng nề về 'vùng miền'

Việt Nam
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân dự khán một phiên họp tổng thể của Thượng viện Liên bang Nga tại Moscow, trong chuyến thăm Nga của bà tháng 12/2019

Trở lại bối cảnh hiện nay, sau Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Hoàng Hợp nói:

"Còn bây giờ miền Nam không có ai nằm trong Tứ Trụ khóa 13 này, có lẽ cũng không nên lấy gì làm quá nặng nề, tôi nghĩ là không nên, tuy cái nặng nề có thể nằm ở chỗ khác.

"Tuy nhiên, hoạt động của ĐCSVN có một mục tiêu nhằm đảm bảo sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ đảng, trong đó có yếu tố tính đến gọi là nhân tố địa phương, vùng miền và uy tín.

"Đồng thời, tôi muốn nhấn mạnh là có một luận điểm rất quan trọng cho Đại hội 13 vừa qua, mà Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 12 đã thống nhất rất là cao với lại Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 12, đó là không được làm nhẹ tiêu chuẩn.

"Hay nói đúng hơn, người ta nói một câu chính xác rằng không vì cơ cấu mà làm nhẹ, coi nhẹ tiêu chuẩn, chất lượng.

"Thế thì nếu nói rằng hai trong ba vị trí mới nhất hậu Đại hội 13 vừa được cơ cấu đến từ nhân sự miền Nam, Nam Bộ là để 'xoa dịu', như có ý kiến chúng tôi nghe được, thì cũng là một ý hay, nhưng còn chưa rõ lắm.

"Nếu ông Võ Văn Thưởng là xứng đáng để vào chức vụ Thường trực Ban Bí thư, thì người ta bổ nhiệm ông ấy thôi, nhưng rõ ràng là cũng đã có thông tin, đồn đoán từ trước nói rằng nếu ông không làm vị trí Thường trực đó, thì ông sẽ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng.

"Chức vụ Trưởng ban Tổ chức TƯ đó vô cùng quan trọng, vì đó là một chức vụ rất thật ở trong đảng. Nhưng bây giờ bổ nhiệm ông làm chức Thường trực BBT cũng rất quan trọng, thì chức lãnh đạo Ban Tổ chức mà nếu ông Phạm Minh Chính đang đảm nhiệm tới đây có thể chuyển đi, thì có thể sẽ có người khác.

"Do đó, khó mà nói là sẽ cụ thể như thế nào, nhưng với miền Nam, tỷ lệ, số lượng có tới 4 người ở trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư thì cũng khá cao, và theo tôi là ít nhất cao bằng nhóm lãnh đạo cấp cao gốc từ hai địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh cộng lại trong các cấu trúc này - với ba người ở Bộ Chính trị và một người trong Ban Bí thư."

Thường trực Ban Bí thư 'đầy trọng trách' nhưng liệu có 'đột phá' gì?

Việt Nam
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông Võ Văn Thưởng (trái) và Ban Tuyên giáo TƯ mà ông làm Trưởng ban vừa hỗ trợ tốt việc tổ chức Đại hội 13 của ĐCSVN, đồng thời tham gia chống Covid-19, theo nhà quan sát chính trị từ Hà Nội

Nhân dịp này, nhà phân tích chính trị từ Hà Nội bình luận thêm về trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, người vừa được cử giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư của ĐCSVN:

"Theo tôi, ông Thưởng ấy là một người có thực chất học hành cẩn thận, ông ấy là Thạc sỹ về Triết học, từng làm công tác đoàn từ rất sớm, mà đoàn là một cơ cấu hậu bị của đảng.

"Cho nên ngay từ đầu khi ông làm công tác đoàn, người ta đã có dự kiến đưa ông lên, bổ nhiệm vào các chức vụ cao và rất cao sau này trong đảng.

"Tôi thấy rằng ông Thưởng là một người còn trẻ, làm việc rất có trách nhiệm và là một người có quan hệ rộng rãi với các cơ quan đảng ở các địa phương, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với các địa phương đặc biệt như TP Hồ Chí Minh và nơi mà trước đây ông ấy được luân chuyển là tỉnh Quảng Ngãi.

"Vừa rồi, ông ấy vào công việc Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đó là một công việc không những mang tính chất lãnh đạo tập thể, mà nó còn cần các việc mà ở đó, những người đứng đầu phải thể hiện được vai trò đứng đầu, thì tôi thấy ông Thưởng trong vai trò này giữ được một cách khá trôi chảy và bình thường, tuy chưa thấy có gì thực sự là đột phá cả, bởi vì thời gian vừa rồi chẳng có gì có thể nói là dấu ấn, hay đột phá cả.

"Vừa qua, trong nhiệm kỳ của ông Võ Văn Thưởng, Ban Tuyên giáo đã giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành TƯ ĐCSVN khóa 12, bắt đầu kể từ tháng 10/2018, cho đến vừa rồi diễn ra Đại hội đảng 13, thì ông Thưởng và Ban này đã làm công việc hỗ trợ đó rất là tốt và bản thân Ban Tuyên giáo TƯ cũng có đóng góp một phần nào đó trong việc hơn một năm vừa qua chống Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

"Tôi tin rằng để ông Thưởng làm thường trực Ban Bí thư thì rất phù hợp vì thứ nhất là ông ấy còn trẻ, mới có 51 tuổi mà là Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa liên tiếp, ngoài ra cũng là Ủy viên Trung ương đảng được 3-4 khóa và với một năng lực của một con người luôn luôn bình tĩnh, tự tại và rất thận trọng, thì cá nhân tôi tin rằng ông Thưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương giao cho ông ấy.

"Tôi muốn nói thêm cho rõ là đây là công việc mà BCHTƯ khóa 12 giao cho ông Thưởng làm ở khóa 13 và nó được thể hiện thông qua Đại hội khóa 13 vừa nhóm họp xong này.

"Có người hỏi rằng tới đây ông Thưởng liệu có đóng góp gì hay không trong cương vị mới, tôi xin nói rằng nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư, nếu mà xét về mặt khối lượng công việc, tuy thế rất là nặng nề.

"Nếu nghiên cứu kỹ Điều lệ đảng CSVN, thì thực ra trong Điều lệ đảng không có chức Thường trực Ban Bí thư, mà chỉ có chức Thường trực Bộ Chính trị hay Thường vụ Bộ Chính trị gì đó thôi.

"Còn từ năm 2011 đến giờ không hề có sửa Điều lệ, kể cả không có sửa điều mà tới nay vẫn có hiệu lực rằng Tổng Bí thư không nắm giữ chức vụ TBT quá hai nhiệm kỳ liên tục, thì Điều lệ đảng không có chức vụ Thường trực Ban Bí thư.

"Bây giờ, chưa thấy có văn bản nào chức này là chức kia, nhưng qua 10 năm vừa qua, khi ông Lê Hồng Anh làm Thường trực Ban Bí thư, thì trong thực tế, người ta thấy rằng hai chức vụ Thường trực Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư là trùng nhau, chỉ có trên văn bản chưa có.

"Tuy nhiên, trên thực tế đó là một trọng trách nặng nề, là cầu nối lãnh đạo của ĐCSVN đối với nhà nước Việt Nam, đấy là một định nghĩa rõ ràng, mà đây là cầu nối hai chiều.

"Tất cả những gì nhà nước làm, đều phải có báo cáo và có được ý kiến đồng ý của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, tức là của Ban chấp hành Trung ương, thì mới được làm, từ việc nhỏ cho đến việc lớn nhất đều phải thông qua đó.

"Như thế, chiều từ nhà nước, chính phủ, Quốc hội, hệ thống tư pháp mà báo cáo sang phái đảng để nhận được sự đồng ý hay đồng thuận, thì báo cáo qua thường trực Ban Bí thư và ngược lại những truyền đạt về mặt chính sách, thủ tục, nhân sự về các mặt khác, nhất là nhân sự trong đó, từ phía đảng qua nhà nước, cũng đều qua vị trí này.

"Và vị trí này có vai trò không chỉ là cầu nối mà còn đứng ra tổ chức tất cả công việc ấy, cho nên công việc của người Thường trực Ban Bí thư là rất quan trọng, nhưng tôi tin rằng để ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ này như mới đây quyết định là phù hợp với những lý do mà tôi đã nói ở trên," ông Hoàng Hợp bình luận.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56183610

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét