Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

4995 - "Mỹ đã trở lại" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với BBC

US Secretary of State Anthony Blinken (file pic)
REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với BBC rằng "Mỹ đã trở lại" và tham gia triệt để giúp giải quyết các vấn đề bao gồm đại dịch, biến đổi khí hậu và tham vọng hạt nhân của Iran.

Trong cuộc phỏng vấn quốc tế đầu tiên của mình, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine Covid-19 trên toàn thế giới.

Ông cũng chỉ trích Trung Quốc về sự thiếu minh bạch trong việc phát hiện virus corona xuất hiện thế nào.

Việc này dấu sự đoạn tuyệt với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump.

Ông Blinken nói những điều này khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có nhất G7 gặp nhau trong phiên họp ảo.

Blinken nói gì về tiêm chủng?

Mỹ đang tài trợ 4 tỷ đô la cho chương trình tiêm chủng Covax, nhằm mục đích cung cấp hơn hai tỷ liều vacine cho người dân ở 190 quốc gia trong vòng chưa đầy một năm.

Ông Blinken nói: "Trừ khi và cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới đều được tiêm phòng, thì không ai thực sự an toàn hoàn toàn, bởi vì nếu virus ở đó và tiếp tục sinh sôi, nó cũng sẽ đột biến," ông Blinken nói.

"Và nếu nó đột biến, nó cũng sẽ quay lại và lây lan khắp mọi nơi."

Hiện Mỹ đã tiêm chủng cho hơn 27 triệu người dân của mình. Tuy nhiên, ở nhiều nước nghèo hơn, việc tiêm chủng vẫn chưa bắt đầu.

Ông Blinken cũng cáo buộc Trung Quốc không chia sẻ thông tin có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của virus corona.

Một nhóm các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dành bốn tuần ở Trung Quốc trong một sứ mệnh tìm hiểu sự thật vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, hai chuyên gia của WHO sau đó cho biết Trung Quốc đã từ chối cấp cho họ toàn quyền truy cập vào dữ liệu của nước này.

Ngoại trưởng cho biết cần có một hệ thống an ninh y tế tốt hơn để phát hiện ra các đại dịch trước khi chúng bùng phát trên diện rộng.

Ông nói: "Nó yêu cầu các quốc gia phải minh bạch. Nó yêu cầu họ chia sẻ thông tin. Nó yêu cầu họ phải cung cấp quyền tiếp cận cho các chuyên gia quốc tế khi dịch bắt đầu bùng phát - những điều mà đáng tiếc chúng tôi chưa thấy từ Trung Quốc", ông nói.

Blinken báo hiệu sự thay đổi quan điểm đối với Iran?

Đúng. Dưới thời Donald Trump, Mỹ đã rời bỏ thỏa thuận theo đó các cường quốc thế giới nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế làm tê liệt Iran, đổi lại Iran phải giới hạn các hoạt động nhạy cảm để cho thấy họ không phát triển vũ khí hạt nhân.

Hiện Mỹ đang xem xét liệu có nên tham gia lại thỏa thuận hay không. Tổng thống Biden hôm thứ Sáu cho biết Mỹ phải làm việc với các cường quốc khác để kiềm chế cái mà ông gọi là tham vọng hạt nhân "gây bất ổn" của Iran.

Về phần mình, Iran nói rằng bất chấp lời đề nghị của EU về việc môi giới đàm phán với Mỹ để khôi phục thỏa thuận, Mỹ "phải hành động" trước và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Ông Blinken nói với BBC rằng Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu của họ "một lần nữa có cùng quan điểm" về Iran.

Ông nói: "Tổng thống Biden đã nói rõ: nếu Iran quay thực hiện lại các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân, thì Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều tương tự."

Và ông cho biết Mỹ sau đó sẽ làm việc với các nước khác để đối phó với Iran trong các vấn đề khác, bao gồm ảnh hưởng của nước này trong khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo.

Khi được BBC Yalda Hakim hỏi liệu ông sẽ trả lời như thế nào trước những cáo buộc rằng Mỹ đã nhượng bộ Iran, ông nói rằng cách tiếp cận trước đó đã thất bại.

"Chúng tôi có một chính sách gọi là 'áp lực tối đa' trong những năm gần đây đối với Iran mà không mang lại kết quả. Thực tế, vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn. Iran giờ đã tiến gần hơn đến khả năng sản xuất, ngay lập tức, đủ vật liệu phân hạch chế tạo vũ khí hạt nhân. "

Về nhân quyền và công chúa Latifa

Princess Latifa bint Mohammed Al Maktoum and Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum
GETTY IMAGES / PRINCESS LATIFA

Ông Blinken cũng được hỏi về trường hợp của Công chúa Latifa, con gái của người cai trị Dubai, người đã cáo buộc gia đình bắt giữ cô làm con tin kể từ khi cô cố gắng bỏ trốn vào năm 2018.

Trong những đoạn video bí mật mà BBC có được, công nương nói rằng cô lo sợ cho tính mạng của mình. Câu chuyện đã khiến toàn cầu kêu gọi một cuộc điều tra của LHQ và cơ quan nhân quyền LHQ đã yêu cầu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cung cấp bằng chứng cho thấy công chúa vẫn còn sống.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, nói thêm: "... Chúng tôi rất coi trọng nhân quyền và tổng thống đã đưa nó thành trọng tâmchính sách đối ngoại của chúng tôi và các quốc gia có thể kỳ vọng rằng chúng tôi tuân thủ điều này. "

Hôm thứ Sáu, hoàng gia Dubai cho biết thông qua đại sứ quán ở London của UAE rằng Công chúa Latifa "đang được chăm sóc tại nhà".

Nhưng không có video hoặc hình ảnh nào được công bố có thể làm bằng chứng sống, hay đưa ra bất kỳ chi tiết nào về tình trạng của cô.

Còn gì nữa trong chương trình làm việc của Blinken?

Mỹ hiện đang xem xét chính sách của họ về Afghanistan để quyết định có nên giữ quân đội ở đó hay không. Ông Blinken cho biết Mỹ và các nước khác sẽ gây áp lực lên Taliban và những nước khác để buộc họ phải tôn trọng các cam kết trong việc tách ra khỏi al-Qaeda.

Ông mô tả cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Myanmar là "một bước lùi bi thảm đối với những gì đã từng là một quá trình chuyển đổi dân chủ lịch sử".

Ông lên án quyết định của Trung Quốc trong việc chặn kênh truyền hình BBC World News và đài phát thanh World Service, gọi không gian thông tin Trung Quốc là "một trong những nơi kém cởi mở nhất" trên thế giới.

"Trung Quốc sử dụng điều đó để truyền bá thông tin và tuyên truyền sai lệch ... Tôi cho rằng việc này sẽ không bền vững và nó đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau đứng lên vì không gian thông tin tự do và cởi mở . Chúng tôi đang tìm cách để làm điều đó hiệu quả hơn", ông nói.

Ông Blinken từ chối bị lôi kéo theo những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022, dự kiến được tổ chức tại Bắc Kinh, vì những cáo buộc diệt chủng đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Ông chỉ nói: "Đó là điều mà chúng tôi sẽ làm vào đúng lúc, trong đúng thời điểm."

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56037473

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét