Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

5091 - Sùng bái lãnh tụ, hiện tượng thế kỷ tại Mỹ

Nhã Duy


Tháng 2 năm 1956, ba năm sau khi Stalin mất, tham luận của Bí Thư Nikita Khrushchev trong ngày cuối cùng đại hội đảng Liên Xô lần thứ 20 là một quả bom bất ngờ, làm sững sờ những đảng viên và một quốc gia cộng sản.

Trong bản tham luận mật có tựa “Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó”, Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.

Khác với sự ngưỡng mộ, yêu thích giới ca sĩ, thể thao hay những nhân vật đặc biệt, các doanh gia thành đạt, khái niệm và cụm từ “sùng bái cá nhân” (cult of personality) nghiêng về hiện tượng sùng bái lãnh tụ trong ý nghĩa chính trị được nhắc lại nhiều hơn trong xã hội hiện đại từ sau tham luận này của Khrushchev, cho dù nó đã từng hiện hữu trước kia.

Bịnh sùng bái lãnh tụ phổ biến trong các quốc gia độc tài và cộng sản khi một chiến dịch tuyên truyền và báo chí nằm trong tay nhà cầm quyền để tô vẽ, thần thánh hóa các nhân vật được tôn thờ. Nó xa lạ với các quốc gia phương Tây và càng xa lạ hơn ngay tại Mỹ, khi các lãnh tụ và chính khách chẳng được người dân mấy gì ưu ái và truyền thông không phải công cụ để chính phủ sử dụng cho mục đích tuyên truyền. Nơi công cộng không hề có ảnh lãnh tụ, ngoại trừ những bảng quảng cáo chính trị.

Mặt khác, với nhiệm kỳ có thời hạn cùng bản hiến pháp giới hạn vai trò và quyền lực của một tổng thống Hoa Kỳ, người dân Mỹ chưa bao giờ xem tổng thống là vị cứu tinh trọn đời của nước Mỹ. Bởi được đánh giá là tài ba hay thất bại, các nhiệm kỳ và chính sách tổng thống cũng mang tính giai đoạn, có thể hoàn toàn bị đảo ngược ở đời kế nhiệm như những gì người ta đã thấy.

Kể từ khi Donald Trump nắm quyền, trong bốn năm qua, điều này đã hoàn toàn thay đổi trong văn hóa Mỹ. Nó không phải là một chọn lựa cá nhân ngẫu nhiên mà có ảnh hưởng từ tính chất và chiến lược nguy hiểm của sự tôn vinh sùng bái cá nhân. Các nghiên cứu về tệ nạn này đã chỉ ra rằng, khi một cá nhân hay thể chế sử dụng kỹ thuật cùng phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch tuyên truyền, sự dối trá, tinh thần yêu nước… để tạo ra hình ảnh lý tưởng, anh hùng, thần tượng hóa lãnh tụ, thì có thể tạo ra sự sùng bái số đông.

Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên. Nhưng điều này dường như là sự trùng hợp vì nó đánh đúng vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng tinh thần thượng đẳng và bài ngoại của một nhóm Mỹ trắng đang cảm thấy mất mát quyền lực trước xã hội Hoa Kỳ ngày càng đa chủng tộc và đa văn hóa, hơn là nhờ vào chính con người của Trump.

Cho dù Donald Trump đánh đồng lòng trung thành và sự ủng hộ mình là sự trung thành và yêu nước, điều tương tự ở các thể chế độc tài và được người cuồng Trump tin theo nhưng Trump là một hình tượng thô nhám, chưa được gọt rửa trong văn minh và văn hóa Mỹ. Khả năng và tính cách dung tục, gian manh và ích kỷ không che đậy lại thu hút được đông đảo người ủng hộ bởi nó cho họ có được một đồng minh, lãnh tụ đúng như con người và suy nghĩ của họ.

Phải ghi nhận đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử và văn hóa Mỹ, bởi như đã nói trên, người Mỹ chưa từng bị những cuộc tẩy não cưỡng ép hay tự nguyện để sùng bái cá nhân quá độ như tại các quốc gia cộng sản. Tuy nhiên những lý do nhóm Mỹ trắng ủng hộ Trump là điều dễ hiểu và từng được phân tích nhiều, chỉ có sự ủng hộ Trump trong cộng đồng Việt từ trong nước ra đến hải ngoại là điều khó giải thích hơn. Bởi người Việt tại Mỹ cũng là người di dân, là đối tượng bị kỳ thị và chưa bao giờ thuộc về nhóm da trắng thượng đẳng, ngoại trừ mang cùng chủ nghĩa vị kỷ và sự hung hăng giống họ. Còn với người Việt trong nước, chính Trump cũng có thể không biết đến hay không quan tâm, tuồng lên đồng “ăn mày chính trị” này vì nó hoàn toàn vô giá trị.

Trên thực tế, nhiều người gốc Việt tại Mỹ mê Trump sống quần tụ trong cộng đồng và bị trở ngại ngôn ngữ, xa lạ với văn hóa Mỹ thì có lẽ phần lớn chỉ loáng thoáng nghe tên hay biết sơ sài về Donald Trump trước kia. Nhiều người tự thú nhận chưa từng thực hiện bổn phận công dân của mình. Nhưng bốn năm qua, trong khi quả có một số người Việt nhẹ dạ, vô tình bị dẫn dắt bởi những nguồn tin bịa đặt, còn thì lắm kẻ bỗng nhiên trở nên cuồng tín, “bảo hoàng hơn vua”, không thua kém những kẻ quá khích trong cộng đồng bản xứ. Họ giành chính nghĩa và tinh thần yêu nước về mình. Nhưng có phải vậy?

Khi phủ nhận một nước Mỹ với nhiều đời tổng thống tiền nhiệm, khi phủ nhận hiến pháp và cơ cấu pháp luật, nền tảng dân chủ, phủ nhận các hệ thống cùng sự vận hành công quyền của nước Mỹ thì rốt cuộc lại, họ chỉ tôn sùng và cuồng mê mỗi Donald Trump, cho dù ngụy biện bằng bất cứ lý do gì đưa ra. Hay không quá lời là họ đã phản bội lại chính nước Mỹ, nơi đã từng cưu mang và giúp gia đình họ tạo dựng sự ổn định hay thành công trên xứ người trong vài chục năm qua. Đến hôm nay, không ít người cuồng Trump gốc Việt vẫn còn bám víu thuyết QAnon không tưởng, khi tin Donald Trump sẽ trở thành tổng thống vào ngày 4 tháng 3 tới.

Đại hội chính trị những người bảo thủ CPAC tại Florida vào cuối tuần này vốn quy tụ những nhân vật bảo thủ quan trọng của đảng Cộng Hòa trước kia, thì lần này được xem là nơi tập trung những kẻ trung thành với Donald Trump. Họ tìm kiếm cách đưa Trump hay gia đình ông ta quay lại chính trường Hoa Kỳ để làm một cuộc thanh trừng, trả thù trong tương lai. Cơ hội và tính khả thi là câu chuyện khác, nhưng nó cho thấy việc sùng bái Trump vẫn còn mạnh mẽ, không dễ dàng biến mất.

Phong trào bài Lenin, Stalin không phải dễ dàng, nó kéo dài qua nhiều thập niên tại Liên Xô hay nước Nga sau này. Hiện tượng Donald Trump chắc chắn sẽ còn là một đề tài phân tích sâu hơn cho những nhà lịch sử và xã hội học trong tương lai. Và nó càng cần thiết hơn với người Việt Nam nói riêng bởi đây là một điều đáng xấu hổ và cản trở bước tiến thế hệ tiếp nối trong lịch sử cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.

https://baotiengdan.com/2021/02/27/sung-bai-lanh-tu-hien-tuong-the-ky-tai-my/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét