Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

5255 - Thượng tướng Võ Tiến Trung, ông là ai?

Thu Hà

Kỷ niệm 33 năm ngày Trung Cộng xâm lược và thảm sát Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2021)

Hình như trước đây ít ai để ý đến cái tên Võ Tiến Trung, cho dù ông đeo đến lon thượng tướng, đại biểu Quốc khóa XII, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Quân ủy Trung ương (2011-2016), Anh hùng Lực lượng Vũ trang và từng là giám đốc Học viện Quốc phòng. Mọi người chỉ biết đến ông ta trước đại hội XII, khi Trung xuất hiện với vai trò là “phát ngôn viên” về chuyện sắp xếp nhân sự cấp cao trong các hội nghị trung ương, cũng như diễn biến trước và trong đại hội.

Nhưng kể từ sau đại hội XII, người ta lại giật mình hơn khi một tướng về hưu như ông lại biến thành kiêu binh, gây náo loạn trên mạng xã hội, đăng đàn trên báo chí, to tiếng với giới sử học, miệt thị luôn cả những quan chức giáo sư, tiến sĩ của Đảng và với cả các tướng lĩnh, đồng đội của mình. Vậy Võ Tiến Trung là ai?

Tuổi thơ chăn trâu, thất học và hung tàn…

Võ Tiến Trung sinh ngày 21/12/1954 tại Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam trong một gia đình bần cố nông. Cha Trung là ông Võ Miễn, đi theo Việt Minh và tập kết ra Bắc năm 1954. Tuổi thơ của Võ Tiến Trung là chuỗi ngày chăn trâu cơ cực và dữ dội.

Chân dung ông Võ Tiến Trung. Nguồn: VNE

Sau khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam năm 1965, để khích lệ tinh thần các sát thủ Việt Cộng, đảng CSVN đưa ra chương trình khen tặng huân chương, huy chương khi giết được nhiều binh sĩ, cũng như công chức của chế độ VNCH. Khen tặng “dũng sĩ diệt Mỹ” khi giết chết, hoặc làm bị thương lính Mỹ. Danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, có 4 cấp được quy định trên toàn miền Nam lúc ấy, gồm:

– Cấp ưu tú: Giết 15 người Mỹ hoặc làm chết, bị thương trên 18 người

– Cấp 1: Giết 10 người Mỹ hoặc làm chết, bị thương 14 người

– Cấp 2: Giết 6 người Mỹ hoặc làm chết, bị thương 9 người

– Cấp 3: Giết 3 người Mỹ hoặc làm chết, bị thương 5 người

Không giống với những đứa trẻ khác ở miền Nam ngây thơ và trong sáng, Võ Tiến Trung đã trở thành “sát thủ nhí” từ năm 11 tuổi.

Võ Tiến Trung được du kích quân cộng sản huấn luyện cách đưa thư, đánh cắp vũ khí và sử dụng nó, như rút chốt và ném lựu đạn. Chiến công của cậu bé Trung là những vụ nổ kinh hoàng tại các địa danh thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam: Chợ Hoà Mỹ xã Đại Nghĩa, làng Khánh Vân xã Đại Cường, hay cầu Ông Nở xã Đại Thắng… Xác binh sĩ VNCH nằm lẫn với xác đàn bà, trẻ con vô tội. Máu hoà với tiếng khóc oan ức, tang thương, gây rúng động cả một vùng quê nghèo Quảng Nam.

Lính Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi trong cuộc hành quân, rất thích chơi đùa với bọn trẻ chăn trâu, chăn bò, cho bọn chúng bánh kẹo, sô cô la… Võ Tiến Trung lại được dạy cho cách lân la vào chỗ lính Mỹ đóng quân, giả nô đùa và cài lựu đạn gây nổ, giết chết họ.

Từ năm 1965 đến năm 1971, không biết bao nhiêu máu đã tắm trên người Võ Tiến Trung để ông có được các phần thưởng:

– 3 “Huân chương chiến công giải phóng” hạng nhất, nhì, ba

– 5 “Huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ” cấp độ ưu tú, hạng ba

– 2 “Huy hiệu dũng sĩ” diệt xe tăng, máy bay

Phần thưởng dành cho “sát thủ nhí” Võ Tiến Trung

Cho đến tận bây giờ, Võ Tiến Trung luôn tự hào với “chiến công” thời đánh Mỹ. Còn với những người có lương tri chắc sẽ rùng mình ghê sợ một trẻ em giết người hàng loạt, cũng như kinh hãi với chính những người chiêu mộ, lôi kéo, bày vẽ, đào tạo trẻ em vị thành niên trở thành kẻ sát nhân máu lạnh.

Đến lon tướng trên cầu vai…

Năm 1972 “mùa hè đỏ lửa”, các cuộc giao tranh của các bên trên chiến trường miền Nam Việt Nam được coi là khốc liệt nhất trong suốt cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc. Để tránh cái chết, ông Võ Miễn đã tác động, sắp xếp để kéo con trai mình là Võ Tiến Trung ra Bắc, làm “hạt giống đỏ”, đi học ở trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Từ kẻ “một chữ bẻ đôi” không có, Trung mò mẫm mãi rồi được cha “cõng” vào trường Sĩ quan Đặc công để đào tạo và tiến thân.

Năm 1983, để lấy “số má”, Võ Tiến Trung tình nguyện theo đoàn chuyên gia sang Cuba. Từ Cuba nhóm của Trung sang Afghanistan, nhập vào đội quân cố vấn quân sự Liên Xô để huấn luyện cho quân chính phủ của đảng Dân chủ Nhân dân, chống lại lực lượng các chiến binh du kích Hồi giáo Mujahideen.

Hai năm sau, Trung quay về một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, để rồi leo lên đến chức Phó Tư lệnh Quân khu với quân hàm thiếu tướng. Dù đã chung chi rất nhiều tiền, nhưng Trung không tranh được chức Tư lệnh Quân khu 5. Trong cái rủi có cái may, vào phút chót bên “bảo kê” đành kéo Trung ra Học viện Quốc phòng vào năm 2009. Tại đại hội XI của đảng CSVN, năm 2011, Trung lọt vào Uỷ viên Trung ương theo cơ cấu dành cho ghế Giám đốc Học viện.

Vậy là, từ một cậu bé chăn trâu, chẳng học hành gì, vụt một phát Võ Tiến Trung trở thành tướng lĩnh có “số má”. Trên cầu vai Trung lấp lánh ba sao cấp tướng, quân hàm vượt qua cả hàng trăm ông tướng tên tuổi, dạn dày trận mạc, vào sinh ra tử với công trạng lẫy lừng, nhưng chỉ dừng lại ở hai sao, một sao như tướng Trần Độ, Đồng Sỹ Nguyên, Lê Quang Đạo, Đồng Văn Cống, Lê Mã Lương… Chừng đó đủ thấy Võ Tiến Trung “vận đỏ” như thế nào trên con đường binh nghiệp.

Sau đại hội XII, tháng 2/2016, Võ Tiến Trung nghỉ hưu ở tuổi 62. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Trung về quê vui thú điền viên cùng hai bà vợ và đám con cháu. Đằng này, Trung bỗng trở thành kiêu binh, bất chấp tất cả, tấn công đồng đội, giới sử gia và cả những người dân yêu nước.

Võ Tiến Trung nhiều lần tỏ thái độ không thân thiện với Mỹ, mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đang rất tốt đẹp. Tháng 7/2020, Trung từng phát biểu: Mỹ tập trận ở Biển Đông không phải để ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền. Cũng thời gian này, Trung từng nói: “Mỹ và Trung Quốc gây bất ổn và căng thẳng ở Biển Đông”. Trước đó, hồi tháng 6/2016, ông ta từng kêu gọi, “không nên mua vũ khí của Mỹ”. Tháng 10/2019, Trung đăng đàn góp ý, “nên duy trì mối quan hệ với Trung Quốc”.

“Bộ tứ” kiêu binh gồm Võ Tiến Trung, đồng hương Trung tướng “tuyên giáo” Nguyễn Thanh Tuấn, Thiếu tướng công binh Hoàng Kiền, Đại tá Khuất Biên Hoà (cựu thư ký của Lê Đức Anh) ra sức cùng dư luận viên chửi rủa chủ biên Lê Mã Lương, cùng những người biên soạn, cấp phép cho ra đời cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử“.

Từ năm 2017 đến 2019, Võ Tiến Trung cùng đám kiêu binh và hội Cờ Đỏ luôn kêu gào với một giọng điệu “Chống thế lực thù địch bài Trung, phò Mỹ, viết lại sử, dựng cờ vàng, hạ cờ đỏ“. Năm 2018, Trung đăng đàn công khai hô hào tẩy chay bộ Quốc sử Việt Nam do GS Phan Huy Lê làm chủ biên, chỉ vì lý do những người biên soạn Quốc sử đã bỏ không gọi VNCH là “nguỵ quân, nguỵ quyền” mà thay bằng “quân đội VNCH, chính quyền VNCH” và công nhận Việt Nam Cộng Hoà là một thực thể chính trị, một quốc gia từng tồn tại.

Được biết, GS Phan Huy Lê là một trong “tứ trụ” của nền sử học VN, là người mà trong các cuộc đón tiếp, ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải cúi đầu, một câu cũng “thưa Thầy” hai câu cũng “thưa Thầy”. Vậy mà nhóm của Võ Tiến Trung đã bôi bẩn ông trên nhiều trang báo điện tử, mạng xã hội… kể cả sau khi GS Phan Huy Lê từ trần.

Điều nhức nhối đến khôi hài, năm 1958 khi GS Phan Huy Lê đã là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại của ĐH Tổng hợp Hà Nội, thì ba ông tướng kiêu binh Võ Tiến Trung, Nguyễn Thanh Tuấn, Hoàng Kiền chỉ là những đứa bé còn ẵm trên tay, vắt mũi chưa sạch…

Những sử gia tên tuổi khác của Đảng cũng bị nhóm Võ Tiến Trung “băm vằm” không thuơng tiếc: PGS-TS Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN; PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia HCM; GS-TS khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó viện trưởng Viện sử học.

Nhóm kiêu binh do Trung đứng đầu còn lên án cả Võ Văn Kiệt, nói rằng ông Kiệt từng “chống lưng cho bọn lật sử”. Nhóm này cũng lên án tướng Lê Mã Lương, nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Nhà sách Trí Việt – First News) rất nặng nề, chửi rủa cả nhà sử học Trần Quốc Vượng, Trần Huy Liệu.

Chưa dừng lại ở đó, để mượn bàn tay lãnh đạo cấp cao can thiệp và gây sức ép, hai kiêu binh Võ Tiến Trung và Hoàng Kiền đòi gặp cho bằng được Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về biên soạn Bộ Quốc sử 30 tập, để “nói tiếng nói của cựu binh về Bộ Quốc sử”.

Kiêu binh “gõ cửa” UVBCT, Thường trực BBT Trần Quốc Vượng. Nguồn: FB Trung Võ
Kiêu binh gây sức ép với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhóm biên soạn Quốc Sử VN. Nguồn: FB Trung Võ

Đỉnh điểm, nhóm Võ Tiến Trung công khai trên báo đảng Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và nhiều tờ báo khác, yêu cầu nhà nước thu hồi và tiêu huỷ cuốn sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”.

Ông Nguyễn Văn Phước (phải), Giám đốc First News, tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bản thảo sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” tại Phủ chủ tịch hồi tháng 5/2016. Nguồn: Báo Đồng Nai
Ông Võ Văn Thưởng xem cuốn “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” tại gian hàng First News – Trí Việt trên Đường sách. Nguồn: Kinh tế 247

Những cuộc bút chiến bất phân thắng bại của các nhân vật kể trên diễn ra ở nhiều diễn đàn. Và rồi, mặc dù cuốn sách đã được các nhân vật Trần Đại Quang, Võ Văn Thưởng đón đọc, nhưng bất ngờ đã bị thu hồi vào cuối tháng 8/2018.

Công văn thu hồi sách của Cục Xuất bản, In và Phát hành

Bí mật được xem là lớn nhất nhưng đến nay chưa giải mã được, là tại sao kiêu binh Võ Tiến Trung, từng leo đến ghế Uỷ viên Trung ương, Giám đốc Học viện quốc phòng, lại khăng khăng, quyệt liệt chống những ai “bài Trung” và yêu cầu cấm lưu hành một cuốn sách tố cáo tội ác xâm lược và thảm sát đẫm máu của Trung Cộng khi giết hại 64 binh sĩ quân đội Việt Nam ngay tại đảo Gạc Ma vào năm 1988?

(Còn nữa)

https://baotiengdan.com/2021/03/10/thuong-tuong-vo-tien-trung-ong-la-ai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét