Câu chuyện hơn 200 tàu Trung Quốc dàn ra ở Đá Ba Đầu là tâm điểm của dư luận quốc tế suốt tuần qua, gây căng thẳng ở Biển Đông, theo truyền thông khu vực. Cụ thể, hôm 7/3, người ta thấy có chừng 220 'tàu cá' ở khu vực bên trong Đá Ba Đầu.
Tới hôm 19/3, số tàu đếm được vẫn còn ở mức 193.
Đến ngày 21/03, sau khi phát hiện 220 tàu Trung Quốc tại đây, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã gửi thông điệp phản đối tới chính phủ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút tàu đi.
Tới ngày 27/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines xác nhận hiện tại đã có 1 tàu hải quân và tàu của lực lượng tuần duyên đang theo dõi sát nhóm tàu Trung Quốc.
"Chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường và lời kêu gọi Bắc Kinh rút tàu ngay lập tức", ông Lorenzana nhấn mạnh.
Úc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc vùng EEZ của Philippines bị xâm phạm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố trên Twitter sáng 29/3: "Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với các đồng minh của mình và đứng lên bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Đá Ba Đầu là gì?
Đá Ba Đầu, tên tiếng Anh là Whitsun Reef, (còn Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu) là rạn san hô có hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp.
Trên trang cá nhân, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông Song Phan phân tích, đây là một bãi ngầm, không có chỗ nào nổi trên mặt nước. Do đó, LTE (bãi triều thấp) này chỉ là một phần của đáy biển, không ai có thể đòi chủ quyền.
Tuy nhiên, theo ông đá Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông nên theo UNCLOS, là một phần lãnh hải của Sinh Tồn Đông, 'thuộc chủ quyền của Việt Nam'.
Ông viết trên Facebook: "Việt Nam tuyên bố chủ quyền Sinh Tồn Đông và đóng quân ở đây liên tục ít ra từ 15/3/1978 đến nay. Theo thực trạng đó, đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam với tư cách là phần nội thủy/lãnh hải của Sinh Tồn Đông dù vị trí địa lí ở trong vùng EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) của Philippines."
Nhiều người đặt câu hỏi, ngay khi phát hiện tàu cá Trung Quốc dàn hàng ở Đá Ba Đầu và dù chỉ thuộc vùng EEZ của Philippines chứ không phải thuộc chủ quyền như Việt Nam nhưng Philippines đã lên tiếng sớm hơn cả Việt Nam.
Đến ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC).
Hôm 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận các chiến đấu cơ và máy bay quân sự của nước này sẽ theo dõi nhóm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu "hàng ngày" và lặp lại đòi hỏi trước kia, yêu cầu Bắc Kinh rút tàu đi.
Trung Quốc tính toán gì ở Đá Ba Đầu?
Trước những phản ứng quốc tế, Trung Quốc khẳng định đây là những chiếc tàu cá lánh nạn, trong khi Philippines mô tả đó chính là lực lượng dân quân biển (PAFMM) của Trung Quốc.
Cựu Thẩm phán Antonio Carpio hôm 24/3 nói trên Twitter rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là "màn dạo đầu" cho việc chiếm đóng bãi đá này.
Ông lưu ý động thái này gợi nhắc lại những gì xảy ra với Vành Khăn, nơi mà Trung Quốc nói chỉ để xây dựng trạm trú cho ngư dân nhưng hiện trở thành căn cứ quân sự.
PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích trên báo Tuổi Trẻ rằng đây là chiến thuật 'vùng xám' của Trung Quốc.
Trong chiến thuật này, Trung Quốc rất chú trọng sử dụng lực lượng dân quân biển.
Các tàu này cũng được trang bị một số phương tiện đánh bắt cá, nhưng nhiệm vụ chủ yếu không phải là đánh bắt cá mà là tổ chức các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các tàu cá và tàu thực thi pháp luật hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông.
Hoạt động của các tàu cá và tàu thực thi pháp luật này được các nước thực hiện trong vùng biển của mình, song trong mắt Trung Quốc thì đó lại là "chồng lấn" với vùng biển "thuộc quyền tài phán" phi pháp nằm trong phạm vi "Đường Lưỡi bò" hoặc "vùng biển liên quan" của Trung Quốc.
Các tài liệu nghiên cứu của Việt Nam xác nhận về vĩ mô hiện tượng chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông:
"...Các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn...," một trang của Quốc hội VN đăng tải hồi tháng 1/2020.
Tiến sĩ Vũ Thanh Ca nói trên trang Tuổi Trẻ:
"Việc hơn 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa là một hoạt động rất đáng nghi ngại. Các nước xung quanh Biển Đông cần phải cảnh giác với sự kiện các tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực này vì rất có thể Trung Quốc đang thực hiện một âm mưu làm thay đổi hiện trạng khu vực, thậm chí chiếm đá này."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét