BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VnExpress có bài phỏng vấn GSTS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: ‘Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông’. Cựu Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng nhận định, TQ muốn độc quyền quản lý, tiến tới độc chiếm Biển Đông để thực hiện giấc mơ trở thành cường quốc. Biển Đông là tiền đề để các hạm đội tàu TQ tiến ra Thái Bình Dương, liên quan đến chiến lược trong sáng kiến “Vành đai – Con đường”.
Thiếu tướng Quân phân tích, TQ tổ chức các đội tàu cá, do “dân quân biển” điều hành. Đó là loại “tàu cá” được trang bị vỏ thép, công suất lớn, có thể hoạt động xa bờ. Mỗi cụm “dân quân biển” TQ do một công ty quản lý, gọi là chi đội, các chi đội được biên chế thành đại đội, các tổ sản xuất được biên chế thành trung đội, mỗi “tàu cá” là một tiểu đội dân quân biển. Lực lượng này được tổ chức, trang bị, huấn luyện bài bản.
Zing đưa tin: Nguồn gốc nhóm tàu dân quân biển Trung Quốc ở đá Ba Đầu. Các chuyên gia Andrew Erickson và Ryan Martinson của trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, cung cấp dữ liệu cho thấy, có ít nhất 7 tàu thuộc biên chế của lực lượng dân quân biển vũ trang TQ (PAFMM) đang hoạt động ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn, trái với phát biểu trước đó của các quan chức ngoại giao TQ, nói rằng, các tàu đang hoạt động ở gần Đá Ba Đầu đều là “tàu đánh cá”.
Tin cho biết, cả 7 “tàu cá” TQ cỡ lớn đang hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn đều được đóng bởi Hãng Đóng tàu và Công nghiệp nặng Quảng Tín, có trụ sở ở tỉnh Giang Tây. Ngày 15/3/2017, Công ty Ngư nghiệp Phàm Trình và Công ty Đóng tàu Quảng Tín đã ký hợp đồng đóng 9 tàu cá “xương sống Trường Sa”, chiều dài các tàu lên đến 62,8 m.
Báo Tuổi Trẻ có bài của TS Nguyễn Thành Trung: Bài học không cũ từ bãi cạn Scarborough. Khu vực Đá Ba Đầu hiện là “điểm nóng” trên Biển Đông, nằm cách Đá Vành Khăn, thực thể bị TQ chiếm năm 1995, chỉ 50 hải lý. Hiện tại, Đá Vành Khăn không còn là một rạn san hô tự nhiên mà trở thành đảo nhân tạo do TQ bồi đắp với nhiều cơ sở quân sự. Nếu Đá Ba Đầu cũng chung số phận thì TQ sẽ gần như hoàn chỉnh hệ thống căn cứ trải khắp Biển Đông.
Năm 2012, TQ cũng sử dụng các tàu “dân quân biển”, tập trung ở bãi cạn Scarborough, với lý do “đánh bắt hải sản”. Sau khi TQ đẩy căng thẳng lên cao, tàu Philippines đồng ý rút đi như thỏa thuận, nhưng tàu TQ vẫn ở lại bất chấp cam kết và cưỡng chiếm Scarborough. Kịch bản có khả năng lặp lại ở Đá Ba Đầu.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhiều nước tăng cường sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật và Indonesia đều tăng cường sức ép, buộc TQ phải rút tàu “dân quân biển” ở Đá Ba Đầu.
Kang Lin, Phó GĐ Viện Nghiên cứu Biển Đông ở TQ dự đoán, sức ép đối với TQ trong vấn đề Biển Đông sẽ càng tăng khi Mỹ tái thiết các quan hệ đồng minh trong khu vực dưới thời TT Biden. Ông Lin nói: “Biển Đông rõ ràng không phải là vấn đề mà chính quyền mới của ông Biden xác định có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc. Đây được coi là vấn đề cạnh tranh hoặc phản kháng”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Nhật ra cảnh báo về Biển Đông ngay trong cuộc họp trực tuyến với Trung Quốc. Nguồn tin từ Đài NHK cho biết, trong cuộc họp báo giữa các quan chức quốc phòng Nhật Bản và TQ, phía Nhật cảnh báo, “bất kỳ ý đồ làm tổn hại những lợi ích hợp pháp của Nhật cũng như những nước khác và khuấy động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông là hoàn toàn không thể chấp nhận”. Nhật cũng cảnh báo ý đồ của TQ đơn phương thay đổi hiện trạng ở 2 vùng biển này bằng vũ lực.
Sáng nay, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Suga kêu gọi hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ, thiết bị quốc phòng mà Nhật và Indonesia vừa đạt được là cơ sở để 2 nước tiếp tục hợp tác quốc phòng.
Đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông gần đây, Thủ tướng Yoshihide bày tỏ quan ngại đối với các hành động của TQ, làm gia tăng căng thẳng, bao gồm vụ thực thi Luật Hải cảnh mới, cho phép tàu hải cảnh TQ sử dụng vũ khí trong các khu vực mà nước này tuyên bố “chủ quyền”.
Tin chính trường
Sau 5 ngày làm việc về những vấn đề vô thưởng vô phạt, hôm nay, kỳ họp 11, QH khóa 14 bắt đầu nội dung chính: Bắt đầu quy trình nhân sự chủ chốt Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, báo Công Thương đưa tin. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, từ nay tới hết ngày 8/4/2021, QH sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự, thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Kể từ hôm nay, QH tiến hành “bầu” Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. QH cũng sẽ bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, gồm: Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch nước, Chủ nhiệm một số Ủy ban QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký QH, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên Chính phủ.
VTC có clip về tuần làm việc thứ 2 Quốc hội XIV: Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, QH bắt đầu bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, theo báo An Ninh Thủ Đô. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình bày tờ trình của Ủy ban này, miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử đối với bà Ngân, nữ Chủ tịch QH đầu tiên của VN. Sau khi thảo luận tại Đoàn, QH miễn nhiệm bà Ngân bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả bỏ phiếu kín được công bố chiều nay, QH thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, VTC đưa tin. Có 429 đại biểu tán thành trên tổng số 449 đại biểu tham gia biểu quyết, miễn nhiệm chức vụ của bà Ngân. Có 5 ĐBQH không tham gia biểu quyết và 15 ĐBQH bỏ phiếu chống, để kết quả không đúng 100% như lâu nay, nhưng tất cả chỉ là show diễn, vì khi QH chưa họp, người dân cũng đã biết kết quả là bà Ngân ra đi.
Sau khi miễn nhiệm bà Ngân, ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội, VOV đưa tin. Ủy ban Thường vụ QH trình danh sách “đề cử” để QH bầu ra người kế nhiệm bà Ngân. Chỉ có một người duy nhất được giới thiệu là ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội. Dù chỉ một người nhưng QH vẫn diễn màn kịch “quy trình”: Các ĐBQH sẽ thảo luận ở Đoàn trước khi tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch QH mới vào sáng mai 31/3.
Điều lạ là, ngày 23/5/2021 mới là ngày bầu cử các ĐBQH và ĐB của HĐND các cấp, nhưng ngày mai, QH sẽ có Chủ tịch mới. Đó là một “quy trình” ngược: Gần 2 tháng sau, các ĐBQH khóa 15 mới được bầu, nhưng Chủ tịch QH khóa 15 sẽ tuyên thệ và nhậm chức ngày mai. Vở kịch “bầu cử QH” tốn quá nhiều tiền thuế của dân, nhưng đạo diễn quá tệ, các diễn viên diễn xuất cũng không khá hơn.
VOV có đồ họa: Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội.
“Công lý” ở VN
Nghị trường hôm nay bắt đầu “nóng” lên bởi màn tranh luận về tình hình tư pháp VN của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Trong đó, nghị Nhưỡng tranh luận về ‘tỷ lệ oan, sai’ trong hoạt động tư pháp, Zing đưa tin. Ông Nhưỡng cho rằng, việc xác định tỷ lệ oan, sai là “rất nguy hiểm”: “Hãy hình dung xem mình hoặc người thân ở trong 0,000001% oan, sai thì thế nào? Nếu chúng ta không khắc phục chuyện này thì rất nguy hiểm… Có tỷ lệ oan, sai thì có tỷ lệ công lý không?”
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng: ‘Không có công lý giá rẻ’. Ông Nhưỡng phát biểu: “Có những phiên tòa ở một số số nước có thể kéo dài hàng năm. Trước đây, có lãnh đạo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp có nói với tôi rằng công lý không bao giờ có giá rẻ…. Không có công lý giá rẻ nên phải mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí xương máu mới có thể tìm ra được công lý”.
Ông Nhưỡng đề nghị, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ban Dân nguyện và một số ĐB xem lại một số vụ việc, đương sự bị can, bị cáo và gia đình kiến nghị kéo dài khiến dư luận rất bất bình: “Không được bàng quan trước tiếng kêu của nhân dân, đặc biệt, cần đoạn tuyệt với thái độ, định kiến tiêu cực trong tư pháp. Ví dụ cứ bị bắt là có tội, cứ xử là có tội”.
Báo Gia Đình và Xã Hội dẫn lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Vẫn có tình trạng “hòa giải dưới lưỡi dao”. Ông Nhưỡng nói về các vụ hòa giải không tự nguyện: “Nhiều hình thức hòa giải đã được chúng ta thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người đã phản ánh với tôi là hòa giải chưa đạt độ thực chất, vẫn còn có tình trạng ‘hòa giải dưới lưỡi dao’. Đấy không phải là tính chất hòa giải, tôi đề nghị làm sao người hòa giải thực sự trung lập, đảm bảo đi đến thỏa thuận công bằng”.
VietNamNet có bài: Tướng Nguyễn Thanh Hồng tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng về ‘tỷ lệ oan sai’. ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng đối đáp với nghị Nhưỡng: “Ở đây đại biểu nói công lý không có giá, có chỉ tiêu của Quốc hội về chống oan sai, tôi cho rằng cách tiếp cận chưa hợp lý vì thực tế không chỉ VN có oan sai. Thời gian qua, vì có oan sai nên đưa ra giải pháp, đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu để phấn đấu. Không phải đưa ra chỉ tiêu để thừa nhận nền tư pháp chúng ta có oan sai”.
Ông Hồng và ông Nguyễn Hữu Chính hợp sức ngăn ông Nhưỡng nói về tình trạng oan sai ở VN, nhưng bị ông Nhưỡng “bẻ” lại: “Trong báo cáo, nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai. Nhưng khi nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì vấn đề còn lại là gì? Tất cả cử tri cả nước đều hiểu phần còn lại là phần oan sai. Cần gì phải nói là chỉ tiêu oan sai, đó chỉ là cách nói của chúng ta. Chúng ta không nên bẻ câu ra”.
Báo Thanh Niên có clip về màn tranh luận gay cấn tại Quốc hội về oan sai: “Không có công lý giá rẻ, làm gì có tỉ lệ công lý”.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công lý không bao giờ được phép mua bán. Ông Nghĩa nói về các sai phạm tố tụng ở VN: “Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa chưa được áp dụng triệt để”. Theo ông Nghĩa, trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư thường bị phủ nhận bằng quyền của công tố và thẩm phán, chứ không phải bởi chứng cứ, lập luận khả tín, khách quan.
Ông Nghĩa cho biết: “Nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, theo luật định là những người chưa có tội, nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn là khi thi hành án. Vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử đi nữa cũng là khuyết điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Ba người ở Khánh Hòa bị đem ra xét xử vì định lập “Quốc hội” và treo cờ vàng. Đó là bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, cựu GV dạy toán, bà Ngô Thị Hà Phương và ông Lê Viết Hòa. Cả ba người bị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sáng nay, với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Bà Thúy bị cáo buộc ý định thành lập tổ chức “Quốc hội tự xưng”, bà đã treo quốc kỳ VNCH rồi phát trực tiếp trên Facebook cá nhân. Bà bị bắt giam ngày 24/6/2020, cùng ngày với 4 dân oan ở Nội bị bắt là Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.
Phiên “tòa bỏ túi” xử nhóm bà Thúy kết thúc chiều nay ở Khánh Hòa: Phạt tù ba bị cáo có hành vi chống Nhà nước, theo Thông Tấn Xã VN. Bà Thúy bị tuyên án 9 năm tù, bà Phương bị án 7 năm tù và ông Hòa bị tuyên 5 năm tù. Cả ba bị cáo buộc cùng một tội danh, bà Thúy phải chịu bản án nặng, có lẽ do bị cáo buộc rằng bà đã đốt quốc kỳ của chế độ và “xuyên tạc” lịch sử.
Cũng hôm nay, ông Vũ Tiến Chi đã bị tòa án tỉnh Lâm Đồng xử 10 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước, Thông Tấn xã VN đưa tin. Ông Chi là một Facebooker, 55 tuổi, sống ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, bị tòa sơ thẩm tỉnh Lâm Đồng tuyên án 10 năm tù giam, 3 năm quản chế, với cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117 BLHS năm 2015.
***
VOA đưa tin: Trung Quốc cải tổ bầu cử ở Hong Kong, đòi hỏi lòng trung thành. TQ hoàn thành kế hoạch “cải tổ sâu rộng” hệ thống bầu cử của Hồng Kông trong hôm nay. Những thay đổi trong hệ thống bầu cử này sẽ làm giảm mạnh tỷ lệ đại diện dân chủ, trong khi chính quyền TQ muốn bảo đảm rằng, chỉ có “những người yêu nước” đứng ra cai quản thành phố.
Trong cuộc họp báo sau cải tổ, bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hồng Kông cho biết, những thay đổi sẽ được đệ trình lên Hội đồng Lập pháp đặc khu vào giữa tháng 4 và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tháng 5. Theo tin từ Tân Hoa Xã, số đại biểu được bầu trực tiếp sẽ giảm từ 35 xuống còn 20, còn quy mô của cơ quan lập pháp tăng từ 70 ghế hiện nay, lên 90 ghế.
BBC có bài về vụ thảm sát đẫm máu ở Miến Điện vào thứ 7 tuần trước: Những ‘cánh sao rơi’ trong ngày chết chóc nhất của Myanmar. Những người biểu tình chống chế độ quân phiệt bị bắn chết ngày 27/3 được gọi là “những cánh sao rơi”. Trong số người bị thảm sát đó có Aung Zin Phyo, chỉ mới 18 tuổi. “Cậu là thủ môn của Câu lạc bộ futsal Lin Latt và đã làm tình nguyện tại một trung tâm chăm sóc đặc biệt trong đại dịch virus corona”, theo tin từ Reuters.
https://baotiengdan.com/2021/03/30/ban-tin-ngay-30-3-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét