Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

5495 - Lời cuối về bác Thiệp

Nguyễn Thông
   


Bác Nguyễn Huy Thiệp rời cõi trần thế xong rồi, cầu cho bác ấy thanh thản yên lành nơi hộ khẩu vĩnh hằng. Chả hay ho gì cái cõi tạm này, mà bác Thiệp là người từng trải đủ kiếp nạn. "Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ/Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu" (Nguyễn Gia Thiều).

Định không viết gì liên quan tới bác Thiệp nữa, để bác yên, nhưng nghe dư luận khen rát quá bài điếu văn của chủ tịch Thiều, vậy xin thêm một đôi lời.

Phải công nhận, chủ tịch Thiều viết cái điếu văn đó hay, đúng như dư luận khen ngợi. Viết như rút ruột, như đã cảm nhận rằng đây là cơ hội nghìn vàng để nói ra điều này điều khác, nếu không tận dụng sẽ khó có dịp, thậm chí không bao giờ nữa. Ông Thiều đã nói ra được những điều mà nhiều người muốn nói, vì vậy hay và nhận được sự đồng cảm.

Tôi là kẻ ngoại đạo văn chương, nhưng mê văn ông Thiệp, cực kỳ kính trọng ông, và cũng thực lòng khen bài điếu văn của ông Thiều. Với người chết, nghĩa tử là nghĩa tận, cái quan định luận, ông Thiều đã làm được điều tử tế, đúng mực, chứ không xu thời, phũ phàng vô lương như cái điếu văn của "ai đó" hồi tang lễ tướng Trần Độ.

Điều hết sức may mắn cho hội nhà văn xứ này là ông Hữu Thỉnh đã thôi chức trùm hội, chứ nếu ông ấy còn tại vị, chuyên viết điếu văn, có tiếng là "người viết điếu văn số 1", không biết ổng sẽ thể hiện gì nói gì đọc gì khi đứng trước linh cữu nhà văn oan khổ Nguyễn Huy Thiệp.

Suốt mấy chục năm ông Thỉnh cầm trịch hội, phụ tá cho ông là ông Thiều và một vài ông bà khác nữa, tài năng văn chương xuất chúng Nguyễn Huy Thiệp đã chịu bao nhiêu khổ ải, lận đận vất vả long đong, kiếm sống đủ mọi cách, đường đời khó khăn. Ông mở đường cho một thời đại văn chương, quậy nồi văn học đương đại sôi sùng sục, tạo biết bao tiếng tốt, danh vị thơm ngon cho nền văn học nước nhà, nhưng cuối cùng gần như bị chế độ, bị các nhà xuất bản mà ông Thiệp đã đem về cho biết bao nhiêu danh tiếng và tiền bạc, bị hội nhà văn... gần như ném vào sự thờ ơ, quên lãng. Không mấy ai nhớ đến ông, ngoài công chúng, bạn đọc tử tế, những người luôn kính trọng, biết ơn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng đám công chúng tử tế ấy chỉ trả ơn bằng tinh thần, tình cảm, chứ không bằng tiền bạc vật chất, bởi đa phần nghèo như ông Thiệp.

Ông Thiệp công lao hãn mã như thế với văn chương nước nhà nhưng nhà nước, chính phủ, hội nhà văn, ông Thỉnh, ông Thiều, và các ông bà có trách nhiệm gần như chả hề có ý định hoặc đấu tranh để tôn vinh ông Thiệp. Không một bằng khen, huy chương, huân chương, lại càng không tí tẹo chút mẩu giải thưởng của quốc gia, nói chi tới giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Khi ông đã hấp hối, gần lìa đời, thần chết đã líu ríu trò chuyện ngoài ngõ để rước ông đi, thì người ta mới sực nhớ sực nghĩ, cũng là một kiểu nghĩ bổ sung, thêm tên ông Thiệp vào danh sách đề cử giải thưởng nhà nước.

Theo tôi, nên dẹp, chả hay ho gì. Còn nếu cố muốn trao cho ông Thiệp giải thưởng, thì giải Hồ Chí Minh cũng chưa xứng với ông. Khi ông Thiệp bệnh tật, vợ chết, khó khăn, thiếu thốn, vào bệnh viện như đi chợ, hình như chưa một ông bà lớn nào, trong đó có những người từng đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, từng khen nức nở thế này thế khác, tới thăm ông, động viên ông, giúp đỡ ông. Tất nhiên ông Thiệp và con cháu ông không đòi hỏi nhưng đạo lý trên đời đòi phải như thế.

Bài văn tế, còn gọi là điếu văn của ông Thiều, hay thì hay thực, nhưng chẳng qua cũng chỉ là kiểu chữa cháy khi lửa đã tàn. Tạo chút xúc động tí thôi, chứ rốt cục vẫn không qua được cái thói đời "Lúc sống thì chẳng cho ăn/Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi", hoặc "Sống thì chẳng thấy ăn nào/Chết thì cúng giỗ mâm cao cỗ đầy".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét