Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

5521 - Ổ “nằm vùng” bên cạnh ông Thiệu

TIẾN MINH


Quanh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không chỉ là kẻ thù chính trị mà còn là những điệp viên cộng sản được cài cắm rất sâu vào bộ máy VNCH. Trong Drawn Swords in a Distant Land, tác giả George J. Veith đã nhắc lại một số chi tiết…

Ngay sau Tết Mậu Thân, “Ngành Đặc biệt” (Special Branch-SB, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), bắt đầu kiểm tra xem làm thế nào mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) có thể thu thập thông tin chi tiết trong kế hoạch tấn công Bộ Tổng tham mưu và Dinh Độc lập. Sau đó, khi Mỹ phát hiện loạt tài liệu nhạy cảm của Việt Cộng trong một chiến dịch truy quét ở Tây Ninh, SB lập tức nghi có nội gián. Họ tăng cường giám sát những người tình nghi có móc nối bí mật với Cộng sản. Thời điểm đó, SB đang theo dõi một người sống ở Sài Gòn tên Lê Hữu Thúy. Nấp dưới một bút danh, Thúy từng đăng các bài viết chỉ trích chính phủ trên một tờ báo do dân biểu Hoàng Hồ làm chủ. Hoàng Hồ hóa ra cũng là điệp viên Cộng sản. Khi điều tra hồ sơ Thúy, SB phát hiện thêm rằng nhiều năm trước, cảnh sát thời ông Diệm đã bắt đương sự vì tình nghi làm Việt Cộng nằm vùng nhưng đương sự được thả theo lệnh ân xá chung của tướng Big Minh đối với tất cả tù nhân chính trị sau vụ chính biến lật đổ ông Diệm.

Điệp viên cộng sản Lê Hữu Thúy (báo Pháp Luật)

Khởi động chiến dịch có mật danh “Projectile”, SB cử một đặc vụ chìm đóng giả làm thợ sửa chữa lân la đến làm thân với Thúy. Thúy sập bẫy. Một lần, đương sự buột miệng khoe với “người bạn” này về số gián điệp đang được cài trong bộ máy VNCH. SB lẻn vào nhà Thúy và đặt “bọ” nghe trộm. Đầu năm 1969, SB té ngửa khi phát hiện rằng người thường xuyên đến nhà Thúy lại là Vũ Ngọc Nhạ chứ không ai xa lạ. Nhạ là cố vấn tổng thống đặc trách các vấn đề tôn giáo. Tương tự Phạm Ngọc Thảo, Nhạ thoạt đầu chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Nhạ là người miền Bắc, cải đạo sang Công giáo, gia nhập giáo xứ của Linh mục Hoàng Quỳnh ở Phát Diệm. Sau khi vào Nam năm 1954, Nhạ định cư gần Huế, nhưng cuối tháng 12 năm 1958, ông bị bắt vì tình nghi hoạt động cho Cộng sản.

Nhạ dĩ nhiên không nhận tội. Big Minh cuối cùng cũng trả tự do cho đương sự sau cuộc đảo chính ông Diệm 1963. Cha Quỳnh sau đó giới thiệu Nhạ với ông Thiệu và Nhạ được tín cẩn giao nhiệm vụ phụ trách các vấn đề liên quan tôn giáo… Bám đuôi Nhạ từ nhà Thúy, SB phát hiện Nhạ gặp Huỳnh Văn Trọng, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Thiệu về các vấn đề chính trị, từng được ông Thiệu cử sang Mỹ với sứ mệnh nghiên cứu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Đặc vụ SB thấy Trọng chuyển một phong bì cho Nhạ. Sau khi Trọng rời đi, SB tiếp tục theo dõi và thấy Nhạ giao một gói hàng cho một phụ nữ…

Toàn bộ vụ việc trở nên chính trị hóa cao độ vì cả Nhạ lẫn Trọng đều là cố vấn tin cậy của Tổng thống Nam Việt Nam. Khi CIA và SB báo với ông Thiệu và đề nghị bắt giam hai nhân vật trên, ông Thiệu đồng ý nhưng nhấn mạnh rằng bằng mọi giá phải tìm được chứng cứ vì nếu không chứng minh được thì vụ việc sẽ trở thành thảm họa. Sau khi thu thập bằng chứng, SB bắt Trọng và Nhạ vào tháng 7 và tìm thấy những tài liệu tuyệt mật mà họ sở hữu. Lần này, Nhạ khai mình đã “nằm vùng” hai mươi năm. Phần mình, Trọng cũng nói rằng ông ta biết Nhạ là gián điệp cộng sản khi chuyển tài liệu mật cho Nhạ. Tổng cộng, có hơn 50 người bị bắt trong đường dây tình báo Vũ Ngọc Nhạ, trong đó có một số nhà báo và hai quan chức cấp cao trong Bộ Chiêu Hồi. Phiên tòa sau đó kết án Thúy, Nhạ và Trọng tù chung thân…

*****

Trở lên là những gì George J. Veith thuật trong quyển Drawn Swords in a Distant Land. Khá sơ sài. Về Vũ Ngọc Nhạ, đã có rất nhiều tư liệu được công bố. Ở đây xin thuật thêm về tay điệp viên sừng sỏ và nguy hiểm Lê Hữu Thúy – bí danh “A25” – một mắt xích phải nói là rất quan trọng trong đường dây tình báo nằm vùng tại miền Nam thời ông Thiệu. Thúy là một trong những thành viên của Lưới tình báo H10 (thuộc Cụm A22), trong đó Vũ Ngọc Nhạ làm cụm trưởng. Những người khác trong Cụm A22 đều là những kẻ được cài cắm rất sâu: Nguyễn Xuân Hòe, công cán ủy viên Phủ Tổng thống; Vũ Hữu Ruật, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ; Hoàng Hồ, dân biểu; Lê Hữu Thúy, công cán ủy viên Bộ Chiêu hồi; và Huỳnh Văn Trọng, cố vấn chính trị đối ngoại của Tổng thống Thiệu.

Huỳnh Văn Trọng (giữa)

Sinh năm 1926 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, trong gia đình tuy không người theo đạo nhưng Thúy được cho đi học trường dòng. Năm 1956, khi vào Sài Gòn, Thúy được trùm tình báo cộng sản Mười Hương chỉ thị thâm nhập khối Công giáo di cư. Thúy bắt mối với linh mục Vũ Đình Trác làm tờ báo Di cư; làm phụ tá chủ bút báo Đường sống… Trong một bài viết trên báo Nông Nghiệp ngày 2-5-2012, con gái của ông Lê Hữu Thúy – bà Thanh Hương (lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo quận ủy quận 4, TP.HCM) – cho biết thêm, ông Thúy được gia đình cho học trường Trung học Alexandre de Rhodes của Nhà chung Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Thúy ra Hà Nội, học đại học cùng với đồng hương Trần Kim Tuyến. Năm 1949, Thúy được kết nạp vào Đảng Cộng sản và hoạt động ở Hà Nội với bí danh A25. Trước đó, Thúy công tác tại Ty Công an Thanh Hóa.

Tháng 10-1954, Thúy được giao nhiệm vụ trà trộn cùng những người Công giáo di cư vào Nam. Năm 1959, Thúy bị bắt do một Việt Cộng chiêu hồi khai. Sau vụ chính biến lật đổ ông Diệm, Thúy được thả. Và nhờ mối quan hệ với Trần Kim Tuyến cũng như với Đỗ Mậu – giám đốc Nha An ninh Quân đội, Thúy thậm chí được tuyển vào Nha An ninh Quân đội Sài Gòn. Vai trò của Thúy nói chung là rất lớn trong Lưới tình báo H10. Chính Thúy là người cùng Vũ Ngọc Nhạ xây dựng lá bài chính trị Huỳnh Văn Trọng, từng bước đưa Trọng trở thành cố vấn chính trị cho Tổng thống Thiệu. Huỳnh Văn Trọng từng là một bộ trưởng thời Bảo Đại. Thời Đệ nhất Cộng Hòa, Trọng bị bỏ rơi nên bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ, cùng Lê Hữu Thúy, đã bày vẽ đường đi nước bước cho Huỳnh Văn Trọng xây dựng uy tín lẫn thanh thế, giúp ông Thiệu chạy đua vào ghế Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, Trọng được ông Thiệu tín cẩn đưa lên vị trí cố vấn đặc biệt. Nhờ đó, Trọng có điều kiện lấy được vô số tài liệu mật, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để chuyển cho Trung ương Cục Miền Nam.

Khi vào làm cho Nha An ninh Quân đội, Thúy cũng thu được nhiều thông tin có giá trị. Trong sự kiện Mậu Thân 1968, Thúy lập bản đồ chi tiết Khu Tam giác Bến Lức-Đức Hòa-Chợ Lớn tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Cộng thâm nhập nội đô Sài Gòn. Từ năm 1967, Thúy chuyển sang làm công cán ủy viên Bộ Chiêu hồi, cho đến bị lộ và bị bắt. Báo Pháp Luật ngày 20-10-2015 cho biết thêm, thời gian bị giam ở Côn Đảo, Lê Hữu Thúy còn đánh cắp được danh sách tù chính trị và chuyển an toàn ra ngoài…

Ðầu năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về khám Chí Hòa, Sài Gòn. Ngày 23 tháng 7 năm 1973, Chính quyền VNCH trao trả Vũ Ngọc Nhạ cho MTDTGPMNVN. Năm 1974, Vũ Ngọc Nhạ được Cộng sản Bắc Việt phong trung tá Quân đội Nhân dân. Tháng 4-1974, Nhạ về Củ Chi, hoạt động bí mật, với chiến dịch tái dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược, móc nối với Thành phần Thứ ba và khối Công Giáo. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vũ Ngọc Nhạ có mặt tại Dinh Ðộc Lập, đứng bên cạnh Big Minh, khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Vũ Ngọc Nhạ chết ngày 7 tháng 8 năm 2002 tại Sài Gòn. Phần mình, Lê Hữu Thúy được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1996. Đương sự chết năm 2000…

Vụ bể lưới tình báo cộng sản với những gương mặt cộm cán gần gũi ông Thiệu đã làm chấn động Sài Gòn

Những kẻ nằm vùng nguy hiểm không chỉ là “Lưới tình báo H10” của Cụm A22. Từ sau 1975 đến nay, báo chí cộng sản đã tiết lộ không ít gương mặt tình báo được cài cắm và phá hoại miền Nam – ngoài những gương mặt quá quen thuộc và được nói nhiều như Phạm Xuân Ẩn. Báo Lao Động ngày 30-4-2020 cho biết một trong những nhân vật như vậy, ít được nói đến, là Đinh Văn Đệ, từng là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện chính quyền Sài Gòn, từng tham gia phái đoàn VNCH sang Mỹ xin viện trợ trong những ngày cuối tháng 3-1975. Đinh Văn Đệ sinh năm 1924, quê ở Đồng Tháp, xuất thân từ một gia đình đạo Cao Đài “có truyền thống cách mạng”. Năm 1952, Đệ vào Trường sĩ quan trù bị Thủ Đức; sau đó tướng Lê Văn Tỵ chọn làm trợ lý Tổng Tham mưu trưởng; rồi trung tá Chánh Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH.

Cuối năm 1957, tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chính hụt ông Ngô Đình Diệm. Ông Đệ bị nghi dính líu với lực lượng đảo chính và bị quản thúc hơn một tháng. Nhờ mối quan hệ thân thiết của bố vợ ông với ông Phan Khắc Sửu nên Đệ được bảo lãnh và sau đó được vào học Trường Đại học Quân sự Đà Lạt và đỗ thủ khoa. Đinh Văn Đệ sau đó được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức, đến năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967, ông Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện, trở thành Phó Chủ tịch Hạ viện, Phó Trưởng khối đối lập. Trong hai khóa Quốc hội với danh nghĩa Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, Đinh Văn Đệ đã cung cấp cho cộng sản nhiều tin tức quan trọng…

https://saigonnhonews.com/o-nam-vung-ben-canh-ong-thieu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét