Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

5525 - Cuộc Họp Mặt Trung - Mỹ ngày 22-23 Tại Anchorage – Alaska

TS Đinh Xuân Quân




Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ngoại giao của chính quyền tân Tổng Thống J. Biden của Hoa Kỳ và ngoại giao của Trung Quốc từ khi có cuộc đàm thoại 2 tiếng giữa TT JBiden và Tập cận Bình vào dịp Tết Âm lịch. Trong cuộc họp trực tiếp này, hai bên đã có những đối đáp gay gắt.

Phía Trung Quốc do ông Dương khiết Trì (DKT)- thành viên bộ chính trị và ông Vương Nghị (VN) bộ trưởng ngoại giao cáo buộc phía Mỹ do ngoại trưởng A. Blinken và Jack Sullivan cố vấn an ninh đã “nói thẳng” những vấn đề giữa hai bên.

Trong lời mở đầu NT Antony Blinken và cố vấn an ninh Jake Sullivan đã nêu lên những mối quan ngại sâu sắc của HK về các hành động của Trung Quốc như đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Tân Cương, bóp chết nền dân chủ tại Hong Kong, các hăm dọa Đài Loan, các cuộc tấn công mạng (cyberattacks), việc dùng sức mạnh kinh tế gây áp lực cho các đồng minh của HK (Úc, Canada). Tất cả các việc này đều đe dọa và làm tổn hại trật tự và ổn định thế giới dựa trên pháp luật. Các quan ngại này không phải là những quan ngại nội bộ và do đó phía HK phải nêu lên.

Không bỏ qua, trong 16 phút ông Dương Khiết Trì (DKT) đã trả lời là nay ít người tin tưởng vào Dân chủ kiểu Hoa Kỳ, TQ nay đã có nhiều tiến bộ về nhân quyền và nay HK có quá nhiều vấn đề về Dân chủ, nhân quyền. Ông DKT “tố” là HK đã dùng tư pháp của mình lấn qua các nước khác qua việc sử dụng sức mạnh quân sự và tài chính của mình ngăn cản thương mại và xúi giục các nước chống TQ.

Theo giới truyền thông, mối quan hệ giữa hai siêu cường đang ở mức căng thẳng nhất trong nhiều năm. Vậy có thể đánh giá cuộc gặp gỡ tại Anchorage ra sao?

Nhiều người hiểu là TQ đã sỉ nhục HK, nhưng chúng tôi có suy nghĩ khác.

Bối cảnh cuộc gặp gỡ này nên được đánh giá ra sao?

Bối cảnh


Trung Quốc đang tìm cách thiết lập lại quan hệ bình thường (reset) giữa hai nước sau khi nó đã tới đáy dưới thời chính quyền Trump. NT Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng mở lại "đối thoại mang tính xây dựng." Năm ngoái, khi thấy ứng cử viên J Biden có cơ hội sẽ thắng trong cuộc chạy đua vào nhà trắng, phía Trung Quốc đã như nhìn thấy cơ hội nối lại (reset) quan hệ giữa hai bên.

Ứng cử viên J. Biden quá hiểu ‎Trung Quốc, việc nối lại quan hệ là một cái bẫy chính trị mà Trung Quốc đã dùng trong nhiều năm không bao giờ được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ TT Hoa kỳ trước đây. Theo phía Hoa Kỳ thì Trung Quốc muốn hứa làm hòa để họ câu giờ, hầu tìm sức mạnh kỹ thuật, kinh tế tuyệt đối và tiếp tục áp bức Đài Loan và các nước khác.

Nhiều nhà báo và nhà bình luận đã không mấy thấu hiểu ngoại giao Trung – Mỹ cho là hai bên khó có chính sách làm hòa. Nhưng cuộc gặp Alaska sẽ thất bại to nếu Hoa Kỳ chấp nhận những lời hòa hoãn của Trung Quốc. Những lời hòa hoãn của Trung Quốc không bao giờ thành thật. Họ chỉ muốn câu thời gian để trỗi dậy thành số một thế giới, lúc đó thì Hoa Kỳ và đồng mình càng ngày càng bị ép bởi một Trung Quốc đầy tự tin và quyết đoán.

Trung Quốc đánh giá TT J. Biden cũng như các TT Hoa kỳ trước đây, sẽ nghe những lời “hứa cuội” của Trung Quốc. Họ tin là lịch sử sẽ về phía họ. Nhưng chính quyền Biden không phải “amateur” mà thực sự hiểu biết Trung Quốc. Họ chọn chính sách vừa đua – vừa đàm “competitive engagement”. Nó cho thấy rõ ý đồ Trung Quốc là tranh đua giữa hai hệ thống ‘độc tài toàn trị’ và hệ thống dân chủ cởi mở.

Phía Trung Quốc qua lời của Dương Khiết Trì cáo buộc Washington sử dụng sức mạnh quân sự và ưu thế tài chính của mình để ép buộc các quốc gia khác. "Mỹ lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc”.

Ông Sullivan trả lời rằng Washington không tìm xung đột với Trung Quốc, nhưng nói thêm: "Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ các nguyên tắc của chúng tôi cho người dân và cho bạn bè của chúng tôi." DTK cũng gián tiếp chê hệ thống pháp luật quốc tế.

Ý đồ và sức mạnh TQ


Nhiều người hiểu lầm về sức mạnh của Trung Quốc. Một bài viết mới được đăng trên tờ China Times (có tòa soạn tại thành phố El Monte, California), làm cho nhiều người gốc Tàu bàn tán. Bài viết có tựa đề: “Nếu Tàu Cộng Bị Cấm Vận Một Lần Nữa”…Tác giả Thần Bản Bố liệt kê một số thống kê có đầy đủ dữ kiện để khẳng định và chứng minh những hậu quả kinh hoàng mà toàn dân tộc Đại Hán phải nhận lãnh trong tương lai rất gần, nếu TQ lại bị cấm vận.

Sau ba năm, mọi máy bay hàng không dân dụng TQ sẽ phải ngừng bay, vì không còn phụ tùng thay thế.

Sau ba năm, mọi tuyến đường sắt cao tốc phải ngừng chạy. Bởi theo ông Hà Hoa Vũ, tổng công trình Bộ Đường sắt TQ, và ông Tạ Duy Đạt, Giáo sư trường Đại học Đồng Tế: “Toàn bộ bánh xe lửa chạy tốc độ cao, và phần mềm hệ thống điều khiển phải nhập cảng !”.

Sau ba năm, Toàn bộ ngành sản xuất xe hơi du lịch TQ phải ngừng sản xuất, vì TC chưa thể sản xuất được các chi tiết của động cơ. Ngay cả thép tấm, bù lon dùng cho xe cao cấp cũng vậy.

Sau Ba Năm, Toàn bộ ngành sản xuất ti vi màu TQ sụp đổ. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Loại Cần Kiệm, toàn bộ hệ thống mạch vi điện tử trong ti vi do TQ sản xuất vẫn dựa vào nhập cảng.

Sau Ba Năm, Toàn bộ ngành sản xuất điện thoại di động sụp đổ. Toàn bộ hệ thống mạch vi điện tử dùng trong điện thoại di động đều phải dựa vào nhập cảng.

Sau Ba Năm, Toàn bộ ngành sản xuất màn hình LCD sụp đổ, vì 98% màn hình LCD dựa vào nhập cảng.

TQ sẽ không xây dựng những toà nhà cao tầng nữa, bởi vì sẽ không có thang máy đủ khả năng leo lên độ cao lớn.

Sau Ba Năm, Ngành thang máy TQ, kể cả khâu kỹ thuật và nghiên cứu phát triển ngành này hoàn toàn bị thương nhân ngoại quốc khống chế, người TQ chỉ nhận trách nhiệm “lắp ráp”.

Sau Ba Năm, Ngành công nghiệp đóng tàu sẽ sụp đổ toàn diện, vì TQ chỉ biết đóng vỏ tàu và lắp ráp.

Sau Ba Năm, TC sẽ không còn máy giặt, tủ lạnh, vì chưa sản xuất được hệ thống điện dùng cho hai loại máy này, v.v…

Không biết sự thật tới đâu nhưng bài này cho thấy sức mạnh của TQ còn nhiều lỗ hổng, ít người biết,‎ cần phải có thời gian TQ mới làm chủ các công nghiệp này. TQ cần mua thời gian để có thể trở thành số 1 trên thế giới. Khi họ làm chủ được một số công nghiệp thì mới ra sức mạnh kinh tế qua “một con đường một vành đai” sẽ là số 1 trên thế giới và áp đặt các chính sách quyết đoán của họ.

Hơn nữa còn nhiều người vẫn coi Trung Quốc là một nước thống nhất với một chủng tộc duy nhất, và nay họ đã đạt được nhiều thành quả để thành một cường cuốc đang lên. Trong thực tế Trung Quốc không phải là một quốc gia thuần nhất – mà gồm nhiều dân tộc, sắc tộc, luôn sẵn sàng muốn tách ra – có thể coi TQ là một gã khổng lồ với nhiều yếu kém

Đánh giá của tác giả


Việc hai bên gặp nhau đã không đưa đến những gì phía Trung Quốc mong muốn, nghĩa là làm hòa dựa trên các hứa hẹn. Họ mong là cũng như thời Obama trong chính sách “Strategic & Economic Dialogue’ năm 2016, phía Hoa Kỳ đã có một chính sách hòa hoãn, có 120 vấn đề hai bên có thể hợp tác.

Giới truyền thông vẫn đánh giá là cuộc trao đổi tại Alaska cho thấy tình trạng quan hệ Mỹ - Trung đã xuống dốc, và khó có thể hợp tác. Theo tác giả thì chính quyền J. Biden quá hiểu là một lập trường cứng rắn với Trung Quốc sẽ khác hẳn với các chính quyền Hoa Kỳ trong quá khứ đã bị lừa phỉnh vì quá mềm mỏng.

Ưu tiên của J. Biden là cho các đồng minh phe dân chủ thấy nước Mỹ đã trở lại với thế giới, họ làm việc dựa trên những nguyên tắc rõ ràng của luật lệ quốc tế. Chính sách này sẽ tăng cường sức mạnh của các nước và giúp họ thấy rõ ràng hai thể chế “quyết đoán” và “dân chủ cởi mở” phải đua nhau. Đây cũng là đường lối giúp các đồng minh của Hoa kỳ: Ấn, Nhật, Úc tại Á châu và các nước Âu châu có thể xích lại gần nhau sau thời kỳ tai hại của cựu TT Trump là “nước Mỹ trên hết” rõ ràng không mấy thành công.

Chính sách này sẽ giúp Hoa Kỳ cùng với các đồng minh đoàn kết để cạnh tranh và đối đầu với Trung Quốc. Sự thật, Hoa Kỳ là mối nguy cho lợi ích của đảng CSTQ và ngược lại ĐCSTQ là mối nguy cơ và đe dọa cho Hoa Kỳ và đồng minh dân chủ của họ.

Kết quả của Alaska


Sau vụ Alaska thì nhiều quốc gia tây phương EU, Anh, Mỹ và Canada đã lên án trừng phạt một số quan chức vì vi phạm nhân quyền với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uighur) tại Tân Cương. Đây là chính sách đồng hóa mà người Việt chúng ta đã quá hiểu trong nhiều thế kỷ. Trung Quốc ngày nay đã tổ chức những biện pháp đồng hóa tàn bạo bằng nghìn lần thời trước.

EU, Anh Mỹ và Canada lên án trừng phạt một số quan chức tại Tân Cương trong khi Trung Quốc trừng phạt trả đũa 10 thành viên dân cử, học giả và 4 cơ quan Âu châu cho rằng họ đã làm hại Trung Quốc.

Trung Quốc luôn luôn chối, nói không có các trại cải tạo ở Tân Cương nhưng các báo cáo của BBC, của các nhà nghiên cứu tây phương, các không ảnh cho thấy TQ giam giữ ít nhất 1 triệu người Uighur, theo Hồi giáo, tại các trại ở Tân Cương. Đã có cáo buộc xảy ra tra tấn, lao động cưỡng bức, hãm hiếp tại đây.

Bắc Kinh bác bỏ mọi tố cáo, nói đây chỉ là các trại “giáo dưỡng" nhằm giúp cộng đồng địa phương chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa ly khai, khủng bố.

Một mặt khác, Hoa Kỳ cũng không nể cho TT Putin của nga là “sát nhân” tỏ ra lập trường dứt khoát với Nga. Hậu quả là NT Trung Quốc và Nga hai nước có đường lối không mấy gần nhau tiến lại với nhau. NT Vương Nghị tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Quế Lâm, Quảng Tây.

Hai bên Bắc Kinh và Moscow chia sẻ lập trường và lên án trừng phạt của phương tây. Ông Lavrov nói “quyết định đơn phương” của EU đã “hủy diệt” quan hệ với Nga trong khi NT Vương Nghị nói “một số ít thế lực phương Tây bôi nhọ và chỉ trích Trung Quốc”.

Đánh giá tạm thời:


Sau màn gặp mặt tại Alaska, Trung Quốc và Hoa Kỳ đưa ra lập trường rõ ràng của hai bên. Đây là cuộc mở màn cho nhiệm kỳ TT Biden. Trung Quốc không thể tiếp tục ru ngủ, hứa cuội, làm hòa để mua thời gian. Rõ ràng chiêu bài ru ngủ không còn hiệu lực nữa đối với chính quyền J. Biden.

Tuyên bố của Dương Khiết Trì nhằm vào quần chúng nội địa Trung Quốc, nhằm giữ thể diện, trong khi tuyên bố của NT Blinken dành cho đồng minh của họ. Hoa Kỳ nay có một TT đã có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao qua nhiều đời TT Hoa kỳ trong quá khứ dễ bị TQ lừa phỉnh cầu hòa, dùng mọi thủ đoạn cướp ngôi số một thế giới của HK.

Hoa Kỳ là số 1 trên thế giới nhưng không thể như trước ra lệnh cho các nước khác. Họ vẫn là nước mạnh nhất thế giới duy nhất có thể đương đầu, hướng dẫn, quy tụ các đồng minh trong cuộc tranh tài ngày càng khó với một Trung Quốc ngày càng mạnh và mong muốn vươn lên số 1. Họ muốn kéo trật tự thế giới về mình – không chịu một thế giới có luật chơi dựa trên luật pháp. Chính DK Trì không công nhận việc này và nay các đồng minh của HK cũng thấy.

Các đồng minh phải tự hiểu và chọn – làm việc với Hoa kỳ. Khi làm việc và gặp các lãnh đạo Âu châu tại Brussels, NT Blinken tuyên bố Hoa Kỳ đánh giá Trung Quốc là một nước có thể làm việc với nhưng cũng là một nước cạnh tranh và một đối thủ. Đây là chính sách vừa đua vừa đàm. Đối với đồng minh NATO, NT Blinken nói nước Mỹ tượng trưng 25% GDP thế giới nhưng với các đồng minh thì phe Hoa Kỳ và đồng minh của họ tại Âu châu và Á châu là 60% GDP thế giới và TQ không thể làm ngơ. Ông nói những đòn trả đũa Trung Quốc cho thấy chúng ta càng cần xiết chặt hàng ngũ.

Trong việc tranh thủ các đồng minh, Hoa Kỳ sẽ còn gặp nhiều lợi ích khác nhau nhưng hai tuyến chiến khá rõ ràng -một phe dân chủ cởi mở và một phe quyết đoán.

Hành động của ngoại giao Hoa kỳ cho thấy họ tham khảo các đồng minh chứ không phải gạt bỏ đồng minh như chính quyền cựu TT Trump. Chính quyền Biden làm nhiều hơn là nói.

https://www.diendantheky.net/2021/03/ts-inh-xuan-quan-cuoc-hop-mat-trung-my.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét