BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VnExpress đưa tin: Trung Quốc tiếp tục diễn tập tại Biển Đông. Cuộc tập trận kéo dài 2 ngày đã được Cục Hải sự TQ thông báo từ ngày 26/3, bắt đầu diễn ra hôm nay, kéo dài đến hết ngày mai 30/3, ở khu vực phía đông đảo Hải Nam. Chuyên gia Collin Koh từ ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định: “Cuộc diễn tập của Trung Quốc góp phần làm tăng căng thẳng. Dù tình hình hiện nay tương đối tĩnh lặng khi tất cả đều kiềm chế, không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ tiếp diễn”.
Đội tàu “dân quân biển” của TQ vẫn đang vây quanh khu vực Đá Ba Đầu, Philippines điều máy bay chiến đấu theo dõi chặt tàu Trung Quốc ở Biển Đông, báo Giao Thông đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận, quân đội Philippines đã điều động máy bay chiến đấu hạng nhẹ tới giám sát hàng trăm tàu dân binh TQ, đồng thời lặp lại yêu cầu, TQ phải cho rút khỏi khu vực ngay lập tức.
Ông Delfin Lorenzana cho biết thêm, các máy bay quân sự của Philippines được triển khai hằng ngày để theo dõi tình hình. Quân đội Philippines cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông để tiến hành “tuần tra chủ quyền” và bảo vệ ngư dân Philippines. TQ vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, họ cho đó là đội “tàu đánh cá”.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Trung Quốc đang tăng khiêu khích ở Biển Đông ra sao? Trong khi hàng trăm tàu “dân quân biển” của TQ vẫn đang án ngữ ở khu vực Đá Ba Đầu, bất chấp chính quyền Philippines đã lên tiếng yêu cầu họ rời khỏi khu vực, sự kiện TQ công khai tập trận là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không muốn “xuống thang” căng thẳng. TQ đang thách thức quan hệ Mỹ – Philippines.
GS Carl Thayer phân tích, TQ triển khai lực lượng tàu dân quân biển tại cụm đảo Sinh Tồn, nhằm tạo áp lực lên ông Duterte trong quan hệ với Mỹ: “Việc Trung Quốc triển khai 220 tàu lần này nhằm làm chệch hướng bất kỳ sự hàn gắn khả thi nào giữa Philippines và Mỹ. Hành động của Trung Quốc nhằm chứng minh cho ông Duterte rằng Mỹ không thể có hành động thực tế nào trong việc đẩy các con tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển này và vì vậy ông Duterte chỉ nên công nhận thực tế về sức mạnh của Trung Quốc”.
Zing có bài: 200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu – thuyền ‘lạ’, chiến thuật quen. “Chiến thuật quen” chính là chiến thuật “vùng xám” của TQ, triển khai rất nhiều “tàu cá” đã được hoán cải thành tàu “dân quân biển” tràn khắp Biển Đông. Lực lượng tàu “dân quân biển” tạo nên các khu vực “không trắng, không đen”, không hòa bình, nhưng cũng không chuyển sang trạng thái chiến tranh, tạo điều kiện để TQ “nuốt” từng thực thể ở Biển Đông nhưng không công khai tuyên chiến với bất cứ nước nào tham gia tranh chấp lãnh hải.
Trong các phát ngôn chính thức, TQ chưa bao giờ thừa nhận khái niệm “dân quân biển”, nhưng đây là một trong các lực lượng vũ trang được TQ đầu tư mạnh: “Lực lượng này được trang bị vũ khí cá nhân phù hợp, được sử dụng những con tàu vỏ thép hiện đại, và được trả lương hậu hĩnh”.
Sau vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN phản đối TQ xâm phạm chủ quyền VN ở cụm đảo Sinh Tồn, TQ đã lên tiếng đáp lại. RFA dẫn lời ĐSQ Trung Quốc: Bãi đá Ngưu Ách là của Trung Quốc, Việt Nam đừng hùa theo thổi phồng!
Đại sứ quán TQ tại VN lên tiếng về bãi Đá Ba Đầu mà họ gọi là “Bãi đá Ngưu Ách”: “Bãi đá Ngưu Ách là một phần của quần đảo Nam Sa Trung Quốc… Lâu nay, tàu đánh cá Trung Quốc luôn đánh bắt cá, tránh gió tại vùng biển gần bãi đá này. Gần đây, một số tàu đánh cá của Trung Quốc tránh gió tại nơi gần bãi đá Ngưu Ách do nguyên nhân thời tiết biển, điều này rất bình thường”. Với phát ngôn này, TQ đã gián tiếp thừa nhận âm mưu của họ qua việc triển khai tàu “dân quân biển” ở khu vực Đá Ba Đầu.
Phản ứng lại, Nhật, Indonesia sẽ diễn tập tại Biển Đông phản đối Trung Quốc, VnExpress đưa tin. Trong cuộc gặp hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto cùng tuyên bố, hai nước sẽ gửi thông điệp “phản đối mạnh mẽ” tới các hành động leo thang căng thẳng của TQ ở Biển Đông, gồm kế hoạch thúc đẩy hợp tác quốc phòng Nhật – Indonesia, cùng diễn tập chung ở Biển Đông, thời gian và địa điểm cụ thể chưa được tiết lộ.
Tại hội nghị trực tuyến chiều qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thừa nhận, Biển Đông vẫn đang có những diễn biến căng thẳng, VietNamNet đưa tin. Thượng tướng Giang nói rằng, tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo đang diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn.
Theo ông Giang, hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đều đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn rủi ro: “Riêng về tình hình Biển Đông vẫn đang có những diễn biến căng thẳng, tồn tại nhiều diễn biến phức tạp, đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
RFA đưa tin: Người Việt tại Nhật biểu tình: “Trung cộng cút khỏi biển Việt Nam!” Hôm qua, hàng chục người Việt ở Nhật đã tập trung tại công viên Utsubo, TP Osaka, tuần hành đến trước lãnh sự quán TQ để biểu tình, phản đối các hành vi của TQ trên Biển Đông. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ viết bằng ngôn ngữ VN, Anh, Nhật với nội dung như: “Phản đối Trung Quốc dùng luật hải cảnh ăn cướp biển đảo Việt Nam!”; “Trung cộng cút khỏi biển Việt Nam!”; “Chấm dứt giết hại ngư dân Việt Nam!”; “Dừng đe dọa giàn khoan Hakuryu-5!”
Tin chính trường
Một trong các chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội hôm nay là câu nói của ĐBQH Nguyễn Anh Trí ca tụng TBT Nguyễn Phú Trọng giữa nghị trường. Báo Thanh Niên dẫn lời của “nịnh thần” Nguyễn Anh Trí: ‘Cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang’. Nghị Trí cho rằng, Tổng Trọng đang “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, là “trung tâm đoàn kết”, “ngọn cờ tập hợp”, “người khơi nguồn tự hào dân tộc”.
VTC có clip ghi lại lời của “nịnh thần” Nguyễn Anh Trí: “Cảm động vô cùng với một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang”.
Ở phút 2:55, khi nghị Trí nói Tổng Trọng “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, khung hình chuyển sang Tổng Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ghi lại được khoảnh khắc ông Phúc liếc nhìn ông Trọng với ánh mắt dò xét.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Các đại biểu lo ngại thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp. ĐBQH Nguyễn Bắc Việt lưu ý những mặt tối của xã hội VN: “Đó là tình trạng giàu nghèo khoảng cách rõ nét, tội phạm, đấy là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Cơ đồ đất nước sẽ ra sao nếu đạo đức xã hội có chiều hướng xấu đi. Việc này là nét không sáng tí nào”.
Tổng Trọng hay dùng từ “tiền đồ”, “cơ đồ” để tuyên truyền về các nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã dùng cụm từ này để ngụy trang cho một câu hỏi nhạy cảm: “Chúng ta chưa bao giờ có tiền đồ đẹp như ngày hôm nay, kinh tế phát triển nhưng đạo đức suy đồi. Phải chăng nghiệp vụ điều tra của chúng ta tốt hơn, làm cho chúng ta phát hiện nhiều vụ hơn mà trước đây bỏ sót. Hay khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật?”
Tin nhân quyền
Nhà thơ Hoàng Hưng viết: Bộ Công an phải trả lời về việc phong tỏa tài khoản của Nguyễn Thúy Hạnh (Nhận tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình). Tác giả cho biết: “Ngày 13/01/2020, dựa theo thông tin trên mạng, tôi là Hoàng Hưng, ra Vietcombank (VCB) chuyển hai triệu đồng vào Tài khoản Nguyễn Thuý Hạnh (TK NTH) để phúng viếng cụ Lê Đình Kình ở thôn Hoành, Đồng Tâm, Hà Nội. Mục đích chuyển tiền được ghi rõ trong phiếu chuyển tiền”.
Sau đó, ông Hưng sang Mỹ và mắc kẹt do dịch Covid-19 đến 25/5/2020. Khi về nước, ông biết số tiền gửi đã bị phong toả trong TK của bà Hạnh vì TK bị coi là “tài trợ khủng bố”, liền viết thư yêu cầu VCB hoàn trả số tiền thì được hồi âm vào ngày 12/6/2020: “TK số 0611001987139 tên Nguyễn Thuý Hạnh hiện đang bị phong toả theo yêu cầu của Bộ Công An”. Gần 10 tháng trôi qua sau khi VCB hồi âm, ông vẫn chưa nhận được số tiền trả lại.
Bà Thảo Teresa cho biết: “Nhà nó rất nghèo, cầu thang đi lại còn sập xệ, tường nhà bong tróc, trong nhà không có gì ngoài sách và sách. Tất nhiên là sách phổ biến pháp luật. Vợ em bị khiếm thị hoàn toàn không nhìn thấy gì, con trai lớn là cháu Minh đang học lớp 4, con trai thứ hai mới 3 tuổi. Hiện tại công việc cơm nước hàng ngày thì vợ Hùng lần mò để làm, chợ búa thì thằng bé lớn dẫn mẹ đi”.
RFA đưa tin: Thêm tù nhân lên tiếng về tình trạng các quyền trong trại giam bị xâm phạm. Một người bạn của nhà hoạt động chống BOT Đặng Thị Huệ, cho biết: “Chị Huệ nói rằng phòng của chị là 80 mét vuông nhưng mà có những lúc đến 70 người ở hoặc nhiều hơn. Bản thân chị thì chỉ được một góc ngồi bằng một chiếu cá nhân nhỏ, độ khoảng hơn một viên gạch một tí, có nghĩa là khoảng 50 cm. Tất cả đồ đạc và chỗ nằm chỗ ở như thế rất là khổ, không bằng chỗ ở của một con chó!”
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: CSGT Bình Chánh tát, đánh 2 thanh niên do… ‘thiếu kiềm chế’? Công an huyện Bình Chánh, TP HCM xác nhận, họ đã có báo cáo vụ việc liên quan đến hai CSGT tát, đánh 2 thanh niên. Vụ việc xảy ra vào chiều 27/3, CSGT huyện Bình Chánh phát hiện một nhóm đua xe.
Lời kể của CSGT về vụ hành hung người dân: “Lúc này, hai cán bộ chiến sĩ CSGT đuổi theo và khống chế nhiều người, yêu cầu ngồi xuống đất nhưng nhóm đối tượng văng tục, lăng mạ, thách thức. Do không kiềm chế nên hai chiến sĩ CSGT đã có hành vi đánh, tát hai thanh niên”.
RFA có clip về vụ CSGT tung liên hoàn cước: Do “thiếu kiềm chế” nên đã dùng “biện pháp nghiệp vụ”.
Clip cho thấy, hai thanh niên không hề có bất cứ biểu hiện kháng cự nào nhưng vẫn bị CSGT hành hung, trong khi họ ngồi im, chịu trận.
Miến Điện: Bạo lực và thảm sát gia tăng
Khái niệm “ngày đẫm máu nhất” ở Miến Điện lại bị thay đổi, vào ngày 27/3, với mức độ bạo lực chưa từng có kể từ khi xảy ra đảo chính 1/2. Hôm qua, truyền thông trong nước dẫn nguồn tin từ Reuters: 114 người biểu tình Myanmar thiệt mạng, có cả trẻ em. Nguồn tin địa phương Myanmar Now cho biết, ít nhất 40 người, gồm một bé gái 12 tuổi, đã thiệt mạng tại TP Mandalay, 27 người khác bị bắn chết ở TP Yangon.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bình luận: “Chúng tôi cảm thấy kinh hoàng bởi cảnh tượng do lực lượng an ninh Myanmar gây ra. Điều này cho thấy chính quyền quân sự sẽ hy sinh mạng sống của người dân để phục vụ nhóm thiểu số”. Còn ông Dan Chugg, Đại sứ Anh tại Miến Điện, tuyên bố, lực lượng an ninh Miến Điện đã “tự bôi nhọ bản thân”.
Báo Tiền Phong đưa tin với nhiều số liệu về nạn nhân là trẻ em, cũng dẫn nguồn từ Reuters: 114 người biểu tình Myanmar thiệt mạng, có nhiều trẻ em. Các nhân chứng từ hiện trường cho biết, tại TP Mandalay, có một nạn nhân chỉ 5 tuổi và một nạn nhân 13 tuổi. Trường hợp em bé 5 tuổi này nhỏ tuổi hơn cả nạn nhân 7 tuổi bị bắn chết ngày 24/3, từng được ghi nhận là nạn nhân nhỏ tuổi nhất.
Cũng trong ngày 27/3, các nguồn tin khác cho biết, đã có người chết ở Lashio, Bago và những nơi khác. Một em bé một tuổi bị đạn cao su bắn vào mắt, nhưng chưa chết. Một nạn nhân 13 tuổi khác thiệt mạng ở khu vực Sagaing. Không chỉ khái niệm “ngày đẫm máu nhất” mà cả khái niệm “nạn nhân nhỏ tuổi nhất” cũng bị thay đổi liên tục.
Trước đó, “ngày đẫm máu nhất” là ngày 14/3, với 60 người chết chỉ tính riêng ở TP Yangon, cùng với ít nhất 17 người thiệt mạng ở các khu vực khác. Trước đó nữa, “ngày đẫm máu nhất” là ngày 3/3, với 38 người biểu tình ở Miến Điện bị sát hại, theo số liệu tổng hợp của LHQ. “Ngày đẫm máu nhất” đầu tiên được ghi nhận từ sau đảo chính là ngày 28/2, LHQ tổng kết số liệu cho thấy có 18 người bị bắn chết.
Lưu ý, sự kiện kinh hoàng ngày 27/3 diễn ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga đến Miến Điện. Trong cuộc gặp với Tổng Tư lệnh Quân đội Miến Điện, Thứ trưởng Alexander Fomin tuyên bố, nước Nga muốn tăng cường quan hệ quân sự với chế độ quân phiệt. Sự kiện này chính thức đưa cả Nga và TQ, hai chế độ sở hữu quân lực hùng mạnh nhất trong danh sách các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, đứng chung một “chiến tuyến” với nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện.
Nhìn lại thời điểm một tuần sau đảo chính, chỉ có TQ công khai ủng hộ chế độ quân phiệt Miến Điện, nên quân đội và lực lượng an ninh Miến Điện vẫn còn e dè, các vụ đàn áp biểu tình đầu tiên từ ngày 10/2 không có nhiều dấu hiệu bạo lực. Nhưng càng về sau, mức độ bạo lực càng tăng, đến khi cả Nga cũng công khai ủng hộ thì thế lực quân phiệt Miến Điện không còn e dè gì nữa, thẳng tay tàn sát người dân.
Được “chống lưng”, nên Quân đội Myanmar nổ súng vào đám tang, không kích làng gần biên giới Thái Lan, VTC đưa tin. Đó là tang lễ của sinh viên Thae Maung Maung, 20 tuổi, bị bắn chết trong ngày 27/3. Một nhân chứng ở hiện trường cho biết: “Trong khi chúng tôi hát đưa tiễn anh ấy, lực lượng an ninh tới và nổ súng vào chúng tôi. Mọi người bỏ chạy khi tiếng súng nổ”.
“Bữa tiệc” của những kẻ phản bội chính người dân của họ: Tướng lĩnh tiệc tùng sau vụ bắn giết người biểu tình, BBC đưa tin. Quân đội Miến Điện đã tổ chức một “bữa tiệc xa hoa” vào ngày có ít nhất 114 người biểu tình bị bắn chết. “Hình ảnh từ truyền hình nhà nước được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các quan chức quân đội, bao gồm cả tướng Min Aung Hlaing, mặc quân phục trắng và thắt nơ, tươi cười bước trên thảm đỏ và ngồi quanh bàn lớn để ăn tối”.
VietNamNet đưa tin: Ông Biden cảm thấy ‘kinh hoàng’ về bạo lực tại Myanmar. Tổng thống Biden bình luận: “Thật kinh hoàng. Điều này không thể chấp nhận được. Dựa trên báo cáo tôi nhận được, có rất nhiều người đã bị giết theo cách hoàn toàn không cần thiết”.
Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ đã ra tuyên bố chung: “Chúng tôi kêu gọi lực lượng vũ trang Myanmar dừng bạo lực và có động thái để người dân Myanmar khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm, điều mà họ đã đánh mất thông qua các hành động của mình”.
Trang Kiểm Tin cho biết: Việt Nam gửi đại diện tham gia diễu binh trong Ngày Quân đội đẫm máu tại Myanmar. Theo nguồn tin từ Reuters, có 8 nước gồm Nga, TQ, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, VN, Lào và Thái Lan đã gửi đại diện đến dự diễu binh kỷ niệm Ngày Các lực lượng vũ trang Miến Điện 27/3. Trong khi lính Miến Điện thẳng tay tàn sát người dân, thì VN cử đại diện đến xem chế độ quân phiệt “khoe cơ bắp”.
https://baotiengdan.com/2021/03/29/ban-tin-ngay-29-3-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét