Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

5551 - Đối phó với "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc

Trương Nghi

Hình minh hoạ. Tàu cá của Trung Quốc tại đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa hôm 23/3/2021


Trung Quốc gia tăng “chiến thuật vùng xám”

Sự kiện mới đây khiến nhiều người lo ngại khi hơn 200 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã được phát hiện ở gần Đá Ba Đầu, một bãi đá ngầm ở Biển Đông mà Việt Nam cũng là bên tuyên bố chủ quyền (Philippines thì khẳng định Đá Ba Đầu này nằm trong EEZ của Philippines, do đó Philippines có quyền chủ quyền ở đây).

Hồi cuối tháng 2/2021, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, theo đó cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài trong vùng biển tranh chấp, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông cũng như tại khu vực biển Đông. Các động thái mới nhất của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về việc căng thẳng leo thang tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Bà Bonnie Glaser - một chuyên gia về Trung Quốc, nhận định rằng: “Trung Quốc nhận thức được rằng việc họ gây áp lực đối với các quốc gia khác thông qua các phương pháp vừa phải sẽ không đủ để Mỹ đáp trả quân sự… Nếu Trung Quốc chỉ đe dọa, quấy rối và bắt nạt các quốc gia khác, Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc đáp trả một cách hiệu quả. Việc sử dụng số lượng lớn tàu tuần duyên hoặc tàu dân quân biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thực sự giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Nó cũng nhằm phát tín hiệu đến các nước khác rằng họ không nên thách thức lợi ích của Trung Quốc, nếu không họ sẽ phải trả giá”.

Chiến thuật này của Trung Quốc được các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là “chiến thuật vùng xám”.

Chiến thuật “vùng xám” là gì?

“Vùng xám” có nghĩa đen như là một thứ gì đó “mập mờ” và khó có thể định nghĩa. Về mặt lý thuyết, “chiến thuật vùng xám được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Các hình thức của chiến thuật này bao gồm: (1) sử dụng các lực lượng phi quân sự nhằm duy trì căng thẳng ở một mức độ nhất định, khống chế để căng thẳng không biến thành xung đột; (2) các chính sách được tiến hành từ từ, tiệm tiến và không vội vàng và (3) là tổng hòa của nhiều hệ thống chính sách khác nhau, từ kinh tế, chính trị, pháp lý cho tới quân sự để đạt được mục đích.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều học giả cho rằng “chiến thuật vùng xám” là một chiến thuật tổng thể, diễn ra liên tục từ ngấm ngầm đến phô trương lực lượng, với những cách thức sử dụng đa dạng, từ tấn công mạng, tuyên truyền truyền thông, chiến tranh chính trị, áp bức và phá hoại kinh tế, leo thang đe dọa bằng sức mạnh, vũ lực… Đi kèm với nó là việc “gây nhiễu thông tin” để che giấu dưới các thông tin sai lệch, lừa dối... Có lẽ, khái niệm này rõ hơn để có thể chỉ ra các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông gần đây.

Đối với vấn đề Biển Đông, có thể hiểu cụ thể là “chiến thuật vùng xám” được Trung Quốc áp dụng là “sử dụng kỹ thuật để đạt được các mục tiêu của một quốc gia và làm nản lòng các đối thủ của mình bằng cách sử dụng các công cụ sức mạnh – thường có tính chất không cân xứng và mơ hồ - mà không phải sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự thông thường đã biết”.

Chiến lược "vùng xám" liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước trên Biển Đông từ năm 2006. Mục đích của những hành động quấy rối đó nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng.

Cùng với việc chính thức tung ra cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò”, từ năm 2009 TQ cũng đã phát động một “chiến dịch” lớn nhằm tìm mọi cách đưa ra các bằng chứng lịch sử để bảo vệ tính “chính danh” của đường lưỡi bò. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn từ chối tham gia vào các quá trình công pháp quốc tế để làm rõ tính chất pháp lý của yêu sách phi pháp này.

Bên cạnh đưa ra cách diễn giải riêng về lịch sử và pháp lý, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện trên thực địa thông qua xây dựng hạm đội hải cảnh, cùng với một lực lượng dân quân biển đông đảo. Các lực lượng bán quân sự như trên rất phù hợp với triết lý của “Vùng xám”: gây ra đủ căng thẳng, bảo vệ được sự hiện diện của Trung Quốc nhưng lại không đẩy căng thẳng lên mức độ xung đột quân sự để các cường quốc như Mỹ có thể tham gia.

Chiến thuật “vùng xám” đã được Trung Quốc lặp lại ở Biển Đông hồi năm ngoái, bao gồm: thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận - huyện bất hợp pháp để kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa; xây trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa; điều đội tàu dọa dẫm và ngăn chặn Malaysia thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.

Đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc như thế nào?

Các quốc gia ASEAN có tranh chấp biển với Trung Quốc đã có những cách phản ứng khác nhau trước “chiến thuật vùng xám” này của Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người đã chọn con đường “nịnh bợ Bắc Kinh” hòng tìm viện trợ và đầu tư làm “bệ đỡ” cho đảng cầm quyền của ông ta. Najib đã nỗ lực lấy lòng Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua chính sách “ngoại giao sầu riêng”. Ông đã ngăn cấm những nhà phê bình trong nước lo sợ rằng ông đang bán rẻ chủ quyền của Malaysia để đổi lấy sự bố thí của Trung Quốc, thậm chí đến mức bộc lộ sự mâu thuẫn – dưới danh nghĩa không gây đối đầu – về các cuộc xâm nhập thường xuyên của Hải cảnh Trung Quốc gần các cấu trúc địa hình nằm trong quyền tài phán trên biển Đông của Malaysia.

Cùng phương pháp của Najib, Duterte khi đắc cử Tổng thống Philippines năm 2016 cũng áp dụng chính sách “Hướng về Trung Quốc”. Tuy nhiên, cả Malaysia dưới thời Najib Razak lẫn Philippines dưới thời Duterte, mặc dù “kết thân” với Trung Quốc nhưng cũng không ngăn nổi dã tâm và các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, mà vụ Đá Ba Đầu là bài học nhãn tiền, cho dù Trung Quốc từng hứa miệng là không áp dụng luật Hải cảnh với Philippines.

Hai quốc gia khác cũng đã từng va chạm với Trung Quốc với “chiến thuật vùng xám” này, đó là Indonesia và Việt Nam.

Mặc dù Indonesia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, tuy nhiên, vùng biển rất giàu tài nguyên của Indonesia là Bắc Natuna lại bị Trung Quốc cho là “thuộc chủ quyền của Trung Quốc vì nó nằm trong đường lưỡi bò”.

Căng thẳng đã nhiều lần xảy ra giữa Indonesia và Trung Quốc tại vùng biển này. Tuy nhiên Indonesia chọn cách phản ứng một cách mạnh mẽ, chứ không “quỳ gối” trước Trung Quốc.

Hồi tháng 3/2016, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã đâm thủng tàu đánh cá Kway Fey 10078 của Indonesia ngay trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của nước này ngoài khơi đảo Natuna, can thiệp mạnh mẽ vào việc Indonesia thực thi luật thủy sản. Thay vì hạ nhiệt vụ việc, Tổng thống Joko Widodo, đã thể hiện sự quyết tâm của mình khi tới thăm đảo Natuna trên một con tàu chiến.

Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình trên quần đảo này. Tháng 6 cùng năm đó, hải quân Indonesia đã nổ súng cảnh cáo một số tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Natuna, được cho là đã làm bị thương một ngư dân trong quá trình này. Bắc Kinh đã phản đối, nhưng Jakarta không hề nao núng. “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động quyết liệt chống lại các tàu nước ngoài, bất kể tàu đó mang cờ và quốc tịch nước nào, khi họ vi phạm lãnh thổ của Indonesia”, người phát ngôn của Hải quân Indonesia, Đô đốc Edi Sucipto, phát biểu sau vụ việc. Kể từ đó, không có thêm báo cáo nào về sự vi phạm của Trung Quốc.

Hồi tháng 1/2020, tàu cá Trung Quốc đã đi vào EEZ của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, Jakarta đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Bắc Natuna để chứng tỏ quan điểm cứng rắn đối với tuyên bố của quyền của mình.

Còn Việt Nam thì sao? Khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu biển sâu của nước này, Hải Dương-981, trong vùng EEZ của Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014, Hà Nội đã phản ứng quyết liệt – và ít nhất cũng tương xứng với trò hề “vùng xám” của Bắc Kinh. Họ đã cẩn thận tránh cử các lực lượng quân sự đến đối mặt với Trung Quốc – thay vào đó triển khai các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – và thậm chí cả lực lượng dân quân biển của riêng họ. Sau đó, Bắc Kinh đã phải rút các lực lượng của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Điều này chứng tỏ rằng, chỉ có sự mạnh mẽ cứng rắn, kết hợp với sự khéo léo mới có thể khiến Trung Quốc chùn tay khi sử dụng “chiến thuật vùng xám” trên biển Đông. Những sự “quỵ luỵ” Trung Quốc như của Duterte hay Najib Razak sẽ không hề làm Bắc Kinh “nhẹ tay” mà trái lại, sẽ khiến Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hành động sai trái của họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-to-deal-with-grey-zone-warfare-waged-by-china-03262021104035.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét