Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

5564 - Tại sao Nguyễn Phú Trọng không cho Nguyễn Xuân Phúc ngóc đầu dậy ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de

Sau khi bàn giao chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc, có thể nói quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng không mất mát gì nhiều. Tuy nhiên việc mất chức chủ tịch nước cũng làm cho ông Nguyễn Phú Trọng có thể gặp một số khó khăn về sau.

Thực ra chức tổng bí thư về quan hệ quốc tế, nó chỉ có giá trị đối với những quốc gia cộng sản. Còn các nước dân chủ, tổng bí thư đảng chỉ là người đứng đầu một đảng phái không có tư cách gì trong nhà nước cả.

Nhưng trớ trêu là chức chủ tịch nước ở Việt nam không có thực quyền. Trong tứ trụ, chủ yếu quyền lực tập trung ở 2 chiếc ghế, ghế tổng bí thư và ghế thủ tướng thôi. Tuy nhiên chức chủ tịch nước cũng có một số quyền hành nhất định. Ký thăng quân hàm cấp tướng cho quân đội và công an là một trong những nhiệm vụ mà chủ tịch nước phải thực hiện. Tận dụng lợi thế này, trong hơn 2 năm tiếp nhận ghế chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang chết, ông Nguyễn Phú Trọng đã phong hàm cấp tướng cho gần 500 tướng quân đội và công an, ký bổ nhiệm rất nhiều cấp bộ trưởng, thứ trưởng v.v…

Từ xưa đến nay, chưa có lãnh đạo cộng sản Việt Nam nào nắm siêu quyền lực như ông Nguyễn Phú Trọng, nắm tổng bí thư kim chủ tịch nước. Với người thâm trầm như ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nào ông không tận dụng lúc trong tay có quyền lực lớn nhất ấy để tạo ra sức mạnh cho chính ông đươc yên ổn cầm quyền trong ít nhất là 5 năm nữa.

Có 2 cách tạo quyền lực cho bản thân, thứ nhất là xây dựng đội ngũ trung thành vừa đông đảo vừa nhiều quyền lực; thứ nhì là thiết lập những đặc quyền dành cho bản thân mình bằng cách can thiệp vào luật. Hình thức tạo ra suất đặc biệt cho bản thân là cách mà ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra đặc quyền cho mình. Luật lệ vừa là công cụ dùng để hạn chế quyền lực người này nhưng ngăn cản quyền lực của người khác.

Được biết vào năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng dùng quy định giới hạn tuổi để loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi Bộ Chính trị, nhưng ông lại tạo suất đặc biệt để ông được ở lại. Cũng là pháp luật nhưng rõ ràng ông Trọng đã dùng nó để tước sạnh quyền lực ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ngược lại ông Trọng lại dùng suất đặc biệt để duy trì quyền lực cho mình.

Cho tới nay, chưa có ai dùng công cụ luật pháp một cách thiên biến vạn hóa để làm lại cho minh làm hại người khác một cách thành thạo như ông Nguyễn Phú Trọng.

Tước quyền Nguyễn Xuân Phúc ?

Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận ghế chủ tịch nước vốn không mấy quyền hành, ấy vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ra sức tước bỏ quyền hành vốn rất hạn chế của ông Nguyễn Xuân Phúc. Vì sao vậy ?

Có thể nói, tước quyền người khác là một cách tự làm mình mạnh hơn đối với họ, đấy là ý đồ mà Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Nguyễn Xuân Phúc. Và câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào ?

Ông Nguyễn Phú Trọng sắp trao chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông lại đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước nhiệm kỳ tới. Nhiệm kỳ tới là nhiệm kỳ của Nguyễn Xuân Phúc nhưng Nguyễn Phú Trọng lại muốn quy định nhiệm vụ cho ông Phúc. Vì sao vậy ? Làm như vậy có khác nào ông Trọng bắt nhốt tù ông Phúc. Nghĩa là Nguyễn Phú Trọng trao chức cho Nguyễn Xuân Phúc nhưng không hề trao quyền cho ông này ?

Được biết trong buổi họp đầu tiên của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước nhiệm kỳ tới.

Trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Tổng bí thư, ông Trọng đã nêu ra những thành tựu và hạn chế của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới. Nhiệm vụ của tân chủ tịch nước có luật pháp quy định rồi tại sao ông Trọng lại xen vào chuyện của tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được ? Đó là vấn đề cần phải làm rõ.

Trình bày báo cáo Tóm tắt Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp ; vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước v.v… Nói chung là trình bày đủ thứ khó khăn, để làm gì ? Để mà sau đó là ca tụng công tác chống dịch và phòng chống lụt bão, mặc dù để đối phó với lụt bão dân tự cứu nhau là chính.

Trong các cuộc họp của Đảng cộng sản thì bao giờ cũng vậy, khi đọc văn bản phát biểu thì toàn là lời hay ý đẹp tự ca tụng nhau, nhưng thực tế đằng sau nó là những thủ đoạn mà ở thế giới văn minh người ta không bao giờ dùng đến như đối thủ chính trị bỗng dưng ngã bệnh bí ẩn, hay lặng lẽ rút lui như Đinh Thế Huynh, v.v…

Trở lại chuyện ông Nguyễn Phú Trọng muốn tự mình giới hạn quyền Nguyễn Xuân Phúc thì đây quả là một quyết định đầy bất ngờ. Như vậy cuộc chiến cung đình nó không đơn giản như nhiều người tưởng.

Vì sao phải tước quyền Nguyễn Xuân Phúc ?

Mỗi một cá nhân có 2 loại quyền lực, quyền lực nổi và quyền lực ngầm. Quyền lực nổi là quyền lực mà người đó có được do chức vụ mang lại cho họ, quyền lực ngầm là sức mạnh của phe cánh hủng hộ họ. Được biết với Nguyễn Xuân Phúc, khi bị ép vào ghế chủ tịch nước thì đó chỉ là quyền lực nổi của ông ta bị giảm đi, tuy nhiên quyền lực ngầm mà ông ta đã gầy dựng trong 5 năm làm thủ tướng và nhiều năm trước đó thì không thể nào một sớm một chiều tước bỏ được. Vì vậy ông Nguyễn Phú Trọng phải ra tay giới hạn quyền lực nổi của ông Phúc qua đó hạn chế phần nào quyền lực ngầm của ông này.

Bản quy định những điều nên làm và những điều cấm cho tân chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng được trình bày bản báo cáo tóm tắt từ bản chính thức dài 144 trang được gửi tới các đại biểu quốc hội nhấn mạnh báo cáo gồm 2 phần lớn gồm kết quả công tác nhiệm kỳ và kiến nghị phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sắp tới.

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong giới hạn quyền hạn của mình sao cho trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Không biết những quy định của ông Trọng như thế có phải là cái bẫy gài ông Phúc hay không. Bởi nếu có phát hiện trong cơ quan thuộc văn phòng chủ tịch nước không cho trong sạch, không vững mạnh, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì sao ? Thì lúc đó chắc là tổng bí thư họp bộ chính trị kỷ luật chủ tịch nước.

Được biết, ủy ban trung ương về phòng chống tham nhũng vẫn trong tay ông Nguyễn Phú Trọng. Ấy vậy mà nhiệm vụ của chủ tịch nước được ông Nguyễn Phú Trọng quy định cho Nguyễn Xuân Phúc là :

"Cần phải thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm : không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn". Vậy thì ông Nguyễn Xuân Phúc làm thế nào cho được ? Thật là khó hiểu.

Nguyễn Xuân Phúc cần cẩn thận kẻo sập bẫy

Được biết, báo cáo của ông Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ việc thực hiện và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực Lập pháp ; Hành pháp và Tư pháp cũng như Quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động đối ngoại và hoạt động của Phó Chủ tịch nước cũng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước báo cáo trước đại biểu quốc hội và cử tri cả nước.

Trong báo cáo, ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra những ưu điểm, hạn chế của nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016-2021. Trong báo cáo có nêu ra nguyên nhân của kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của các hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong phần đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trọng yêu cầu tân Chủ tịch nước làm tốt hơn nữa nhiệm vụ. Ông đề ra 5 đề xuất phương hướng, nhiệm vụ là : Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp ; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ; Tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Nói chung những mục tiêu khá sáo rỗng. Đây là những lối viết quen thuộc trong các loại văn bản của Đảng cộng sản.

Trong một rừng chữ quy định đó, có những quy định rất quan trọng đối với mình ông Nguyễn Xuân Phúc phải đọc kỹ và lọc ra mà thực hiện. Một chủ tịch nước không có quyền hành gì nhiều mà lại bị người khác quy định quá nhiều nhiệm vụ thì rất dễ sập bẫy. Không biết ông Nguyễn Xuân Phúc có nhận ra ẩn ý này của ông Nguyễn Phú Trọng hay không mà thôi.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc nắm công cụ chống tham nhũng nhưng ông Trọng lại giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho ông Phúc. Có lẽ cả đời làm chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ hiểu ra, chính ông phải biết sống như thế nào cho phải đạo với người đã trao ông chiếc ghế chủ tịch nước.


https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/21025-t-i-sao-nguy-n-phu-tr-ng-khong-cho-nguy-n-xuan-phuc-ngoc-d-u-d-y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét