Ngày 08/03/2021 là đúng 7 năm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysian Airlines tuyến Kuala Lumpur - Bắc Kinh biến mất cùng với 239 người trên chuyến bay. Bị mất tích ngoài khơi Ấn Độ Dương hay là rơi tại vùng Biển Đông trong lãnh hải Việt Nam ? Đâu là những nguyên nhân thật sự của vụ « biến mất » bí ẩn đó ?
Sau 7 năm dài điều tra miệt mài, nhà báo Florence de Changy, thông tín viên báo Le Monde và đài RFI, tại Hồng Kông, đưa ra những nghi vấn về những kết luận chính thức trong tập sách mới phát hành, có tựa đề « MH370. La disparition » (tạm dịch là MH370. Sự biến mất).
« Rõ ràng » và « rùng mình », là những gì độc giả cảm nhận được qua tập sách. Bằng trực giác của một nhà báo, dày dạn 30 năm kinh nghiệm tại châu Á (Malaysia, Đài Loan, Úc và Hồng Kông), Florence de Changy chưa có một lúc nào tin vào tất cả những giả thuyết công bố trước công chúng.
Việc đưa ra những thông tin rời rạc đó đây về chiếc máy bay, tổ chức những cuộc tìm kiếm với quy mô lớn kéo dài hàng tháng, lập nhóm điều tra quốc tế, cũng như việc huy động nhiều vệ tinh, màn hình radar dân sự hay quân sự có mặt trong khu vực, … đối với Florence de Changy, tất cả những điều đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất : Đánh lạc hướng công luận.
Đáng ngạc nhiên là trong vụ việc này không một người nào phải chịu trách nhiệm và bị đưa ra xét xử, không một đòi hỏi nào được đưa ra (kể cả từ phía Trung Quốc bên thiệt hại nhiều nhất), không một nhân chứng, cũng như là không có một bằng chứng.
"Cho rằng chuyến bay MH370 đã có thể biến mất với tôi có lẽ là một lời thóa mạ cho trí thông minh nhân loại", Florence de Changy đã viết như thế.
Trong quá trình điều tra, bà phân tích tỉ mỉ các tài liệu bảo mật, gặp gỡ những nhân chứng độc quyền và đáng tin cậy, vượt qua mọi giả thuyết « vô căn cứ », để rồi Florence de Changy đề xuất một kịch bản khác hoàn toàn so với bản công bố chính thức.
Nhân tập sách « MH370. Sự biến mất » được ra mắt công chúng Pháp vào đầu tháng 3/2021, Florence de Changy đã dành cho RFI Tiếng Việt một cuộc trao đổi qua Skype. Trong phần thứ nhất hôm nay, nhà báo giải thích vì sao bà tin rằng chính phủ Malaysia cùng với một số « chuyên gia » đã tìm cách chuyển hướng công luận, và vai trò thật sự của Malaysia trong cuộc khủng hoảng này là gì.
*******
RFI Tiếng Việt : Thân chào nhà báo Florence de Changy. Trong tập sách, từng chương một, bà bác bỏ những giải thích được đưa ra cho đến lúc này. Bà cũng chứng minh rằng chính quyền Malaysia tự mâu thuẫn trong báo cáo chính thức. Vì sao lại có sự thiếu minh bạch như vậy ?
Florence de Changy : Sự thiếu minh bạch là rất rõ ràng, nhất là từ phía Malaysia, bởi vì lúc đầu chính nước này chịu trách nhiệm về cuộc điều tra, tổ chức họp báo... Đây cũng là điều này tôi lên án trong tập sách. Nhưng tôi còn đi xa hơn khi theo dõi kỹ bản thông báo chính thức – được công bố trước báo giới và được lập ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ việc.
Theo đó, chiếc máy bay MH370 đã quay trở đầu một cách kỳ lạ, đi xuyên không phận Malaysia, về hướng eo biển Malacca và bay quần một vòng lớn xung quanh đảo Sumatra của Indonesia để rồi sau cùng rớt xuống Ấn Độ Dương.
Đây là những giải thích chính thức từ chính quyền Malaysia mà tôi nhận thấy « chẳng đầu, chẳng đuôi » cứ như là người ta cần một phi công phải gánh lấy trách nhiệm này để chứng minh cho những lời giải thích đó.
Nhưng những gì mà tôi làm và trình bày trong sách cũng như trong cuộc điều tra này, là tôi phân tích tỉ mỉ bản công bố chính thức, trên thực tế được chính phủ đề xuất và đưa ra, rồi tôi muốn chứng minh rằng bản giải thích đó là không thuyết phục.
Người ta đã không chứng minh được việc Boeing đã quay đầu đổi hướng hành trình, hơn nữa điều đó còn nằm ngoài khả năng kỹ thuật của một chiếc Boeing 777. Các dữ liệu nói là do radar cung cấp phát hiện chiếc máy bay đã bay ngang không phận Malaysia là hoàn toàn không ăn nhập gì với chiếc Boeing 777.
Cuối cùng, trong phần cuối của bản công bố chính thức, chiếc máy bay « ma », có thể nói như thế, đã bay về hướng Ấn Độ Dương. Hành trình này được lập ra nhờ vào cái gọi là « handshack pings », bởi hãng chuyên về liên lạc viễn thông qua vệ tinh Inmarsat của Anh và cung cấp cho Malaysia. Những dữ liệu mà người ta không thể nào kiểm chứng về tính xác thực.
Do vậy lời giải cho các câu hỏi về những điều không rõ ràng này, chính là bản công bố chính thức đó đơn giản đã bị tạo dựng và không tồn tại trong thực tế.
RFI : Việc tìm cách đánh lạc hướng công luận nhằm mục đích gì ? Chính quyền Kuala Lumpur muốn che giấu điều gì chăng ?
Florence de Changy : Khi người ta nhận thấy có một sự tạo dựng sự thật khác có quy mô lớn như vậy, quả thật chúng ta buộc phải tự đặt câu hỏi : Họ đang tìm cách che giấu điều gì ? Làm thế nào người ta có thể đi đến một câu chuyện huyễn hoặc như vậy… Đây chính là những câu hỏi tôi đặt ra mà tôi chưa thể giải đáp được.
Khi tôi quay trở lại với điểm khởi đầu, tức là vào thời điểm máy bay mất tích, biến mất khỏi màn hình radar, dần dà người ta biết được là chiếc MH370 vẫn còn tiếp tục bay một lúc lâu sau đó theo như hành trình vạch ra lúc ban đầu.
Rồi tôi được biết là trong khoang hàng hóa có nhiều yếu tố cực kỳ có vấn đề. Để rồi từ đó, tôi đưa ra một kịch bản khác, chí ít cũng được dựa vào những sự việc đã được kiểm chứng, được xác nhận, có các nhân chứng hay các tài liệu chính thức : công khai hay bảo mật.
Dựa trên cơ sở những mẫu sự việc rời rạc, những dấu hiệu nhỏ đó mà sau này tôi đưa ra một kịch bản thay thế hoàn toàn khác biệt với những công bố chính thức.
RFI : Trong tập sách, bà mô tả khá chi tiết và nêu lên những nghi vấn về hai kiện hàng đáng ngờ. Liệu chúng có liên hệ gì đến việc MH370 bị biến mất hay không ?
Florence de Changy : Tôi không chắc lắm. Tôi chưa có chứng cứ về có mối liên hệ giữa số hàng hóa vận chuyển có vấn đề trong chuyến bay này với tai nạn xảy ra. Nhưng điều chắc chắn là chiếc máy bay này vận chuyển tổng cộng 10 tấn hàng, trong số này có hai thùng hàng đặc biệt có vấn đề.
Thứ nhất là lượng hàng 4,5 tấn măng cụt, vốn dĩ không phải là mùa, giống như là mình cho vận chuyển gần 5 tấn trái cerise vào Paris vào tháng Giêng (mùa cerise tại Pháp bắt đầu cuối xuân đầu hè).
Nhưng dường như tất cả các chuyến bay MH370, nối Kuala – Lumpur và Bắc Kinh, trong những tuần trước ngày 8/3 và những tuần sau đó cũng vận chuyển măng cụt. Theo ý tôi, đây đúng ra là những mật mã cho mặt hàng khác, một dạng buôn lậu trái phép.
Ngược lại, còn có 2,5 tấn hàng điện tử không đăng ký. Người ta nói với chúng tôi đó là những thiết bị điện đàm và các bộ nạp điện. Hơn nữa, hai tấn rưỡi hàng hóa này không được đưa qua máy quét trước khi lên máy bay. Điều này là tuyệt đối không thể chấp nhận cho vấn đề an ninh hàng không dân dụng.
Chỉ riêng điều này thôi, sân bay Kuala Lumpur có thể bị phạt khoản tiền rất lớn, và hãng hàng không Malaysian Airlines có thể bị rút giấy phép. Bởi vì, chở một thùng hàng mà không qua kiểm soát trên một chuyến bay chở khách là điều tuyệt đối không được làm.
Ngoài việc chở đến 2,5 tấn hàng điện tử mà không qua kiểm soát, tôi còn phát hiện trong một báo cáo kết thúc cuộc điều tra, là thùng hàng trên còn được cảnh sát hộ tống đến sân bay ngay trong đêm chuyến bay.
Điều này thật sự còn làm món hàng đó càng trở nền đáng ngờ. Câu hỏi đặt ra : Có cái gì ở trong đó ? Tôi không thể nào biết cụ thể. Người ta nói đến đủ thứ, nhưng tôi không thể nào làm sáng tỏ được, do vậy tôi không thể nói gì thêm được trong sách của tôi về chủ đề này.
Nhưng tôi chỉ đơn giản muốn nói là có một thùng hàng cực kỳ đáng ngờ trong chuyến bay đó, và chiếc máy bay này đã biến mất, do vậy cũng chẳng có gì là sai trái khi cho là thùng hàng này có liên quan đến vụ mất tích của chiếc máy bay.
RFI : Theo ý bà, trong cuộc khủng hoảng này, Malaysia có vai trò gì ?
Florence de Changy : Tôi có xu hướng nghĩ rằng Malaysia đã đóng một vai « kẻ ngốc » hữu ích. Nghĩa là, ai cũng tán đồng rằng « Malaysia thật là thê thảm trong vụ việc này, hay Malaysia liên tục có những phát biểu đầy mâu thuẫn ». Nhưng khi nghĩ kỹ, Malaysia không có phương tiện để tham gia vào một hoạt động quốc tế ngầm có quy mô lớn như vậy.
Tôi nghĩ là chẳng còn chút nghi ngờ, Malaysia đã tìm cách mặc cả cho sự im lặng của mình. Malaysia không thể nào một mình gánh lấy trách nhiệm cho một vụ mất tích như thế. Chúng ta không nên quên rằng Boeing 777 là một chiếc máy bay dài đến 63m, bị mất tích cùng với tất cả hàng hóa và 239 hành khách, phi hành đoàn. Nhưng 239 con người đó không thể biến mất như vậy được. Do vậy, người ta không thể buộc Malaysia phải một mình chịu trách nhiệm về vụ biến mất này.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20210327-mh370-malaysia-tai-nan-mat-tich-hang-khong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét