- TS Nguyễn Phương Mai
- Viết riêng cho BBC News Tiếng Việt
Suốt hơn mười năm qua, cuộc sống của tôi mỗi năm chia làm ba phần, ở châu Âu nơi có công việc, ở châu Á nơi có gia đình, và ở châu Úc nơi có bạn trai. Vì ảnh hưởng của đại dịch, cả năm qua tôi sống ở một trong những bang bảo thủ nhất Australia: bang Queensland.
Khi cuộc sống chỉ giới hạn ở một thành phố nhỏ bé ven biển, tôi thốt nhiên nhận thấy ngoài những điều tôi hằng yêu mến, nước Úc cũng có một phần giống châu Âu và Mỹ.
Đó là khi bạn có làn da vàng, hầu hết thiên hạ sẽ tự động cho rằng bạn là người Trung Quốc. Đó là khi con virus corona bị gọi là "virus China" (tổng thống Trump), thì cứ có làn da vàng là bạn có thể mang hình hài của một con virus.
Vào mỗi buổi chiều khi chúng tôi đi dạo trên bờ biển, không ít lần tôi nhận thấy những ánh mắt tò mò dõi theo. Có người ngoái lại và thì thầm bàn tán. Một lần tôi hắng giọng ho, ngẩng lên thì thấy vài khuôn mặt nhìn tôi chằm chằm.
Các cuộc tấn công vào người gốc Á tăng mạnh khắp thế giới
Tôi may mắn không phải là nạn nhân của hàng ngàn cuộc tấn công nhằm vào dân Á thời gian gần đây (COVID hate crime). Nhưng ngay từ đầu đại dịch, tôi đã cảm nhận được sự đề phòng từ những người không quen biết xung quanh.
Đầu tháng ba năm ngoái, khi bước chân vào toa xe điện ở Amsterdam, một người phụ nữ bỗng ngẩng lên, nhìn tôi rồi sợ hãi thì thầm: "Người Trung Quốc?". Khi đó, các ca bệnh ở châu Âu chủ yếu lan từ Ý. Tôi không nén được cười, nhưng vẫn ra vẻ sợ hãi không kém, rồi thì thầm: "Người Ý?".
Từ đó đến nay, sự đề phòng đã biến thành thù ghét và hành động tội ác. Theo số liệu trích dẫn tại một bài viết trên Time, tại New Zealand, 54% người gốc Trung Quốc bị phân biệt đối xử; tổng số các cuộc tấn công nhằm vào dân gốc Á tăng 300% tại Anh; tới 12% các cuộc tấn công vào người Á ở Úc là các tình thế mang tính đe dọa bạo lực. Đỉnh điểm của làn sóng thù ghét người Á là cuộc thảm sát tại Mỹ hai tuần trước khi một tên sát nhân xả súng vào ba tiệm thẩm mỹ và giết chết 8 nạn nhân, 6 người trong số đó là phụ nữ gốc Á.
Nhưng sự thù ghét người Á không phải chờ đến COVID mới xuất hiện. Trận đại dịch này chỉ là cái cớ để cái cây thù hằn ấy nẩy nở mạnh mẽ hơn.
Phân biệt chủng tộc và kỳ thị người gốc Á tại Mỹ
Để thấy rõ lịch sử của tệ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Á, chúng ta có thể lấy Mỹ làm ví dụ - miền đất mà hầu hết mọi thành viên đều là dân di cư.
Từ giữa thế kỷ 19, người Trung Quốc đã chấp nhận làm các công việc nguy hiểm trong hầm mỏ. Ngay lập tức, họ trở thành nạn nhân của làn sóng kỳ thị với lý do "cướp cơm của người da trắng".
Năm 1853, Ling Sing bị một người da trắng là George Hall bắn chết. Hall bị khép tội tử hình với ba nhân chứng người Trung Quốc. Tuy nhiên, toà án tối cao California không những xử trắng cho Hall mà còn tạo tiền đề cho một đạo luật phân biệt chủng tộc, theo đó, dân gốc Á, hệt như dân da đen, là một chủng tộc hạ đẳng, "không đủ trí tuệ và khả năng làm chứng" (testify) để kết tội kẻ khác, trong trường hợp này là dân da trắng.
Sau người Trung Quốc, hàng loạt các cộng đồng gốc Á khác như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Hmong, Bangladesh ...vv đều trở thành đối tượng bị phân biệt và kỳ thị, với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, phải đến khi làn sóng kỳ thị người Nhật diễn ra trong giai đoạn Nhật tăng tốc phát triển thị trường ô tô ở Mỹ thì lịch sử mới được chứng kiến một bước ngoặt có ý nghĩa.
Năm 1982, một chàng trai trẻ gốc Trung Quốc tên là Vincent Chin tới quán bar trước ngày anh chuẩn bị cưới vợ. Hai người đàn ông da trắng xô xát với Chin, cho rằng anh là người Nhật và kết tội người Nhật khiến dân lao động Mỹ trong ngành ô tô thất nghiệp. Sau khi rời quán bar, họ lái xe đi tìm anh và dùng gậy đánh bóng chày quật anh trọng thương. Anh tử vong sau đó mấy ngày. Hai kẻ sát nhân sau đó chỉ hưởng án treo và bị phạt 3000 đôla.
Vụ án của Vincent Chin là giọt nước tràn ly. Nó đánh dấu một thời điểm lịch sử: Sự ra đời của phong trào chống sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị người châu Á. Cái chết của Vincent Chin đã đem lại sự bảo trợ pháp lý và sự ủng hộ mang tính xã hội cho hàng chục cộng đồng gốc Á trên khắp nước Mỹ. Bộ phim tư liệu "Who killed Vincent Chin" trở thành dấu ấn đáng ghi nhớ của điện ảnh Mỹ.
Phân biệt chủng tộc và kỳ thị với người Việt Nam
Những người tị nạn (thuyền nhân) Việt Nam tới Mỹ sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Quá trình nhập cư này không quá khó khăn chính là nhờ đạo Luật Nhập Cư năm 1965. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh dân quyền do người da đen khởi xướng. Nhờ đó mà tất cả mọi người bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo đều có thể vào Mỹ định cư.
Đối mặt với làn sóng thuyền nhân, cộng đồng da đen ở Mỹ đã mạnh mẽ kêu gọi tiếp nhận người tị nạn. Trên tờ New York Times năm 1978, với tựa đề "Cộng đồng da đen thúc giục Mỹ tiếp nhận người tị nạn Đông Dương", tác giả viết: "Là những công dân trong cộng đồng da đen đang đối diện với thiếu thốn kinh tế nên chúng tôi đồng cảm với những người anh em châu Á đang trong trại tị nạn."
Khi đến được Mỹ, nhiều người Việt ở Texas chủ yếu làm nghề đánh bắt tôm. Họ gặp vô số khó khăn khi cộng đồng người da trắng kìm hãm, hối thúc các cửa hàng không mua bán với chủ thuyền người Việt, hoặc lobby chính phủ để số lượng thuyền và đăng ký bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, bằng sự chăm chỉ, chấp nhận khó khăn và bán giá rẻ hơn, người Việt dần dần vươn lên vị trí cao hơn trong bậc thang kinh tế và xã hội. Hệt như tình trạng với người Trung Quốc, sự thành công của họ trở thành nỗi lo sợ "cướp cơm của người da trắng".
Nguy hiểm hơn, họ còn rơi vào tầm ngắm của nhóm Ku Klux Klan (KKK) - một tổ chức da trắng thượng đẳng với lịch sử dày đặc các tội ác dã man với người da đen. Bốn thuyền đánh cá của người Việt bị đốt, các vùng đánh bắt cá bị cấm cản, một ngôi nhà bị đốt cháy bằng bom.
Xung đột lên đến đỉnh cao khi hai anh em một gia đình người Việt vì tự vệ mà giết chết một người đàn ông da trắng. KKK ngay lập tức tổ chức một cuộc tuần hành với hơn 750 người, tố cáo những chủ thuyền người Việt là cộng sản nằm vùng.
Kỳ thị tích cực cũng có những hậu quả tiêu cực
Nhiều người châu Á sống ở Âu Mỹ cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được ca ngợi là sắc dân mẫu mực (Model Minority), chăm chỉ làm ăn, con cái thành đạt. Thoạt đầu, đó có vẻ là điều thuận lợi.
Tuy nhiên, mặt sau của những lời khen vẫn là những định kiến. Người Á bị mặc định bảo thủ, ngây thơ chính trị, và luôn là người ngoài cuộc. Dù sống nhiều đời ở quê hương mới, họ vẫn bị coi là ngoại bang vì định kiến không nhiệt tình tham gia vào các cuộc đối thoại làm thay đổi xã hội. Chăm chỉ kiếm tiền, họ cần im lặng ngoan ngoãn sống như một kẻ xa lạ trong nhà mà không ai cần đề phòng.
Họ phải thành công, nhưng một cách vừa phải. Chạm một mức nào đó, người da trắng sẽ coi họ là đối thủ và dùng kỳ thị làm vũ khí để ngăn cản họ tranh chấp địa vị thống trị xã hội.
Cùng là dân di cư, nhưng người da trắng coi quê mới như là đất của mình chứ không phải do tranh chấp với người bản địa. Người da đen vốn bị ép di cư thì không bao giờ bị đuổi "cút trở về đất nước của mày" (Go back where you come from). Người Á và người Mỹ la tinh là hai đối tượng hay bị "đuổi" nhất. Họ bị cho rằng chết sẽ quay đầu về quê hương, tiền gửi về cố quốc, không cố gắng nói tiếng bản xứ, kinh doanh và sống co cụm, không trung thành với quê hương mới.
Thứ hai, vài lời khen tặng đó tạo ra ảo tưởng rằng người Á không bị kỳ thị và không bị đối xử bất công. Nếu họ kêu ca, đó là trường hợp cá biệt và không cần quan tâm.
Lời khen tặng che đi sự thật là người Á thành công chủ yếu là dân gốc Ấn với tỷ lệ 8% sống dưới mức nghèo đói. Chỉ có gần 26% người Việt có bằng đại học hoặc bằng chuyên môn cao. Đây là con số thấp so với người Thái (43%), Bangladesh (44%), Filipino và Indonesia (48%), Nhật (50%), Trung Quốc (53%), Pakistan và Hàn Quốc (54%), cao nhất là Ấn Độ (72%).
Tệ hơn, ảo tưởng người Á đầy đủ giỏi giang khiến họ không được hưởng nhiều phúc lợi xã hội. Thậm chí một số trường đại học top đầu ở Mỹ đã bí mật loại sinh viên gốc Á khỏi danh sách những người trúng tuyển.
Hệ lụy thứ ba của kỳ thị tích cực là áp lực khủng khiếp để luôn xuất hiện với tư cách sắc dân mẫu mực, dù vẫn phải chịu đủ liều lượng phân biệt kỳ thị như mọi sắc dân thiểu số khác.
Áp lực này khiến người Á có tỷ lệ trầm cảm và ý nghĩ muốn tự tử khá cao. Văn hoá Á vốn coi trầm cảm là bệnh tâm thần, đáng xấu hổ, khiến áp lực càng trở nên nguy hiểm, khi phát hiện ra thì đã muộn. Một số trường học đã phải có tư vấn riêng nhằm vào học sinh sinh viên châu Á.
Kỳ thị người Á và dục hóa phụ nữ Á Đông
Năm 2019, ca sĩ Kacey Musgraves làm dậy sóng khi biểu diễn và diện chiếc áo dài của Việt Nam mà không mặc quần. Ngoài cuộc tranh luận về cưỡng đoạt văn hoá (cultural appropriation), chuyên gia trang điểm nổi tiếng gốc Việt Michelle Phan lên tiếng phản đối chiếc áo dài không quần là một hành động dục tính hoá phụ nữ châu Á (sexual fetishization of Asian women), gắn liền hình ảnh họ với sự phục tùng tình dục.
Cuối Twitter tin, 1
Sự dục hoá phụ nữ Á Đông bắt đầu ở phương Tây vào thế kỷ thứ 19 với hình ảnh geisha trên đồ gốm sứ, tạo ấn tượng phụ nữ Á đẹp như một thứ đồ trang trí. Trong văn hoá đại chúng, từ "China doll" - búp bê Trung Hoa - cũng hàm ý tương tự, ám chỉ người phụ nữ đẹp, im lặng, thụ động, thậm chí bị phi nhân hoá như một thứ đồ để chơi và phục vụ.
Bước vào thế kỷ 20, phụ nữ Á Đông tiếp tục gắn liền với hình ảnh những người đàn bà ngoan ngoãn, phục tùng, trẻ con, ngây ngô, và sẵn sàng phục vụ tình dục. Điều này trở nên tệ hại hơn với những cuộc chiến ở châu Á nơi nhục dục là mặt sau của đạn pháo.
Trong thế chiến hai, lính Nhật bắt giam hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc và Trung Quốc làm nô lệ tình dục. Trong chiến tranh Việt Nam, nước láng giềng Thái Lan trở thành nơi để lính Mỹ thoả mãn nhu cầu tình dục. Trong văn hoá và phim ảnh đại chúng, nhiều phụ nữ Việt xuất hiện với các khung hình nông cạn về lao động tình dục hoặc là người tình của lính Mỹ.
Bước vào xã hội hiện đại, phụ nữ Á Đông vẫn tiếp tục bị nhìn qua lăng kính như vậy. Trên những website hẹn hò, những cô gái châu Á thường bị coi là mục tiêu tình dục, với các lý do nhục dục như "chưa ngủ với gái Á bao giờ", "gái Á đẹp kiểu lạ lùng", "ngủ với gái Á rất biết phục tùng".
Một số website tìm vợ qua môi giới hay bộ phim tư liệu Seeking Asian Female (Tìm vợ người Á) cũng tiết lộ rằng đàn ông mong đợi ở cô dâu châu Á sự ngoan ngoãn vâng lời của một nô lệ tình dục. Trên các trang sex, phụ nữ châu Á đóng phim khiêu dâm cũng thường bị đặt vào các tư thế bị chiếm hữu, khuất phục, tra tấn, hoặc ép buộc.
Việc coi phụ nữ châu Á là yếu đuối, ngoan ngoãn, dễ phục tùng, không dám đối kháng và tố cáo tội ác cũng là một trong những lý do khiến họ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thời đại dịch khi 68% nạn nhân là phụ nữ, thậm chí các bà già.
Với cuộc thảm sát 6 phụ nữ gốc Á tại Mỹ, thủ phạm cũng thú nhận ra tay vì cho rằng các cơ sở thẩm mỹ là mầm mống của tội lỗi tình dục mà anh ta muốn triệt bỏ.
Văn hóa khoan dung
Chính vì các hệ luỵ lịch sử như vậy, người da màu, bất kể đến từ đâu, đều có chung một thách thức là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Người da đen đã trả giá bằng máu và sinh mạng cho những quyền bình đẳng cơ bản mà người da màu ngày nay đang tận hưởng.
Nhưng cuộc chiến ấy chưa kết thúc, quá khứ chưa khép lại. Và vì thế, văn hoá khoan dung (tolerance) trở thành yếu tố then chốt để tồn tại cùng nhau.
Ví dụ, văn hoá khoan dung khiến ta nhìn ra xa hơn sự hiềm khích mang tên Việt Nam - Trung Quốc. Mối thù ấy với ta có thể sâu đậm, nhưng với thiên hạ có khi là tiểu tiết.
Khi ta hiểu rằng người đời thường đánh đồng dân da vàng với nhau, sự thù hằn mà họ chứng kiến khi ta chửi rủa Trung Quốc không làm họ cảm thông với ta hơn. Khi dân da vàng bị vơ đũa cả nắm, không nạn nhân nào đủ thời gian để thanh minh: "Khoan đã, tôi không phải người Trung Quốc".
Văn hoá khoan dung, vì thế, giúp ta không vô tình tự vả vào mặt mình. Nó giúp ta phân biệt được người Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc.
Nó cũng giúp ta không để sự thù ghét che lấp một sự thật rằng, đôi khi, ta cũng có thể là đồng minh của kẻ thù.
* PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56564667
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét