Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

5585 - Đông Nam Á "không thể" chọn phe trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Minh Anh
Ngoại trưởng các nước ASEAN họp trực tuyến với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo, ngày 10/09/2020. Ảnh chụp màn hình VTV.
 AP

Cuộc đọ sức giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một gay gắt. Thế nhưng, trong cuộc tranh giành này, theo giới chuyên gia, Hoa Kỳ không nên ép buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe, và nhất là không nên tỏ ra mềm yếu trước các tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực này.

Trong một bài viết có tựa đề « Đông Nam Á trước thách thức của thế kẹp Trung-Mỹ », đài France Culture dẫn phân tích của cựu ngoại trưởng Singapore, ông Bilahari Kausikan, trình bày trong ba bài tiểu luận đăng trên Foreign Affairs (số cho tháng 3-4/2021) nói về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Bài viết của ông được mở đầu bằng một giai thoại thú vị. Vào thời điểm Hà Nội đang có những thay đổi về nhân sự, Bilahari Kausikan có hỏi một quan chức cao cấp Việt Nam liệu căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ có những tác động ra sao đối với mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh. Câu trả lời ông nhận được như sau : « Mọi lãnh đạo Việt Nam phải hợp tác với Trung Quốc. Nhưng tất cả các lãnh đạo Việt Nam cũng phải đấu tranh với Trung Quốc. Nếu ai đó không làm được cùng lúc cả hai việc này, thì người đó không xứng đáng là một lãnh đạo của Việt Nam ».

Theo cựu lãnh đạo ngoại giao Singapore, giai thoại này phần nào phản ảnh rõ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á : Lo ngại bị kẹp giữa hai tầm ảnh hưởng Trung Quốc và Mỹ, giữa một bên là những lợi ích kinh tế gắn liền với Trung Quốc và bên kia là chiến lược quốc phòng, cần đến Mỹ để làm đối trọng trước đà bành trướng của Bắc Kinh.

Dù thái độ hung hăng của Trung Quốc gây lo ngại nhưng khối ASEAN cũng phải tỏ ra thận trọng. Bởi vì, người ta tự hỏi, giả như Tập Cận Bình trục xuất được Mỹ ra khỏi khu vực thì sao ? Trong hoàn cảnh này, tổng thống Mỹ Joe Biden không nên đòi hỏi những nước này chỉ đi theo chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thứ nhất, cũng như bao nước khác, nếu như mối quan hệ kinh tế - thương mại là một yếu tố cực kỳ quan trọng, thì Hoa Kỳ còn phải tính đến một khía cạnh khác : tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Đúng là có một số nước trong khối ASEAN có xu hướng đi theo đường lối đối ngoại của Bắc Kinh do bị phụ thuộc nhiều về kinh tế như Lào hay Cam Bốt, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không đàm phán từng chút một với Trung Quốc.

Thứ hai, Hoa Kỳ tập trung nhiều vào tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông, nhưng lại không để tâm đến một thách thức địa chiến lược khác mang tính cốt lõi : Sông Mêkông. Con sông này chảy qua năm nước ASEAN nhưng Trung Quốc lại kiểm soát lưu lượng dòng chảy. Trong khi đó, Lào và Cam Bốt lại có những nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Ông Bilahari Kausikan lấy làm tiếc rằng rất ít các nhà nghiên cứu hiểu thật sự cơ chế vận hành của ASEAN : « Mục tiêu của khối là không phải mang đến những giải pháp cho các vấn đề cục bộ mà là xử lý các mối nghi kỵ và những khác biệt giữa các nước thành viên, bình ổn khu vực, một vùng mà các mối quan hệ láng giềng không hề đơn giản. Cũng như là giảm thiểu các cơ hội can thiệp cho các cường quốc cạnh tranh ».

Thế cân bằng lực lượng tại khu vực này mong manh đến mức đối đầu Mỹ - Trung có thể trượt đà biến thành xung đột quân sự. Chính vì muốn tránh điều này, trong mỗi kỳ thượng đỉnh, ASEAN đón tiếp nhiều cường quốc không phải là thành viên của khối như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga hay Úc. Mục đích là nhằm « tối ưu hóa không gian kẽ hở (interstitiels) và mở rộng hơn nữa thế đa cực », nhà cựu ngoại giao viết.

Cuối cùng, từ những phân tích trên, ông Bilahari Kausikan, đưa ra một số lời khuyên cho tân chủ nhân Nhà Trắng, bằng cách điểm ra những thế mạnh và sai lầm của Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã thành công trong việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, nhưng ông lại sai lầm khi tỏ ra mềm yếu trước Tập Cận Bình trong một số hoàn cảnh như vụ bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc sáp nhập và quân sự hóa. Thái độ dè chừng này của Mỹ đã làm nảy sinh ý tưởng cường quốc quân sự Mỹ đang hồi suy tàn.

Người kế nhiệm Donald Trump phạm phải điều lầm lẫn to lớn khi rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, nhưng đã kịp trấn an các đồng minh khi cho triển khai hạm đội 7 và dấn thân kêu gọi tự do lưu thông hàng hải.

Cựu lãnh đạo ngoại giao Singapore cảnh báo : « Đồng minh và kẻ thù sẽ rình rập từng dấu hiệu yếu ớt của Biden ». Bởi vì, trong lúc này, trong mắt họ, Joe Biden là người kế thừa « vị tổng thống mềm yếu », mà ông từng là phó tướng !

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210330-asean-khong-the-chon-phe-my-trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét