Quốc Bảo
Quốc hội khóa XIV đã quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, Quốc hội đang họp các phiên cuối để bầu các chức danh lãnh đạo nhà nước khóa mới. Điều gì đang diễn ra và hiểu thế nào cho đúng với tư cách là một cử tri về bầu cử của chế độ cộng sản ?
Ngày hội toàn dân ?
Đó là khẩu hiệu có tính văn hóa thời cộng sản về ngày bầu cử quốc hội. 5 năm một lần, cử tri sẽ đi lựa chọn Hội đồng nhân dân các cấp và bầu đại biểu Quốc hội. Bầu cử là hành vi quan trọng nhất trong một chế độ dân chủ vì nó quyết định việc người dân được làm chủ đất nước trong mô hình dân chủ gián tiếp. Nghĩa là họ đang chọn ra những người đại diện cho mình để thảo luận và ra quyết định liên quan đến mọi vấn đề của đời sống xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không phủ nhận điều này, họ chỉ không xem đấy là quan trọng nhất, vì sinh tồn của Đảng mới là quan trọng. Hiện tại, cả hệ thống chính trị Việt nam đã vào cuộc cho kỳ bầu cử. Không khí khẩn trương là có thật, có điều nó chỉ diễn ra trong nội bộ chính quyền các cấp, những hội nghị hiệp thương do các ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành để giới thiệu đại biểu khóa tới, bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Đến đây, chưa cử tri nào thực sự rõ "ngày hội toàn dân" sẽ thế nào. Tất cả đều biết 23/5 sẽ đi bầu, làm thế nào để lựa chọn ai và theo Dự án chính trị nào nằm ngoài hiểu biết của họ. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tích cực tuyên truyền về đại biểu các cấp tới người dân, những người mà cử tri sẽ được biết qua bản lí lịch khô khốc, cả trên phương diện chính trị lẫn trên phương diện con người. Cử tri chỉ có thể lựa chọn đúng đại biểu đại diện cho mình khi các đại biểu đưa ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể. Và lựa chọn của cử tri chỉ có ý nghĩa khi ứng viên có kế hoạch, có giải pháp khả thi để hiện thực chương trình hành động.
Người Việt không may mắn như vậy. Một ngày hội mà người được mời dự phải dự với tất cả sự băn khoăn và bàng quan. Băn khoăn khi từng lá phiếu cho vào thùng không rõ có ý nghĩa gì không và bàng quan vì đằng nào, mọi việc cũng đã có Đảng và nhà nước lo. Ngày hội ấy sẽ diễn ra như kịch bản mà Đảng muốn. Nó sẽ thành công tốt đẹp, đảm bảo 4 nguyên tắc bầu cử: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. An ninh sẽ được đảm bảo, tỉ lệ cử tri đi bầu cao, đại biểu trúng cử đạt tín nhiệm cao, không khí nô nức và tâm hồn phấn chấn. Chỉ là nó không dành cho nhân dân! Vào buổi sáng chủ nhật như thông lệ, tổ trưởng dân phố sẽ đi giục từng nhà bầu cho xong để lấy thành tích cho từng đơn vị bầu cử.
Chặt chẽ hình thức
Sáng 23/4/2021, Quốc hội khóa XIV bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo nhà nước, gồm phó thủ tướng, thành viên Chính phủ ; một số phó chủ tịch quốc hội và ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các chức danh về nguyên tắc phải đảm bảo đang là đương kim đại biểu quốc hội. Phản ứng của người nghe tin là tính phi logic, khi ai cũng hiểu Quốc hội được bầu khóa tới sẽ có trách nhiệm bầu các vị trí vừa được Quốc hội khóa cũ bầu.
Nhưng chúng ta hãy nhìn nhận sự logic trước :
- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và do cử tri bầu trực tiếp. Do đó, tính dân chủ được đảm bảo, nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân được đại diện chính đáng. Lãnh đạo quốc gia được lựa chọn do Quốc hội khóa cũ, bản chất là các vị trí được Quốc hội (ở đây là Ủy ban thường vụ Quốc hội) hiểu, đánh giá rõ nhất về năng lực, phẩm hạnh trong nhiệm kỳ công tác, những yếu tố mà Quốc hội khóa mới sẽ không đủ thời gian thẩm định. Bộ máy lãnh đạo khóa mới được Quốc hội bầu lên cũng sẽ không đủ thời gian để bắt kịp các trọng trách quốc gia. Nếu khóa cũ bàn giao, thì bàn giao cho ai khi công việc lập pháp, giám sát tư pháp và hành pháp của một quốc gia không thể bị gián đoạn, nên việc giới thiệu ứng viên, bầu chọn các vị trí lãnh đạo nhà nước cuối khoá, không những là việc cần mà còn là việc phải thực hiện của Quốc hội. Đây là công việc có tính vòng lặp.
- Tính dân chủ đại diện vẫn được đảm bảo qua hình thức tự ứng cử. Thống kê sơ bộ từ Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội trong đó có 75 người tự ứng cử, chiếm 6,5 % tổng số. Về nguyên lý, một đại biểu quốc hội có thể ứng cử thủ tướng, chủ tịch nước cho khóa tới. Nhưng chương trình hành động, phương diện con người và khuynh hướng chính trị của anh ta sẽ phải được trình bày, thông qua bởi Quốc hội để được cân nhắc bầu chọn cạnh tranh.
- Hiến pháp 2013 quy định rõ : Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. Chủ tịch nước sẽ giới thiệu Thủ tướng. Như vậy, sau ngày bầu cử toàn dân, kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu quốc hội sẽ được công bố. Có thể có những lựa chọn mới cho các chức vụ lãnh đạo hoặc đại biểu khóa cũ không trúng cử. Trên thực tế, việc này sẽ ít khi xảy ra. Chính thực tế công việc của một quốc gia đòi hỏi sự công phu trong chuẩn bị chương trình ứng cử và hành động, nên việc bỗng dưng cử tri thay đổi hẳn ý định của mình trong các mô thức phát triển xã hội, và liên kết nhau đủ lớn để cùng nhau thay đổi kết quả bầu chọn sẽ chỉ diễn ra trên lí thuyết.
- Và cuối cùng, đừng quên việc Quốc hội, cũng chính là nhân dân bầu ra. Họ là những đại diện có tính tiếp nối cho xã hội theo các thời kỳ để lập pháp, và cả hành pháp. Nước Việt Nam vẫn đảm bảo được quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập tương đối.
Điểm mù sau cuối
Thế nhưng bất chấp tính logic và chặt chẽ trong bầu chọn ở trên, "điểm mù" cốt lõi nằm ở nội dung của hình thức tổ chức nhà nước như vậy sẽ không bao giờ có được dân chủ. Chúng ta sẽ phân tích tiếp sự phi logic trong logic tổ chức :
- Quốc hội chắc chắn không chỉ để "trang sức". Chúng ta đã chứng kiến các đại biểu quốc hội thẳng thắn chất vấn những vấn đề sai, bất cập trong hành pháp của chính phủ. Và có nhiều khả năng, ảnh hưởng của Quốc hội sẽ được gia tăng thêm so với Đảng và Chính phủ. Nhưng Quốc hội có giới hạn riêng. Nguyên tắc thì đại biểu quốc hội không bắt buộc phải là đảng viên (Đảng cộng sản), nhưng số đại biểu quốc hội khóa XIV ngoài đảng chiếm không quá 5% tổng số. Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử và cũng là đảng viên. Đảng cộng sản Việt Nam trên thực tiễn đã điều hành các ủy ban Mặt trận Tổ quốc như một chủ thể duy nhất giới thiệu và lập danh sách ứng viên đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì thế, đại biểu quốc hội ngoài Đảng thì cả chất và lượng cũng không bao giờ là đối trọng với trong Đảng.
- Quốc hội thực tế sẽ không thể bãi miễn các chức danh do chính mình bầu ra nếu Đảng không cho phép. Sự ngang trái nằm ở bản Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã xác quyết vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Dù không khẳng định vị thế tuyệt đối trong Điều 4, nhưng từ lời nói đầu, cùng một số điều khác của Hiến pháp và trong luật bầu cử, vị trí độc tôn của Đảng là không thể thay thế. Hội đồng bầu cử độc lập, điều tiên quyết trong bầu cử dân chủ sẽ là điều viễn tưởng vì Đảng sẽ chi phối mọi lựa chọn.
- Nếu coi chính quyền là của dân, thì mỗi chức vụ trong chính quyền đều là được ủy quyền từ dân để quay lại phục vụ dân. Mỗi chức vụ gắn với một trách nhiệm, và tương ứng với nó là một quyền lực, có giới hạn và thời hạn để thực hiện trách nhiệm và đánh giá kết quả. Nhưng khuynh hướng tự nhiên của quyền lực là tha hóa nếu không có đối trọng và kiểm soát. Khi tha hóa thì nó không còn phục vụ nhân dân nữa, mà phục vụ người cầm quyền, thông qua quyền để trục lợi.
Trên thực tế, tham nhũng và lạm quyền luôn song hành bởi nguyên lý quan trọng nhất của một nền dân chủ là hành vi bầu cử và sự hiện diện của đối lập chính trị đều không tồn tại ở Việt Nam. Không có chỗ cho các chính đảng đối lập, sự tha hóa của Đảng cộng sản Việt Nam là tất yếu. Sự tha hóa về thể chế sẽ dẫn đến sự tha hóa về mặt đạo đức xã hội và thịnh vượng dân tộc là giấc mơ.
Việc một cá nhân tự ứng cử đại biểu quốc hội, chủ tịch nước hay thủ tướng chỉ tồn tại trên nguyên lý tổ chức của Việt Nam hiện tại. Những điều này vốn chưa bao giờ xảy ra trên phương diện cá nhân, nhất là với cá nhân không thuộc về tổ chức chính trị nào. Nhìn sâu bản chất, điều tối quan trọng là cá nhân cần có tổ chức hậu thuẫn, để ý chí của anh ta đại diện cho ý chí tổ chức. Tổ chức càng mạnh, thì vị thế cá nhân càng cao.
Sự phân định độc lập về lập pháp, tư pháp và hành pháp chỉ có ý nghĩa tương đối ngay cả trong các nước dân chủ, nơi ý nguyện của dân chúng được tổng quát, quy tụ lại thành một khuynh hướng đại diện chung. Trong chính trị học hiện đại, đó là các đảng phái đối lập. Các đại diện của các đảng là những đại diện chính danh cho ý nguyện của từng người dân trong khuynh hướng đó. Cuộc bầu chọn các đại diện của mình đồng nghĩa với sự uỷ quyền thay mặt mình trong các chọn lựa chính trị, nhân sự trong nhiệm kì. Và quyền lực khi đã được trao sẽ tạm thời độc lập với người trao quyền. Đó là lời giải trọng yếu nhất để đến được dân chủ, tự do và thịnh vượng cho cả các thể chế dân chủ, mà độc tài như Đảng cộng sản Việt Nam tất nhiên không phải là ngoại lệ.
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/20986-b-u-c-t-i-vi-t-nam-ch-t-ch-va-dan-ch-gi-hi-u
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét