Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

5552 - Chuyện bắt bớ, đàn áp ở VN: Vì sao người này bị bắt, người kia thì không?

Jackhammer Nguyễn


Người này bị bắt, người kia thì không

Trả lời câu hỏi, tại sao một người bị bắt ở một xứ không có luật pháp như Việt Nam là một câu hỏi khó trả lời. Một người bị bắt có thể vì viên chức địa phương tại nơi người đó cư trú bị khó ở, hay là vì nằm trong “chương trình hành động chào mừng đại hội đảng”, chẳng hạn.

Nhưng có một điều chắc chắn là, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt người nào mà họ đánh giá là mối nguy cho sự cầm quyền của họ. Các yếu tố sau đây làm cho người cộng sản thấy rằng, việc cầm quyền của họ đang bị đe dọa: Những người lên tiếng phê phán nhà cầm quyền CSVN có đầu óc tổ chức, có liên kết với các hội nhóm, tổ chức trong và ngoài nước, hoặc phát ngôn của họ ảnh hưởng đến số đông…

Điểm lại những người đã bị bắt, hay trục xuất ra nước ngoài lâu nay, ta thường thấy họ nằm trong các trường hợp này. Bà Cấn Thị Thêu có khả năng ảnh hưởng đến nông dân, là dân oan mất đất, mất nhà; bà Nguyễn Thị Nga từng liên quan đến những tổ chức công nhân; cô Phạm Đoan Trang; ông Phạm Chí Dũng có khả năng ảnh hưởng tới nhóm dân chúng có học thức…

Một biện pháp cũng thường được nhà cầm quyền sử dụng là cô lập một người có ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, thay vì bắt giam, nhất là khi người đó có uy tín rộng rãi trong và ngoài nước, dễ gây áp lực từ các tổ chức quốc tế.

Căn cứ vào những thông tin trên mạng xã hội, có thể thấy, nhiều người ồn ào hơn những người khác, nhưng họ lại không bị bắt. Những người ồn ào, nhưng không tham gia hội nhóm, không có tổ chức nào đứng sau lưng, tuyên bố phát ngôn của họ không lan rộng hay ảnh hưởng trong dân chúng,… thì an ninh cứ để họ đó, không cần đụng tới. Hoặc những tổ chức chỉ có tiếng, mà không có thực lực, thì nhà cầm quyền vẫn “để đó”, chưa làm gì họ.

Việc “để đó” còn có một điều lợi khác cho những người cầm quyền là, sẽ tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau giữa những người trong phong trào tranh đấu. Tiểu xảo này cũng thường được sử dụng trong các trại tù cải tạo sau năm 1975. Chỉ cần một hành động nhỏ, như cho người tù này thêm một miếng bánh, hay gọi họ lên nói chuyện nhiều lần,… cũng đủ để tạo sự nghi kỵ giữa những người tù chính trị với nhau.

Việc “để đó” cũng có nghĩa là bắt bớ lúc nào cũng được, khi nhà cầm quyền thấy đến lúc cần bắt.

Các vụ đàn áp, bắt bớ đông đảo nhất, có lẽ đến từ những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay, chống luật đặc khu hồi mùa hè năm 2018, với hàng trăm người (có thông tin nói là hàng ngàn người) bị bắt. Nhưng việc bắt bớ này được nhà cầm quyền cộng sản thực hiện tinh vi hơn các chính thể độc tài phi cộng sản, đó là họ không bắt ngay lập tức một số đông, mà kéo dài thời gian bắt bớ và bắt kín đáo. Điều này không gây phản ứng mạnh trong xã hội.

Các tổ chức bị đàn áp khác nhau

Các tổ chức cũng thay đổi theo thời gian. Có những tổ chức khi mới thành lập bị những người cộng sản chú ý, theo dõi, nhưng theo thời gian thì họ thấy, các tổ chức này không có ảnh hưởng nhiều, nên tạm được để yên.

Có hàng chục tổ chức khác nhau như vậy, chỉ thật sự tồn tại trên mạng xã hội, mà mạng xã hội co cụm họ lại với nhau, cộng với sự tuân thủ nhà cầm quyền của các công ty mạng xã hội trong việc kiểm duyệt nội dung, làm cho sức lan tỏa của những tổ chức này, dù chỉ mới là ý tưởng, cũng không được bao nhiêu.

Cần lưu ý rằng, các phe phái trong đảng CSVN khi tranh giành quyền lực, có khuynh hướng triệt tiêu lẫn nhau, không chỉ trong phạm vi đấu đá nội bộ, mà họ còn tìm cách để lộ ra ngoài, phô bày trước công chúng, để tạo ảnh hưởng. Mọi người từng chứng kiến những nhóm như Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực… xuất hiện trước các kỳ Đại hội Đảng, mang hình thức đấu tranh chống tham nhũng, độc tài, nhưng quan sát kỹ, có thể thấy các phe phái đánh nhau rất rõ. Rõ nhất là, các nhóm này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, khi các ghế đã phân chia xong, thì các nhóm này cũng biến mất.

Trường hợp giáo hội Công giáo lại là một ngoại lệ trong việc đàn áp các tổ chức ở Việt Nam. Giáo hội Công giáo có sự độc lập riêng của mình nhờ cơ cấu tổ chức chặt chẽ nên không bị người cộng sản thao túng nhiều như Phật giáo. Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong những cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền Trung, nơi giáo hội này vốn rất mạnh từ xưa đến nay.

Kinh nghiệm cho những người cộng sản biết rằng, họ đã từng thất bại khi đàn áp vùng Bùi Chu – Phát Diệm, hay để xảy ra vụ nổi dậy ở Quỳnh Lưu, sau cải cách ruộng đất. Cách đối phó với giáo hội hiện nay của đảng Cộng sản là họ làm việc với các linh mục và Vatican. Nhưng giáo hội Công giáo không ảnh hưởng nhiều đến đại đa số dân chúng Việt Nam.

Nhận xét chủ quan của tôi, sau một thời gian dài, đàn áp, triệt tiêu các tổ chức đối lập, hiện nay trong nước không còn tổ chức nào thật sự có hoạt động một cách quy cũ để đối đầu với đảng CSVN. Với những yếu tố khách quan khác nhau trong vài năm qua, như dịch bệnh, biến động trong chính trường Mỹ,… đảng CSVN đã thành công trong việc đàn áp các tổ chức và các cá nhân chống đối. Ông David Brown, một nhà quan sát Việt Nam, là cựu viên chức ngoại giao Mỹ, có nhận xét rằng, sự phục hồi của phong trào đối kháng ở Việt Nam rất khó đoán.

Nhưng tôi nghĩ, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ thay đổi nhanh trong thời gian tới, với chuyển dịch cơ cấu địa chính trị và kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của tầng lớp công nhân và cư dân thành thị, sẽ có những yếu tố bất ngờ mới xuất hiện trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

https://baotiengdan.com/2021/03/29/chuyen-bat-bo-dan-ap-o-vn-vi-sao-nguoi-nay-bi-bat-nguoi-kia-thi-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét