Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

5548 - Cáo áo tơi

ĐẶNG PHÚ PHONG


Tôi không viết chiếc áo tơi mà là cái áo tơi là nó có lý của nó.

Nguyên ở quê tôi, một làng nhỏ của Bình Định, cách xa Qui Nhơn hơn 40 cây số. Điện đóm không có mãi cho đến thập niên 60. Ánh sáng văn minh hút bóng, heo hắt, èo uột trên quê tôi. Cả làng không có được một chiếc xe “ bịch- bịch”  như cái thị trấn kề bên. Dăm ba nhà có được một cái Radio là hách lắm rồi. Giao tiếp với văn minh ánh điện rất hạn hẹp nên ngôn ngữ cũng rất nghèo nàn. Chữ “cái” giới từ chỉ giống (gender) được sử dụng trong hầu hết mọi trường họp. Thiếu hẳn bóng dáng chữ “chiếc”. Ngoại trừ một vài trường hợp có vẻ đã thành thông lệ như: chiếc chiếu… Tôi viết cái áo tơi theo cái ý như vậy.

Thời đó cái áo mưa là tiếng để chỉ chiếc áo đi mưa làm bằng nylon, dài quá gối, cổ bẻ, có kèm dây thắt lưng và có cả chiếc mũ trùm đầu, trông rất văn minh, rất nhà giàu. Nhưng vì nghèo và nhất là nó không được ấm và rất dễ rách nên cả làng chỉ có một số rất ít sử dụng nó để đi chợ và mấy đứa học trò con nhà giàu.

Còn lại dân trong làng đều dùng áo tơi lá. Áo tơi lá được chằm (may) bằng lá cọ.

Người ta lên rừng cắt lá cọ đem về lựa những tốt, lành lặn để sử dụng. Áo tơi rất dễ làm nên bất kỳ ai cũng có thể làm được sau một lần quan sát người khác làm. Họ đóng một cái khung chữ nhật, thường bề ngang 2 m bề cao 1,5 mét. Trên chiều đứng người ta cột dây mây đã được chuốt, trau kỹ lưỡng và ngâm nước đôi ba ngày cho dai, dẻo. Mỗi đường dây cách nhau khoảng từ năm phân ở phần trên cùng, càng xuống phiá dưới càng cách thưa dần đến khoảng trên  một tấc. Lá nón trước khi chằm được phơi nắng và hứng sương cho lá mềm, dịu và chắc, xong họ gấp đôi lá theo chiều gốc, ngọn, xỏ vào đường dây mây sẵn trên khung. Ở phần trên sẽ là phần cổ áo nên nó được xếp nhặt lại và bện mây thật kỹ. Trên cùng dùng dây mây chuốt nhỏ và mảnh. Phần lá trên cùng được xỏ xuyên suốt một sợi dây để cột lại khi bận ( mặc). Thường áo tơi lá chỉ dài đến gối để người nông dân dễ hoạt động.

Áo tơi lá được cái tiện là rất ấm, trời mùa đông, miền Trung mưa dai dẳng suốt ngày đêm, mưa đến thúi đất và lạnh căm căm; làm lụng ngoài đồng ruộng, đi vào rừng đốn cây làm rẫy vào mùa mưa là tiện nhất, nó có thêm một chức năng làm áo ấm nữa. Người chăn vịt, kẻ chăn bò khi gặp mưa như đổ, cứ việc để dựng đứng cái áo tơi, lấy nón lá ụp lên, ngồi thụp trong lòng áo tơi, thế là có được một không gian trú ẩn khá ấm áp.

Áo tơi lá có sức bền đến bốn năm năm là chuyện thường không như chiếc áo mưa nylon chỉ vài năm là te-tét. Và, dĩ nhiên theo tiện nghi của văn minh chúng ta không thể mặc áo tơi lá để cỡi xe gắn máy, để làm việc trong thời đại văn minh này. Thời của áo tơi lá đã đi vào dĩ vãng. Mãi mãi. Tôi viết ra với tinh thần hoài cảm lồng một chút bâng quơ buồn. Nhưng, xin mời các bạn hãy bỏ một vài giây tưởng tượng: thế giới này, sau một cuộc đại chiến, tất cả nền văn minh sụp đổ, liệu cái áo tơi lá có là vật che mưa cho con người nữa không nhĩ? (Đ.P.P)



https://saigonnhonews.com/cai-ao-toi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét