NGUYỄN TIẾN CƯỜNG
Kỳ thị là bản chất, căn tính của loài người. Bản chất của kỳ thị bắt nguồn từ sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực, màu da, tiếng nói, tập quán, lối sống, tôn giáo, giới tính… Tính kỳ thị tiềm tàng trong từng cá nhân, không ai không có. Tuy nhiên sự kỳ thị sẽ giảm bớt, mất hẳn hay phát triển tùy theo sự giáo dục trong gia đình, học đường, xã hội, trong thể chế chính trị, môi trường sống, sinh hoạt…
Chỉ có những người ngây thơ, nhẹ dạ hoặc cả đời chỉ sống quanh quẩn và quây quần trong khu đông đúc người Việt như Little Saigon, San José ở California, Bellair ở Texas hoặc các cộng đồng người Việt bên Úc… suốt đời không bước chân ra khỏi cộng đồng, không đọc báo, theo dõi tin tức, không giao tiếp, làm việc chung với các sắc dân khác… mới ngớ ngẩn cho rằng ở Mỹ không có kỳ thị.
Mỹ là quốc gia hình thành bởi sự tập hợp nhiều chủng tộc, màu da nhất trên thế giới – đen, trắng, vàng, đỏ, nâu… Tất cả tập họp, sinh hoạt với nhau nên sự kỳ thị ít nhiều luôn tiềm ẩn trong các sắc dân, chủng tộc, đặc biệt giữa người da trắng với dân da màu.
Nhờ vào Hiến pháp, sự giáo dục trong trường học, hoạt động của các tổ chức dân sự, hệ thống tòa án tương đối công minh, chính trực, cộng với thể diện quốc gia…, kỳ thị trắng, đen, khác chủng tộc, màu da, tiếng nói ở Mỹ đã giảm đáng kể trong mấy thập niên qua, nhất là nhờ phong trào tranh đấu đòi quyền bình đẳng của người da đen dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Martin Luther King vào thập niên 1960. Tuy nhiên trong bốn năm qua, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, vấn đề kỳ thị chủng tộc, màu da đã bộc phát mạnh mẽ trở lại. Với những phát biểu đầy ẩn ý, có mục đích gây chia rẽ, kích động hận thù, đề cao chủng tộc da trắng…, ông Trump đã khéo léo khơi lại sự kỳ thị âm ỉ bấy lâu nay tưởng như không còn tồn tại giữa người da trắng với các sắc dân da màu, dĩ nhiên không ngoại trừ người Việt Nam.
Điều vừa khôi hài vừa chua chát là cộng đồng người Việt ở Mỹ – cộng đồng non trẻ nhất trong các cộng đồng châu Á – lại là cộng đồng kỳ thị các sắc dân da màu khác, nhất là đối với người da đen và người Mễ, với mức độ nhiều nhất và mạnh mẽ nhất. Nhiều người không chỉ biểu lộ sự khinh bỉ, chê bai bằng lời nói, cử chỉ mà còn trên các bài báo, phương tiện truyền thông như Hoàng Đức Chân Như, Tâm An, Bé Tí, Ngụy Vũ, Trần Nhật Phong, Trần Mai-Cô (Michael Tran)…, gọi cựu Tổng thống Barack Obama là “mọi đen”, bà Michelle Obama là “con khỉ mặc váy”…
Trong năm 2020, theo FBI, từ khi có đại dịch, với việc ông Trump gọi virus Sars-CoV2 là “Chinese virus” hay “kung-flu virus”, nạn kỳ thị người Á Châu tăng lên hơn 150% (1). Nhiều người già gốc Á Châu, bất kể là Việt Nam, Tàu, Đại Hàn, Phi, Thái, Ấn, Miến… bị nhục mạ, chửi bới, hành hung, xua đuổi… trên khắp nước Mỹ (2). Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam ngay cả ở Mỹ, Úc… vẫn hả hê, thích thú khi gọi virus Sars-CoV2 là “Cúm Tàu”, “Chinese Virus”. Họ “không biết” hoặc giả vờ “không biết” rằng một số tiệm nail, nhà hàng của người Việt đã bị đập phá, xịt sơn lên bàn, ghế, cửa kính… vì đã mạnh dạn lên tiếng yêu cầu khách hàng phải tuân theo quy định mang khẩu trang, như tiệm Noodle Tree ở Texas (3). Tại nhiều tiểu bang, người dân nhận được những tờ rơi kêu gọi tẩy chay, làm ăn, buôn bán với người gốc Á Châu.
Thật là quái đản! Dường như họ không thấy rằng gọi như vậy là tự chuốc lấy nguy hiểm vào chính bản thân họ. Những nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc khi tấn công người da màu, chắc chắn sẽ không phân biệt nguồn gốc người Á Châu từ đâu tới. Da vàng, nhuôm nhuôm, mũi tẹt, mắt hí, tóc đen… không phân biệt xuất xứ, đi lang thang, lẻ tẻ một mình nơi vắng vẻ, ít người qua lại đều là những mục tiêu cho KKK, Oat Keepers, Three Per Cents… trút bỏ căm tức, hận thù. Khi tấn công người Á Châu, họ cũng sẽ không bao giờ hỏi trước: “Mày từ đâu tới?”. Hoặc nói: “Nếu Việt Nam ủng hộ Trump thì tao tha!”.
Một vài hành động dại dột như phóng viên Vũ Nhân của Đài truyền hình SBTN hãnh diện đứng chụp hình chung với nhóm Proud Boys, mặt mày hớn hở, tươi cười cho thấy sự vô ý thức nếu không muốn nói là ngu xuẩn của một số ký giả, phóng viên, nhà báo Việt ở Mỹ. Hành động đó cũng tương tự như việc mặc quân phục rằn ri, quấn lá cờ vàng lên người, tấn công vào Điện Capitol, hay dàn cảnh treo cổ ông Joe Biden, bà Hillary Clinton…
Phải chăng những người Việt Nam tham gia cuộc bạo loạn, phất cao lá cờ vàng, nghĩ rằng những hành động a dua theo đám da trắng cực đoan, kích động bạo lực để xóa bỏ kết quả bầu cử, xé bỏ Hiến pháp sẽ được những kẻ thượng tôn chủng tộc da trắng đối xử bình đẳng? Tại một số thành phố trên nước Mỹ, nơi có đông người Mỹ gốc Á sinh sống, nhiều nhóm dân sự được thành lập để tuần hành bảo vệ người Mỹ gốc Á, những nhóm này có rất nhiều người da đen tham gia (4). Có bao nhiêu người Việt Nam tham gia các nhóm tự vệ này để bảo vệ gia đình, thân nhân và cộng đồng? Mới đây, một vụ thảm sát đã xảy ra vào tối thứ Ba 16-3-2021 ở Atlanta (5) tại ba tiệm spa Young Asian Massage, Gold Spa, Aromatherapy Spa, gây tử thương cho tám nạn nhân gốc Á. Nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, người Mỹ da trắng, đã bị cảnh sát bắt giữ, tạm giam tại Crisp County.
Theo AAPI (Asian American and Pacific Islander), từ khi đại dịch bắt đầu ở nước Mỹ ngày 19-3-2020 đến ngày 28-2-2021, có tất cả 3.795 vụ tấn công người Mỹ gốc Á vì thù ghét, cho rằng họ là nguyên nhân gây ra đại dịch. Đến bao giờ người Việt mới biết cư xử, hành động có văn hóa, có giáo dục, bỏ được đầu óc kỳ thị các dân tộc khác và tránh bị đối xử kỳ thị?
https://saigonnhonews.com/nguoi-viet-ky-thi-va-bi-ky-thi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét