- Ngọc Anh Rolland
- Gửi tới BBC từ Lyon, Pháp
Ngay từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo, các bạn nhỏ từ 3 đến 5 tuổi ở Pháp đã được khuyến khích khám phá thế giới qua ngôn ngữ. Ở độ tuổi nhạy cảm với sự khác biệt trong phát âm và có khả năng tái tạo dễ dàng âm thanh mới, các bạn được giáo viên khuyến khích nghe và nói các ngôn ngữ khác nhau thông qua các bài hát, trò chơi, như tôi thấy qua việc giúp ba cháu đi học.
Kế thừa lịch sử, nước Pháp ngày nay là một quốc gia đa văn hóa, trong một lớp học có thể có tới hơn phân nửa học sinh là con của các cặp vợ chồng trong đó có một hay cả hai người có nguồn gốc nước ngoài thế hệ một, hai, hoặc ba.
Chính vì vậy, các phụ huynh như một nguồn lực tự nhiên đôi khi cũng được huy động tham gia giúp giáo viên chuẩn bị các giờ ngoại ngữ. Có khi là ghi âm lại lời chào, lời cảm ơn, các từ đơn giản mô tả gia đình, vật dụng, thú nuôi, con số,…
Nếu bạn có dịp được chứng kiến một buổi mừng sinh nhật trong một lớp mẫu giáo lớn, bạn sẽ được nghe bài hát bằng nhiều thứ tiếng khác ngoài tiếng Pháp, như tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Thổ, và đôi khi cả tiếng Việt nữa.
Vượt ra ngoài giới hạn khám phá ngôn ngữ, các bạn nhỏ học được rằng có nhiều ngôn ngữ khác nhau tồn tại, chúng ta có thể nói ngôn ngữ khác nhau nhưng nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể học để hiểu lẫn nhau - bài học về phẩm chất nhân bản đầu tiên: chấp nhận sự khác biệt.
Lên lớp một, học sinh bắt buộc phải học một ngoại ngữ, mỗi tuần hai tiết. Ngoại ngữ này do académie của vùng quy định và giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Mục tiêu là làm sao để cuối cấp I học sinh không còn rụt rè khi dùng ngoại ngữ và có thể thực hiện được những hội thoại đơn giản, đạt trình độ A1.
Cuối năm lớp năm, mỗi học sinh sẽ nhận được một bộ hồ sơ giới thiệu về trường cấp hai đúng tuyến của mình, trong đó hướng dẫn cách lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất (bắt buộc), ngoại ngữ thứ hai (là ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 6 nếu theo học lớp bilingue - là lớp học hai ngoại ngữ ngay từ lớp 6, nếu không thì là ngoại ngữ bắt buộc bắt đầu từ lớp 8).
Trường học Pháp dạy nhiều ngoại ngữ
Danh sách ngoại ngữ được dạy ở trường cấp hai ở Pháp bao gồm tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Do Thái, tiếng Nhật, tiếng Hà Lan, tiếng Ba Lan, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga. Điều này không có nghĩa là mỗi trường đều dạy tất các ngoại ngữ này.
Thông thường mỗi trường cấp hai, theo phân bổ của academie mà nó trực thuộc, sẽ dạy 3, 4 ngoại ngữ khác nhau. Ví dụ academie Lyon có 316 trường cấp hai dạy tiếng Anh, cả 316 trường dạy như ngoại ngữ thứ nhất, 74 trường dạy như ngoại ngữ thứ hai, 14 trường dạy cho các lớp bilingue (song ngữ). Cũng tương tự như vậy tiếng Đức được dạy ở 307 trường, 155 trường dạy như ngoại ngữ thứ nhất, 306 trường dạy như ngoại ngữ thứ hai và 9 trường dạy cho lớp bilingue, tiếng Ý 220/22/217/2.
Tất cả các thông tin về việc phân bổ ngoại ngữ tại các trường trên cả nước được đăng tải rõ ràng, minh bạch trên trang của Bộ Giáo dục, tạo điều kiện cho các phụ huynh tìm trường cho con khi có nhu cầu chuyển trường vì lý do trường đúng tuyến không dạy ngoại ngữ mà học sinh mong muốn.
Để giúp học sinh lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất hay thứ hai, các phụ huynh và giáo viên dựa vào động lực (có thể là mối quan tâm của học sinh về một quốc gia, văn hóa, nguồn gốc lịch sử gia đình,…), vào tính cách (một học sinh kỷ luật, biết tổ chức có thể chọn một ngôn ngữ hiếm mà ở nhà không ai biết), vào vị trí địa lý (nếu học sinh ở vùng biên để thuận lợi cho việc giao tiếp, thực hành),….
Thông thường học sinh sẽ lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất là ngoại ngữ đã được học ở trường cấp một, tuy nhiên nếu muốn chọn ngoại ngữ khác thì có thể xin học trái tuyến.
Tại Pháp, 95,4°/° học sinh chọn tiếng Anh, 3,4°/° chọn tiếng Đức làm ngoại ngữ thứ nhất. 11,5°/° học sinh lớp 6 đăng ký học lớp bilingue (học song ngữ ngay từ lớp 6), 72,2°/° chọn Tây Ban Nha làm ngoại ngữ thứ hai.
Với xu hướng toàn cầu hóa, ngoại ngữ trở thành một môn học quan trọng, một kỹ năng không thể thiếu trong hành trang giáo dục của học sinh Pháp, bởi vậy ngoại ngữ là môn thi bắt buộc cho tất cả các ban trong kỳ thi tú tài tại Pháp và Khung Tham chiếu Ngôn ngữ Chung Châu Âu là thước đo được sử dụng trong việc đánh giá kết quả các kỳ thi.
Kỹ năng giao tiếp nói được đặc biệt chú trọng trong các giờ học ngoại ngữ. Học sinh theo hướng chuyên ngành khác nhau được chia thành các nhóm và các nhóm này có chương trình ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu chuyên ngành của mình.
Nhiều trường cấp ba có chương trình kết nghĩa với các trường nước ngoài, các chương trình trao đổi học sinh phục vụ cho việc học ngoại ngữ cũng được thực hiện trong các kỳ nghỉ.
Cảm nhận khi nhìn về Việt Nam
Thoạt nhìn danh sách dài các ngoại ngữ được dạy ở Việt Nam chúng ta có thể mừng, vì sự cởi mở, đa dạng và có lẽ là cũng có phần thực tiễn của Bộ Giáo dục khi đã xem xét tới nhu cầu xã hội, văn hóa, và thị trường việc làm thực tiễn tại Việt Nam, nhất là khi dưa tiếng Đức và tiếng Hàn vào danh sách các ngoại ngữ có thể chọn làm ngoại ngữ thứ nhất - ngoại ngữ bắt buộc của học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, tôi thấy những mong muốn đa dạng hóa, hòa nhập, cởi mở này của Bộ Giáo dục chỉ có thể có được thực chất và giá trị khi nó cũng đáp ứng được nguyện vọng của học sinh - khi học sinh thực sự được lựa chọn.
Thiết nghĩ tất cả sẽ là một cực hình, sự phí phạm thời gian, công sức của cả giáo viên và học sinh đồng thời cũng là một lãng phí rất lớn cho ngân sách của nhà nước, cho tiền thuế của người dân khi những cuộc thử nghiệm như cuộc thử nghiệm đưa hai ngoại ngữ bắt buộc mới thế này vào trường học của Bộ Giáo dục Việt Nam khi không được đầu tư, nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng trước khi được đưa vào thực hiện.
*Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Ngọc Anh Rolland, hiện sống và làm việc tại Lyon, Pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-56446955
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét