Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

5434 -Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cuối cùng thì kết quả tứ trụ Việt Nam không có gì khác so với những thông tin đưa ra trước hội nghị trung ương 14, hội nghị cuối cùng của đại hội 12. Trừ ông Vương Đình Huệ từ bí thư Hà Nội lên làm CTQH có tiền lệ trước đó , 3 trường hợp còn lại đều không có tiền lệ. 

Ông Trọng tiếp tục làm tổng bí thư ba khoá liên tiếp, ông Phúc từ thủ tướng lên làm  CTN, còn ông Chính từ trưởng ban tổ chức trung ương làm thủ tướng. 

Hai ông Trọng và Phúc đều quá tuổi.

Khoá 12 có đến 3 uỷ viên bộ chính trị bị kỷ luật, cả ba đều trong độ tuổi tái cử  như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình. 2 uỷ viên bộ chính trị bị bệnh nặng là ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang.

Tứ trụ khoá 13 không phải đại diện cho  những gì tốt đẹp của đảng cộng sản Việt Nam, bốn con người đó đại diện cho 4 thế lực trong đảng thì chính xác hơn. Sau một cuộc tàn sát nội bộ,  bốn thế lực còn lại sắp xếp nhau chia chác những mảng quyền lực trong thể chế chính trị. Bởi thế nó không như tiền lệ , không như quy định nào cả. Đương nhiên việc sắp xếp theo thế lực như vậy, tình hình chính trị Việt Nam trong những năm tới chắc chắn còn những màn đấu đá sôi động vì nó tiềm ẩn mâu thuẫn. Mâu thuẫn lớn nhất ở đây là ông Phúc không hài lòng với việc ông đang làm thủ tướng có một nhiệm kỳ mà bị đá lên làm chủ tịch nước. Một cuộc thay máu hoàn toàn của bộ máy chính phủ, từ thủ tướng đến phó thủ tướng không còn ai ở lại. Duy có trường hợp Vũ Đức Đam không trúng cử bộ chính trị, lại đã làm hai khoá phó thủ tướng,  ông Đam là chân chạy việc vặt nên dù ai là thủ tướng cũng không ảnh hưởng gì.

Đảng CSVN hay nói đến tính kế truyền, họ nhấn mạnh sự kế tiếp là một trong những yếu tố quan trọng để giữ sự ổn định chế độ, nhưng lần này bộ máy chính phủ bị thay thế hoàn toàn mà không có một sự kế thừa nào đáng kể, ngoại trừ ông Phạm Bình Minh là người trung dung có thể được giữ lại làm phó thủ tướng.

Việc ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng và nếu thêm khả năng ông Phạm Bình Minh giữ lại làm phó thủ tướng, sẽ cho thấy rằng về đối ngoại trong những năm tới Việt Nam không có gì đổi khác. Nhưng định hướng kinh tế, quản lý xã hội, cung cách làm việc của chính phủ với doanh nghiệp và địa phương trong nước, cùng với cách đối đãi với doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thay đổi.

Ông Trọng từng nói về nhân sự, đừng thấy đỏ tưởng chính, làm nhân sự phải nhìn ra người chưa làm bao giờ nhưng giới thiệu họ làm được việc đấy mới là tài. Có nghĩa ông bác bỏ những gì mà chính  phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liệt kê là thành tích nổi bật đã làm, ông cũng ngầm nói ông Chính sẽ làm tốt vai trò thủ tướng dù ở đâu chui ra.

Một người không nằm trong bộ máy chính phủ, bỗng nhiên nhảy tót ngồi ghế thủ tướng. Do thế lực thôi là chưa đủ, hẳn ông Chính đã phải có trong tay những gì thuận lợi để đảm bảo ông ta làm thủ tướng sẽ có những thay đổi tốt hơn so với chính phủ khoá trước.

Việc giám đốc học viện HCM Nguyễn Xuân Thắng, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội Lương Cường được bổ sung vào bộ chính trị, thêm thượng tướng quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng ban tuyên giáo trung ương cho thấy đảng CSVN củng cố nền tảng tư tưởng  bảo thủ CNXH vững chắc hơn. 

Ngoại giao không thay đổi, đường lối tư tưởng gia cố trung thành với CNXH hơn. Vậy thì cái gì là điểm dựa mới để tân thủ tướng Phạm Minh Chính thuyết phục được đám đông trong đảng tin tưởng rằng ông ta đảm nhận tốt vai trò mới của mình ?

Mọi con đường đều chỉ đến Bắc Kinh. Sự thuận lợi của ông Chính là những cam kết, hứa hẹn mà Trung Quốc sẽ đối xử với Việt Nam trong bang giao về kinh tế.

Một sự thật là quan hệ làm ăn với Trung Quốc có chỗ phát triển tốt, có chỗ để lại hậu quả nặng nề như sự phát triển ở Quảng Ninh và những dự án bê bối như gang thép Thái Nguyên, đường sắt Hà Nội Hà Đông. Chúng ta có thể thấy trái khoáy là tại sao Việt Nam lên án những dự án có yếu tố Trung Quốc này công khai như vậy, Việt Nam đang phản đối Trung Quốc chăng?

Không hề lên án Trung Quốc, Việt Nam đang lên án những người lãnh đạo không biết làm ăn với Trung Quốc là chính xác hơn.

Không thay đổi về ngoại giao, bảo thủ hơn về tư tưởng, không làm ăn với Trung Quốc thì làm ăn với ai ?

Rất nhiều công ty nước ngoài có trụ sở ở Phương Tây làm ăn với Việt Nam, nhưng ít ai biết trong số những công ty đó có bao nhiêu công ty mà người Trung Quốc nắm bao nhiêu cổ phần.

Chiều hướng phát triển kinh tế hợp tác với Trung Quốc, chọn lọc những gì có lợi khi làm ăn với Trung Quốc chắc hẳn sẽ khiến Hoa Kỳ không bằng lòng, sẽ có những can thiệp, tác động của Hoa Kỳ nhằm ngăn ĐCSVN gắn liền với TQ. Có lẽ lo sợ điều này , nên đảng CSVN đã bố trí thêm tướng lĩnh quân đội và công an vào bộ chính trị, ban bí thư giữ những chức vụ trọng yếu về tư tưởng.

Nhưng sự lo sợ lớn nhất của người dân Việt Nam là liệu phẩm chất của quan chức Việt Nam có vì lợi ích đất nước hay không khi quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đủ khôn ngoan, đủ đạo đức để dành những gì có lợi cho đất nước hay không?  Hay lại vì những cám dỗ lợi ích cho cá nhân mà các tập đoàn kinh tế Trung Quốc đưa ra, lại bán mình cho họ ?

Và hơn nữa là sự điều động tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ ở biển Đông để nhằm mục đích gì? Họ có bảo vệ thực sự những đảo mà Việt Nam đang giữ, không cho phép Trung Quốc dùng vũ lực ở biển Đông, khi có tiếng súng của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền các nước nhỏ ở biển Đông, lúc ấy liệu Hoa Kỳ sẵn sàng dùng vũ lực ngăn cản. Hay Hoa Kỳ chỉ đưa tàu khiêu khích cho Trung Quốc nôn nóng, tức giận tấn công các đảo của Việt Nam. Sau đó họ lên án bằng mồm mạnh mẽ, để lại cho Việt Nam nỗi đau đớn mất đảo và sự căm thù Trung Quốc sâu sắc hơn ?

Hoa Kỳ đã bỏ mặc Việt Nam Cộng Hoà, nói chính xác là khi Bắc Việt dưới sự tiếp tay của Trung Cộng và Nga Cộng vi phạm hiệp định, tấn công Nam Việt Nam. Họ chỉ lên án và cấm vận, cuối cùng lại mở cửa  làm ăn với cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng. Họ không đối xử với Nam Việt Nam như đã đối xử hết lòng với Nam Hàn, khi Bắc Hàn bất ngờ tấn công Nam Hàn và chiếm đến tận Hán Thành, Mỹ đã đổ quân vào để đánh bật Bắc Hàn về ranh giới cũ.  Mỹ đã triệu tập gấp Liên Hợp Quốc và bất chấp sự phủ quyết của Nga, Trung mà đưa quân đội đến Nam Hà tham chiến.

Khó có thể khẳng định Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các quần đảo Việt Nam khỏi sự tấn công của Trung Quốc tại thời điểm bây giờ, nói ra điều này thật nghiệt ngã và làm tổn thương nhiều người yêu chuộng nền tư dọ, dân chủ của Mỹ. Nếu Hoa Kỳ không tham chiến khi tình thế ấy xảy ra, họ chỉ cung cấp tàu chiến và vũ khí cho quân đội Việt Nam, với tốc độ nhỏ giọt. Thời gian huấn luyện, thích nghi với tàu chiến để đạt được mức nhuần nhuyễn trong chiến đấu chẳng đủ đối phó với Trung Quốc. Cái mà thiết thực bây giờ nhất là Việt Nam cần hệ thống tên lửa phòng thủ đặt trên các đảo ở Trường Sa chứ không phải là tàu tuần duyên.

Chính phủ Phạm Minh Chính phải có đường lối làm ăn hiệu quả với Trung Quốc nhưng phải đảm bảo được chủ quyền biển đảo trong nhiệm kỳ của mình trong khi những mâu thuẫn tranh giành quyền lực vẫn sục sôi trong nội bộ, những mâu thuẫn có khi còn được hậu thuẫn bởi Trung, Mỹ tác động.

 Ông Chính sẽ làm được gì ? Phải đợi thời gian như ông Trọng nói.

- Mình phải nhìn thấy người chưa làm bao giờ, giới thiệu họ ra làm được tốt việc ấy, mới là tài.

Ai chứ, riêng ông Trọng quá tài. Tài lớn nhất là đến giờ ông vẫn ngồi lại dù quá tuổi đến chục năm.


http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2021/03/thu-tuong-pham-minh-chinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét