BTV Tiếng Dân - Tin Biển Đông
Zing đưa tin: Tàu nước ngoài đâm chìm tàu cá, 2 ngư dân mất tích. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên xác nhận, sự việc xảy ra sáng hôm qua, thuyền trưởng Vũ Nguyên Toán cùng 8 ngư dân đánh bắt thủy sản cách Mũi Điện, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), khoảng 72 hải lý thì gặp nạn. Tàu của họ đã bị tàu chở hàng nước ngoài đâm chìm, hất văng 9 ngư dân xuống biển, 2 ngư dân mất tích. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực IV đã điều động tàu cứu hộ đến vùng biển Phú Yên tìm kiếm 2 người này.
Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Hoạt động quân sự gia tăng, Biển Đông đối mặt nguy cơ bùng nổ xung đột. Nguồn cơn của mọi căng thẳng vẫn là từ các hành động có hệ thống của TQ nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc chiếm Biển Đông bằng vũ lực. Từ cuối năm 2013, TQ đã bắt đầu tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Subi thành các đảo nhân tạo. Hiện nay, các thực thể này đều đã được quân sự hóa với nhiều khí tài hiện đại.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Ông Biden sắp họp ‘bộ tứ kim cương’ bàn đối phó Trung Quốc. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki xác nhận, Tổng thống Joe Biden dự kiến tham gia phiên họp thượng đỉnh với lãnh đạo các thành viên khác thuộc “bộ tứ kim cương” là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc vào cuối tuần này.
Cuộc họp sẽ bàn về vấn đề tăng cường hợp tác trước các mối đe dọa an ninh từ TQ: “Đây là sẽ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của nhóm QUAD. Tổng thống Biden muốn thông qua sự kiện để nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới đồng minh, đối tác của Mỹ khu vực Ấn Độ Dương”.
Báo Thanh Niên dẫn lời Tướng Mỹ: phóng tên lửa diệt hạm ở Biển Đông, Trung Quốc gửi thông điệp rõ ràng. Đô đốc Philip Davidson cho rằng, quân đội Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa diệt hạm vào Biển Đông trong năm 2020 để gửi một “thông điệp không thể nhầm lẫn” về khả năng đe dọa các tàu sân bay Mỹ. Ông Davidson cảnh báo, TQ “không chỉ đơn thuần phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến mà còn đang tăng cường sử dụng chúng trong các kịch bản huấn luyện và tập trận nhằm trau dồi năng lực chiến đấu của quân đội”.
Vụ xử sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ
Phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội, xử vụ sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ đã kết thúc phần xét hỏi, bước sang phần tranh luận, đại diện VKS đã công bố mức án đề nghị với từng bị cáo: Ông Đinh La Thăng bị Viện kiểm sát đề nghị phạt 12-13 năm tù, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin.
Trịnh Xuân Thanh là bị cáo duy nhất bị truy tố cả 2 tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nên bị đề nghị 21-23 năm tù. Các bị cáo còn lại bị truy tố từ 2,5 năm đến 8 năm tù giam.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người được thẩm vấn đầu tiên trong phần tranh luận. Báo Tiền Phong dẫn lời Trịnh Xuân Thanh: ‘Tôi lấy tiền đâu mà đền’. Đối với cách tính thiệt hại 543 tỷ đồng trong vụ án, Thanh phản biện: “Tôi phân vân về các quyết định đền tiền bị thất thoát, lãi vay… mà không do tham ô. Đây là số tiền rất lớn như tôi phải đền 30 tỷ ở Thái Bình 2, tôi không hiểu lấy đâu tiền mà đền”.
Về chuyện lãi vay trong dự án, báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời bị cáo Trịnh Xuân Thanh: ‘Không thể bắt người làm thuê chịu tiền lãi’. Thanh giải thích, từ tháng 3/2013, ông không còn điều hành PVC nữa, lúc đó lại xuất hiện công văn dừng không thi công dự án: “Đáng lẽ chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý hợp đồng hay đền bù hợp đồng, còn trách nhiệm triển khai tiếp là trách nhiệm của chủ đầu tư. Tiền lãi vay thì chủ đầu tư chịu, không thể bắt người đi làm thuê chịu và tới khi khởi tố vụ án bắt chúng tôi chịu trách nhiệm”.
VTC có clip: Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh?
VTC dẫn lời bị cáo Trịnh Xuân Thanh: Biết không thể thực hiện dự án nhưng phải chấp hành. Thanh cho rằng, dự án Ethanol Phú Thọ đã thiếu tiền ngay từ đầu nên mới thất bại: “Ngay từ đầu, bị cáo đã khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì công văn từ trên tập đoàn nên PVC buộc phải chấp hành”. Ông Thanh đã có màn đáp trả khá gay gắt với các cáo buộc từ cơ quan công tố.
Trước đó, sếp cũ của Thanh có màn đáp trả còn gay gắt hơn. Cuối phiên tòa chiều 9/3, bị cáo Đinh La Thăng phản bác cáo trạng, nói làm theo chủ trương chung, VOV đưa tin. Giờ thì ông Thăng không kiêng nể gì nữa, nhắc đến Thủ tướng “phá chưa từng có” đứng sau mọi sai phạm liên quan đến ông: “Chính phủ cho phép PVN được chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đặc thù, trong đó vốn đầu tư PVN chiếm trên 50%”. Thông tin này đủ sức đáp trả tất cả cáo buộc trong vụ án, nhắm vào vấn đề chỉ định thầu cho liên doanh của PVC.
Vụ ông Thăng bị cách ly trong hầu hết thời gian phiên tòa hôm qua, ông nói: “Gần hết giờ mới gọi tôi vào, tôi không được theo dõi quá trình, động cái hỏi ngay tôi không hiểu được. Các siêu sao bóng đá dự bị còn được xem trận đấu. Nếu không ảnh hưởng gì, đề nghị cho tôi tham dự phiên tòa để khi được hỏi tôi trả lời đúng trọng tâm”.
VietNamNet có bài: Ông Đinh La Thăng phản bác toàn bộ cáo trạng vụ Ethanol Phú Thọ. Luận điểm chính trong toàn bộ bài phát biểu ngắn của ông Thăng vào cuối phiên tòa hôm qua: Ông Thăng khẳng định, PVN đã làm đúng theo kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương của Chính phủ và đã giúp doanh thu dịch vụ của ngành dầu khí tăng lên 30-35%, việc chỉ định thầu cũng để phục vụ mục tiêu này: “Tôi phản bác toàn bộ cáo trạng, nó không phù hợp với chứng cứ khách quan, không phù hợp với thực tiễn”.
Cập nhật vụ Tất Thành Cang
Báo Tiền Phong đưa tin: Viện KSND trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm. Nguồn tin cho biết, Viện KSND TPHCM hoàn trả hồ sơ vụ án sai phạm của ông Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP HCM và các đồng phạm cho CQĐT, để tiếp tục điều tra thêm một số nội dung liên quan đến nhiều dự án ở thành Hồ. Viện KSND TP HCM cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT xác định lại thiệt hại trong vụ án.
Trước đó, ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ban hành kết luận điều tra và chuyển sang Viện KSND TP HCM đề nghị truy tố Sáu Cang và 18 bị can khác về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Công ty Tân Thuận IPC, Công ty SADECO và các đơn vị liên quan.
Sau gần 2 tháng “ngâm” hồ sơ do phía công an gửi đến, vụ Viện KSND thành Hồ trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung chỉ là cách nói lịch sự của thông điệp: Chúng tôi chưa thể truy tố Sáu Cang. Báo Người Lao Động có bài: Lý do VKSND TP HCM chưa thể truy tố ông Tất Thành Cang trong giai đoạn này. VKSND TP HCM đưa ra lý do: Trả hồ sơ vì trong vụ án này có nhiều bị can và thiệt hại về vụ án cần xác định một cách cụ thể, rõ ràng hơn. Trong khi vụ án Đông Tâm có tới 29 bị can, trong đó có 3 người bị truy tố với tội nặng nhất, thì quá trình khởi tố và xử rất nhanh.
Báo Pháp Luật TP HCM có clip: Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm.
VietNamNet có bài: Xác định lại thiệt hại vụ ông Tất Thành Cang bán rẻ cổ phiếu cho Nguyễn Kim. Về sai phạm trong vụ bán rẻ cổ phần của SADECO, cơ quan điều tra từng chỉ ra, ông Cang chấp thuận phương án của Công ty Tân Thuận IPC nhằm tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá, giúp Nguyễn Kim thu tóm doanh nghiệp nhà nước này.
Cơ quan điều tra cho rằng, sai phạm trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phiếu đã gây thiệt hại 940 tỉ đồng. Vụ bán rẻ cổ phiếu SADECO đúng là sai phạm lớn, thiệt hại gần 1000 tỉ, nhưng vẫn chưa là gì nếu so với vụ Sáu Cang ký tắt, duyệt ẩu 4 tuyến đường “đắt nhất hành tinh” liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vụ chung cư Mường Thanh và các sai phạm xây dựng khác
UBND quận Ngũ Hành Sơn thông báo, Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ các sai phạm tại chung cư Mường Thanh từ 6.4, báo Thanh Niên đưa tin. Kế hoạch tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng của công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Đà Nẵng và Căn hộ cao cấp Sơn Trà đã được Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, ký ban hành. Đây là tổ hợp công trình do chính Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.
Liên quan đến việc cưỡng chế, trước ngày 21/3, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng sẽ hoàn thành việc thông báo ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ truyền thông tại loạt căn hộ vi phạm trật tự xây dựng ở khối chung cư Mường Thanh. Công an sẽ tham gia cưỡng chế, di chuyển người và tài sản tại các căn hộ không chịu tự nguyện di dời, bắt đầu từ ngày 6/4 cho đến khi hoàn thành công tác cưỡng chế.
Tập đoàn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản là một trong các doanh nghiệp “tư bản đỏ” chuyên về xây dựng, rất có thế lực ở VN. Các sai phạm xây dựng của Mường Thanh ở nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu bị “sờ gáy” từ năm 2017. Còn ông chủ Mường Thanh đã bị khởi tố từ tháng 7/2019 nhưng tới nay vẫn chưa có tiến triển gì. Đây là một trong các vụ khởi tố bị “ngâm” lâu nhất.
Có ý kiến cho rằng, vụ khởi tố tập đoàn Mường Thanh bị “ngâm” suốt 1 năm rưỡi qua, là do doanh nghiệp của ông Thản chính là “sân sau” của người quyền lực nhất VN hiện nay. Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở, như sự kiện Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng động viên Tập đoàn Mường Thanh. Thời điểm “động viên” gần 5 tháng trước khi Công an TP Hà Nội khởi tố tập đoàn Mường Thanh.
Trong tình hình vụ khởi tố vẫn chìm trong im lặng, kế hoạch cưỡng chế chung cư Mường Thanh do sai phạm xây dựng vẫn là hành động “vuốt mặt không nể mũi” nhắm vào một “Lã Bất Vi” ở VN, có thể gây một số thiệt hại về kinh tế và uy tín cho tập đoàn này, bởi vì toàn bộ kinh phí tháo dỡ công trình đều do phía Mường Thanh chịu, chưa tính đến thiệt hại của những người mua nhà. Qua đó có thể chứng minh “đại gia điếu cày” tuy chưa bị truy tố nhưng không phải là bất khả xâm phạm.
https://baotiengdan.com/2021/03/10/ban-tin-ngay-10-3-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét