Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

5243 - Phần một: Sự thăng tiến liên tục của Nguyễn Phú Trọng

Quynh Tran - Anh Khoa dịch



Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua các suy nghĩ thông thường và trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất như thế nào. Khi năm 2021 bắt đầu, các nhà quan sát chính trị Việt Nam vẫn còn tự hỏi ứng cử viên nào có thể phù hợp để kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông hoàn thành nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai của ĐCSVN.
Theo điều lệ Đảng, Tổng Bí thư giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Vì vậy, ít ai hình dung rằng ngày 31/1, trong Đại hội đại biểu toàn quốc 5 năm một lần của Đảng, ông Trọng lại đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi trên cương vị chính trị quyền lực nhất đất nước. Đảng đã dành cho ông trường hợp ngoại lệ trong khi theo quy định của Đảng, lãnh đạo chủ chốt tái cử thường không quá 65 tuổi.

Tại một cuộc họp báo sau đó, ông Trọng cho biết ông không trông mong nhận nhiệm kỳ thứ ba, ông muốn nghỉ hưu vì “cũng không được khoẻ lắm, tuổi đã cao rồi”. Nhưng ông tuyên bố rằng đại hội muốn bầu lại ông, và “Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.

Dù người ta có tin sự khiêm tốn của ông Trọng hay không, nhưng giờ đây ông đã trở thành chính trị gia quyền lực nhất của Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn, được củng cố với tiếng tăm là một nhà lãnh đạo liêm khiết, chỉ biết phụng sự quốc gia 98 triệu dân.

Dựa trên thông tin công khai, nghiên cứu của các học giả và các cuộc phỏng vấn cá nhân, tôi đúc kết câu chuyện về việc ông Trọng vươn lên trở thành nhà lãnh đạo quyền lực , uy tín nhất ở Việt Nam trong thời gian qua như thế nào.

Chặng đường dài và quanh co

Là một nhà lý luận mác-xít nổi trội, ông Trọng sinh năm 1944 tại Hà Nội, là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) năm 1967. Ông thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê-nin, hoàn thành bằng Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng khi đang học tập tại Liên Xô từ năm 1981 đến 1983.

Sau đó ông Trọng có nhiều năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản của đảng, và rồi trở thành Tổng biên tập (1991-1996). Năm 1997, ông Trọng được đề bạt vào Bộ Chính trị và trở thành người đứng đầu quốc hội vào năm 2006 sau đó vươn lên thành Tổng bí thư năm 2011.

Ông Trọng đã vươn lên đỉnh cao của đảng trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam bị suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới khi đó lưu ý rằng ngành ngân hàng gặp khó khăn, với lợi nhuận trung bình trên tài sản của các ngân hàng đã giảm mạnh kể từ cuộc khủng hoảng (từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012).
Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra chu kỳ lạm phát trung bình đến cao, đạt mức đỉnh 28% vào tháng 8 và tháng 9 năm 2008, giảm xuống mức một con số từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 10 năm 2010, và sau đó tăng lên mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm 2011. Điển hình cho giọng điệu bi quan trong thời kỳ này, một bài báo của The Wall Street Journal lưu ý rằng kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,03% trong năm 2012, tốc độ chậm nhất trong 13 năm, “do nhu cầu toàn cầu và trong nước yếu và bong bóng bất động sản sụp đổ”.

Bầu không khí khủng hoảng này đã tạo ra bối cảnh cho việc ông Trọng lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSVN. Đảng cảm thấy phải ứng phó với những khó khăn mà đất nước đang gặp phải trong hậu quả của cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu, có nguy cơ làm suy giảm tính chính danh của Đảng đối với người dân Việt Nam.

Quá trình lên đỉnh cao chính trường Việt Nam của ông Trọng là con đường dài và quanh co. Khi được bầu làm tổng bí thư năm 2011, ông Trọng buộc phải làm việc trong hệ thống lãnh đạo tập thể truyền thống được áp dụng từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Theo hệ thống này, quá trình ra quyết định trong Đảng và chính phủ không dựa vào một cá nhân nào mà thay vào đó được giao cho “tứ trụ” của đảng: tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội. ĐCSVN điều hành với sự tham vấn của Bộ Chính trị thường bao gồm 17 đến 19 thành viên. Làm việc trong hệ thống này, các nhà lãnh đạo của các phe phái khác nhau sẽ cân bằng lẫn nhau và không tập trung quyền lực vào tay một người.

Sự cạnh tranh giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong 5 năm cầm quyền đầu tiên của ông Trọng đã được nhiều người viết. Được chọn làm thủ tướng vào năm 2006, việc ông Dũng mở cửa đất nước để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ đã khiến ông được ca ngợi, mặc dù chính phủ của ông cũng gặp tai tiếng vì nhiều tập đoàn nhà nước đua nhau bành trướng và vì tham nhũng trong khu vực công.

Kể từ khi chính sách cải cách kinh tế – “Đổi mới” – được áp dụng năm 1986, thành tích hoạt động kinh tế xã hội đã trở thành nguồn chính danh cơ bản cho ĐCSVN. Chừng nào tăng trưởng kinh tế của đất nước vẫn vững chắc, tài sản và thu nhập của người dân tiếp tục tăng lên, các vấn đề khác, như tham nhũng, bớt quan trọng. Tuy nhiên, do nợ xấu và tốc độ tăng trưởng chậm lại đe dọa chấm dứt một trong những câu chuyện thành công kinh tế sáng giá nhất châu Á vào cuối thập niên đầu tiên của những năm 2000, việc ông Trọng tăng cường chống tham nhũng trở thành vấn đề cấp bách để tăng cường sự ủng hộ của quần chúng đối với Đảng.

Động thái lớn đầu tiên của ông Trọng là vận động Đảng thông qua Nghị quyết số 12- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, vào đầu năm 2012. Đó là lời kêu gọi về xây dựng đảng, dẫn đến một cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong đảng. Ông kêu gọi các quan chức phải làm gương và chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và lãng phí. Ngay sau đó, Đảng đã rút Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khỏi sự quản lý của Chính phủ mà đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Chính trị. Sáng kiến này có thể được coi là một nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả chống tham nhũng, nhưng nó cũng thu hẹp quyền lực của Thủ tướng Dũng.

Vào tháng 10 năm 2012, các hãng thông tấn đưa tin rằng tương lai chính trị của thủ tướng Việt Nam đang bị đe dọa khi Trung ương Đảng gồm 175 thành viên họp để thảo luận về sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và các vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Kết thúc cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương không đồng ý việc Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật thủ tướng. Trận chiến đầy cam go vừa là lời cảnh báo đối với ông Dũng, vừa là cơ hội cho ông kiểm soát tham ô và ổn định nền kinh tế đất nước.

Sau đó, hoạt động kinh tế của Việt Nam phục hồi trong ba năm cuối nhiệm kỳ của ông Dũng. Tăng trưởng kinh tế năm 2013 vượt quá kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích. Năm 2014, lần đầu tiên sau ba năm, GDP cả nước vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Mọi thứ thậm chí còn tốt hơn vào năm 2015, khi nền kinh tế tăng trưởng 6,68%, tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm. Bước vào năm 2015, với nền kinh tế hồi phục tốt, ông Dũng khôi phục hình ảnh như một nhà lãnh đạo năng động theo đuổi chương trình nghị sự vì doanh nghiệp – vừa đúng vào thời điểm sắp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào đầu năm 2016.

Một bậc thầy về các quy tắc phức tạp

Trong thời kỳ này, ông Trọng cũng tăng cường và củng cố quyền lực của mình trong ĐCSVN. Năm 2014, ông là động lực thúc đẩy cho ra đời Quyết định số 244-QĐ/TW, thiết lập một quy trình chính thức hóa hơn về quy chế bầu cử trong đảng. Quyết định nổi tiếng này đã hạn chế quyền của các đại biểu đảng trong việc lựa chọn các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương mới. Như Giáo sư Carlyle Thayer của Đại học New South Wales đã lưu ý, trong lịch sử, các đại biểu được phép đề xuất với Đại hội Đảng các ứng cử viên khác để lựa chọn vào Trung ương ngoài danh sách chính thức được các lãnh đạo cấp cao của đảng phê chuẩn. Nhưng bây giờ, tất cả các ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương mới phải được sự chấp thuận của Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm trước khi tên của họ được đưa vào lá phiếu.

Đối với cuộc đua vào vị trí cao nhất, Quyết định 244 cấm các ủy viên Bộ Chính trị đề cử các ứng cử viên khác với những người đã được Bộ Chính trị thông qua. Với những quy định này, những người không được ủng hộ của Bộ Chính trị, cơ quan đang ngày càng nằm trong sự kiểm soát của Trọng và các đồng minh của ông, sẽ bị loại khỏi cuộc tranh cử, ngay cả khi họ có được một số ủng hộ trong Trung ương.

Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện, đất nước này cũng đã thành công trong việc thiết lập và duy trì sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên đang trở thành những đối thủ chiến lược ngày càng tăng. Ông Trọng thường được cho là thân thiện hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trọng cũng đã đến thăm Washington và gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015, trở thành lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam thăm Mỹ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Chính trong bối cảnh đó, câu hỏi về vai trò lãnh đạo tương lai của Việt Nam được đặt ra. Đại hội đảng tiếp theo dự kiến khai mạc vào ngày 20 tháng 1 năm 2016, nhưng không có sự thống nhất về việc ai sẽ lãnh đạo đảng. Như đã đề cập ở trên, các quy định của đảng áp đặt cả giới hạn hai nhiệm kỳ và trần tuổi tác là 65 tuổi. Do đó, cả ông Trọng và ông Dũng đều dường như không đủ điều kiện và sẽ cần sự miễn trừ đặc biệt của Đảng để tiếp tục vị trí lãnh đạ chủ chốt.

Kết quả của cuộc đua chỉ được giải quyết vào cuối năm 2015, năm tuần trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khai mạc tại Hà Nội. Bộ Chính trị khuyến nghị trong “tứ trụ” chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Những người còn lại, bao gồm cả ông Dũng, sẽ buộc phải nghỉ hưu. Đề nghị này sau đó đã được Ủy ban Trung ương tán thành.

Tuy nhiên, khi Đại hội Đảng khai mạc vào tháng 1 năm 2016, trong một dấu hiệu cho thấy tầm mức mạng lưới bảo trợ của ông Dũng, tên của thủ tướng đã được các đại biểu giới thiệu vào danh sách đề cử bổ sung. Vào lúc này, các quy tắc thiết lập theo Quyết định 244 đã tỏ rõ hiệu lực. Để có cơ hội, ông Dũng buộc phải từ chối đề cử, sau đó đợi đa số đại hội biểu quyết phản đối việc rút lui. Điều đó sẽ mở đường cho ông ứng cử chức vụ lãnh đạo. Cuối cùng thì ông Dũng không nhận được đủ phiếu trong số 1.500 đại biểu dự Đại hội.s

Khi Đảng công bố danh sách Bộ Chính trị mới với truyền thông vào tháng 1 năm 2016, ông Trọng, 71 tuổi, trong một điềm báo trước về Đại hội năm 2021, đã tự mô tả mình là một nhà lãnh đạo miễn cưỡng. Ông Trọng nói với các phóng viên: “Tôi là người tuổi cao nhất, sức khỏe, trình độ cũng có hạn, xin nghỉ rồi, nhưng trách nhiệm Đảng giao, với tư cách là đảng viên, thì phải thực hiện trách nhiệm của mình.”

“Đốt lò”

Vào giai đoạn đó, hầu hết các nhà quan sát kỳ vọng ông Trọng sẽ hỗ trợ các cải cách kinh tế và việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với phương Tây, cả hai điều này đã được chứng minh là đúng. Điều mà ít người dự đoán là ông Trọng sẽ sớm phát động một chiến dịch chưa từng có chống lại nạn tham nhũng đang nở rộ ở đỉnh cao của chính trị và kinh doanh Việt Nam.

Trong 4 năm, từ 2017 đến 2020, Bộ Chính trị của ông Trọng đã thi hành kỷ luật đối với 110 đảng viên cao cấp, trong đó có 3 ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên Trung ương Đảng và 17 nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Ngoài các hình thức kỷ luật nội bộ, từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng, một số người này còn phải đối mặt với các tội danh hình sự.

Chiến dịch chống tham nhũng đã nóng lên ngay sau khi ông Trọng tái đắc cử năm 2016, dẫn đến một số vụ bắt giữ và truy tố lớn. Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng vào tháng 12/2017, cựu bí thư thành uy thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập niên mới có một ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố. Ông Thăng cũng trở thành ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị cách chức vì quản lý kinh tế yếu kém và sau đó bị kết án tổng cộng 30 năm tù. Ông trùm ngân hàng Trầm Bê và Phạm Công Danh bị bỏ tù, trong khi nhiều quan chức cấp cao bị kết án liên quan đến bê bối tại tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam.

Vì dính líu đến vụ lùm xùm mua hãng truyền hình tư nhân AVG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã bị cách chức vào tháng 7/2018 và bị kết án 14 năm tù. Người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Bắc Son, nhận án chung thân vì nhận hối lộ số tiền ước tính 3 triệu USD.

Cuộc chiến chống tham nhũng còn mở rộng sang cả quân đội và công an. Khoảng 38 sĩ quan cấp cao, trong đó có 23 tướng lĩnh, đã bị kỷ luật hoặc truy tố. Điển hình nhất là việc cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị phạt 4 năm tù vì chuyển nhượng trái phép 3 lô đất tại TP.HCM cho tư nhân.

Tháng 9 năm 2018, trong lúc chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đang đỉnh cao, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, qua đời vì mắc bệnh virus hiếm gặp tại Hà Nội. Sau đó, thay vì đề bạt một người kế nhiệm giữ chức vụ trong nhiệm kỳ còn lại của ông Quang, chức chủ tịch nước được giao cho ông Trọng, khi đó đã 74 tuổi, khiến ông trở thành người đầu tiên ở Việt Nam giữ cả hai chức danh kể từ năm 1986. Vào nửa nhiệm kỳ nắm quyền thứ hai của mình, quyền uy của ông Trọng đối với đảng dường như trở nên an toàn hơn bao giờ hết.


https://baotiengdan.com/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét