BTV Tiếng Dân - Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc ‘rất hung hăng’ trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng: “Trung Quốc ồ ạt hiện đại hóa quân đội, phát triển năng lực và cố vượt qua khoảng cách cạnh tranh của chúng ta từ trước đến nay. Họ còn rất hung hăng trong khu vực… Trong một số trường hợp, họ còn cưỡng ép. Một số việc cưỡng ép đó trực tiếp nhằm vào các đồng minh của chúng ta, và các đồng minh là rất quan trọng đối với chúng ta”.
VnExpress có bài: Lực lượng hải quân ‘đông nhưng không mạnh’ của Trung Quốc. Tin cho biết, “phần lớn chiến hạm của Trung Quốc là hộ vệ hạm, hộ vệ hạm cỡ nhỏ và tàu ngầm diesel-điện, phù hợp hoạt động ở các vùng biển xung quanh nước này… Hạm đội tàu hộ vệ cỡ nhỏ phù hợp với các vùng biển nông và hẹp, nơi Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền như biển Hoa Đông, Biển Đông và quanh đảo Đài Loan”, nhưng không thích hợp để vươn ra những vùng biển rộng lớn.
Báo Thanh Niên đưa tin: Lãnh đạo ‘bộ tứ kim cương’ sắp họp lần đầu, bàn cách đối phó Trung Quốc. Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, lãnh đạo bốn nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc dự kiến sẽ có cuộc họp đầu tiên vào ngày 12/3 hoặc cuối tuần. “Cuộc họp sẽ diễn ra chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Nhật và Hàn Quốc. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của 2 quan chức đến các nước đồng minh ở châu Á, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1”.
Tin chính trường
Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Người phát biểu khai mạc hội nghị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhưng người điều hành phiên họp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị dự kiến kết thúc trong ngày mai 9/3.
Nội dung hai ngày làm việc Hội nghị TƯ lần 2 khóa 13: Trình Trung ương nhân sự ứng cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, báo Người Lao Động đưa tin. Tin cho biết, hội nghị “sẽ xem xét, bàn về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Hội nghị trung ương 2 xem xét giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước. Bộ Chính trị sẽ trình TƯ quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng thời “xin ý kiến TƯ” trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Tổng Trọng lưu ý: “Vấn đề nhân sự mà Hội nghị trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua”. Đó là phương án các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ lần lượt làm Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch QH, đã được các bên thống nhất từ trước Đại hội 13.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa về Hội nghị lần 2 BCH TW Đảng XIII: Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Nhà báo Nguyễn Công Khế bình luận: “Tôi vừa đọc FB của một bạn doanh nghiệp còn trẻ. Bạn ấy nói rằng, trong tầm nhìn 25 năm tới, đất nước không kỳ vọng gì vào những gương mặt chuyên lớn lên bằng lobby và dựa vào tài nguyên thô của tổ tiên. Thủ tướng Phúc và các vị lãnh đạo tương lai nên có một cái nhìn khác cho phát triển”.
Báo Thanh Niên có bài: Ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy là chưa ‘nghiêm minh, quyết liệt’. Cử tri tỉnh Long An cho rằng, với những sai phạm liên quan tới dự án Thủ Thiêm, vụ ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, chỉ bị cách chức “cựu” này là chưa “nghiêm minh, quyết liệt”. Liệu đây là dấu hiệu để cho Hai Nhựt “vào lò”, trong tình hình em trai ông Hải sắp bị xử do sai phạm ở SAGRI?
Mời đọc thêm: Hội nghị Trung ương 2: Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của nhà nước (VNN). – Trình Trung ương nhân sự 3 chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước (VNE). – Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội (VietTimes). – Tờ trình của Bộ Chính trị về kiện toàn nhân sự lãnh đạo cơ quan Nhà nước (NLĐ). – Quang cảnh Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng khóa XIII (TTXVN). – Lãnh đạo Việt Nam cần thay đổi tư duy lỗi thời (RFA).
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục ra tòa
TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xử vụ sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ. Hôm nay, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh lại hầu tòa, VietNamNet đưa tin. Trong vụ này, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT PVN và Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC đều bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Thanh còn bị cáo buộc thêm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Điểm đặc biệt trong phiên xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Nhiều người được miễn trách nhiệm hình sự, theo VTC. Phiên tòa có 12 bị cáo, gồm 2 ông Thăng, Thanh và các đồng phạm ở PVN, PVC, PVB. Một số người có trách nhiệm liên quan đến vụ án, hành vi cấu thành tội hình sự nhưng được “miễn trách nhiệm” do “mắc bệnh hiểm nghèo”, như trường hợp ông Trần Ngọc Hà, cựu tổ phó tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, phụ trách lập hồ sơ yêu cầu của PVB, được miễn trách nhiệm hình sự do có bệnh lý… về não.
Trong phần thủ tục, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho gia đình và báo chí dự tòa, báo Tiền Phong đưa tin. Ông Thanh lấy lý do, đây là phiên tòa công khai nên cần có báo chí tham dự, đưa tin. Đáp lại, chủ tọa nói, phiên tòa diễn ra trong tình hình dịch Covid-19, nên không thể triệu tập đông người, nhưng chấp nhận triệu tập ông Trịnh Xuân Giới, cha của ông Thanh. Ông Giới lại ủy quyền cho cháu của mình là Trịnh Hùng Cường, chính là con bị cáo Thanh đến dự.
Về yêu cầu cho báo chí tham dự, “tòa án cho biết đã thực hiện đúng theo quy định. Các phóng viên đưa tin được bố trí một phòng riêng để theo dõi phiên xử. Vì vậy, chủ tọa quyết định tiếp tục làm việc, mở đầu bằng viện kiểm sát viên công bố cáo trạng”. Không thể gọi đây là phiên tòa thật sự công khai nếu báo giới không được vào trong phòng xử án, vì dữ liệu hình ảnh, âm thanh truyền tới phòng riêng của các phóng viên có thể bị can thiệp bất cứ lúc nào.
Thủ thuật lạm dụng tiền nhà nước trong vụ sai phạm: Trịnh Xuân Thanh ‘thâu tóm’ đất Tam Đảo, nhờ cha ruột đứng tên, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trong quá trình làm dự án, Trịnh Xuân Thanh bàn với Đỗ Văn Hồng, GĐ Công ty Đào Viên, tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, họ đã chọn mua lô đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo. “Hai bị cáo thống nhất chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng, mặc dù cả hai đều biết PVC đã tạm ứng cho PVC Kinh Bắc hơn 27 tỉ đồng, vượt quá 10% theo hợp đồng”.
Trang Kinh Tế Đô Thị dẫn lời bị cáo Lê Thành Thái, Trưởng phòng kinh doanh PVB, nói về vụ án Ethanol Phú Thọ: “Phải xin nghỉ việc nếu làm trái ý cấp trên”. Bị cáo Thái nói: “Việc thẩm định hồ sơ thầu của PVC có thiếu sót nhưng chúng tôi không thể chống lại chủ trương của Tập đoàn PVN. Trong quá trình thẩm định, nếu chúng tôi nêu yêu cầu bổ sung điều kiện, đồng nghĩa xin nghỉ việc luôn”.
BBC có bài: Luật sư ở Berlin tin tưởng ông Trịnh Xuân Thanh ‘sẽ trở lại Đức’. Bà LS Schlagenhauf của ông Thanh cho biết: “Kết luận của Tòa án Tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof) – tòa án cao nhất cho án hình sự, ra hồi 2018 về vụ bắt cóc trái luật sẽ tồn tại mãi mãi. Nội dung phán quyết của tòa về một vụ bắt cóc, vi phạm trắng trợn luật pháp Đức, là điều không thay đổi, bất kể phía giới chức Việt Nam có nói gì đi chăng nữa”.
Bà Petra Isabel Schlagenhauf nói thêm về lý do bà “hoàn toàn tin tưởng” khả năng thân chủ của bà sẽ quay trở lại Đức: “Luật Đức qui định, bất kỳ ai đến Đức nộp đơn xin tị nạn, trong thời gian xem xét đơn, người đó được hưởng quy chế tạm trú hợp pháp trên đất Đức, được nhận sự bảo trợ của Đức”.
Phiên xử phúc thẩm vụ án Đồng Tâm
Sáng nay, TAND cấp cao TP Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Trước đó, có 29 người dân Đồng Tâm đã bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm, có 6 người đã làm đơn kháng cáo gồm các ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến và bà Bùi Thị Nối. Phiên tòa phúc thẩm liên quan đến vụ án oan với cáo buộc nghiêm trọng là giết người, nhưng dự kiến chỉ diễn ra trong 3 ngày.
Ông Lê Đình Công đã có hành động gây bất lợi cho chính mình: Lê Đình Công khai từng dọa sẽ giết 300 cảnh sát nếu họ tiến vào Đồng Tâm, VietNamnet đưa tin. Theo thông tin từ tòa án, ông Công thừa nhận “đã góp tiền cho việc chống lại cảnh sát; chế tạo 4 chai bom xăng; bàn bạc và sau đó nhờ người mua lựu đạn”. Ông Công cũng thừa nhận từng lên mạng, đe dọa sẽ giết 300 cảnh sát nếu họ tiến vào Đồng Tâm, nhưng lý giải: “Lúc đó, bị cáo không biết công an sẽ về và nói vì chỉ mong khi thu hồi đất phải có giấy tờ chứ không phải muốn chống đối”.
Đã có nhiều lời kể về những thủ thuật tra tấn tàn khốc trong nhà tù CS, bao gồm cả tra tấn thể xác và tinh thần, khiến ngay cả những người vô tội cũng phải nhận tội giết người và mang án oan, đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú. Kể cả như vậy, việc ông Công thừa nhận một số cáo buộc vẫn là gây bất lợi cho chính ông. Tòa án CS không dám thực nghiệm hiện trường nên họ đang tìm cách biến nạn nhân thành thủ phạm, buộc ông phải thừa nhận những cáo buộc do chúng “vẽ” ra.
RFA đưa tin về diễn biến phiên tòa phúc thẩm Đồng Tâm: Ông Lê Đình Công thay đổi kháng án tại tòa, nói bản thân vô tội. Trước các cáo buộc cho rằng ông Công đứng sau “kịch bản” dẫn đến cái chết của 3 tay công an, ông Công cho rằng bản thân không hề bàn bạc, không đại diện cho ai, cũng không giao bất kỳ nhiệm vụ gì cho bất kỳ ai.
Ông Công còn nói, trong các ngày từ 6 đến 8/1/2020, không hề có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an” diễn ra. Ông Công “phủ nhận thực hiện hành vi liên quan khiến ba công an được cho rằng chết cháy trong cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm”. LS Lê Văn Hòa cũng khẳng định là ông Công kêu oan, nhưng mẫu đơn do phía trại giam đưa cho không phải là đơn kêu oan, nên phải chấp nhận làm đơn giảm nhẹ hình phạt.
VOA có bài phỏng vấn người thân của bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Gia đình các bị cáo hy vọng ‘bản án sẽ thay đổi’. Cô Nguyễn Thị Duyên, con dâu của ông Công nói: “Gia đình tôi vẫn đang hy vọng bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người thân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng”.
Cô Duyên cho biết thêm: “Luật sư Lê Văn Hòa thông báo cho gia đình tôi biết là bố tôi, Lê Đình Công, sức khỏe bình thường. Nhưng mà bệnh ngoài da vẫn biểu hiện rõ. Còn chú Lê Đình Chức sức khỏe rất yếu, yếu hơn cả sơ thẩm, nên gia đình rất lo cho sức khỏe của chú Chức”.
RFA có bài liên quan đến phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án. LS Hà Huy Sơn chỉ ra mâu thuẫn lớn nhất, một vụ án với cáo buộc nghiêm trọng là giết người nhưng tòa án và cơ quan điều tra nhất quyết không chịu thực nghiệm hiện trường:
“Tôi quan tâm nhất việc trả lại hồ sơ để tổ chức thực nghiệm việc ba công an bị chết như thế nào. Theo như hồ sơ và kết luận điều tra thì vô lý là ba người công an rơi xuống hố mà lại chết cháy hoá than với lượng xăng và mô tả như vậy là bất hợp lý. Tôi cho rằng mấu chốt là ở chỗ này và cần phải được làm rõ”.
Những người bị kết tội, thật ra chính là các nạn nhân trong vụ án: “Các bị cáo trên đều mang trong mình những vết thương rất nặng do đạn bắn hoặc bị đánh đập. Thậm chí, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu thì ông bị bắn hai phát vào ngực và vào chân. Việc ông Hiểu thoát chết là ngoài dự tính. Bà Bùi Thị Nối khai tại phiên tòa sơ thẩm rằng bà bị bắn chảy nhiều máu và bị lôi ra ngoài đánh đập tàn nhẫn”.
LS Đặng Đình Mạnh viết về người phụ nữ mạnh mẽ nhất trong các bị cáo, là bà Bùi Thị Nối. Bà Nối là “người phụ nữ có dáng vẻ lam lũ. Người mà vốn chữ không đủ giúp cho bà thực hiện lá đơn kháng cáo mà phải nhờ vào bạn tù tạm giam. Ấy vậy mà bà luôn là ẩn số khó đoán định trong phiên tòa xét xử bà”. Theo LS Mạnh, bà Nối đã đặt ra một câu hỏi đến 5 lần tại tòa, nhưng đều không nhận được câu trả lời: “Đảng có giết đảng không?”
Thêm người biểu tình bị bắn chết ở Myanmar
RFI có bài tổng hợp diễn biến chính của làn sóng biểu tình hôm nay tại Miến Điện: Thêm hai người chết, quân đội chiếm đóng bệnh viện và đại học xá. Hai nạn nhân bị bắn vào đầu ở TP Myitkyina, bang Kachin. “Theo nhiều nhân chứng tại chỗ, nạn nhân là người biểu tình bị chết trong lúc cảnh sát Miến Điện dùng lựu đạn và hơi cay giải tán cả ngàn người hưởng ứng lời kêu gọi tổng đình công chống lại cuộc đảo chính”.
Zing có bài: Người biểu tình Myanmar tử vong với vết đạn trên đầu. Một nhân chứng tại hiện trường cho biết, “2 người thiệt mạng đều có vết đạn ở vùng đầu. Họ tử vong ngay tại hiện trường. Ít nhất 3 người khác bị thương”. Bên cạnh đó, “cảnh sát và quân đội đều có mặt tại khu vực biểu tình. Tuy nhiên, không ai ở hiện trường có thể xác định phía nào nổ súng”. Phong trào phản kháng nhà nước quân phiệt Myanmar đã bước sang tuần thứ 5.
Diễn biến biểu tình Myanmar căng thẳng: Đình công quy mô lớn lan ra toàn quốc, theo VTC. Các tổ chức người lao động kêu gọi công dân tham gia phong trào bất tuân dân sự với tuyên bố: “Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc tạo ra những người tử vì đạo khi chiến đấu vì nền dân chủ Myanmar. Chúng ta phải chiến thắng trận chiến này, và ngừng làm việc kéo dài trên toàn quốc là con đường hướng đến chiến thắng của mọi người”.
https://baotiengdan.com/2021/03/08/ban-tin-ngay-8-3-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét