Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

5166 - Ý kiến cử tri trên báo Nhà nước liệu có phản ảnh thực tế tâm tư dân chúng?

RFA


Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 3/3 đồng loạt đăng tải các bài viết với nội dung cử tri dành tình cảm cho ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể, báo Thanh Niên có bài ‘Nhân dân vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử’. Trong khi đó, bài viết với nội dung tương tự có tên ‘Cử tri vỡ òa cảm xúc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử’ được đăng tải trên báo Dân Trí và nhiều báo mạng khác.

Tựa bài viết được dẫn từ phát biểu của cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Truyền thông nhà nước dẫn lời cử tri Nguyễn Văn Điệp ở phường Phan Chu Trinh cho biết ông “và nhân dân đã vỡ òa cảm xúc khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử Tổng Bí thư. Điều đó thể hiện sự tha thiết nguyện vọng của nhân dân và cán bộ đảng viên hiện nay, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Ngoài ra, một cử tri khác là Nguyễn Quyết Thắng, ở phường Hàng Mã cũng gửi lời chúc mừng ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhiều sức khỏe để cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nhiều hơn nữa, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên...

Khi thời đại thông tin bùng nổ thì người ta chứng minh rất nhiều lần kể cả hình ảnh, tên tuổi của những người đó thì xoay qua xoay lại chỉ có bấy nhiêu cử tri đó được hỏi, phỏng vấn đề trả lời thôi. - Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, nhà hoạt động dân chủ Đàm Ngọc Tuyên cho rằng:

“Người ta thể hiện đó là sự dân chủ, trong trường hợp đó là vấn đề tín nhiệm cử tri về mặt đảng, nhân dân và cả cử tri những nơi đó nhất trí đồng lòng tín nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử lần thứ ba.”

Tuy nhiên, theo ông Đàm Ngọc Tuyên, ý kiến được báo chí trích lời một vài cử tri như vừa nêu không hoàn toàn đại diện cho tất cả cử tri hay toàn thể nhân dân.

Từng công tác cho Tạp Chí Cộng Sản trong nhiều năm, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình nhận định:

“Đây là điều bình thường của nhà nước cộng sản Việt Nam. Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước.”

Đồng quan điểm vừa nêu, nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên cho rằng trong những thập kỷ qua, hầu như tất cả những chuyện hệ trọng của quốc gia, mang tính buộc phải trưng cầu ý kiến người dân khắp nước thì chính quyền luôn gắn đuôi nhân dân vào để hợp thức hóa vấn đề.

“Lẽ ra người ta phải làm bằng những cuộc trưng cầu dân ý thực tế, đằng này người ta không làm vậy mà chỉ làm hình thức như vậy.”

Vẫn theo Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên, những công tác tuyên truyền mang tính hình thức, được dàn dựng như vừa nêu hiện không còn tác dụng đối với xã hội hiện nay. Ông lý giải:

“Khi thời đại thông tin bùng nổ thì người ta chứng minh rất nhiều lần kể cả hình ảnh, tên tuổi của những người đó thì xoay qua xoay lại chỉ có bấy nhiêu cử tri đó được hỏi, phỏng vấn đề trả lời thôi.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP

Nhận xét về tình hình thực tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng người dân hiện chỉ lo làm ăn, không quan tâm lắm về vấn đề chính trị nhiều nên những thông tin từ bộ phận tuyên huấn, tuyên giáo, báo chí cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông nói tiếp:

“Còn người dân lấy thông tin từ thực tế cuộc sống, cộng đồng mạng, thông tin xác thực, còn những cái được tuyên truyền không ảnh hưởng gì nhiều đến người dân. Tất nhiên một số đối với hệ thống báo chí, hệ thống tuyên truyền vẫn nói nhưng người dân không quan tâm, mặc kệ.”

Với kinh nghiệm cầm bút lâu năm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng đối với nền báo chí của nhà nước cộng sản thì không bao giờ có tự do báo chí nên nó chỉ là phương tiện tuyên truyền của chế độ, của Đảng cũng như của nhà nước cộng sản.

“Những việc đó vẫn diễn ra thường xuyên vì bản thân bản chất gốc rễ là không có tự do nên những việc này chẳng ảnh hưởng nhiều vì có tự do đâu mà ảnh hưởng. Nếu nó có tự do thì khi anh làm những việc dối trá, những việc dàn dựng sẽ bị ảnh hưởng, không có tự do thì chẳng có vấn đề gì.”

Trong khi đó, nhà hoạt động Phạm Ngọc Tuyên lại cho rằng nếu truyền thông Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đưa thông tin tuyên truyền như cách thức hiện nay sẽ tạo ra lỗ hổng rất lớn.

Theo ông Tuyên, người dân hoàn toàn không đồng ý với việc kiểm soát của đảng phái đang cai trị ở Việt Nam. Ông đưa ra dẫn chứng:

“Điều đó qua thực tế rất rõ như khi tiến hành thông qua Luật đặc khu chẳng hạn. Sau đó người dân khắp nước phản đối bằng hình thức biểu tình ôn hòa, lúc đó buộc chính quyền phải dừng lại. Người ta nói là từ từ xem lại và trưng cầu dân ý có nên tiến hành hay không nhưng người ta không hề làm.

Rõ ràng trừ Bắc Vân Phong, còn lại Vân Đồn và Phú Quốc đã hình thành một đặc khu mà không cần phải thông qua luật và cũng chẳng cần trưng cầu dân ý.”

Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu được chính phủ Hà Nội soạn thảo vào năm 2018 đã gặp phải nhiều phản đối của người dân cả nước vào tháng 6 cùng năm.

Trong đó, ba địa phương trong danh sách là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa.

Hàng chục người dân tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa đã bị bắt giữ và tuyên án nặng nề sau đó.

Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ Hà Nội đã cho Phú Quốc và Vân Đồn thành ‘khu kinh tế’ với mô hình ‘Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cách thức mà lãnh đạo Việt Nam áp dụng để dự luật đặc khu được ‘lách’ thành công.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân từ trước đến giờ chấp nhận sự lãnh đạo nhưng thực ra có rất nhiều cái bất công, cái xấu, cái ác của xã hội mà người ta không làm gì được.

“Người ta biết nhưng thấy rằng khả năng phản kháng của họ không giải quyết được nhiều, đây là người dân nói chung. Có những người đọc nhiều, tỉm hiểu rồi mở mang thì sẽ chuyển bước sang những người phản biện, đấu tranh…”

Dù vậy, thực tế cho thấy, những người có ý kiến phản biện, không đúng với đường lối đảng và nhà nước Việt Nam thường được quy kết là ‘phản động’ và bị xử với những mức án nặng nề.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/3, một cử tri phường Vĩnh Phúc tên Đặng Thị Mai Hòa, 61 tuổi, bên cạnh việc bày tỏ niềm tự hào và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng vào sự phát triển của đất nước, còn khẳng định Đại hội đã để lại nhiều dấu ấn và “không thế lực thù địch nào có thể chống phá”.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-opinion-of-voters-on-the-state-newspaper-reflect-the-reality-of-people-s-minds-03032021143100.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét