Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

5135 - Cuộc cách mạng phát xuất từ vỉa hè!

Huy Phương

Khoảng sau tháng 4-1975 vài năm, sau khi Cộng Sản chiếm Saigon và muốn “làm sạch” thành phố này, bằng đe doạ, hăm he và ép buộc dân Saigon phải bỏ nhà cửa lên đường đi vùng “kinh tế mới.” Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dân tình quá cơ cực, lại liều chết trở về thành phố cũ. Mất cửa, mất nhà, những người này đã lấy hè phố làm nhà, ban ngày làm thuê, buôn bán kiếm sống, tối và cả gia đình vất vưởng ngủ trên vỉa hè.

Những anh em quân chính miền Nam, sau khi đi tù về, cũng phải lăn lưng ra đường kiếm sống, lề đường là nơi sinh hoạt, mua bán của những quầy vé số, thuốc lá lẻ, quán cà phê cóc, sách báo cũ, ve chai… Ðã trải qua cùng chung mảnh đời cơ cực ấy, tôi và một người bạn, đã đóng một cái xe gỗ, bày bán sách báo ở trước cửa bệnh viện Chợ Rẫy, Saigon. Ðây là nơi có nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ từ các tỉnh về nuôi bệnh, cần mua một cuốn sách nhỏ đọc giải khuây, hay mua một tờ báo để đọc xong, lót làm chỗ nằm ngoài hành lang.

Sát với xe báo của chúng tôi là hàng của một ông già bán nước sôi và một gia đình bán hàng cơm. Mỗi lần nghe tiếng kêu có công an đến là tất cả chúng tôi cùng phải chạy. Ðẩy một sạp báo có bánh xe tương đối dễ, nhưng tình cảnh ông cụ bán nước sôi và cô hàng cơm thì quá thê thảm, đôi lúc lửa củi, nước sôi và cả nồi canh, cơm bị đổ tháo trong lúc phải di tản khi thấy bóng “áo vàng” vừa dừng xe lại, quơ cái dùi cui lên và sẵn sàng đập đổ tất cả những gì gọi là chiếm dụng lòng lề đường.

Ðã bốn mươi năm rồi, cái cảnh mua bán trên lề đường, không thấy giảm sút mà còn rộn rịp hơn xưa. Với một số vốn nhỏ, gánh cháo, gánh chè, mớ rau, con gà con vịt, không những chỉ có những người phụ nữ cơ cực, mà cả những người tuổi trẻ mạnh khoẻ, nhưng không nghề không nghiệp cũng xuống đường, với chiếc xe kem, xe bánh mì, mớ trái cây, quầy vé số… Tất cả đều nghèo khổ, rách rưới như nhau, và buổi cơm chiều của những gia đình đều tuỳ thuộc với đồng tiền người mẹ, người cha và cả những đứa con nhỏ thất học, sống trên lề đường mang về chiều nay! Hè phố là công sở, là nơi kiếm tiền nuôi thân, cũng là nơi tận đáy cùng tủi nhục của thân phận con người. Những cái “xe cây” của công an, dân phòng sẵn sàng tịch thu đem về  trụ sở phường khóm những gánh hàng, những chiếc xe gắn máy, những món hàng bày bán, nói chung là một cơ nghiệp của một gia đình.

Biểu tình tại Tunis vào tháng 1. 2011. nguồn: aljazeera.com

Không thể nào một sớm một chiều quét sạch lề đường, khi dân tình còn đói khổ, công nhân không có việc làm, nông dân phải bỏ ruộng đồng tràn về thành phố, dân miền Bắc bỏ vào miền Nam lập nghiệp. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam còn có khả năng bỏ nước ra đi làm thuê, ở đợ (oshin) hoặc kiếm phương lấy chồng vì còn có khả năng vay mượn, cầm cố để có tiền đóng dịch vụ, bôi trơn cho các viên chức chính quyền. Báo chí trong nước loan tin có tuổi trẻ văn bằng cử nhân cũng không kiếm ra việc làm nuôi thân, phải xếp hàng đi “xuất khẩu lao động” thì dân chúng thất học, nghèo đói, không nghề nghiệp, chỉ có một con đường cùng là xuống đường lấn chiếm… hè phố!

Không những lấn chiếm hè phố mà còn làm xấu mặt những hè phố Saigon với những đám người chèo kéo, thậm chí nắm tay, níu áo du khách để bán cho bằng được những món quà lưu niệm rẻ tiền.

Thành ra giải quyết chuyện làm sạch hè phố chỉ là lối giải quyết đầu ngọn mà không phải chuyện nghiên cứu để làm tận gốc, đôi khi thành ra một trò cười, công an dẹp đằng này thì người mua bán chạy đằng kia, khi công an đi rồi thì  đâu lại vào đấy!

Ðể hiện thực hóa ước mơ biến quận 1 Saigon thành “Singapore thu nhỏ” (!) chính quyền mở cuộc chiến đòi vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị. Chỉ không đầy một tháng, trong Quận 1 Saigon, công an đã lập biên bản phạt 875 trường hợp, thu một số tiền gần 500 triệu đồng. Bồn cây, tường gạch, tượng đá còn bị đập bỏ, thì còn nơi  nào cho dân buôn thúng, bán bưng?

Chỉ tiếc là trong hàng chục nghìn trường hợp dân nghèo bị ghì đầu, lôi kéo, tịch thu hàng hoá trên hè phố Việt Nam chưa có ai tự thiêu để chống cường quyền như trường hợp của anh Mohamed Bouazizi ở Sidi Bouzid, một thành phố cách thủ đô Tunis 172 dặm.

Anh Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, có bằng cấp đại học, (không khác gì chuyện VN) nhưng không tìm ra việc làm, anh phải đi bán trái cây dạo và bị công an tịch thu xe bán trái cây vì anh không có giấy phép hành nghề và không có tiền để hối lộ. Quá uất ức, Mohamed Bouazizi đã tự thiêu ngày 17 tháng 12 năm 2010.  Bouazizi  đã hét to khi ngọn lửa đang bốc cháy: -“Chấm dứt nghèo đói, chấm dứt thất nghiệp!”

Cũng tại thành phố này, bốn ngày sau, một người bán hàng rong khác là ông Moncef Ben, 56 tuổi cũng đã tự thiêu. Ðây là tiếng gào thét nói lên nỗi thất vọng cùng cực của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội và ngọn đuốc người đã đốt lên ngọn lửa phẫn nộ của dân chúng Tunisia.

Khắp nơi, Tunisia đã đứng dậy, sinh viên, học sinh, luật sư, ký giả, công đoàn đã biểu tình chống lại nạn thất nghiệp, tham nhũng tràn lan và đời sống đắt đỏ trong suốt 23 năm qua dưới bàn tay sắt của Ben Ali. Trước sức ép dân chúng, sau gần một tháng với nhiều biến loạn tại xứ sở Tunisia, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, 74 tuổi, người có tài sản dự đoán là 5 tỉ Euro đã thoát chạy và xin tị nạn tại vương quốc Saudi Arabia, chấm dứt 23 năm độc quyền cai trị tại xứ này.

Cuộc cách mạng ôn hoà này được mệnh danh là cuộc Cách Mạng Hoa Lài, khởi đầu bằng một cuộc tự thiêu của một người bán hàng rong trên hè phố của thành phố Sidi Bouzid của Tunisia.

Việt Nam hiện nay có những điểm tương đồng, tức là có một chính quyền tham nhũng, độc tài, đàn áp dân chúng, không có tự do dân chủ. Dân chúng Tunisia đã đứng dậy, bao giờ thì đến Việt Nam?

Theo AFP: “Ðó là một sự thở phào nhẹ nhõm cho 100% dân chúng Tunisia. Trong vòng 23 năm qua người dân bị nhốt trong chế độ này, không ai có quyền nói, đó là một chế độ tham nhũng, thối nát, thanh niên có bằng cấp tú tài trở lên không có việc làm đã phải chạy qua Pháp để sống. Chúng tôi đã gào lên trong sự vui mừng và giận dữ. Giận dữ vì gia đình Ben Ali đã ăn cướp tài sản của người dân Tunisia. Dân chúng Tunisia đòi hỏi cái chết của Ben Ali và vợ ông ta!”

Tài sản của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ước tính là 5 tỷ Euro, còn tài sản của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam cỡ Phan Văn Khải, Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Võ Văn Kiệt, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc…cỡ bao nhiêu tỷ đô la?

Hè phố với ngọn lửa cách mạng của Mohamed Bouazizi phải là ngọn lửa của Việt Nam đọa đày, thống khổ từ bao nhiêu năm nay dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam?

https://baotreonline.com/van-hoc/chuyen-doi-thuong/cuoc-cach-mang-phat-xuat-tu-via-he.baotre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét