Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

5134 - Bản tin ngày 2-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Timothy R.Heath của Tổ chức RAND ở Mỹ nhận định về cuộc tập trận kéo dài suốt tháng 3/2021 của TQ ở Biển Đông: “Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận lần này nhằm trả đũa việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh như Pháp để tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông”.
TS James Holmes từ ĐH Hải chiến Mỹ nhận định: “Thông qua cuộc tập trận, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng các cường quốc phương Tây hay Nhật Bản có thể thỉnh thoảng hiện diện tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn luôn ở vùng biển này và ngày càng có nhiều năng lực để đạt được ý muốn. Trung Quốc cho thấy sự hiện diện thường trực ở những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền, nhằm khiến cho các bên trong khu vực e ngại”.

Đáp lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh: Tiết lộ chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc, VOV đưa tin. Chuyên gia Timothy Heath đánh giá, cuộc tập trận vào đầu tháng 2/2021 của nhóm tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower có thể được áp dụng cho những kịch bản tác chiến trên biển khác nhau: “Cuộc tập trận sẽ giúp nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa của Mỹ thông qua việc triển khai lực lượng đặc nhiệm để nhận diện và xác định vị trí các mục tiêu”.

Mời đọc thêm: Biển Đông: Trung Quốc tập trận giữa lúc căng thẳng với Mỹ (PLTP). – Trung Quốc ‘tố ngược’ các nước khác làm tăng căng thẳng Biển Đông (NV). – Biden kêu gọi hỗ trợ vũ khí AI để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga (BBC). – Tuần duyên Đài Loan diễn tập tại Đông Sa giữa căng thẳng với Trung Quốc (TN).

Tin chính trường

Trong buổi họp báo chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP Mai Tiến Dũng lặp lại thông tin, kỳ họp Quốc hội 11 sẽ kiện toàn chức danh lãnh đạo bộ, ngành, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Dũng cho biết: “Trong chương trình nghị sự, ngoài các chương trình khác có vấn đề kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Việc kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước sau Đại hội XIII là việc thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Ông Dũng cũng thừa nhận điều mà người dân bàn tán từ lâu, đó là cơ chế “đảng cử, đảng bầu”, gạt dân ra lề: “Như vậy, chỉ bàn tính đến chỗ nào khuyết, chỗ nào thay đổi. Trách nhiệm của Ban Cán sự đảng Chính phủ là giới thiệu, còn quyết định là thẩm quyền của Bộ Chính trị”.

Cũng trong buổi họp báo này, người phát ngôn Bộ Công an lên tiếng về thông tin nhóm an ninh phụ trách vụ bắt Trịnh Xuân Thanh được khen thưởng. VOV dẫn lời Thiếu tướng Tô Ân Xô: “Khen thưởng cá nhân tham gia phá đại án Trịnh Xuân Thanh là bình thường”.

Ông Xô không nói gì về vụ bắt cóc, mà tấn công các thế lực nào đó, rằng, “vừa qua có một số bức hình không rõ xuất xứ, một số cá nhân, tổ chức, các thế lực chống đối đã thêu dệt lên những câu chuyện, làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh chung của lực lượng công an, của đất nước, gây hiểu lầm. Việc khen thưởng các đơn vị, cá nhân tham gia đại án như vậy là điều hoàn toàn bình thường”.

Trước đó, trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 25/2, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nhận được “câu hỏi khó”, đề nghị làm rõ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nguồn tin của câu hỏi đến từ đài truyền hình Slovakia RTV và nhật báo Taz của Đức, vào ngày 23 và 24/2, nhắc lại rằng chuyên án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Hà Nội mang bí số VT17.

Hôm nay, ông Tô Ân Xô cho rằng “các thế lực chống đối” đã “thêu dệt” nên vụ Trịnh Xuân Thanh, chẳng khác nào ông Xô cho rằng phía Slovakia và Đức là “thế lực chống đối”, mà không sợ tác động xấu đến ngoại giao giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, nói chung.

RFA bàn về diễn biến bầu cử Quốc hội: Tự do ứng cử nhưng phải do Đảng kiểm tra, xét duyệt. Ông Trần Quốc Khánh, một công dân tự ứng cử ĐBQH ở Hà Nội chia sẻ: “Với một tổ chức bầu cử theo nếp cũ như thế này thì khả năng chúng tôi sẽ bị loại thôi. Bởi vì người ta nói người bầu không quan trọng mà quan trọng là người kiểm phiếu”.

Mời đọc thêm: Bộ Công an nói lý do tạm đình chỉ vụ án Công ty Hoàn Cầu và việc khen thưởng vụ án Trịnh Xuân Thanh (BVPL). – Thiếu tướng Tô Ân Xô: Việc khen thưởng các cá nhân có thành tích phá vụ án Trịnh Xuân Thanh là bình thường (Tin Tức). – Kiện toàn chức danh lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành tại kỳ họp Quốc hội thứ 11 (VTC). – Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước (Tin Tức).

Tin nhân quyền

Phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm sẽ bắt đầu thứ Hai tuần sau, ngày 8/3, nhưng thân nhân chưa được thông báo về phiên phúc thẩm vụ Đồng Tâm, RFA đưa tin. Khi được hỏi, đã nhận thông báo từ tòa án chưa, cô Bùi Thị Minh, con gái ông Bùi Viết Hiểu cho biết:

“Chả có ai nhận được (thông báo) trong vụ xét xử Đồng Tâm này đâu. Kể cả lần trước và kể cả lần này, không ai nhận được giấy mời tham dự phiên tòa. Chúng tôi biết được là qua luật sư. Các luật sư thông báo cho gia đình. Các luật sư đều gặp bị cáo của các gia đình, xong rồi luật sư nhắn lại”.
Khi được hỏi về dự định đến phiên tòa phúc thẩm, cô Minh trả lời: “Có chứ. Kể cả không cho vào thì vẫn phải đứng ở ngoài tòa. Vẫn phải đi. Làm sao bỏ được người nhà mình? Chúng tôi mong muốn tất cả người dân Đồng Tâm, không ai phải chịu một án oan nào nữa. Nhưng đấy là mong muốn của gia đình. Còn về mặt pháp luật thì án đã được họ định sẵn rồi. Mình có muốn cũng chẳng được”.

BBC đưa tin: Biểu tình nổ ra khi 47 nhà hoạt động Hong Kong hầu tòa. 47 nhà hoạt động gồm 39 nam, 8 nữ, tuổi từ 23 đến 64, trong số 55 người bị bắt tại các cuộc bố ráp hồi tháng trước. Những người này đã giúp tổ chức một cuộc bầu cử “sơ bộ”, không chính thức, hồi tháng 6/2020, để chọn các ứng viên đối lập cho cuộc bầu cử hội đồng lập pháp lúc đó, nhưng đã bị chính phủ hoãn lại.

Lãnh đạo Trung Quốc và Hong Kong nói rằng, cuộc bầu cử sơ bộ chính là nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ, nên đã cho bắt những nhà hoạt động này và đưa họ ra tòa hôm qua. Hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa án, nơi xử 47 nhà hoạt động này, với cáo buộc âm mưu lật đổ. Cảnh sát nói rằng, đám đông biểu tình hôm 1/3 trước tòa, cũng đang vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”.

Bạo lực tiếp diễn ở Myanmar

Một ngày sau vụ thảm sát người biểu tình ngày 28/2, chính quyền quân phiệt Myanmar ra lệnh không dùng đạn thật với người biểu tình, VnExpress đưa tin. Trong thông báo hôm qua 1/3 của đài phát thanh quân đội Myanmar, chính quyền quân phiệt yêu cầu “cảnh sát không dùng đạn thật với người biểu tình”, sau khi bị quốc tế lên án vụ bạo lực chết người. Nhưng quân đội Myanmar cũng thông báo đã bắt hơn 1.300 người liên quan đến các vụ biểu tình.

Ngay sau khi thông báo trên được phát ra, lực lượng an ninh Myanmar bị tố bắn đạn thật vào người biểu tình, Zing dẫn tin từ AFP. Hôm nay, các nhóm biểu tình tiếp tục tụ tập tại các khu vực khác nhau ở TP Yangon để phản đối đảo chính. Đáp lại, cảnh sát ném lựu đạn choáng để giải tán người biểu tình. AFP dẫn lời nhân viên y tế tại hiện trường cho biết, “lực lượng an ninh Myanmar đã bắn đạn thật vào người biểu tình”.

Người biểu tình ở TP Yangon dựng khiên nhằm đối phó với các biện pháp giải tán người biểu tình của cảnh sát. Ảnh: Reuters/Zing

Có 2 khả năng: 1. Quân đội Myanmar đã ra lệnh không bắn đạn thật nhưng phía cảnh sát không làm theo; 2. Tuyên bố “không dùng đạn thật” chỉ nhằm xoa dịu quốc tế, chính quyền quân phiệt Myanmar vẫn tiếp tục mạnh tay với người biểu tình. Khả năng đầu có lẽ khó xảy ra vì quân đội Myanmar phải nắm chắc lực lượng cảnh sát để quá trình thực hiện đảo chính và hậu đảo chính không xảy ra biến cố ngoài tầm kiểm soát.

Kể cả khi quân đội Myanmar sẽ không dùng đạn thật bắn người biểu tình nữa, trừ một số trường hợp nổ súng do bất tuân thượng lệnh, thì đó cũng không hẳn là tin tốt với người biểu tình Myanmar. Ở VN, lâu nay công an hầu như không dùng đạn thật khi trấn áp biểu tình giữa ban ngày ban mặt, nhưng dùi cui cũng đủ gây chấn thương và các nỗi đau thể xác cho những người biểu tình bị hành hung.

Báo Giáo Dục và Thời Đại có bài: Chảo lửa Myanmar khó hạ nhiệt. Lý do: “Giới quân sự cầm quyền Myanmar chưa có dấu hiệu thỏa hiệp và liên tục dùng các biện pháp mềm như ngắt kết nối Internet lẫn các biện pháp cứng rắn như nổ súng vào người biểu tình và bắt giữ hàng loạt chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, người biểu tình và một số nhà báo”. Hơn 1.300 vụ bắt bớ được công khai, là dấu hiệu cho thấy chính quyền quân phiệt Myanmar dù không nổ súng nhưng vẫn uy hiếp người dân.

Thông Tấn Xã VN đưa tin: ASEAN họp trực tuyến cấp bộ trưởng thảo luận về tình hình Myanmar. Bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN họp trực tuyến, trong đó có cả ông Wunna Maung Lwin, quan chức vừa được quân đội Myanmar chỉ định làm bộ trưởng ngoại giao. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là đồng thuận và không can thiệp, nhưng vẫn sẽ “hỗ trợ để đưa Myanmar trở lại trạng thái hòa bình và ổn định”.

Trong lúc các ngoại trưởng ASEAN họp bàn tình hình Myanmar: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu, VTC đưa tin. Ông Phạm Bình Minh nhận định, “tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực”. Ông Minh kêu gọi, “các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường”.

Tin nước Mỹ

VnExpress đưa tin: Trump khen cuộc biểu tình trước khi nổ ra bạo loạn Đồi Capitol. Trong cuộc phỏng vấn ngày 28/2 với đài Fox News, khi được hỏi, liệu ông có hiểu mức độ tồi tệ của vụ bạo động đồi Capitol và có muốn thay đổi điều gì trong ngày 6/1 hay không, ông Trump lại khen đám đông ủng hộ ông:

“Đó là cuộc biểu tình quy mô lớn với rất nhiều người. Không phải tòa nhà quốc hội, tôi đang nhắc tới cuộc biểu tình của người ủng hộ. Đó là lễ hội yêu thương, là một điều tuyệt đẹp”. Ông Trump còn… đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vì không bảo đảm an ninh. Ông Trump nói như thể đám đông tụ tập ủng hộ ông vào ngày 6/1 và đám người xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngay sau đó là hai nhóm người khác nhau.

Trước đó, vào ngày 5/2, Thượng viện Mỹ đã tha bổng cho ông Trump, sau khi ông suýt bị luận tội lần 2. Ngày 28/2, ông Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), tiếp tục đưa ra những phát biểu vô căn cứ, công kích Tổng thống Biden và những người Cộng hòa mà ông Trump cho là “phản bội”.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã kết thúc nhưng những kẻ cực đoan ủng hộ ông ta vẫn còn nhiều ở Mỹ. Cho nên ông Trump mới thoát luận tội lần nữa, sau đó ngang nhiên nói vụ bạo động đồi Capitol là “lễ hội yêu thương”, “một điều tuyệt đẹp” dù đó là sự kiện kinh hoàng chưa từng có tiền lệ, tấn công vào biểu tượng dân chủ của Mỹ.

VOA dẫn tin từ AP: Giám đốc FBI điều trần về chủ nghĩa cực đoan và vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Ông Chris Wray, Giám đốc FBI sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm nay. Đây là lần đầu tiên kể từ vụ bạo động chết người xảy ra ngày 6/1 tại Điện Capitol, “với nhiều khả năng các nhà lập pháp sẽ chất vấn ông về việc liệu FBI có liên lạc đầy đủ với các cơ quan thực thi pháp luật khác về khả năng xảy ra bạo loạn ngày hôm đó hay không”.

VietNamNet đưa tin: Lộ tin vợ chồng ông Trump tiêm ngừa Covid-19 khi còn tại nhiệm. Thông tin này do chính cố vấn của cựu Tổng thống Trump tiết lộ với báo The New York Times ngày 1/3, một ngày sau khi ông Trump xuất hiện tại hội nghị chính trị CPAC. Vậy mà ông Trump từng tuyên bố dịch Covid-19 chỉ là “tin vịt” (hoax) do phía Dân chủ tung ra.

GĐ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ lo biến chủng nCoV làm ‘mất tất cả’, VnExpress đưa tin. Bà Rochelle Walensky cảnh báo: “Hãy nghe rõ điều tôi nói: Nếu biến chủng mới lây lan với số ca nhiễm hiện nay, chúng ta sẽ hoàn toàn đánh mất nền tảng khó khăn lắm mới đạt được… Tôi thật sự lo lắng về các thông tin rằng nhiều bang đang đảo ngược các biện pháp y tế công cộng mà chúng tôi đã khuyến nghị nhằm bảo vệ người dân khỏi đại dịch”.

https://baotiengdan.com/2021/03/02/ban-tin-ngay-2-3-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét