- Tina Hà Giang
- BBC News Tiếng Việt
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chiều Thứ Bảy cách đây vài tuần, khi xuống cổng chung cư đón xe ôm, tôi thấy một thiếu nữ trẻ ôm đứa con nhỏ, đứng rù rì bên các tài xế mặc đồng phục màu cam đang ngồi trên những chiếc xe gắn máy, xếp thành hàng dọc dài chờ khách.
Khi tôi bước đến gần chiếc xe đầu tiên, anh tài xế quen thay vì tách xe ra khỏi hàng để đón khách như thường lệ, hất mặt, đưa tay chỉ ra phía xa, nói một tràng tiếng Thái tôi không hiểu.
Nhìn theo hướng chỉ, tôi thấy chàng trai trẻ trên chiếc gắn máy đậu xa xe của các tài xế mặc đồng phục.
Thấy tôi, chàng trai lái xe đến gần, và khi người tài xế quen gật đầu khuyến khích, tôi chợt hiểu là anh muốn nhường khách cho thanh niên mặc thường phục này.
Giá cuốc xe từ nhà ra bến BTS là 15 bahts (khoảng 11 ngàn đồng). Theo thói quen, tôi trả tiền trước.
Chàng trẻ dáng thư sinh ngập ngừng cầm tờ giấy 20 bahts đưa cho phụ nữ ôm con. Nhìn cô loay hoay tìm 5 bahts thối lại, tôi đoán họ là vợ chồng, và chắc đang túng thiếu, nên cô vợ ôm con đến xin những tài xế motorbike chuyên nghiệp kia cho chồng đón khách.
Ở Thái Lan, tài xế xe ôm phải có giấy phép và mặc đồng phục áo có đánh số mới được hành nghề. Tài xế bất đắc dĩ của tôi chắc lo cảnh sát để ý nên lái hơi chậm hơn những xe khác.
Nhìn anh, tôi nghĩ đến tin một người đàn ông quẫn bách vì Covid kéo dài, tuyệt vọng nhảy lầu tự vận, sau khi đã phải đóng cửa nhà hàng vay nợ để xây xong chưa được bao lâu, mà báo chí địa phương đã đăng cách đây mấy tháng.
Không biết hôm nay anh chạy được mấy cuốc xe. Và ngày mai sẽ ra sao?
Khi đất du lịch phải cấm du lịch
Thật khó hình dung ra sinh hoạt của Bangkok, thành phố tự hào có số khách du lịch lớn nhất thế giới mà không có du lịch.
Hình ảnh du khách du ôm lấy từng nhà hàng, từng cửa tiệm của Bangkok. Bước chân du khách khua vang trên từng vỉa hè khuất nẻo của Bangkok. Tiếng xí xố của du khách làm huyên náo những ngôi chùa thanh tịnh nhất Bangkok. Hơi thở du khách tạo ra nhịp sống tưng bừng độc đáo của Bangkok, và Chiang Mai, Phuket, Koh Samui, Krabi, và còn biết bao nhiêu thành phố sống nhờ du lịch nữa của Thái Lan.
Theo số liệu của Statista, năm 2019, xứ Chùa Vàng đón gần 40 triệu khách nước ngoài, gần một phần ba trong số này đến từ Trung Quốc. Bộ du lịch Thái Lan dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi năm 2030.
Ước lượng ấy khiến sinh viên học ngành Hospitality Management mặt từng rạng ngời hy vọng cho viễn ảnh tương lai.
Nhưng đó là trước khi đại dịch ập đến.
Tại chung cư đông dân expats tôi ở, từ tháng Tám 2020, 25% số người thuê đã trả nhà. Họ hoặc đã về nước, hoặc đi tìm chỗ ở rẻ hơn, vì mọi nơi đều đang giảm gía, và thu nhập của chính họ cũng sút giảm.
Một thanh niên người Thái làm việc tại văn phòng tiếp tân của chung cư có lần hỏi tôi xem có cần người làm vệ sinh apartment thường xuyên hơn không, để giúp cô em gái mới bị cho nghỉ việc vì vắng khách.
Cảnh tài xế xe ôm trước qua lại như con thoi trên đường phố Bangkok, giờ nhường chỗ cho những khuôn mặt lo âu ngáp dài chờ khách ở những khu phố vắng hoe với hàng dẫy cửa hàng đóng kín cửa.
Chưa có số liệu chính thức nào về những người Thái sống nhờ du lịch lâm cảnh khốn cùng.
Nhưng nhìn đâu cũng thấy dấu hiệu đại dịch đã làm đột quỵ nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào du lịch quốc tế, kỹ nghệ đóng góp khoảng 12% cho kinh tế nước này.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, số khách du lịch nước ngoài chỉ ở mức dưới bảy triệu. Thái Lan hoàn toàn đóng cửa biên giới trong suốt hơn ba tháng. Và dù đã thử nghiệm với việc mở cửa từ từ, số khách nước ngoài vào Thái kể từ quý thứ hai xem như không có gì.
Hàng triệu dân địa phương và lao động nhập cư tại Thái Lan, sau nhiều tháng thu nhập bấp bênh, hoặc thậm chí không có tí thu nhập nào, đã bị đẩy sát đến bờ vực đói khổ.
Cái khổ, nếu khiến người ta quá tuyệt vọng phải đi tìm cái chết như ông chủ nhà hàng xấu số kia, thì cũng cho nạn nhân có cái nhìn và thái độ sống rất hiền và rất 'thiền'' như một số người tôi có cơ duyên gặp được trong những ngày rong chơi trên đất Thái thời Covid.
'Còn được sống là vui rồi'
Đó là câu nói của Teak, một người bản địa tôi gặp tại tỉnh Krabi vào đầu tháng 1/2021.
Krabi, ở bờ biển phía tây phía nam Thái Lan, nổi tiếng có cảnh đẹp với những vách đá vôi cheo leo, hiểm trở, và hơn một trăm hòn đảo xa bờ.
Teak sống tại hòn đảo gần Railay Beach, bãi biển đẹp nhất của Krabi, kiếm ăn bằng nghề cho khách du lịch thuê thuyền chèo Kayak.
Hôm ấy lang thang trên bãi, biển xanh và gió lặng khiến tôi nổi hứng muốn chèo thuyền.
Đang định tìm một dịch vụ để đặt chỗ, tôi bỗng thấy một chàng trai mình trần, gầy nhưng bắp thịt cuồn cuộn, da nâu bóng như đồng, tóc dài hoang dại, đang cong mình kéo chiếc Kayak màu đỏ từ biển vào bãi cát.
-Đi Kayak không? Thấy tôi tần ngần nhìn, Teak cất tiếng.
-Có. Nhưng đi ngay bây giờ được không? Tôi trả lời.
-Được. 200 bahts một giờ. Teak ra giá.
-Chúng tôi hai người, mà sợ lật thuyền lắm, anh đi theo chèo hộ nhé?
-Why not? Teak nhún vai rất nghệ sĩ.
Dịch vụ đòi chúng tôi phải trả thêm 300 bahts một giờ nếu cần người chèo thuyền đi cùng. Nhưng Teak chẳng thèm đòi thêm đồng nào.
Khi loay hoay ngồi xuống thuyền, tôi mới để ý thấy chiếc quần Jean bạc mầu Teak đang mặc có vài chỗ rách.
Teak có vẻ để ý đến cô bạn tôi, nói 'tôi thấy cô ở quán rượu tối qua'.
- Anh có bạn gái chưa? Cô bạn hỏi.
-Muốn có lắm. Nhưng chưa bao giờ. Teak trả lời, rồi thêm: Chẳng biết tại sao.
-Covid, chắc rất ít khách du lịch? Tôi bắt chuyện.
-Không phải ít, mà không có khách! Teak nói, tiếng Anh khá sõi.
-Tiếng Anh của anh tốt quá. Tôi buột miệng.
-Phải học. Tôi cho khách du lịch chèo thuyền ở đây đã sáu năm.
-Không có khách, anh làm gì thêm để sống?
-Tuần này lễ Giáng Sinh thì còn có vài người. Tuần sau chắc không có ai.
Vừa chèo thuyền đưa chúng tôi qua khe những hang đá vôi để ngắm cảnh, Teak vừa giải thích:
-Krabi mới mở cửa lại đây thôi. Tám tháng liên tiếp đâu có ai đến.
-Có khách hay không thì tôi cũng sống nhờ cái Kayak này. Không tiền thì chèo Kayak đi câu. Anh tâm sự.
Teak kể sau khi hết tiền để dành, anh nhiều tháng chỉ sống nhờ những gì câu được quanh vùng biển này.
Nhiều khi cả ngày chỉ câu được vài con mực ống to bằng bàn tay, và đó là thức ăn cả ngày. Anh nói.
Hỏi có buồn không và anh tính sẽ làm gì nếu tình trạng này kéo dài, Teak bâng quơ ngâm nga câu hát của Bobby McFerrin:
-Don't worry. Be happy... (Đừng lo lắng. Hãy cứ vui).
Rồi chép miệng:
-Tôi cũng không có nhiều nhu cầu lắm. Người ta sống được mình sống được.
-Nhiều người đã chết vì Covid. Tôi còn được sống thì vui sống thôi.
'Cho bạn xem nét đẹp Thái Lan'
Ở Krabi thêm vài ngày, chúng tôi mò ra được Phra Nang Beach, phía Đông của bãi Railay. Biển vắng vì đường đến đây phải qua một bãi đá gập ghềnh, và khi thủy triều dâng cao thì nước lên đến bụng, rất khó đi.
Quyết tâm lắm mới ra được bãi, chúng tôi nằm soài trên bãi cát của bờ biển thanh tịnh như của riêng mình chưa được bao lâu, trời bỗng đổ mưa.
May sao hai nhân viên mặc đồng phục của Department of National Park (DNP) gần đó gọi chúng tôi vào lều canh của họ trú cho khỏi ướt.
Câu chuyện giữa hai chàng bảo vệ rừng người Thái và hai phụ nữ người Việt càng lúc càng dòn, dù tiếng Anh của họ rất giới hạn, còn tiếng Thái của chúng tôi hầu như không có. Nổi hứng một chàng lấy điện thoại ra khoe khúc phim ngắn chiếu đoạn đường âm u từ lòng một hang đá dẫn ra cảnh biển xanh bát ngát và núi đá sừng sững ở chân trời.-Tuyệt vời. Cô bạn tôi suýt soa.
-Bat Cave (Hang Dơi). Chàng trông có vẻ là sếp, nói.
-Thái Lan nhiều cảnh đẹp quá. Tôi chen vào.
-Muốn tụi tôi dẫn đi coi không? Anh đề nghị.
Đúng hẹn, sáng hôm sau tại lều của Department of National Park, hai chàng mặc đồng phục hôm qua xuất hiện, mang theo một chàng thứ ba, cũng là người của DNP, nói để ''phục vụ tốt hơn.''
Để vào được bên trong Hang Dơi chúng tôi phải leo lên núi đá rất cheo leo, trời mưa khiến đất trơn trợt, không cẩn thận là ngã như chơi. Ngoài một chỗ có thang, và dây thừng để bám vào, đường đi hiểm trở. Không có họ toát mồ hôi giúp, chắc chắn chúng tôi không thể nào lên được đỉnh hang.
Lên đến cửa hang, biển xanh ngút mắt và vách núi sừng sững hớp hồn, chúng tôi quên cả sợ và mệt.
Một chàng, có vẻ là nhiếp ảnh gia của nhóm, bắt mọi người đứng đúng vào chỗ anh đã nhắm trước, để chụp bằng được những tấm hình anh vừa ý.
Trở về lều gác, trước khi chia tay tôi hỏi thù lao bao nhiêu, chàng trưởng đoàn, mặt còn rịn mồ hôi, lắc đầu.
Miễn phí. Anh nói.
Khách là bạn. Cho bạn xem nét đẹp của Thái Lan thôi. Chàng nhiếp ảnh gia chen vào.
Tôi lấy ra tờ giấy 500 bahts, nói thôi biếu để các anh dẫn nhau đi uống bia.
Không uống trong giờ làm việc. Hahaha. Anh sếp lại xua tay, cười.
Vậy thì chúng ta tối nay đi ăn tối nhé. Tụi tôi mời. Tôi đề nghị.
Thấy họ nhìn nhau ngần ngại, tôi cả quyết. Chúng ta là bạn. Đúng không?
Ở một nơi ai cũng quen nhau
Bữa ăn tối tại nhà hàng của một khách sạn trên bãi Railay đơn giản. Chỉ hai trong ba chàng bảo vệ rừng có mặt. Họ ý tứ mỗi người chỉ gọi đĩa cơm chiên tôm để chúng tôi đỡ tốn tiền.
Một chàng xua tay khi tôi nhắc gọi bia uống đi.
Chốc ăn xong mình vào quán rượu trong xóm, vui và rẻ hơn nhiều.
Đánh bạo, tôi hỏi lương chàng nhiếp ảnh gia bao nhiêu một tháng.
Lúc này thì 10,000 bahts. Bị giảm vì Covid. Anh nói.
Trước Covid bao nhiêu? Tôi hỏi.
20,000 bahts. Giảm 50%
Anh trông có vẻ sếp cho biết lương anh trước đó 28,000 bahts, nhưng lúc này cũng chỉ 10,000 bahts, giảm hơn 50%
Nhìn cô bạn tôi nhăn mặt, anh nói thêm:
Nhưng chúng tôi ở trong trại. Chính phủ bao tiền nhà, cả điện nước, ăn cũng ở trại, không tốn tiền, cũng đỡ.
Được hỏi bị bớt nhiều lương thế có buồn chán không, chàng 'nhiếp ảnh gia' lắc đầu nói chúng tôi còn hơn rất nhiều người.
Chính phủ cần tiền để giúp những người mất việc vì Covid. Chàng 'sếp' giải thích, và nói thêm: 'Người sống nhờ du lịch giờ căng lắm.'
Người không có việc còn được chính phủ giúp không? Tôi hỏi.
Chỉ giúp mỗi đợt đầu thôi. Chàng sếp bảo vệ rừng trả lời.
Quán rượu họ dẫn đi chính là quán mà trong lúc thám hiểm xóm biển đêm đầu tiên đến đây, chúng tôi đã bị tiếng nhạc kéo vào.
Quán có không khí hippy của những thập niên 1960 và 1970. Giữa sân khấu là bức chân dung phóng lớn của Bob Marley. Hình như Bob Marley là thần tượng của những người quanh đây.
Vừa ngồi xuống chiếu, chưa kịp gọi thức uống, nhân viên của quán, những chàng trai của thời hippy đã ùa đến chào hai chàng bảo vệ. Họ cùng có kiểu tóc dài, và đặc biệt ai cũng nói tiếng Anh khá. Bỗng không biết ở đâu ra, Teak xuất hiện, tay bắt mặt mừng với nhóm và nhập cuộc. Giữa họ có sự thân thiết của những người bạn thâm giao.
Ngồi một lúc, Teak chạy vụt lên lầu, rồi vài phút sau lại thấy anh chạy xuống, tóc ướt như vừa mới tắm, rồi một người khác chạy lên. Có lúc lại thấy xuất hiện cả cậu bé khoảng 5, 6 tuổi, tự nhiên như đây là nhà của mình.
Hóa ra tầng lầu của quán rượu là chỗ ở của một số người đang gặp khó khăn trong xóm biển này, xúm lại với nhau sống cho qua đại dịch.
Và xóm biển này là một nơi ai cũng quen nhau, một cộng đồng, một xã hội dân sự, nơi người dân tự tổ chức để lo cho nhau, điền vào chỗ trống chính phủ không thể lấp đầy.
Tôi được cho biết ở Thái có nhiều nhóm dân tự tổ chức và tự cứu nhau như vậy. Đặc biệt, họ không bị cảnh sát hay chính quyền can thiệp, như ở một số nơi nhà nước nhìn xã hội dân sự với đôi mắt đầy ác cảm.
Chúng ta hay băn khoăn là bao giờ mới hết đại dịch, và sau đó thế giới có trở lại như cũ không, hay sẽ có một bình thường mới.
Những người Thái tôi đã gặp này giúp tôi tin rằng Covid có lẽ đã cho con người cơ hội sống chậm lại, bớt đuổi theo nhu cầu, và biết tự đùm bọc nhau cho qua thời gian khốn khó.
Nếu đó là bình thường mới, thì đó là một bình thường nên có.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-56165142
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét