Thanh Trúc
Việt Nam ký kết Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP tại hội nghị cấp cao ASEAN 37 ở Hà Nội hôm 15/11/2020. Đây là hiệp định giao thương tự do lớn nhất thế giới do Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm 10 quốc gia ASEAN cộng thêm Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia và New Zealand, với GDP toàn bộ 15 nước hơn 26 nghìn tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, chưa kể bao phủ 1/3 dân số toàn cầu.
Ngay khi đó Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả thị trường, đưa ra nhận định ban đầu:
“Việt Nam mở ra với RCEP mà người chơi chính ở đây là Trung Quốc.Chắc chắn khi tham gia một thị trường rất lớn sẽ giúp Việt Nam cân bằng kinh tế đối ngoại, giảm thiểu rủi ro vào khi độ mở kinh tế của Việt Nam đang quá lớn”.
Vào ngày 24/2 vừa qua, trang mạng TheStar có bài thể hiện ý kiến các hiệp hội nông nghiệp trong nước, cho rằng RCEP là cơ hội quá tốt cho lúa gạo, hoa quả, rau trái…những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trang mạng TheStar trích dẫn lời ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp Hội Canh Tác Việt Nam, rằng RCEP là động lực cho đất nước bước vào thị trường rộng lớn nhất thế giới, cũng là cơ hội để Việt Nam thăng tiến năng lực cạnh tranh.
Ông nói, với 29% GDP toàn cầu, bên cạnh 2,2 tỷ dân số tham gia, RCEP là viễn cảnh hứa hẹn của nông sản xuất khẩu Việt Nam do mức cầu nông sản lẫn thực phẩm chế biến từ nông sản ngày càng tăng cao phía các nước thành viên trong khối.
Những quốc gia này, theo ông Lê Duy Minh, có qui định và tiêu chuẩn xuất nhập khẩu giống nhau, chưa kể giá biểu thuế quan hạ, mở ra cơ hội buôn bán với Trung Quốc qua các lãnh vực mới về giao dịch, tài chính, cung ứng và thương mại điện tử.
Người thứ hai, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp Hội Trái Cây và Rau Quả Việt Nam, được trang TheStar trích dẫn rằng RCEP sẽ làm tăng lượng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, vốn đã và đang là thị trường tầm cỡ của Việt Nam.
Ông nói RCEP sẽ giảm mức thuế đánh trên ít nhất 64 mặt hàng nông sản, và trong vòng 15 đến 20 năm tới, Việt Nam cũng sẽ xóa 89,6% giá biểu thuế quan, đổi lại, các nước lân bang trong RCEP giảm đến 92% thuế đối với nông sản nhập từ Việt Nam.
Người thứ ba, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu VinaT&T, ông Nguyễn Đình Tùng, tin rằng RCEP là cầu nối các nước liên quan đến nông sản xuất khẩu của mình.
Với doanh nhân này, phải nhìn RCEP như cơ hội để nông dân nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cung ứng, duy trì sức cạnh tranh. Đây là thách thức đáng kể không chỉ đối với thị trường bên ngoài mà cả thị trường nội địa.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nông dân Việt chưa học được gì từ RCEP như đã học được từ Hiệp định Tự do Thương mại với EU (EVFTA), vì thế không nên quá lạc quan về hiệp định thương mại mới ký này:
“Việt Nam hiện vẫn còn vướng “đèn vàng” với Châu Âu về đánh bắt thủy sản. Khi mà RCEP chưa phát huy được tác dụng, chưa chứng minh được gì nhiều thì chưa thể lường trước được kể cả những thuận lợi cũng như những khó khăn, đặc biệt đối với các thị trường không có gì là quá mới mẻ đối với Việt Nam”.
Còn theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS của Singapore, cũng là chuyên gia về Việt Nam, dù RCEP đã được ký nhưng phải chờ Quốc Hội các nước thông qua và khi đó mới có thể nhận định một cách cụ thể:
“Phê chuẩn lâu nhất là mấy nước trong ASEAN này. Người ta nói khoảng 3 năm, tôi cũng thấy là khoảng 3 năm, Quốc Hội các nước mới phê chuẩn hết thì sẽ thấy cái lạc quan của những người này không đúng”
“Nội dung của RCEP cho thấy giảm thuế, mở cửa thị trường của các nước, nhưng nhìn vào thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Trung Quốc nhập ít mà xuất nhiều, thế nên các nước trong đó có Việt Nam phải hết sức cẩn thận, nhập nhiều hơn xuất thì khổ”.
Một điểm không hay khác của RCEP được tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra:
“RCEP này là một hiệp định mở rộng thương mại theo kiểu cũ, không chú ý đến các điều kiện để từng nước một khi tham gia phải tự đổi mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Việt Nam hoặc những nước khác phải có chính sách của chính phủ để giúp nông dân và những nhà sản xuất có thể làm tốt hơn. Tóm lại không nên dựa vào những lời lạc quan tếu và không có cơ sở”
“Tham gia RCEP cũng tốt nhưng Việt Nam còn tham gia nhiều cái khác.Quan trọng nhất gần đây là CPTPP, không có Trung Quốc trong đó mà nó đòi hỏi Việt Nam phải sửa lại thị trường, sửa đổi năng lực sản xuất cũng như qui chuẩn về thuế quan. Cái nữa là EVFTA và thứ ba là UKVFTA (Hiệp định tự do thương mại với Anh) Việt Nam đã ký với Anh Quốc”.
Nội dung của RCEP cho thấy giảm thuế, mở cửa thị trường của các nước, nhưng nhìn vào thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Trung Quốc nhập ít mà xuất nhiều, thế nên các nước trong đó có Việt Nam phải hết sức cẩn thận, nhập nhiều hơn xuất thì khổ. - TS Hà Hoàng Hợp
Đó là những động lực giúp Việt Nam tự cải tiến, chuyên gia Hà Hoàng Hợp nói tiếp, không thể chỉ chăm bẵm vào RCEP dù rằng tham gia hiệp định này cũng có mặt tốt của nó.
Không thể dựa vào lượng nông sản xuất khẩu tăng cao để dự kiến một cách lạc quan khi vào RCEP, là khẳng định của chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, Đại Học Nam Cần Thơ:
“Đại dịch COVID-19 đưa tới việc nhiều nước không sản xuất đủ nông sản hay lương thực mà họ cần. Phải nói thiếu nhiều nhất là Trung Quốc vì dân của họ nhiều quá. Kế đó là Philippines, Indonesia, Malaysia. Việc tăng lượng xuất khẩu lương thực là do nhu cầu của các nước tăng lên”
“Việt Nam dù có bị biến đổi khí hậu nhưng cái may mắn là những lúc mình cần mưa thì có mưa, những lúc lúa đã trổ rồi và mình không cần mưa thì không có mưa, thành ra lúa của mình có sản lượng cao và chất lượng tốt, thỏa mãn được nhu cầu trong nước và còn dư trên 6,2 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Trái cây cũng thế, con tôm con cá cũng thế, đều tăng lượng xuất khẩu hết”.
Về dự báo là RCEP Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực sẽ giúp nâng lượng nông sản xuất sang Trung Quốc, rằng lợi tức của nông dân và doanh nghiệp sẽ theo đó mà tăng lên, giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng đừng vội mừng vì Trung Quốc trước giờ là một thị trường khó gỡ đối với nông sản nhập từ Việt Nam:
“Thực sự mình xuất hàng cho Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. Xuất cho Trung Quốc thì vừa không nhiều vừa không được giá cao. Trung Quốc khi muốn mua thì mở cửa, khi không mua thì viện lý do nọ kia để đóng cửa, cả ngàn xe container nông sản ra tới biên giới cứ nằm đó mà chờ. Cách đây 3 ngày, thủ tướng Việt Nam phải kêu gọi thì Trung Quốc mới mở cửa biên giới”.
Vẫn lời Giáo sư Võ Tòng Xuân, FAO tức Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, từng cảnh báo là lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới có dấu hiệu giảm sút đáng ngại, nhờ đó sản lương nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tăng cao là thực tế hiển nhiên chứ không phải nhờ RCEP, đặc biệt khi hiệp định mới ký này chưa tác động và chưa mang lợi ích cho nông dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam:
“Tác động lớn nhất và thấy rõ nhất là EVFTA. Từ khi có EVFTA thì rõ ràng nông dân và doanh nghiệp phải hết sức chú ý truy nguyên nguồn gốc và chất lượng sạch, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, không dùng hoặc rất ít dùng phân bón hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật”
“Với cách làm đó thì bên Châu Âu bằng lòng mua giá cao hơn, nhưng trong thực tế người tiêu dùng Việt Nam hưởng lợi. Thay vì trước kia cứ ăn đồ không sạch thì bây giờ sản xuất không sạch bớt trên 50% rồi. Tuy đầu tư thấp hơn vì không dùng nhiều chất hóa học nhưng sản phẩm làm ra thì giá cao hơn, do đó nông dân giàu hơn”.
“Doanh nghiệp thì rất sợ hàng xuất đi mà bị trả về, cho nên chính doanh nghiệp cũng như nông dân phải đảm bảo qui trình sạch, để khi giao hàng thì doanh nghiệp có thể sản xuất hàng có chất lượng và không có hóa chất”.
Kỳ vọng về RCEP mà doanh nhân điều hành các hiệp hội nông sản xuất khẩu đưa ra trên mạng báo TheStar là không thực tế.
Có chăng nếu RCEP hứa hẹn mua nhiều sản phẩm của Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam sản xuất theo qui trình sạch, an toàn và chất lượng, lúc đó mới có thể nói Việt Nam được hưởng lợi từ RCEP như thế nào, Giáo sư Võ Tòng Xuân kết luận.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-rcep-bring-opportunities-to-vn-exports-02262021105750.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét