Viết Từ Sài Gòn (Blog RFA)
Tôi vốn không quan tâm mấy đến cái gọi là Hội Nhà Văn Việt Nam này, chắc chắn là vậy. Bạn tôi, anh em cầm bút, chiến hữu tôi, cũng có nhiều người trong hội đó, có người còn chọn cách trèo cao, luồn sâu để mong thay đổi được một thứ gì đó trong hội.
Đặc biệt, nhân vật tân chủ tịch hội bây giờ cũng là bạn tôi, khá cởi mở trong quan niệm viết và theo như anh nói thì đã nhiều lần lên tiếng, khuyên nên có tự do báo chí. Không biết khi lên đến chỗ ghế này rồi, anh có còn giữ quan điểm này hay không, e khó nói, mà cũng khó đoán! Vấn đề tôi muốn nói ở đây là nói về một cái chợ, chứ không phải cái hội.
Nói nghiêm túc, Hội Nhà Văn Việt Nam trong gần hai mươi năm nay, nó giống cái chợ hơn cái hội. Bởi trong một cái hội, đặc biệt là hội nhà nước, nó không thể có những động thái và hành trạng của cái chợ, ngược lại, trong một cái chợ, không khí của nó không thể là không khí của một cái hội. Rất tiếc, không khí của Hội Nhà Văn Việt Nam lại mang mọi sắc thái của cái chợ. Từ việc trình tác phẩm, cơ chế xin-cho phép ấn loát, ăn chặn tiền in ấn, xin xỏ tiền trợ cấp nhà nước cho đến ăn tiền của hội viên mới, nghĩa là muốn được giới thiệu vào hội, ngoài các tác phẩm, phải có tiền lót đường để vào hội. Vào một cái hội giống như cái chợ như vậy, sao lại có nhiều người cầm bút muốn vào?
Xin thưa, bởi nhiều người cầm bút này, họ cũng thích không khí kẻ chợ, viết chỉ là cái cớ để thăng tiến, với tiêu chuẩn được in bao nhiêu tác phẩm, có hội viên cũ giới thiệu thì được kết nạp… Những kiểu tiêu chuẩn này thì bất kỳ ông già về hưu nào cũng có thể vào được, nếu không có khả năng viết thì thuê người viết, thuê người giới thiệu, ngày xưa có Vũ Khiêu, chuyên viết và giới thiệu, sau này thì có nhiều hơn nhưng không oanh tạc kiểu như Vũ Khiêu. Và sở dĩ người ta ham hố, muốn vào cái chợ ấy bởi nó có quá nhiều quyền lợi cho họ, nghe thì đơn giản, thậm chí có gì đó hèn hẹ, thê thảm, nhưng người ta vẫn muốn vào.
Như một nhà thơ, hiện là giám đốc một nhà xuất bản ở miền Trung, chia sẻ: “Vào hội thì mình được rất nhiều quyền lợi, ví dụ như tiền trợ cấp sáng tác hằng năm, rồi mình có đi chơi tỉnh khác, mình chỉ cần tới cơ quan hội của tỉnh đó, trình thẻ hội viên nhà văn Việt Nam thì mình được cấp cho phòng ngủ ngon lành, được quan chức họ mời đi ăn, thậm chí phải bưng bê mình một chút để mình viết bài về tỉnh họ. Nói chung là nhiều quyền lợi lắm! Do vậy mà người ta mới cố gắng vào phân hội của tỉnh, được khá nhiều quyền lợi ở cấp này, sau đó, vào thẳng hội trung ương thì được thêm lần có ăn nữa!”
Đương nhiên không phải ai vào hội cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, chuyện đi lại đỡ tốn tiền như ông bạn nhà thơ này. Bạn tôi cũng không thiếu người là hội viên trung ương, họ cũng có lòng tự trọng, cũng tự bỏ tiền túi mà mời bạn bè, anh em, thuê khách sạn… Và họ cũng ước mơ làm nên một thứ gì đó làm thay đổi bộ mặt văn học Việt Nam. Nhưng có vẻ như họ bất lực, bó tay!
Họ bất lực bởi khi bước vào chợ thì phải sống theo cách của người kẻ chợ, phải biết kỳ kèo bớt một thêm hai, phải biết xài tiền lẻ và cất cái gọi là lương tri hay lòng tự trọng vào một chỗ nào đó thật kín đáo. Bởi vào chợ chẳng ai dại mà mang vàng ra mua rau, việc cất lương tri và lòng tự trọng, tính trung thực của một người cầm bút vào chỗ thật kín đáo cũng giống như biết giấu vàng khi vào chợ.
Hầu hết khi bước vào hội, họ là những người cầm bút, chắc chắn vậy rồi! Nhưng họ phải biết là mình đang bước vào một cái chợ, mà ở đó, mọi quy luật về mua bán đều không tùy thuộc vào tài năng, tác phẩm hay nỗi thao thức vì văn chương, mà ở đó, tính giảo hoạt, sự vâng phục trước đảng cầm quyền, nhất nhất biến mình thành kẻ “ăn cơm chúa múa tối ngày” (chúa ở đây chính là trung ương đảng, kẻ ban bố cho họ thức ăn, quyền được viết và chỉ đạo cho họ nên viết, được viết cái gì, viết cho ai…).
Với một tâm thế như vậy, trong một sinh quyển hoạt động như vậy, chắc chắn rằng các hội viên sẽ không bao giờ thoát khỏi tư thế luồn cúi trước quyền lực. Mà hình như trước khi bước vào đây, họ buộc lòng hoặc rất muốn chọn tâm thế này rồi.
Và câu chuyện trở nên sôi nổi trong bầu bán chức vị ở Hội Nhà Văn mấy ngày nay, thực ra là nó vốn vậy mấy chục năm nay rồi. Nhưng năm nay, dường như mọi sự trở nên khác thường bởi vì mọi thứ được rò rỉ ra mạng xã hội nhiều hơn, và người quan tâm đến hội này cũng nhiều hơn.
Xin nói rõ là người ta không quan tâm vì nó cho ra lò nhiều tác phẩm, góp phần vào sự nghiệp làm đẹp tâm hồn con người mà người ta quan tâm bởi mức độ bôi bẩn tâm hồn con người ngày càng trầm trọng và đặc biệt là nó làm ảnh hưởng đến tiền thuế của nhân dân quá cao.
Mỗi năm, số tiền rót cho Hội Nhà Văn Việt Nam hoạt động lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có các hạng mục xây dựng cơ quan, đầu tư sáng tác, tài trợ ấn loát, tổ chức trại sáng tác, tổ chức giải… Đó là chưa nói đến các tỉnh phải tốn kém quỹ đất để xây dựng cơ quan phân hội, chưa xây xong đã đập xây lại… Toàn những hành trạng rửa tiền. Tốn thì nhiều nhưng tác phẩm, may mắn lắm mới có thể nói được rằng “chẳng có bao nhiêu.”
Trong suốt hơn ba chục năm nay, số lượng tác phẩm đọc được từ Hội Nhà Văn, tôi dám khẳng định là đếm không tới mười đầu ngón tay! Còn lại thì in, mang đi cho, tặng, ký gửi… Nhưng ngay cả người nhận cũng thấy mệt vì phải nhận mấy cuốn sách viết lằng chằng chẳng đâu vào đâu này! Như vậy, nói cho cùng, sở dĩ cái hội này tồn tại được, lý do tồn tại của nó vẫn là cơ quan tuyên truyền số một của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó sinh ra nhằm quy tụ các cây bút về một chỗ để “ăn cơm chúa múa tối ngày.”
Chính vì những mục tiêu và mục đích tồn tại rất chợ búa của Hội Nhà Văn Việt Nam mà cái hội này được dư luận quan tâm nhiều nhất. Đến bây giờ, khi tân Chủ Tịch Nguyễn Quang Thiều lên nắm quyền (chuyện này hội viên chờ cả chục năm nay rồi!), không biết nó có khá hơn không? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cái chợ luôn có mặt trong cái hội này, và mọi ly kỳ từ nó, là ly kỳ của một cái chợ gồm những người cầm bút mua bán, trả chắc và léo hánh nhau!
Thật khó tin họ là nhà văn
Cánh Cò (Blog RFA)
Những bức ảnh chụp được và loan truyền trên mạng xã hội trong mấy ngày qua của Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ 10 cho thấy những hiện trạng xấu xí của một giai cấp được xem là trí thức của Việt Nam hiện nay. Trí thức vì ai cũng nhất trí rằng cái mà nhà văn theo đuổi là phản ảnh xã hội, miêu tả niềm tin của con người vào cuộc sống, tranh đấu cho sự thật, phác họa chân dung của xã hội nhằm đánh thức cộng đồng và chính quyền…
Thế nhưng nhìn vào hai mươi năm gần nhất cho tới ngày nay chế độ đã biến nhà văn thành những con rối. Những con rối ngày ngày hóng chế độ trợ cấp từ tiền bạc cho tới ý tưởng. Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ tệ hại đến thảm thương như cái ngày họ đi họp đại hội, cái ngày mà thay vì quang gánh tác phẩm tới cuộc chơi thì hầu hết lại mang vác tới chỗ tụ tập những cái nhìn hau háu vào nhau, những liếc mắt châm chọc, những lời chào hỏi xách mé, những gợi ý đều cáng hay cãi vã không chút thẹn thùng.
Nhìn cảnh một nhà văn ngồi kiểu nước lụt chém gió với bạn bè mới thấy được cái chiều sâu thăm thẳm của ý thức công cộng. Nhà văn hôm nay chống đối lại hình thức hoa hòe hoa sói trong các kỳ đại hội chăng? Nhiều người cố bênh vực như thế nhưng trong những bênh vực mang tính hồ đồ ấy người ta khó bênh vực cho kiểu ngồi nước lụt trên một cái ghế được trịnh trọng phủ vải trắng. Cách ngồi ấy nếu của một văn hào thì báo chí sẽ lên đồng ca ngợi nhưng tiếc thay nó có khuôn mặt lạ hoắc với nền văn học Việt Nam đã đành, nó cũng lạ hoắc đối với văn hóa cộng đồng của một đất nước tự hào có nhiều ngàn năm văn hiến.
Nếu ai từng nhìn thấy khách du lịch Trung Quốc chen chúc nhau trong các tiệm buffet sẽ không ngạc nhiên khi thấy cảnh chen chúc nhau bỏ phiếu trong Đại Hội Nhà Văn lần thứ 10. Họ gần như trườn tới thùng phiếu như người ăn buffet sợ hết món mình yêu thích. Họ chen lấn cật lực để bày tỏ quyền được bỏ phiếu mặc dù không có giới hạn về giờ giấc do ban tổ chức đặt ra. Họ sợ, như sợ mất phần ăn, như sợ không được góp khuôn mặt của mình trên báo chí, cùng những cái sợ vô hình khác đã đẩy họ tới bờ của vực thẳm, vực thẳm phe nhóm và lợi quyền.
Chế độ đã thành công vượt bậc khi tạo ra những “trí thức” có hành vi phản cảm và mất văn hóa như vậy. Cung cấp một số tiền khủng hằng năm cho Hội Nhà Văn không gì khác hơn là được chăn dắt những ngòi bút viết theo định hướng.
Từ hơn hai mươi năm qua không ai nhìn thấy một tác phẩm đáng được gọi là tác phẩm đặt trên kệ sách của Hội Nhà Văn. Tất cả đều tầm tầm, dễ dãi và sợ hãi đến nỗi gần như mỗi trang giấy tác giả đều tự kiểm duyệt chính mình trước khi bị Cục Xuất Bản kiểm duyệt. Nhà văn, ở mặt nào đó rất đáng thương vì họ bị tước mất thứ vũ khí mà thượng đế ban cho họ: Viết.
Viết về sự thật thì họ không dám. Viết để trang trải nhận thức và bề sâu của lý trí thì họ không đủ tài. Họ viết những chủ đề nhạt nhẽo với thứ văn phong hoa mắt và rền rĩ. Kết quả là hầu hết tác phẩm của văn nhân thi sĩ trong Hội Nhà Văn gần như giống nhau hay na ná như nhau.
Thú tiêu khiển của họ sau những ngày tháng “động não” trước màn hình máy tính là chờ dịp gặp nhau trong cái ngày trọng đại này. Cái ngày mà họ có quyền bỏ phiếu chứ không phải được bỏ giúp như trong các kỳ bỏ phiếu trong đại hội đảng.
Nếu nhân dân có tổng bí thư thì Hội Nhà Văn có chủ tịch. Hai vị trí cốt lõi để giúp cho đảng viên và hội viên kiếm sống.
Giống nhau đến nỗi lần này Hội Nhà Văn có thêm chức thái thượng hoàng, tức ngồi buông rèm chấp chính. Ông Hữu Thỉnh được mời làm cố vấn cho hội, vẫn có phòng làm việc tại trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam mặc dù ông này đã làm chủ tịch suốt hai mươi năm và từ chối làm tiếp trong nhiệm kỳ này.
Quan trọng như vậy thảo nào Đại Hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X diễn ra tại Hà Nội sáng 24 Tháng Mười Một được kiểm soát an ninh chặt chẽ, tất cả phóng viên đều bị chặn lại trước cửa. Các đại biểu là các nhà văn dự đại hội có thẻ dán ảnh chân dung để kiểm soát.
Hãnh diện thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét