Thiều Quang
Cuộc điện đàm ngày 22/12/2020 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Donald Trump chủ yếu tập trung trao đổi về ‘thao túng tiền tệ’ để thanh minh việc điều hành chính sách tiền tệ của Hà Nội không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Cuộc điện đàm này là nỗ lực mới nhất từ cả hai phía, xuất phát từ ý đồ khác nhau của mỗi bên. Trước mắt, nhất trí giao cho các bộ và các ngành của Việt Nam lẫn Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để giải quyết khúc mắc.
Lo lắng trước thời kỳ chuyển giao
Việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo điều khoản 301 của Luật thương mại năm 1974 của Mỹ đang làm cho Hà Nội lo lắng thực sự trước thời kỳ chuyển giao chính quyền ở Washington. Bộ Tài chính Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam là có nhiều ẩn ý. Mặc dù một số chuyên gia Mỹ cho rằng Việt Nam không thực sự “thao túng tiền tệ” nhưng chính quyền Mỹ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị gắn mác này.
Quyết định trên của chính quyền Mỹ diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ và tiếp đó của Cố vấn An ninh Mỹ. Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, việc đưa Việt Nam vào danh sách bị gắn mác “thao túng tiền tệ” là một quyết định chính trị của chính quyền Trump vào thời điểm nhiệm kỳ sắp chấm dứt.
Cùng vào thời điểm nói trên, tướng 3 sao Nguyễn Chí Vịnh lại cố tình loại Hoa Kỳ ra khỏi tầm ưu tiên chiến lược trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Nhân ngày thành lập quân đội 22/12, ông Vịnh tuyên bố công khai: “Trong hoạt động đối ngoại, đầu tiên chúng ta quan tâm đến quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc...”
Trong khi tướng Vịnh dùng xảo ngôn để uốn lượn các mối bang giao với Trung Cộng và với hai lân bang Lào và CPC bắt đầu bước trên con đường “thoát Việt” dưới sự dẫn dắt của Bắc Kinh, thì mùa hè năm nay, Trung Quốc đã liên tục bắn tin về 5 cuộc tập trận tiếp nối trên Biển Đông. Tuy những tin tức này khó kiểm chứng, vì nó phát đi từ Bắc Kinh, nhưng rõ ràng Việt Nam buộc phải bày tỏ quan ngại về điều mà ngôn ngữ ngoại giao nói là “sự xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.
Đây là một thực tế đe doạ trực tiếp tới môi trường an ninh của Việt Nam và khu vực trong thời gian qua nhưng đã bị tướng Vịnh phớt lờ. Với các dự báo về khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động leo thang quân sự trên Biển Đông, đáng ra Việt Nam phải có sự đột phá về chính sách cả trong quan hệ với Mỹ lẫn Trung Quốc thay vì “đi hàng hai” như tướng Vịnh vừa trình diễn.
Quan hệ Mỹ – Trung tới đây có khả năng ít đối đầu hơn nếu Biden nắm quyền, so với thời Trump. Việt Nam sẽ thấy rằng áp lực từ Hoa Kỳ trong việc “đứng về bên nào” sẽ giảm xuống dưới chính quyền mới. Tuy nhiên, áp lực từ Bắc Kinh thì nguyên vẹn, nếu như không nói sẽ còn gia tăng. Căng thẳng vẫn sẽ tiếp tục giữa Bắc Kinh và Washington, trong khi Trung Quốc luôn có hàm ý ngăn Việt Nam tiệm tiến gần hơn với quỹ đạo của “Bộ tứ” (Mỹ – Ấn – Úc – Nhật).
Chính quyền trong thời kỳ chuyển giao ở Mỹ vẫn đánh giá Việt Nam là “đối tác có chất lượng chiến lược”. Điều này thật ra là sự hỗ trợ công khai từ Hoa Kỳ đối với vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN. Giới hoạch định chính sách ở Washington vẫn luôn khẳng định, một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực là mong muốn của người dân Việt Nam và cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Quan hệ Việt – Ấn, Việt – Úc
Có thể Hà Nội tiếp tục cảm nhận ngày càng rõ hơn sức ép của Bắc Kinh từ những thao túng lên kinh tế và chính trường trong nước. Việt Nam cũng hiểu rằng, chính Trung Quốc là vật cản trong sự phát triển của mối quan hệ Việt – Mỹ thời gian gần đây. Bắc Kinh còn tăng cường đe doạ để khống chế, hòng làm cho Việt Nam phải khuất phục trước tham vọng “độc chiếm Biển Đông”. Buộc phải “đi hàng hai” nhưng trước các hiểm nguy thường trực ấy, Việt Nam gần đây đẩy mạnh hơn quỹ đạo quan hệ với các thành viên khác trong “Bộ tứ”.
Ngày 21/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi đã đồng chủ trì hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam – Ấn Độ. Tại hội đàm, Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột trong quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân” để định hướng phát triển quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) giữa hai nước trong những năm tới. Theo đó, hai Thủ tướng khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Tầm nhìn chung nói trên chính là Ấn Độ muốn hàm ý “Chiến lược FOIP” (một Indo-Pacific tự do và rộng mở), nhưng phiên bản của Ấn Độ là “Sáng kiến IPOI” (Indo Pacific Oceans Initiative/ Sáng kiến hai không gian biển: Ấn độ dương và Thái bình dương). Trên cơ sở đó cũng tạo nên được một “Tầm nhìn ASEAN” về Quan niệm mới đối với địa-chính trị khu vực (the ASEAN Outlook on Indo-Pacific/ AOIP – Outlook towards the new geopolitical concept).
Truyền thông trong nước đã lược bỏ thành tố quan trọng nhất mà báo “Hindustan Times” (Dec, 21) nhấn mạnh khi Thủ tướng Modi tuyên bố Việt Nam là một trụ cột trong chính sách Hướng Đông của Ấn và cũng là đồng minh quan trọng trong “Tầm nhìn Indo-Pacific của chúng ta” (Vietnam as an important ally of our Indo-Pacific vision). Sự cắt bỏ này thì không còn là “đi hàng hai” nữa, đó là sự khiếp nhược trước các đe doạ liên tục của Trung Quốc.
Trước đó không lâu, với Australia, ngày 5/11/2020, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cùng Ngoại trưởng Marise Payne đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên Việt Nam – Australia lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Chính phủ Australia tiếp tục đặt ưu tiên cao với Việt Nam trong chính sách đối ngoại, coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (FOIP) và hai nước đều chấp thuận sớm nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP).
Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký “Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Australia giai đoạn 2020-2023”. Chương trình tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới; giúp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng. Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định, Australia tiếp tục đặt ưu tiên cao với Việt Nam trong chính sách đối ngoại, coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mong muốn hai nước sớm nâng cấp quan hệ lên cấp độ CSP.
Nhật Bản – “Đối tác Chiến lược Toàn diện”
Nhật Bản – “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) của Việt Nam – cần dẫn dắt Đông Nam Á trong sáng kiến “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP) là mong muốn chung của nhiều nước trong khu vực trước những bất định từ dịch bệnh đến an ninh biển đảo. Động thái mới nhất của Thủ tướng Suga trong chuyến thăm Việt Nam (18 – 20/10/2020) nên được hiểu là hình thức làm phong phú thêm FOIP bằng cách khiến tầm nhìn ấy không chỉ áp dụng cho Việt Nam thông qua CSP, mà còn có thể áp dụng cho các nước thành viên ASEAN khác.
Theo RFA ngày 10/12/2020, qua các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và Indonesia, tân Thủ tướng Nhật Bản đã thể hiện sự nắm bắt tuyệt vời tình hình khu vực ASEAN. Việc Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm, Tokyo đánh giá vị thế quan trọng của Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, cũng như vai trò chủ tịch của Việt Nam trong việc thúc đẩy lập trường thống nhất của ASEAN về vấn đề an ninh cụ thể này.
Trong bài phát biểu tại Đại học Việt-Nhật (Hà Nội), tân Thủ tướng Suga bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với AOIP, dù điều này dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN là chính và do đó, tương đối khác với FOIP. Đầu tiên, ông Suga nhấn mạnh các nguyên tắc chung giữa FOIP và AOIP (the ASEAN Outlook on Indo-Pacific). Đó là các chính phủ phải tôn trọng pháp quyền, cởi mở, tự do, minh bạch và hòa nhập, đồng thời phải góp tay xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng với các nước ASEAN phù hợp với các giá trị cơ bản.
Thời gian tới, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn FOIP ở các nước thành viên ASEAN khác. Với 2 trụ cột là tính tương thích và lợi ích, FOIP của Nhật Bản đang phát triển thành một nỗ lực bổ sung cho toàn bộ chương trình nghị sự AOIP.
Điều nói trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và an ninh của ASEAN thông qua quan hệ hợp tác cởi mở với tất cả các cường quốc, mà còn giúp làm phong phú thêm tầm nhìn FOIP, trong đó các diễn ngôn và cách tiếp cận của Mỹ không có sức thuyết phục đối với các nước Đông Nam Á. Liên quan đến vấn đề này, Nhật Bản đang cho các nước thành viên khác của “Bộ tứ” thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng dẫn dắt FOIP trong khu vực ASEAN.
*
Trong khi môi trường quốc tế năm tới vẫn còn nhiều bất định, việc Việt Nam từng nâng cấp và hiện đang đẩy mạnh các mối quan hệ với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản trên tầm CSP cho thấy Việt Nam cố gắng bứt phá theo chiều hướng quỹ đạo của “Bố tứ”. Đây không phải là vấn đề chọn phe, chọn bên, mà là chọn xu thế. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc thù từ phía Mỹ lẫn phía Việt Nam, quá trình triển khai này chưa được “tối ưu hoá” trong bang giao với Hoa Kỳ.
Buộc “phải đi hàng hai”, nhưng rõ ràng Việt Nam ngầm đồng ý với các chiến dịch FONOP của Mỹ, mà mục đích là để cảnh báo Trung Quốc tránh đưa ra các hành động khiêu khích quá đáng nhằm vào giai đoạn chuyển giao chính trị hiện nay. “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tới đây, nếu Bắc Kinh tiếp tục bắt nạt Hà Nội, dưới sức ép của dư luận bên trong Việt Nam, liệu dàn lãnh đạo sau Đại hội 13 có thoát khỏi “hiệu ứng bóng đè” của Tàu hay không, cho đến giờ này vẫn chưa có câu trả lời nào chắc chắn cả.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-and-the-quad-12292020170509.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét