Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

3884 - Tấn tuồng đại hội đảng, điệp khúc buồn của nước Việt Kỳ 1: Điều kiện ĐẶC BIỆT VỀ TUỔI: THỦ ĐOẠN GIÀNH QUỀN

Gió Bấc

Lấy tuổi là yếu tố quyết định để lựa chọn lãnh đạo quốc gia là khiên cưởng, vô lý. Vô lý hơn nửa là quy định tuổi nghiêm nhặt cho mọi người nhưng rộng cửa cho một người và đi đến nghịch lý là tiêu chuẩn chọn người trẻ nhưng kết quả chọn người già. Thủ đoạn của kẻ độc tài chỉ nhằm duy trì chế độ độc tài.

Trên thế giới hiện nay, tiêu chuẩn chung của lãnh đạo là sự lựa chọn của cử tri, chừng như chỉ quy định về tuổi tối thiểu để bảo đảm sự trưởng thành của ứng viên.

Chí tài không đợi tuổi

Xu hướng trẻ hóa đang xuất hiện, có nhiều nhà lãnh đạo mới chỉ ngoài 30 tuổi, như thủ tướng Ukraine (35 tuổi), và mới đây nhất là nữ thủ tướng Phần Lan (34 tuổi)(1)

Ngay nước Pháp, một trụ cột của EU, một thành viên G7, ông Emmanuel Macron đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 lúc 40 tuổi trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử (2).

Tất cả những nhà lãnh đạo trẻ này đều chiếm được niềm tin của người dân bằng những tài năng, hiệu quả công việc trong quá khứ và thể hiện trách nhiệm, tâm huyết dẩn dắt đất nước trong vai trò lãnh đạo.

Nước ta trong thời thực dân, phong kiến đã từng có vua Duy Tân, một vị vua mới hơn 10 tuổi đã ý thức trách nhiệm của ông vua một nước bị đô hộ với câu nói “Nước dơ thì phải lấy máu mà rửa,”.

Năm 13 tuổi, Duy Tân xem lại những hiệp ước bất bình đẳng mà hai nước Việt-Pháp đã ký, muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước năm 1884 (Patenôtre). Nhưng cả triều đình không ai dám nhận.

Năm 15 tuổi, vua Duy Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần Phụ chính, bắt buộc các vị phải ký vào biên bản để đích thân vua sẽ cầm qua trình với Tòa Khâm sứ (2a).

Vua Duy Tân còn cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Pháp bất thành và bị bắt đi đày. Chí lớn không thành nhưng tâm huyết và nhân cách của vị vua trẻ nước nhược tiểu đang bị đô hộ làm chính người Pháp phải khâm phục.

Tuổi cao thách thức, tài năng càng lớn

Thế nhưng ngược lại, cũng trong điều kiện hiện nay tuổi thọ, sức khỏe con người tăng lên có không ít lãnh đạo quốc gia là người cao tuổi. Thời sự nhất là ông Joe Biden 78 tuổi vừa đắc cử Tổng thống Mỹ, chiến thắng Tổng thống đương nhiệm Donal Trump cũng đã 74 tuổi trong cuộc bầu cử căng thẳng và những thách thức pháp lý hiếm có trong lịch sử nước Mỹ.

Với thực trạng nước Mỹ hiện nay, người ta dự đoán và kỳ vọng vị Tổng Thống lớn tuổi này đủ tài năng, phẩm hạnh đương đầu với nhiều khó khăn thách thức của đại dịch Covid 19, hậu quả tình trạng chia rẻ, phân hóa của nước Mỹ …

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng tái đắc cử Thủ tướng khi đã trên 90 tuổi trở thành nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới. Chỉ cầm quyền thời gian ngắn ông đã xử lý được những bê bối, tham nhũng của chính phủ tiền nhiệm và điều chỉnh những dự án hợp tác bất bình đẵng với Trung Quốc.

Năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố đình chỉ ba trong số các dự án có vốn Trung Quốc lớn nhất, gồm hợp đồng xây ống dẫn dầu 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia, hợp đồng ống dẫn khí đốt 662 km trên đảo Borneo và dự án đường sắt cao tốc nối Malaysia với Singapore. Ba dự án có tổng giá trị khoảng 23 tỷ USD bị trì hoãn để "xử lý vấn đề tài chính nội bộ". Riêng dự án đường sắt tổng vốn hơn 20 tỉ USD cao gấp 10 lần giá thực tế. Theo phương án mới khi dự án này được nối lại, chi phí xây dựng dự án đường sắt đã giảm được 1/3 mức ban đầu còn gần 11 tỷ USD (2b) Với một Trung Quốc đang trổi dậy mạnh mẻ liệu có nguyên thủ quốc gia nào dám ứng xử như ông già 90 này?

Xa hơn hàng ngàn năm trước, y học chưa phát triển, tuổi đời người rất ngắn 70 đã là hiếm thì Khương Tử Nha, 70 tuổi vẫn còn ngồi câu cá trên sông Vị. Gặp Cơ Xương năm 80 tuổi và tham chính phò Cơ Xương diệt bạo chúa Tần Thỉ Hoàng lập nhà Chu (1134 TCN). Sau đó ông giúp nhà Chu dẹp loạn Vũ Canh (1113 TCN) và lập ra nước Tề khi đã ngoài 100 tuổi. (3)

Thực tế cho thấy, tuổi tác và năng lực lãnh đạo là tố chất riêng của cá nhân, không thể lấy tuổi tác là quy định chung để áp đặt cho ứng viên lãnh đạo. Thí dụ như cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã 95 vẫn minh mẩn tráng kiện. Ngược lại Thủ tướng Nhật Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, mới 65 tuổi, đã chính thức tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe trong khi nhiệm kỳ vẫn còn dài. Nếu Cơ Xương tiêu chuẩn hóa cán bộ không chọn Khương Tử Nha vì tuổi cao thì lịch sử Trung Quốc sẽ khác đi.

Chưa có tiền lệ

Xem lại các văn kiện của đảng cộng sản Viêt Nam, trước thời kỳ Tổng Trọng chưa bao giờ có quy định về tuổi của lãnh đạo đảng. Thực tế lịch sử đảng CSVN, (không tính đến thời kỳ còn trong bóng tối, đa số các TBT đều còn trẻ và chết trẻ), sau 1975 ngoài Nông Đức Mạnh tất cả TBT tiền nhiệm Tổng Trọng đều nhậm chức khi trên 65 tuổi. Lê Duẩn (1907–1986) được bầu TBT năm 1976, tức 69 tuổi và nắm quyền đến khi mất là 79 tuổi. Trường Chinh(1907–1988) lần thứ hai giữ chức TBT lúc 79 tuổi. Nguyễn Văn Linh (1915–1998) làm TBT năm 1986 lúc 71 tuổi. Đỗ Mười (1917–2018) làm TBT năm 1991, lúc 74 tuổi. Lê Khả Phiêu (1931–2020) TBT năm 1997 lúc 66 tuổi.

Theo sử đảng và các tài liệu tuyên truyền của đảng thì các TBT tiền nhiệm ấy không có vấn đề gì về tuổi tác mà đều là những nhà lãnh đạo tài ba đưa đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lê Duẫn được tôn phò là có trí tuệ sáng như ngọn đèn 500W. TBT Trường Chinh thời trẻ là tội đồ Cải Cách Ruộng Đất nhưng TBT Trường Chinh lần 2 được ca ngợi là Anh Năm đở đầu cho tư tưởng đổi mới. TBT Nguyễn Văn Linh được khen nức nở từ đổi mới kinh tế đến những việc cần làm ngay. TBT Đỗ Mười từng phát nát kinh tế công thương nghiệp Miền Bắc và Miền Nam nhưng khi làm TBT dám chúc nhân dân cả nước làm ăn phát tài. TBT Lê Khả Phiêu tuy bị nhiều tai tiếng nhưng cũng đẻ ra được cho đảng 19 điều cấm đảng viên, chính thức xóa bỏ mọi mầm móng dân chủ trong đảng, biến đảng viên thành những con cừu ngoan ngoản phục tùng và hưởng lợi theo sự ban phát của cấp trên.

Điểm khác cần lưu ý là sau thời gian trị vì suốt đời của Lê Duẫn, các TBT còn lại do điều kiện khách quan và chủ quan không ai giữ ghế quá một nhiệm kỳ ngoài trừ Nông Đức Mạnh.

Ngay trường hợp Nông Đức Mạnh làm TBT khi còn trẻ cũng không phải do tuổi trẻ tài cao hay do quy định cơ cấu mà chỉ là sự thỏa hiệp quyền lực của các phe phái trong cuộc đấu đá giữa hai cố vấn Đỗ Mười, Lê Đức Anh và TBT đương nhiệm Lê Khả Phiêu.

Thủ đoạn thâu tóm quyền lực

Thế nhưng từ sau đại hội 11, đắc cử TBT bằng vé vớt, và đối đầu với đố thủ lợi hại nắm trong tay các nguồn lực kinh tế và có phe nhóm ủng hộ đông đảo, Tổng Trọng đã đưa ra kế hoạch “luân chuyển cán bộ” lần lượt thay đổi cán bộ chủ chốt, những ứng viên BCH khóa mới thuộc phe mình. Mặt khác đưa ra nhiều quy định về thể chế, quy chế ứng cử bầu cử trong đó đặc biệt là quy định về tuổi, giới hạn độ tuổi tối đa cho từng chức vụ cấp ủy đảng mà đặc biệt là với cấp cao.

Những quy định này về danh nghĩa là kiện toàn, chặt chẻ công tác nhân sự, xây dựng đảng nhưng thực tế là xóa bỏ toàn bộ mầm móng dân chủ ít ỏi còn lại trong bầu bán của đảng, tập trung toàn bộ quyền lực sắp xếp nhân sự vào tay Bộ Chính Trị.

Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, khi trở thành cố vấn BCH TƯ đã nhiều lần đề nghị mở rộng dân chủ trong đại hội Đảng, để đại hội trực tiếp bầu Tổng Bí Thư chứ không để BCH bầu ra BCT, TBT như trước đây. Rất tiếc đề nghị ấy không được các thế lực cầm quyền chấp nhận. Đến thời Tổng Trọng thì mức độ tập trung quyền lực của BCT còn cao hơn. Đại hội, bầu bán, bỏ phiếu chỉ còn là hình thức như một show diễn để quay phim chụp hình tuyên truyền, thực chất mọi thứ đều do BCT quyết định, mà nói chính xác hơn là do tiểu ban nhân sự do Trọng là Trưởng tiểu ban quyết định. Ngay cả cá nhân Ủy Viên BCT cũng không có quyền tự ứng cử.

Tháng 6/2014, Tổng Trọng ký Quyết định 244 quy định lại thể thức bầu những chức vụ trong Đảng ở đại hội 12. Cụ thể, điều 13 Quyết định 244 trao quyền tuyệt đối cho Bộ Chính trị về việc ứng cử, đề cử của, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư: “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.” (5)

Quy định chi tiết của quyết định này cũng đã đặt ra tiêu chuẩn về giới hạn tuổi tối đa khi tham gia hoặc tái cử vào BCH TƯ, BCT và trưởng hợp đặc biệt quá tuổi. Trong đó tuổi tái cử vào BCT là dưới 65.

Quy định này nhằm loại đồng chí Ba X Nguyễn Tấn Dũng ngay từ vòng ứng cử vì Ba X sinh năm 1949, thời điểm ấy đã 67 tuổi. Một số đàn em cố gắng giới thiệu Ba X ra ứng cử, Tổng Trọng cũng giả vờ đưa ra BCH biểu quyết và Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận thua đau vì không đươc đa số BCH TƯ cho tái cử.

BCH TƯ đã chọn ra một trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc ấy đã 72 tuổi), và giới thiệu bốn trường hợp ủy viên Trung ương “đặc biệt” tái cử khoá 12. (6)

Đốt lò chỉ cho quyền lực cá nhân

Bằng quy định về tuổi và điều kiện đặc biệt, Tổng Trọng chiến thắng ngoạn mục, anh trẻ ngả ngựa anh già chiến thắng. Tổng Trọng đắc cử nhiệm kỳ 2, Nguyễn Tấn Dũng ngậm ngùi về quê làm người tử tế.

Thêm 5 năm làm lãnh tụ, Tổng Trọng tự hào với công cuộc đốt lò nhưng tham nhũng tàn phá đất nước như lửa cháy rừng thì lò chỉ leo lét ngọn đèn dầu. Người dân cần quyền sở hữu đất, cần báo chí tự do, cần tư pháp công minh liêm chính tham nhũng sẽ tự chết mà không cần lò. Còn đó Thủ Thiêm, Đồng Tâm, còn đó Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh, còn đó Hồ Duy Hải, Đặng Văn Hiến… lò chỉ là công cụ quyền lực cho Tổng Trọng không phải cho dân.

Liệu màn diễn trường hợp đặc biệt về tuổi này có lặp lại trong đại hội 13? Tổng Trọng liệu có thể tái đắc cử thêm lần nửa?

Gió Bấc's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét