Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lần đầu tiên vượt mốc 27.000 kể từ 1991, vì cổ phiếu tăng giá sau khi dự luật kích thích của Mỹ được thông qua thành luật và một thỏa thuận thương mại hậu Brexit được kí giữa Anh và EU. Cách đây chính xác 31 năm, khi kinh tế Nhật Bản còn ở thời kỳ vàng son nhất, chỉ số này đạt đỉnh gần 39.000. Nó xuống dưới ngưỡng 8.000 vào năm 2003.
Pierre Cardin, một nhà thiết kế thời trang người Pháp, đã qua đời ở tuổi 98 tại Neuilly-sur-Seine gần Paris. Cardin là người tiên phong trong việc phát triển thương hiệu thời trang. Ông đã tạo dựng tên tuổi của mình trong những năm 1950 bằng các thiết kế sáng tạo như ‘bubble dress’, và sau đó mở rộng đế chế thương hiệu của ông với nhiều loại sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, nước hoa và thậm chí cả nội thất xe hơi.
Argentina trở thành quốc gia thứ ba, sau Nga và Belarus, bắt đầu tiêm chính thức vắc xin covid-19 Sputnik V của Nga. Nga chỉ ra các bằng chứng cho thấy vắc-xin hiệu quả, song một số nhà quan sát quốc tế bày tỏ nghi ngờ vì thiếu dữ liệu công bố từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối quy mô lớn có đối chứng ngẫu nhiên.
Ít nhất một bé gái 12 tuổi đã thiệt mạng khi hai trận động đất tấn công Croatia liên tiếp những ngày gần đây, với cường độ 5,2 và 6,4 độ Richter. Sập nhà khiến nhiều người bị thương. Trận động đất thứ hai cũng có thể được cảm nhận từ các nước lân cận và từ xa như ở Vienna. Nước láng giềng Slovenia đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân trong trường hợp có thêm rung chấn.
Theo cơ quan quản lý y tế của EU, vắc-xin covid-19 phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca, một công ty dược phẩm Anh, khó có thể được chấp thuận sử dụng ở EU từ tháng 1, vì hãng thậm chí vẫn chưa nộp đơn đăng ký. Người ta đặt nhiều kỳ vọng vào loại vắc-xin này vì nó rẻ hơn và dễ sản xuất hơn những loại đã được sử dụng.
Ryanair và Wizz xác nhận họ sẽ hạn chế quyền biểu quyết của các cổ đông không đến từ EU kể từ ngày 1 tháng 1, khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit của Anh kết thúc. Thay đổi này nhằm đảm bảo các hãng hàng không giá rẻ vẫn thuộc sở hữu đa số và do công dân EU kiểm soát để đáp ứng các quy tắc của khối khi mà các nhà đầu tư Anh không còn đủ điều kiện để được coi là người EU.
TIÊU ĐIỂM
Làm việc từ xa trở thành xu thế
Nhiều nhà quản lý ngạc nhiên khi cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà của năm nay đã diễn ra tốt đẹp. Trước năm 2020, các nhân viên ở nhà thường bị cô lập với những người ở văn phòng. Nhưng đại dịch đã biến tất cả mọi người thành cùng hội cùng thuyền. Các nhà quản lý nhận ra nhân viên vẫn có thể làm việc hiệu quả; và họ đã quen với việc tham gia các cuộc họp video.
Những thay đổi mới hiệu quả vì nhân viên cũ đã quen với vai trò của họ và với nhịp điệu của tổ chức. Tuy nhiên, theo thời gian, sự mạch lạc này có thể xấu đi. Sẽ có nhân viên mới; còn những người hiện tại có thể chuyển sang công việc mới. Các phương thức làm việc mới có thể cần sự hợp tác chặt chẽ hơn thay vì chỉ làm việc qua video. Một yếu tố đóng góp cho năng suất cũng đến từ sự tình cờ, ví dụ một cuộc thảo luận ngẫu nhiên với ai đó ngoài nhóm của bạn. Các công ty sẽ dành năm 2021 để cố gắng khôi phục tinh thần tập thể.
Mỹ đấu Trung Quốc trên mặt trận chip vi xử lý
Có một sản phẩm cốt lõi mà các nhà sản xuất Trung Quốc không thể cạnh tranh: chip vi xử lý điều khiển những chiếc điện thoại thông minh và máy chủ đám mây. Trong lĩnh vực này, Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan, vẫn chiếm ưu thế. Trung Quốc đang rất cố gắng để bắt kịp. Trong khi Mỹ tìm mọi cách để ngăn chặn nỗ lực đó. Các quan chức Mỹ đã học được nhiều điều về chuỗi cung ứng vi xử lý toàn cầu trong chiến dịch gần đây của họ chống Huawei, gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc, và đã cắt hãng này khỏi nguồn cung các bộ phận quan trọng.
Họ có thể áp dụng những hiểu biết đó để chống lại ngành sản xuất chip non trẻ của Trung Quốc. Một số máy móc khổng lồ để sản xuất chip được sản xuất độc quyền tại Mỹ bởi các công ty Mỹ, những công ty độc quyền nhỏ có thể trở thành mục tiêu cho các quy định cấm bán hàng sang Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến các nỗ lực của Trung Quốc bị chậm trễ nhiều năm. Song có một lựa chọn khác đỡ khắt khe hơn. Mỹ có thể xây dựng đồng thuận với các đồng minh về mối đe dọa mà một ngành công nghiệp sản xuất chip phát triển mạnh của Trung Quốc có thể gây ra, từ đó siết chặt và định hình hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc mà không bị mất quyền kiểm soát.
Đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng
Những năm trước đại dịch, bất bình đẳng trông có vẻ chưa quá tồi tệ. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu qua đi, thị trường lao động dần vững chắc cuối cùng đã mang lại mức tăng lương tốt cho người lao động trên toàn bộ các nấc thang thu nhập. Tỉ lệ bất bình đẳng ở nhiều nền kinh tế đã chững lại hoặc thậm chí giảm nhẹ. Lúc đầu, covid-19 không thay đổi xu hướng này nhiều nhờ sự hỗ trợ hào phóng từ các chính phủ trên thế giới.
Nhưng giờ đây tình hình đã khác. Phân tích kinh tế về các đại dịch trong thế kỷ qua cho thấy chúng khiến bất bình đẳng tăng mạnh. Năm năm sau khi đại dịch bùng phát, chỉ số Gini (thước đo bất bình đẳng thu nhập) thường cao hơn mức trước khủng hoảng khoảng 1,25%. Đối với nhóm có trình độ học vấn từ trung bình đến cao, tỷ lệ người đi làm hầu như không giảm do hậu quả của đại dịch, song ở nhóm trình độ thấp, tỷ lệ này thường giảm 5%. Đại dịch lần này cũng tương tự.
Rủi ro nợ doanh nghiệp tăng cao
Đến tháng 9, các công ty đã bán được khoảng 1,5 nghìn tỷ đô la trái phiếu hạng có thể đầu tư – đủ để đảm bảo 2020 là năm phát hành kỷ lục. Các công ty cũng khai thác hạn mức tín dụng ngân hàng của họ. Sự gia tăng đáng kể đòn bẩy tài chính cộng với triển vọng kinh tế không chắc chắn làm tăng rủi ro các khoản nợ sẽ không được trả đầy đủ hoặc đúng hạn. Vỡ nợ trái phiếu đã xảy ra. Mức độ tồi tệ còn phụ thuộc vào các nhân tố trái ngược nhau.
Một bên là virus và những ảnh hưởng kéo dài của nó. Hầu như không ai dự đoán phục hồi kinh tế nhanh chóng. Tuy nhiên, các chương trình trả lương hộ, các chương trình ngắn hạn và hỗ trợ việc làm khác do chính phủ lập ra đã giúp đỡ rất nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính. Các ngân hàng trung ương của những nước giàu cam kết duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Và các nhà đầu tư sẽ mua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong khi gia hạn các trái phiếu cũ, chỉ vì thiếu lựa chọn thay thế. Điều chắc chắn là: tín dụng rẻ và hỗ trợ tài chính sẽ giúp giữ lại rất nhiều công ty lớn mà nếu không được hỗ trợ có lẽ đã ra đi.
Cuộc đua ô tô điện tăng tốc
Covid-19 khiến doanh số bán xe hạng nhẹ toàn cầu giảm 20% trong năm 2020, xuống còn khoảng 70 triệu chiếc. Nhưng chúng sẽ tăng lại vào năm 2021 và tỷ lệ ô tô chạy pin tăng nhanh. Chạy bằng điện đòi hỏi thiết kế lại từ gốc kiến trúc bên trong của chiếc ô tô, biến nó thành một chiếc máy tính trên bánh xe. Một loạt các hệ thống điện tử mới giúp kết nối và sản xuất dữ liệu, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, các dịch vụ di chuyển tốt hơn và cuối cùng là ô tô hoàn toàn tự lái.
Trong suốt năm 2021, các công ty trong hệ sinh thái ô tô điện – Tesla, những kẻ bắt chước Tesla, các nhà sản xuất ô tô lâu đời và những gã khổng lồ công nghệ – sẽ cạnh tranh trong cuộc đua tới tương lai điện hóa. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang gặp khó khăn trong việc kết hợp các hệ thống điện tử khác nhau từ nhiều nhà cung cấp để tạo ra trải nghiệm liền mạch như Tesla. Họ cũng sẽ phải giảm bớt đầu tư vào công nghệ động cơ đốt trong. Hãy cùng chờ đợi nhiều liên doanh và đầu tư hơn vào các công ty khởi nghiệp, khi các hãng tìm cách chia sẻ chi phí, chuyển hướng khỏi xăng dầu và trở nên sáng tạo hơn.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2020/12/30/the-gioi-hom-nay-30-12-2020/#more-38325
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét