Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

3843 - Đồng đạo hay đồng cảm ?


Chu Văn

Có lẽ ai cũng có những lễ Giáng Sinh đáng ghi nhớ. Với tôi, khó quên nhứt là Đêm Giáng Sinh năm 1975. Làm sao quên được cái đêm Giáng Sinh đầu tiên bên trong điều được gọi một cách rất chính xác là bức màn sắt. Không hiểu sao đêm đó, mọi ánh sáng trong thành phố Nha Trang của tôi đều tắt lịm. Kể từ đó, ánh sáng của Giáng Sinh đã lùi bước trước bóng đêm của hận thù, dối trá và nghi kỵ. Nói gì, làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của công an chìm nổi và những người đang theo dõi mình.

dongdao1

Nhà Thờ Chính Tòa Nha Trang, còn gọi là Nhà Thờ Núi Nha Trang, Nhà Thờ Đá Nha Trang, Nhà thờ Chánh Tòa Kitô Vua

Mãi cho đến năm 1981, tôi mới tìm lại được một Lễ Giáng Sinh có ý nghĩa. Đó là lễ Giáng Sinh trong trại tỵ nạn Kuku, ở Nam Dương. Rách rưới và thiếu thốn trong một hoang đảo, nhưng được tự do cho nên tôi đã thực sự hưởng được một mùa Giáng Sinh an bình và vui tươi. Ngày nay, dù sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào, cứ mỗi dịp Giáng Sinh về tôi không thể nào quên được mùa Giáng Sinh ở Kuku ấy.

Mùa Giáng Sinh năm 2020 này có lẽ cũng sẽ là một Mùa Giáng Sinh đáng ghi nhớ trong những năm tháng cuối đời của tôi. Giáng Sinh là mùa của gặp gỡ. Nhưng năm nay, dường như ai cũng phải chui vào vỏ ốc riêng tư của mình. Dĩ nhiên, mọi thứ tội lỗi đều có thể trút lên đầu con Covid-19 hết ! Cũng tại cái con siêu vi này mà rào cản giữa người với người được dựng lên. Nhưng với riêng tôi, cùng với con siêu vi Covid-19, còn có một thứ rào cản khác khủng khiếp hơn. Kinh nghiệm cá nhân buộc tôi phải gọi đích danh rào cản ấy là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong suốt 4 năm qua và nhứt là trong mùa Giáng Sinh này, chính ông đã xen vào các mối quan hệ giữa tôi và người thân, bạn bè và nhứt là những người đồng đạo. Thế giới đã bị chia rẽ, nước Mỹ đã bị phân hóa đến cùng cực. Nhưng sự chia cách giữa tôi và người thân, bạn bè và đồng đạo lại càng sâu sắc hơn.

dongdao2

Rõ ràng là hơn cả con siêu vi Covid-19, Tổng thống Trump đã dựng lên vô số rào cản và "lô cốt" giữa người thân, bạn bè và người đồng đạo.

Tôi vẫn nhớ mãi một buổi gặp gỡ giữa những người đồng đạo cách đây không lâu. Dù có cố gắng đến đâu, câu chuyện trên bàn ăn vẫn luôn dẫn đến vấn đề chính trị. Như một "chính trị viên" thấm nhuần chính sách và đường lối của Tổng thống Trump, bà vợ của người chủ nhà, một người công giáo thuần thành, đã đọc bản án dành cho cựu Tổng thống Barack Obama như sau : "tên phản quốc này chắc chắn sẽ vào tù sau ngày bầu cử Mỹ 3 tháng Mười Một !" Cũng may, người đàn bà này chưa đến nỗi gọi ông Obama là tên "Lọ Nồi" hay "Thằng Mọi Đen" như một số đồng môn và đồng đạo khác của tôi !

"Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha", noi gương cụ Đồ Chiểu tôi bèn hỏi vặn lại : "tin này chị đọc được ở đâu vậy ?" Lời chất vấn của tôi, mặc dù chỉ nhắm đến "tin giả" tràn lan trên các trang mạng xã hội, được người đàn bà hiểu như là một thái độ thách thức không "phò Trump". Bầu khí cuộc gặp gỡ giữa những người đồng đạo bỗng trở nên căng thẳng và nặng nề.

Vài ngày sau, tình cờ gặp lại hai vợ chồng người đồng đạo này tại nhà môt người đồng đạo khác vốn là bạn chí cốt của tôi, tôi được đón tiếp bằng một thái độ lạnh lùng gần như thù hận. Ông bạn chí cốt của tôi lên tiếng cảnh cáo : gặp nhau nhớ giữ mồm giữ miệng không thì ăn miểng ! Ông cho biết : trong một cuộc gặp gỡ cũng giữa những người đồng đạo, người chồng đã từng "nhét" vào miệng của nữ Phó tổng thống Kamala Harris những đồ "dơ bẩn" nhứt trong thân thể con người ! Những thứ "dơ bẩn" như thế, tôi thấy nhan nhản trên các "meo đàn" của những người đồng đạo của tôi !

Tội nghiệp ông bạn già của tôi. Dù sao, ở xa cộng đồng người Việt, ít ra tôi cũng né tránh được nhiều cuộc gặp gỡ với người đồng đạo. Ông bạn tôi, cứ mỗi lần gặp gỡ người đồng đạo, đều chọn thái độ "chịu đấm ăn xôi", cắn răng ngồi nghe người ta tung hô Tổng thống Trump và chửi rủa thậm tệ đối thủ của ông và những ai không phục tùng ông. Bạn tôi kể lại rằng có lần giữa một bữa nhậu, đang vui vẻ chén chú chén anh, ông vô tình bày tỏ thái độ không "phò Trump", một người đồng đạo vốn là bạn nhậu lâu năm của ông, đã tức khắc đứng dậy rời khỏi bàn ăn.

Rõ ràng là hơn cả con siêu vi Covid-19, Tổng thống Trump đã dựng lên vô số rào cản và "lô cốt" giữa người thân, bạn bè và người đồng đạo. Vì không "phò Trump", tôi bị người thân và bạn bè chụp lên đầu cái mũ thân cộng. Nhưng nếu trong mắt nhiều người Việt, Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo quốc gia dám đánh Trung Cộng để giải phóng Việt Nam khỏi chế độ cộng sản, thì đối với rất đông người đồng đạo của tôi, vì chống phá thai và chống hôn nhân đồng tính, ông là người được Chúa chọn và sai đến để bảo vệ những giá trị truyền thống và chấn hưng đạo đức. Vì ông là người được Chúa chọn cho nên không phò ông là chống Chúa. Chẳng khác nào một số giáo hoàng thời Trung Cổ, Tổng thống Trump đã tung ra một cuộc thánh chiến theo đúng nghĩa và những đồng đạo của tôi sẵn sàng "tử đạo" cho ông.

Mùa Giáng Sinh năm nay, không còn được mời đến thăm dự các cuộc gặp gỡ giữa những người đồng đạo nữa, tôi dành những giây phút tĩnh lặng để suy nghĩ về căn tính tôn giáo của tôi.

dongdao3

Câu chuyện Giáng Sinh có một chi tiết đáng suy nghĩ : người chồng dắt người vợ bụng mang dạ chửa đi gõ cửa các quán trọ, nhưng không còn một cánh cửa nào mở ra cho họ. Họ đành phải dìu nhau đến một chuồng súc vật giữa đồng không mông quạnh và đứa con đầu lòng của họ đã cất tiếng chào đời ở đó.

Tác giả của câu chuyện Giáng Sinh cũng ghi lại một bài dụ ngôn mà tôi nghĩ hẳn phải là một nối dài của câu chuyện này. Bài dụ ngôn là câu trả lời của Chúa Giêsu cho một câu hỏi của một người thông luật : "Ai là người thân cận của tôi ?". Chúa Giêsu kể rằng có một người bộ hành nọ rơi vào tay một bọn cướp. Chúng tước đoạt hết của cải của ông, đánh ông đến trọng thương và bỏ ông dở sống dở chết dọc đường. Có 2 người đi qua đoạn đường ấy. Cả hai đều là bậc vị vọng trong Đạo Do Thái. Nhưng họ đều nhắm mắt làm ngơ trước cảnh nạn nhân đang nằm vất vưởng bên đường. Thế rồi, tình cờ có một người Samaria cũng đi qua đoạn đường ấy. Với người Do Thái, Samaria có nghĩa là "ngoại đạo". Người này động lòng trắc ẩn, đã dừng lại băng bó cho nạn nhân, đặt ông lên lưng lừa để đưa đến một quán trọ gần đó nhờ chăm sóc. Hôm sau, trước khi đi, ông dặn dò chủ quán : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ hoàn lại cho bác".

Kể xong câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi : "Vậy, theo ông nghĩ, trong 3 người đó, ai đã tỏ ra là thân cận với người đã bị rơi vào tay bọn cướp". Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Chúa Giêsu kết luận : "Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy" (cf. Tin Mừng theo thánh Luca 10, 29-37).

Bài dụ ngôn đã đảo lộn cách suy nghĩ và sống đạo thông thường của tôi. Chúa Giêsu dường như đã không xem trọng tính đồng đạo. Ngài đề cao sự đồng cảm. Suy ngẫm về bài dụ ngôn trong bối cảnh của sự rạn nứt giữa những người đồng đạo, tôi đặt lại câu hỏi : "Ai là người đồng đạo của tôi ?" Và dĩ nhiên, tôi sẽ nghe Chúa Giêsu trả lời : "Hãy trở thành người đồng đạo của người khác". Bởi lẽ cốt lõi của Đạo là từ tâm, nhân ái, đồng cảm, cho nên trở nên người đồng đạo của người khác sẽ chỉ có nghĩa là thực thi lòng nhân ái và bày tỏ sự đồng cảm với người khác.

Thái độ của người Samaria "ngoại đạo" trong bài dụ ngôn của Chúa Giêsu khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện xảy ra trong mùa hè vừa qua mà tôi thường lấy làm đề tài suy gẫm trong Mùa Giáng Sinh năm nay.

Nhân vật chính được nhắc đến trong câu chuyện là một cô gái tên là Kate Kilroy. Năm 2018, với ước mơ được đi đây đi đó, cô đã gia nhập vào lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ. Mùa hè vừa qua, lực lượng này tham gia một cuộc tập trận chung giữa hải quân và lực lượng tuần duyên của nhiều quốc gia ở Greenland. Hôm Tuần Duyên hạm trên đó cô Kilroy đang phục vụ thả neo ở Thủ phủ Nuuk của Greeland, cô được phép lên bờ. Đây là dịp để cô gái trẻ tìm hiểu về cuộc sống của người dân trên quốc gia hải đảo này. Tình cờ khi đi bộ quanh cảng để chụp hình, cô tạt vào một nhà hàng. Tại đây, cô thấy một người đàn ông ngồi đơn độc ngoài hiên... Cảm thấy tội nghiệp, cô đề nghị đãi người đàn ông một bữa ăn. Cả hai cùng ăn, cùng trò chuyện rồi chia tay.

Vài ngày sau, Thủ tướng Greenland, ông Kim Kielsen, ngỏ lời muốn đến thăm Tuần duyên hạm và thủy thủ đoàn của Mỹ. Khi Thủ tướng Greenland lên boong, cô Kilroy mới biết người đàn ông mà cô cảm thấy tội nghiệp nên đề nghị đãi một bữa ăn và cùng trò chuyện để ông ta không "tủi thân" vì cô độc chính là ông thủ tướng Greeland. Sự đồng cảm và tử tế của cô Kilroy cũng là là lý do khiến Thủ tướng Kielsen mời hạm trưởng Tuần duyên của Mỹ và tự tay lái xe đưa đi một vòng tham quan Greeland !

Tổng lãnh sự Mỹ tại Greeland đã gởi lời cám ơn lực lượng Tuần duyên Mỹ vì hành động của cô Kilroy. Về phần mình, cô giải thích rằng trong gia đình cô, ai cũng đều cư xử như thế khi thấy ai đó cần được giúp đỡ (1).

Giáng Sinh năm nay, tôi không thể đến nhà thờ. Tôi cũng không thể tham gia các buổi gặp gỡ giữa những người đồng đạo. Nhưng tôi tin rằng nếu bất cứ lúc nào tôi cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để sống lòng từ tâm, thực thi nhân ái và bày tỏ sự đồng cảm với mọi người, nhứt là với người xa lạ, thì đó là lúc tôi tuyên xưng niềm tin tôn giáo và thực thi sứ điệp của Lễ Giáng Sinh vậy.


Nguồn - https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/20001-d-ng-d-o-hay-d-ng-c-m

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét