Hiếu Chân/Người Việt
Chỉ còn chưa tới một tháng nữa đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 theo định kỳ năm năm một lần. Mặc dù tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi trong năm năm qua, nhưng đảng CSVN chưa có dấu hiệu chuyển biến theo nhịp điệu, xu hướng của thời đại, theo khát vọng tự do dân chủ của nhân dân.
Cuộc tranh giành mang tên Đại Hội 13
Như lề lối đã có từ trước tới nay, đại hội đảng là dịp để đảng Cộng Sản kiểm lại những thành công và thất bại trong nhiệm kỳ trước, đề ra đường lối chính trị, kinh tế xã hội cho nhiệm kỳ kế tiếp và bầu cử ban lãnh đạo mới.
Nhưng thời gian chuẩn bị đại hội vừa qua cho thấy đảng CSVN gần như bế tắc hoàn toàn trong lĩnh vực đường lối chính trị, những văn kiện chuẩn bị trình đại hội vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại” xoay quanh những khẩu hiệu rỗng tuếch về chủ nghĩa xã hội, về xây dựng đảng “trong sạch vững mạnh,” về “chống suy thoái, tự diễn biến” trong cán bộ đảng viên”…
Cũng không thể kỳ vọng gì hơn vì đảng CSVN vận hành trên căn bản học thuyết Cộng Sản vốn đã lỗi thời trong một xã hội ngày càng đi vào con đường của chủ nghĩa tư bản hoang dã; những đảng viên mang đầu óc giáo điều xơ cứng quay lưng với thế giới, với cuộc sống của người dân thì làm sao nghĩ ra được những tư tưởng mới, đường lối mới để đưa dân tộc đi lên.
Nhìn lại năm năm qua, dù bộ máy tuyên truyền của đảng ra sức khoe khoang và đánh bóng những thành tích không có thật nhưng sự thực đảng đã chẳng làm được gì ngoài việc đẩy xã hội Việt Nam lún sâu hơn vào suy thoái, bất công và bế tắc. Lấy một ví dụ về “xây dựng đảng,” năm 2016, bắt đầu nhiệm kỳ 2016-2020, đảng CSVN ra nghị quyết nhấn mạnh: “Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng đảng trong thời gian tới, cần… kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với đảng.”
Gần năm năm qua, cuộc đấu tranh ngăn chặn đó chẳng những đã không làm cho đảng tốt lên mà càng ngày càng tệ hại, càng có nhiều đảng viên cao cấp phải ra trước vành móng ngựa, phải mặc áo tù, trong đó có hàng chục tướng lĩnh quân đội, công an, bộ trưởng và các ủy viên Trung Ương, ủy viên Bộ Chính Trị. Niềm tin của người dân chẳng những đã không được củng cố mà gần như đã mất sạch. “Thằng đó đảng viên nhưng mà tốt,” câu nói mỉa mai thường nghe ở Việt Nam, cho thấy với người dân, đảng Cộng Sản đã đồng nghĩa với xấu xa, đáng sợ mà cũng đáng khinh; cả các đảng viên Cộng Sản cũng giấu nhẹm thân phận của mình và nổi đóa mỗi khi có người gọi họ là Cộng Sản!
Bế tắc về đường lối, đại hội đảng chỉ còn là một cuộc tranh giành quyền lực, chia chác quyền lực chung quanh mối quan tâm lớn nhất của đảng là làm sao kéo dài sự tồn tại của đảng, cụ thể là sự duy trì quyền lực độc tôn của đảng trong lúc tình hình thế giới và quốc nội đang ngày càng bất lợi cho đảng. Có thể nói không quá rằng, với đảng CSVN bây giờ, những “lý tưởng cách mạng” như độc lập dân tộc, xây dựng xã hội công bằng và văn minh đều đã bị vứt vào sọt rác, chỉ còn dùng làm khẩu hiệu tuyên truyền để lừa bịp người dân ít học và che đậy ý đồ thật sự của đảng là sự độc tôn quyền lực của một nhóm đảng viên chóp bu vinh thân phì gia trên nỗi thống khổ của cả dân tộc và sự tụt hậu đáng sợ của đất nước.
Có lẽ vì thế, cuộc tranh giành quyền lực dán nhãn “đại hội đảng toàn quốc” diễn ra rầm rộ hiện nay không được nhiều người dân quan tâm, hoặc chỉ quan tâm ở mức khán giả xem tuồng bởi vì chính người dân – và thậm chí hàng triệu đảng viên cấp cơ sở – chẳng hề có tiếng nói hay vai trò gì trong cuộc tranh giành đó. Mối quan tâm của họ, lạ thay, lại hướng tới cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính ở nước Mỹ xa xôi bên kia đại dương, gửi vào đó những khát vọng, những ao ước rất trái ngược nhau.
Cuộc tranh giành quyền lực tại đại hội lần này có vẻ quyết liệt hơn các đại hội trước. Theo thông lệ, việc chọn người vào các cơ quan chóp bu của đảng là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư phải hoàn tất vào kỳ họp cuối cùng của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng nhiệm kỳ hiện hành, trước khi đại hội toàn quốc chính thức khai mạc và đại hội chỉ bỏ phiếu như một thủ tục phê chuẩn sự lựa chọn của Ban Chấp Hành Trung Ương.
Nhưng lần này, Hội Nghị 14 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khai mạc hôm 18 Tháng Mười Hai đã không hoàn tất được việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là những người sẽ nắm các chức vụ cao nhất, thường gọi là “tứ trụ” (tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội), phải dừng họp sớm hai ngày và có thể phải họp Hội Nghị 15 vào Tháng Giêng, 2021, trước khi mở Đại Hội 13.
Ông Nguyễn Phú Trọng, đã quá tuổi và sức khỏe yếu kém, có chịu rút lui hay không; ông Trần Quốc Vượng – thường trực Ban Bí Thư, và ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng, ai sẽ thay ông Trọng… là những đề tài đang được những cây bút hiếu kỳ bàn tán trên mạng. Rồi trong danh sách được rò rỉ ra, các phe nắm kinh tế đang có vẻ lấn lướt phe cầm súng, phe các tỉnh Bắc Trung Phần lấn lướt phe Nam Bộ… cũng là những đề tài bàn tán như vậy. Bàn chỉ để bàn thôi vì chính trị chóp bu của Việt Nam, cũng như của các nước độc tài Cộng Sản khác, là những chiếc hũ nút kín không bao giờ minh bạch mà người ngoại cuộc không thể xác quyết được.
Giữ quyền thống trị bằng lừa dối và đàn áp
Nhưng cho dù phe nào, nhóm nào lên cầm quyền tối cao thì mục tiêu của đảng Cộng Sản cũng không thay đổi: giữ chặt quyền lực bằng phương thức trấn áp tàn bạo và tuyên truyền xuyên tạc. Từ đầu năm 2020 đến nay, guồng máy tuyên truyền của đảng đã chạy hết tốc lực để tuyên truyền về Đại Hội 13, đánh bóng những thành tích mà Việt Nam đạt được “dưới sự lãnh đạo của đảng.”
Sự kiện Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19 được thổi lên thành một “điển hình,” một điểm son của đảng CSVN kiểu như “chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ” vào lúc Mỹ và phương Tây phải chật vật đối phó với con virus Corona dù giàu có và hùng mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần. Trong phong trào tụng ca đó báo chí Việt Nam hoàn toàn lờ đi những thực tế rằng người Việt có thói quen mang khẩu trang vì không khí ô nhiễm, vô hình trung hạn chế được sự lây nhiễm virus, và quan trọng hơn, họ lờ chuyện chính quyền Việt Nam viện cớ chống dịch để đóng băng sinh hoạt của nhiều thành phố, đẩy người dân và nền kinh tế vào cảnh lụn bại rất thương tâm.
Bên cạnh guồng máy tuyên truyền khổng lồ với hàng nghìn đầu báo và đài truyền hình, chính quyền CSVN còn ra sức ngăn chặn những thông tin “trái chiều” bất lợi cho đảng trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube. Nên để ý ở Việt Nam, hai mạng xã hội Mỹ này là nền tảng truyền thông chủ yếu, nơi người dân tiếp nhận tin tức, còn đài truyền hình nhà nước chỉ là nơi người ta xem các chương trình giải trí, trò chơi.
Ngay từ Tháng Tư năm nay, Facebook đã bị nhà cầm quyền Việt Nam hạn chế lưu lượng truy cập máy chủ, buộc công ty có trụ sở tại California phải hợp tác thực hiện việc kiểm duyệt của chính quyền. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông, hồi Tháng Mười đã khoe rằng: “Trong năm 2020 Facebook đã gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo, gỡ bỏ trên 2,000 bài viết có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%.” Với YouTube thuộc Google cũng vậy, “từ Tháng Bảy, 2019, đến hết Tháng Chín, 2020, Google ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 24/62 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá nhà nước Việt Nam chứa 11,212 video clip vi phạm; tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 90%,” báo Công An TP.HCM trích lời ông Hùng.
Không chỉ dập tắt những tiếng nói trái chiều trên mạng, những tháng trước đại hội là thời gian guồng máy bạo lực của đảng CSVN tăng tốc hoạt động, vì đảng cho rằng đây là thời kỳ các “thế lực thù địch” tăng cường quấy phá, hoạt động chống đảng. Nếu tuyên truyền là biện pháp “mềm” thì sử dụng công an và tòa án để trấn áp bắt bớ là biện pháp cứng. Chỉ trong vài tháng qua đã có khá nhiều những gương mặt nổi bật về phản biện xã hội hoặc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị bắt, cùng với một tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước.”
Nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị bắt hồi Tháng Mười, tiếp sau vụ bắt các cây bút thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn; gần đây nhất là vụ bắt nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhiều người viết Facebook ít tên tuổi hơn như bà Lê Thị Bình ở Cần Thơ, Nguyễn Văn Lâm ở Nghệ An và xử tù các cá nhân điều hành nhóm Facebook Bàn luận Kinh tế gồm Nguyễn Đăng Thương, Huỳnh Anh Khoa và Trần Trọng Khải. Các nhân vật lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập được biết sẽ hầu tòa vào ngày 5 Tháng Giêng, 2021 sắp tới.
Nhưng tàn bạo nhất có lẽ là vụ đàn áp người dân xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội vào đầu năm nay và phiên tòa đầy oan ức bất công xử 29 người dân sau đó. Tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền là căn bệnh trầm kha của chế độ Cộng Sản, vụ Đồng Tâm là đỉnh điểm của một mâu thuẫn không thể thỏa hiệp được nếu không xóa bỏ gốc rễ của nó là luật đất đai theo học thuyết Cộng Sản “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.” Hơn thế nữa, với vụ đàn áp tàn bạo ở Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội cho thấy đảng CSVN không chấp nhận bất kỳ ai chống đối quyền lực của họ, không chấp nhận đối thoại hoặc phản biện ôn hòa.
Đừng hy vọng hão huyền
Đã có không ít người hy vọng, Đại Hội 13 của đảng CSVN sẽ mang lại một thay đổi nào đó cho tình hình bi đát của đất nước.
Với đảng CSVN, vì nước vì dân không phải là một lựa chọn, và điều đó cũng thể hiện ngay trong Đại Hội 13 này.
Tương lai của đất nước thật là mờ mịt!
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dai-hoi-13-dang-csvn-dung-hy-vong-thay-doi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét